Nông dân vùng cao Nghệ An đốt lửa, chế biến thức ăn chống rét cho vật nuôi

May Huyền - Bá Hậu - Vi Mận 12/12/2019 17:49

(Baonghean.vn) - Mùa đông năm nay đến muộn hơn so với mọi năm nhưng rét lạnh tăng cường, liên tục, nên nhiều xã vùng cao, vùng biên giới nhiệt độ xuống thấp dưới 12 độ C, thậm chí xuống đến 5 - 8 độ C vào sáng sớm và ban đêm. Nhằm bảo vệ đàn vật nuôi, các địa phương đã có nhiều biện pháp, phòng chống đói, rét...

Mới 16h30, đàn vật nuôi với 15 con trâu, bò của gia đình ông Lương Văn Núi ở bản Cửa Rào 1 xã Xá Lượng, huyện Tương Dương đã được đưa vào chuồng sưởi ấm. Ông Núi cho biết: Trong thời gian này, nhiệt độ vào sáng sớm và chiều tối thường xuống thấp từ 12 - 80C, nên gia đình ông thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Đó là cho vật nuôi ăn uống đủ chất, chỉ chăn thả lúc mặt trời lên, vào buổi sáng và chiều phải cho vật nuôi vào chuồng, đốt lửa sưởi ấm; tuân thủ giữ vệ sinh chuồng trại luôn khô thoáng. Ngoài ra phải dự trữ thức ăn khô, trồng thêm nhiều loại cỏ từ đầu mùa, hạn chế cho vật nuôi ra ngoài ăn tránh lạnh và trúng sương.

Người dân chuẩn bị thức ăn, che chắn chuồng trại cho trâu bò. Ảnh: May Huyền
Người dân Tương Dương chuẩn bị thức ăn, che chắn chuồng trại cho trâu bò. Ảnh: May Huyền

Ở xã Tam Quang hiện có khoảng 800 hộ chăn nuôi gia súc, với trên 4 nghìn con, là một trong những địa phương đi đầu trong chăm sóc và phát triển đàn vật nuôi ở huyện Tương Dương. Do được xã tuyên truyền từ đầu mùa, người dân đã trồng được 48 ha cỏ và dự trữ sẵn rơm, ngô đảm bảo thức ăn cho trâu bò; thường xuyên lùa đàn tập trung về theo nhóm để đốt lửa sưởi ấm. Đồng thời triển khai đúng lịch tiêm phòng cho vật nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Rút kinh nghiệm từ những năm trước đây, đã có nhiều xã có trâu, bò bị chết do đói, rét và dịch lở mồm long móng, tụ huyết trùng; Năm nay huyện Tương Dương triển khai sớm nhiều giải pháp đến tận các thôn, bản cho người dân. Theo đó chỉ đạo các xã tuyên truyền cho người dân; nếu nhiệt độ xuống thấp dưới 120C thì không được thả trâu bò sớm và không cho gia súc cày kéo vào thời điểm rét đậm, rét hại. Từ đầu năm đến nay, huyện cũng đã vận động nhân dân trồng được hơn 100 ha cỏ các loại, dự trữ rơm khô và cấp ngô giống cho các hộ dân sản xuất trên 49,4 ha đất 2 lúa để tăng nguồn thức ăn cho vật nuôi.

Ở bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, Con Cuông có gần 500 con trâu, bò; những ngày này, bà con đã thực hiện nuôi nhốt trâu, bò ở chuồng trại kín gió và cho ăn uống đầy đủ. Theo chia sẻ của ông Lô Xuân Nội ở bản Khe Rạn, xã Bồng Khê: “Trước đây bất kể mưa rét, trâu, bò được thả ăn trên núi nên chúng thường bị lạnh, đói, có trường hợp bị chết. Được cán bộ tuyên truyền, gia đình chủ động nuôi nhốt trâu bò, che chắn tránh gió trong những đợt rét đậm, cho ăn đủ dinh dưỡng để đảm bảo sinh trưởng”.

Người dân xã Môn Sơn gia cố, che chắn chuồng trại cho trâu, bò. Ảnh Bá Hậu
Người dân xã Môn Sơn gia cố, che chắn chuồng trại cho trâu, bò. Ảnh Bá Hậu

Tại xã vùng cao biên giới Môn Sơn, để chủ động đối phó với thời tiết bảo vệ đàn trâu bò gần 2.000 con trên địa bàn xã, ngay từ đầu mùa Đông, xã đã vận động bà con đưa trâu bò về nhà, nuôi nhốt trong chuồng, không thả rông trong rừng; Hướng dẫn người dân gia cố, che chắn lại chồng trại; chủ động nguồn thức ăn và tiêm phòng định kỳ cho trâu, bò.

Theo thống kê, hiện nay huyện Con Cuông có tổng đàn trâu hơn 16 nghìn con; bò 14.779 con; đàn lợn hiện có gần 29 nghìn con; đàn gia cầm có 400 nghìn con. Ngoài việc phòng chống rét cho đàn gia súc, huyện tiếp tục khuyến cáo người dân chăn nuôi theo hướng tập trung kết hợp bán chăn thả, vỗ béo. Tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, làm tốt công tác tiêm phòng vệ sinh thú y không để dịch bệnh xảy ra.

Anh Vi Văn Nghi ở bản Thái Sơn 2, xã Môn Sơn chế biến thức ăn cho trâu bò trong từ cây chuối, cỏ voi. Ảnh: Bá Hậu
Anh Vi Văn Nghi ở bản Thái Sơn 2, xã Môn Sơn chế biến thức ăn cho trâu bò từ cây chuối, cỏ voi. Ảnh: Bá Hậu

Năm nay rét đậm, rét hại dự báo sẽ còn khắc nghiệt và còn kéo dài. Vì vậy, sự vào cuộc của các ban, ngành, chính quyền địa phương và đặc biệt là ý thức của người dân trong việc bảo vệ đàn vật nuôi là rất cần thiết. Có như vậy đàn vật nuôi mới hạn chế thiệt hại đối với đàn gia súc, gia cầm trong mùa đông giá rét./.

May Huyền - Bá Hậu - Vi Mận