Dồn điền, đổi thửa để cơ giới hóa vùng mía Tân Kỳ

Bài: Xuân Hoàng - KT: Lâm Tùng 17/12/2019 06:21

(Baonghean) - Từ khâu làm đất, chăm sóc đến thu hoạch ở các vùng nguyên liệu mía của Công ty CP mía đường Sông Con đã được cơ giới hóa. Điều đó đòi hỏi các địa phương phải tiếp tục dồn điền, đổi thửa để thuận lợi cho việc đưa cơ máy móc vào sản xuất mía.

Lợi ích thu hoạch mía bằng máy

Những ngày đầu tháng 12 này, bà con nông dân huyện Tân Kỳ bắt đầu thu hoạch mía nguyên liệu. Khác với trước, vụ này Công ty cổ phần Mía đường Sông Con đưa máy thu hoạch về phục vụ bà con. Do vậy, người trồng mía giảm áp lực phải chờ đợi nhân công thu hoạch mía như trước.
Phấn khởi trước ruộng mía đang được thu hoạch bằng máy, ông Nguyễn Bá Quý - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sông Con cho biết: Vụ ép 2019 - 2020, Công ty bắt đầu thu mua mía nguyên liệu cho bà con nông dân từ ngày 1/12. Điều đáng mừng là từ khi chạy thử đến nay, máy thu hoạch mía hoạt động tốt, phù hợp với cánh đồng mía ở Tân Kỳ. Vì vậy, người trồng mía đăng ký thu hoạch bằng máy ngày càng nhiều, cho dù máy hoạt động hết công suất vẫn không kịp.

Thu hoạch bằng máy giải quyết được nhiều vấn đề, đó là giải quyết được thực trạng thiếu lao động thu hoạch mía như từ trước đến nay; hạn chế đến mức tối đa thất thoát mía; những ruộng mía lưu gốc rất thuận lợi cho việc chăm sóc… Nhận thấy những thuận lợi đó, phần lớn những hộ có ruộng mía từ 3 sào trở lên đều đăng ký thu hoạch bằng máy. Tuy nhiên do vụ đầu chạy thử, Công ty mới đưa về 1 máy, nên trước mắt chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.

Thu hoạch mía nguyên liệu bằng máy. Ảnh: Xuân Hoàng
Thu hoạch mía nguyên liệu bằng máy. Ảnh: Xuân Hoàng

Hàng trăm người là cán bộ các xã, cùng bà con nông dân có mặt tại ruộng để tận mắt chứng kiến chiếc máy thu hoạch mía. Ông Nguyễn Thanh Phương - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hoàn cho hay, xã đã thông báo cho các bí thư, xóm trưởng và những hộ có nhiều diện tích mía đến xem thực tế. Qua đó cho thấy, phần lớn bà con có mặt tại ruộng chứng kiến, đồng thời tham khảo mức giá giữa thu hoạch bằng máy với sức người và cách tính tạp chất.

Tuy nhiên, bà con cho rằng, với mức giá bà con phải trả 170.000 đồng/tấn là chấp nhận được, hơn nữa thu hoạch bằng máy có nhiều thuận lợi hơn so với thu hoạch bằng sức người. Bên cạnh đó, để đáp ứng được yêu cầu của thu hoạch bằng máy, đòi hỏi mía phải trồng bằng máy, hàng đôi, do vậy những năm tới đây địa phương sẽ tiếp tục vận động bà con dồn điền, đổi thửa, tạo thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới vào sản xuất mía.

Chuyển đổi ruộng đất, tạo cánh đồng lớn trồng mía cho hiệu quả cao. Ảnh: Tư liệu
Chuyển đổi ruộng đất, tạo cánh đồng lớn trồng mía cho hiệu quả cao. Ảnh: Tư liệu

Xã Nghĩa Phúc là địa phương có khá nhiều diện tích mía nguyên liệu, nên được chính quyền xã quan tâm khi biết tin Công ty đưa máy thu hoạch mía về chạy thử. Ông Đặng Xuân Nam – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phúc cho rằng: Để mía thu hoạch được thuận lợi đòi hỏi mía phải được trồng bằng máy. Do vậy, thời gian tới địa phương tiếp tục vận động người dân dồn điền, đổi thửa, tạo thành những ô thửa lớn, tạo điều kiện thuận lợi áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, chăm sóc đến thu hoạch. Hiện tại, Nghĩa Phúc đã có 50/160 ha mía được trồng tập trung, áp dụng được cơ giới.

Bà Đặng Thị Tịnh ở xóm Xuân Sơn, xã Nghĩa Hoàn cũng khẳng định: Gia đình có 3 ha mía lưu gốc vụ 1, đã đến kỳ thu hoạch. Qua xem chạy thử nghiệm máy thu hoạch cho thấy, mía được chặt sát gốc, trong khi đó nếu thu hoạch bằng sức người, phần gốc còn lại cao khoảng 3 – 5 cm nên không những giảm năng suất mà còn mía lưu gốc sẽ nảy mầm phía trên mặt đất, không đảm bảo. Hơn nữa, thu hoạch bằng máy sẽ được vận chuyển về nhà máy ngay, không phải chờ nhiều ngày như trước.

Clip trình diễn máy bơm trong sản xuất mía và thu hoạch mía bằng máy của Công ty cổ phần Mía đường Sông Con. Clip: Quang An, KT: Lâm Tùng


Diện tích mía trồng tập trung chưa nhiều

Hiện nay, vùng mía nguyên liệu trên địa bàn Tân Kỳ đã có gần 1.000 ha được trồng tập trung trên cánh đồng lớn tại các xã vùng bãi: Nghĩa Đồng, Nghĩa Hoàn, Giai Xuân, Tân Xuân, Nghĩa Phúc… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Quý – Phó Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sông Con, so với thực tế là chưa nhiều, bởi các xã vùng bãi này có khoảng 2.000 ha có thể xây dựng được cánh đồng lớn. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục dồn điền, đổi thửa để tạo thành những cánh đồng mía tập trung, thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Việc áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất đến chăm sóc, thu hoạch, sẽ giúp tăng năng suất cho cây mía, giảm sức lao động cho bà con nông dân.

chú thích
Áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất đến chăm sóc, thu hoạch, sẽ giúp tăng năng suất cho cây mía, giảm sức lao động cho bà con nông dân. Ảnh: Xuân Hoàng
Ngoài thu hoạch bằng máy, mới rồi công ty đã chạy thử nghiệm máy phun thuốc trừ sâu hiện đại tại cánh đồng mía tập trung ở xã Nghĩa Đồng, cho thấy rất thuận lợi. Như vậy, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất mía đã giúp người trồng mía giảm được chi phí đầu vào, đồng thời tăng năng suất mía, đây là điều kiện để bà con nông dân bám cây mía ổn định cuộc sống. “Trồng mía nếu đạt năng suất 100 tấn/ha trở lên thì trên vùng đất bãi không có cây trồng nào cho thu nhập cao hơn” - nông dân Nguyễn Thị Tịnh ở xóm Xuân Sơn, xã Nghĩa Hoàn khẳng định.

Vụ ép 2019 – 2020, Công ty cổ phần Mía đường Sông Con bắt đầu hoạt động thu mua mía nguyên liệu đưa vào sản xuất từ ngày 1/12. Tuy nhiên, do thị trường mía nguyên liệu chưa có giá thu mua cụ thể, do vậy trước mắt Công ty trả cho người trồng mía với giá 780.000 đồng/tấn không phân loại cho đến ngày 15/12 (tại ruộng), ngoài ra còn có chính sách hỗ trợ 20.000 đồng/tấn. Thời gian sau đó, Công ty sẽ áp dụng giá thu mua cụ thể, tuy nhiên phía công ty sẽ áp dụng mức giá tối đa so với giá thị trường, nhằm tạo điều kiện cho người trồng mía có thêm thu nhập.

Ông Nguyễn Bá Quý – Phó Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sông Con

Theo kế hoạch, niên vụ 2020 - 2021, vùng mía nguyên liệu của Công ty cổ phần Mía đường Sông Con sẽ trồng mới 2.200 ha. Ngoài áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất mía, vụ mía tới đây, công ty sẽ đưa một số giống mía mới vào trồng như: LK 9211, SRI 2… những giống mía mới này có đặc điểm năng suất cao, chất lượng đảm bảo, tái gốc tốt, kháng được sâu bệnh.

Bài: Xuân Hoàng - KT: Lâm Tùng