Bỏ việc lương cao, kỹ sư Nghệ An về quê nuôi gà bằng... tảo xoắn, dế, thảo dược
(Baonghean.vn) - Với mong muốn xây dựng thương hiệu gà sạch, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, anh Lê Văn Dương ở xóm Tân Giang, xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu đã thay hình thức chăn nuôi từ sử dụng thức ăn công nghiệp, thuốc kháng sinh sang hoàn toàn bằng thảo dược như tảo xoắn, dế, thảo dược...
Là một kỹ sư thực phẩm và có công việc, mức lương cao nhưng với niềm đam mê chăn nuôi nên đầu năm 2014, anh Lê Văn Dương đã về quê hương xin địa phương cho thuê 1 ha vùng đất trống ở khu vực ven biển, để cải tạo xây dựng trang trại chăn nuôi gà kết hợp với trồng các loại rau củ sạch.
Trang trại của anh Dương có hơn 2.000 con gà. Ảnh: Hồng Diện |
Lúc mới khởi nghiệp, anh nuôi gà thương phẩm nhưng chăm sóc theo phương thức truyền thống, đó là sử dụng nhiều thuốc kháng sinh và cho vật nuôi ăn thức ăn công nghiệp. Tuy cách nuôi này, gà tăng trọng nhanh, cho thu nhập cao, nhưng anh nhận thấy nguồn thực phẩm cung ứng ra thị trường lại không được sạch.
Chính vì thế, anh Dương trăn trở tìm một hướng phát triển mới cho thương hiệu gà của mình. Bằng sự tìm tòi, tích cực nghiên cứu, học hỏi nên năm 2018, anh Dương đã bắt đầu nuôi gà thử nghiệm bằng thảo dược.
Anh đã sử dụng cà gai leo, chùm ngây, tía tô, lá lốt, ngãi cứu, lá mơ, sả tươi... xay nhỏ xáo trộn vào thức ăn cho gà ăn hàng ngày. Đối với thức ăn thì anh đi thu gom xương bò, lợn ở các nhà hàng về phơi khô, đập bột rồi đem trộn với bột đậu tương, bột cá, cám ngô, cám gạo, dế mèn, ngô, đậu tương, bột cá và c đã nấu chín… Sau đó, tiến hành ép thành viên với 2 tạ thức ăn mỗi ngày.
Thảo dược được anh Duong tự trồng và cho gà ăn hàng ngày. Ảnh: Hồng Diện |
Đặc biệt, anh còn sử dụng bột tảo xoắn - loại thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, cộng với cây hoàn ngọc và men tiêu hóa tự gia đình sản xuất cho gà ăn nhằm có lợi cho đường ruột, kích thích tiêu hóa tốt.
Anh Lê Văn Dương chia sẻ:Thức ăn công nghiệp trong đó có chất bảo quản, chất tăng trọng với có cả kháng sinh nữa nên không tốt cho người tiêu dùng thực phẩm. Bên cạnh đó, nuôi bằng hình thức thông thường gà dễ mắc bệnh và khi uống nhiều kháng sinh sẽ bị nhờn thuốc. Vì thế, ngoài tự học hỏi thì có người thân làm thầy thuốc đông y nên bản thân cũng tích lũy được chút kiến thức nên đã mạnh dạn nuôi gà bằng thảo dược và thật sự đã giảm vi khuẩn gây bệnh cho gà được rõ rệt, gà phát triển khỏe mạnh hơn.
Mỗi khi giao mùa, gà hay bị bệnh về hô hấp, bệnh viêm hoại tử niêm mạc ruột do vi khuẩn thì anh lấy các loại lá sả, lá mật gấu, chùm ngây, nhân trần, cam thảo, cà gai leo đã có sẵn trong vườn nhà, kết hợp với củ gừng, tỏi đập dập cho vào 3 nồi điện trong trang trại để xông cho gà. Đồng thời, lấy nước thảo dược cho gà uống. Khi gà phát triển bình thường thì cứ 1 tuần, anh xông 2 lần giúp cho gà hô hấp tốt hơn.
Chưa dừng lại ở đó, để đáp ứng tốt lượng thức ăn, bổ sung hàm lượng đạm tự nhiên cho gà, anh Dương còn xây dựng trang trại nuôi dế trên diện tích 520 m2. Thức ăn của dế cũng đòi hỏi người nuôi phải kỹ lưỡng trong công tác lựa chọn, đảm bảo sạch, bởi nếu vướng hóa chất thì dế sẽ rất dễ chết. Do vậy, anh chỉ cho dế ăn rau cỏ mà gia đình tự trồng.
Mô hình nuôi dế để làm thức ăn cho gà. Ảnh: Hồng Diện |
Anh Dương cho biết, gà nuôi bằng thảo dược kết hợp với thức ăn anh tự làm thì thời gian từ 4,5 - 5 tháng gà mới xuất bán được, chậm hơn 1 tháng so với khi cho ăn thức ăn công nghiệp, nhưng bù lại chất lượng trứng và gà thịt lại thơm ngon, hàm lượng omega 3 cao hơn so với cách nuôi thông thường.
Hơn nữa, với việc tự làm men khử mùi nên chuồng trại của anh Dương không có mùi hôi thối, môi trường nuôi sạch sẽ. Nhờ cách nuôi mới này mà trang trại với tổng số 3.000 con gà đẻ của anh luôn sinh trưởng rất khỏe mạnh.
Cho đến thời điểm này, anh Dương là người đầu tiên ở xã Quỳnh Bảng nuôi gà bằng thảo dược và mô hình phát triển rất tốt, cho thực phẩm sạch, an toàn và được xã đánh giá cao. Do vậy địa phương đang có nhiều phương thức tuyên truyền, vận động, khuyến khích các hộ nuôi khác cùng học tập và áp dụng, đầu tư chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, an toàn sinh học.