Đô Lương chú trọng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới
(Baonghean) - Đến cuối năm 2019, Đô Lương có 21/33 xã, thị được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 35 tiêu chí so với năm 2018, nâng tổng số toàn huyện đạt 557 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 17,4 tiêu chí, trong đó có 23 xã đạt 19 tiêu chí; riêng tiêu chí môi trường có 26 xã đã đạt chuẩn.
Môi trường (tiêu chí số 17) là một trong những tiêu chí cần thiết và quan trọng trong Bộ tiêu chí Quốc gia của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu chung của tiêu chí này là bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường khu vực nông thôn... Có thể nói, đây là một tiêu chí khó đạt nhất, khó giữ vững ngay cả ở những xã đã đạt chuẩn.
Hội LHPN huyện Đô Lương tổ chức tuyên truyền về phong trào chống rác thải nhựa. Ảnh: Hoàng Phi |
Lâu nay, “Thùng rác không túi nilon, tủ đông không rác thải nhựa” là phương châm của Hội Phụ nữ xã Ngọc Sơn trong phong trào “chống rác thải nhựa”. Đến nay đa số gia đình hội viên lượng túi nilon trong thùng rác đã giảm hẳn; việc bảo quản thức ăn trong tủ lạnh cũng được cất trữ trong các hộp nhựa, thủy tinh đảm bảo cho sức khỏe. Việc thu gom phế liệu, “biến phế liệu thành việc có ích” được phát động 9/9 chi hội phụ nữ, tổ chức 3 tháng/lần thông qua buổi sinh hoạt định kỳ; từ nguồn quỹ này, hội viên có hoàn cảnh khó khăn được tặng làn nhựa, con giống, thẻ bảo hiểm... Qua triển khai, các mô hình đã góp phần nhà cửa thêm sạch, mỹ quan đường làng, ngõ xóm.
Với những việc làm trên, xã Ngọc Sơn đã cơ bản hoàn thành tiêu chí môi trường, cuối năm 2019 đã được tỉnh thẩm định và công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Dù đã về đích NTM nhưng hiện nay xã vẫn đang nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế như thói quen đổ rác thải bừa bãi, tư tưởng “sạch nhà, bẩn ngõ” của một bộ phận người dân khiến tình trạng ô nhiễm từ rác thải vẫn còn xảy ra. Để khắc phục và giữ vững tiêu chí môi trường nhằm nâng cao chất lượng nông thôn mới, đầu tháng 12/2019, Hội Phụ nữ xã đã ra mắt mô hình điểm “phân loại rác tại nguồn và hạn chế sử dụng rác khó phân hủy” tại xóm Đồng Tâm. 38 thành viên tham gia được Hội tặng làn nhựa đi chợ, 2 thùng đựng rác để phân loại rác tại nguồn; kinh phí được cấp từ ngân sách huyện và quỹ “Sự nghiệp môi trường” của xã.
Được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2018, thời gian qua xã Trung Sơn luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường theo hướng bền vững và được người dân đồng tình hưởng ứng. Đây cũng là một trong những địa phương thay đổi rõ nét về cảnh quan môi trường qua các phong trào: “Tuyến đường phụ nữ tự quản, chung tay xây dựng nông thôn mới”; “Nhà sạch, vườn đẹp, ngõ văn minh”;... Đặc biệt, với mô hình “Thu gom phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh tại hộ gia đình” đã từng bước nâng cao tiêu chí môi trường; hiện toàn xã đã có 165 hộ gia đình thực hiện mô hình này. Hố rác có 2 loại cố định hoặc di động, được thiết kế tùy theo lượng rác của gia đình; hố rác rộng khoảng 60 cm, sâu 50cm và phải có nắp đậy. Sau khi phân loại, các loại rác hữu cơ được đưa vào hố dùng men vi sinh để xử lý.
Mô hình thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh tại hộ gia đình ở xã Trung Sơn (Đô Lương). Ảnh: Ngọc Anh |
Sau một thời gian, rác phân hủy có thể làm phân bón cho cây trồng. Mô hình này được bà con đánh giá dễ làm, kinh phí ít, có lợi ích bảo vệ môi trường và có tác dụng tái sử dụng cho phát triển trồng trọt.
“Mục tiêu của mô hình phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác hữu cơ rác bằng công nghệ sinh học tại hộ gia đình là giảm tải lượng rác thải thu gom và xử lý ở bãi rác tập trung; xử lý giảm thiểu mùi hôi do các chất thải hữu cơ phân hủy ở các bãi gom, hạn chế phát sinh nước rỉ rác gây ô nhiễm nước mặt và nước ngầm; tái sử dụng rác hữu cơ sau xử lý làm phân bón hữu cơ phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương. Đồng thời tiết kiệm ngân sách phục vụ xử lý rác thải trên địa bàn và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho từng cá nhân, hộ gia đình”.
Các địa phương trong huyện Đô Lương có nhiều hoạt động chung tay vì môi trường. Ảnh: Ngọc Phương |
Qua thực tiễn triển khai, hầu hết các xã đều đánh giá môi trường là tiêu chí “mềm” nhưng khó đạt được. Nhưng với nhiều giải pháp thiết thực, tiêu chí này đã được huyện Đô Lương thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các chỉ tiêu về môi trường đều đạt so với quy định. Đến nay, tỷ lệ cư dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 99%; thu gom rác thải, chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch; tỷ lệ hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm đạt cao...
Ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Với quyết tâm chính trị cao và sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đến cuối năm 2019, huyện đã có 21/33 xã, thị được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2019 tăng 35 tiêu chí so với năm 2018, nâng tổng số toàn huyện đạt 557 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 17,4 tiêu chí, trong đó có 23 xã đạt 19 tiêu chí; riêng tiêu chí môi trường có 26 xã đã đạt chuẩn...