Đằng sau những chiến thắng nghẹt thở của HLV Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam (kỳ 3)
(Baonghean.vn) - Ở 2 bài viết trước, chúng ta đã đến với những bí quyết của HLV Park về cách xử lý xung đột về văn hóa, cải thiện thể lực và khắc phục điểm yếu của các cầu thủ. Còn ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng đến với một phương pháp huấn luyện đặc biệt, giúp ĐT Việt Nam giành chiến thắng một cách đầy gay cấn.
HLV Park Hang-seo tiết lộ nhiều bất ngờ về bóng đá Việt Nam
(Baonghean.vn) - Trong một cuốn sách có thuật lại những chia sẻ của HLV Park Hang-seo về quá trình làm việc tại Việt Nam, HLV người Hàn Quốc tiết lộ việc đầu tiên ông làm khi tiếp quản đội tuyển Việt Nam là thay đổi thói quen ăn uống của cầu thủ.
Huấn luyện tình huống vô cùng gay cấn
Kết thúc VCK U23 châu Á 2018, sự tự tin của các cầu thủ Việt Nam tăng lên đột biến là sự thật. Trước hết, các cầu thủ không còn nhìn ngang liếc dọc về phía ghế của HLV Park Hang-seo. Nếu không có sự tự tin thì cho dù có lỗi rất nhỏ hay cả khi không mắc lỗi, họ cũng nghĩ mình có lỗi rồi chán nản.
Trong trận thắng Qatar và hành động giang tay ăn mừng chiến thắng của cầu thủ Vũ Văn Thanh là một hình ảnh đầy ấn tượng cho thấy sự tự tin của các cầu thủ Việt Nam. Và hình ảnh HLV Park Hang-seo ngồi bên ghế cũng rất thư thái.
HLV Park tâm sự: “Tôi học được một điều lớn lao từ HLV Hiddink từ năm 2002, đó là việc liên quan đến vai trò của cầu thủ. Các cầu thủ trong trận đấu phải biết rõ vai trò của mình là gì, nếu cầu thủ tấn công phải hoàn thành chính xác nhiệm vụ của mình, tiền vệ, hậu vệ nếu không biết vai trò của mình là gì thì sẽ không thể nào phát huy được năng lực. Việc giúp cho các cầu thủ làm việc này đó chính là thể lực và tinh thần”.
Thời gian làm trợ lý cho HLV G. Hiddink, HLV Park đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu. Ảnh: KFA |
Một trong những ví dụ được HLV Park Hang-seo đưa về yếu tố tinh thần chính là huấn luyện những tình huống vô cùng gay cấn: “Thời kỳ tôi còn là cầu thủ, nếu đội của tôi đang thua, HLV thường chỉ thị “Này, di chuyển nhanh lên”. Nhưng cầu thủ không biết là di chuyển nhanh như thế nào, di chuyển ra sao. Nó rất chung chung.
Năm 2002, HLV Hiddink đã cho lời giải đáp cho ĐT Hàn Quốc. Ông chia ra hai đội và để chúng tôi tập luyện như đang đá thật. Đột nhiên, ông ấy bắt dừng trận đấu và hỏi cầu thủ hai đội. Còn 10 phút nữa thôi, các anh sẽ dùng chiến lược nào. Vì là đang thua nên tâm trạng gấp gáp khiến chúng tôi có rất nhiều ý kiến.
Ý kiến này được đưa cho đội thắng và ông nói: “Tôi sẽ đổi chiến lược này cho đội kia, các cầu thủ sẽ ứng phó thế nào? Bằng cách nào?”. Bằng cách đó, ông nghe ý kiến của hai bên và tiếp tục trận đấu. Có nghĩa là các cậu hãy chơi như các cậu đã nói. Như vậy được khoảng 2,3 phút, ông lại bắt dừng trận đấu.
HLV Park Hang-seo luôn có nhiều phương án cho đội tuyển. Ảnh: TK |
Sau đó, ông lại hỏi ý kiến của hai đội: “Thời gian còn lại các cậu định đổi chiến lược như thế nào? Điểm thuận lợi như các cậu đã nghĩ là gì và không được lợi là gì”. Rồi ông lại nghe ý kiến của hai đội và đưa ra kết luận của mình”.
Và HLV Park Hang-seo đã áp dụng phương pháp huấn luyện này tại Việt Nam. Ông gần như làm theo hết. Ở Việt Nam, HLV Park chia nhỏ hơn. Khi thắng 1-0 và một người bị đuổi khỏi sân, chỉ còn 10 phút, thua 0-2 mà lại còn có 5 phút là trận vòng 1/8 nếu thua coi như bị loại.
HLV Park đưa cho các cầu thủ những tình huống rất cụ thể như vậy và hỏi, nếu là các cậu thì các cậu sẽ chơi như thế nào trong các tình huống đó. Và yêu cầu các cầu thủ hay thực hiện như những gì mình hình dung rồi huấn luyện cầu thủ như đang đá thật. Sau đó, phân tích cho các cầu thủ từng li từng tí những gì có thể dùng được khi ra sân thi đấu, đưa ra những vấn đề của đội và cá nhân.
HLV Park Hang-seo. Ảnh: AFC |
Mục đích của HLV Park Hang-seo khi huấn luyện bằng phương pháp này là nâng cao cho các cầu thủ khả năng điều khiển trận đấu theo ý mình, thẩm thấu được chiến thuật theo tình huống và guồng của trận đấu.
Khi kết thúc huấn luyện 90 phút, HLV Park cho cầu thủ thêm khoảng 30 phút nữa. Nói cách khác, sau khi kết thúc thời gian đấu chính thức còn có hiệp phụ. Vừa là bổ sung thêm thể lực cho các cầu thủ. HLV Park đặt ra tình huống vô cùng cụ thể và cho các cầu thủ những tình huống đặc thù, đồng thời cho họ biết rõ vai trò của mình là gì, không còn cách nào khác.
Hiệu quả trông thấy từ cách huấn luyện đặc biệt
HLV Park kể lại: “Trong trận đấu Hàn Quốc với Italia vòng 16 đội ở World Cup 2002, trong phút thứ 18 của hiệp 1, chúng tôi bị dẫn 1 bàn nhưng cứ để thời gian trôi đi. Khi đó, tất cả những cầu thủ vào sân thay đều là cầu thủ tấn công. Ở phút 63, chúng tôi bỏ cầu thủ Kim Tae-young và đưa cầu thủ tấn công Hwang Son-hong vào. Ở phút 68, chúng tôi cho Lee Chun-soo cầu thủ tấn công cánh vào thay cho Kim Nam-il tiền vệ phòng ngự.
Phút 83, chúng tôi bỏ Hong Myeong-bo, đội trưởng và thay bằng cầu thủ Cha Du-ri. Sau đó chỉ còn lại cầu thủ phòng ngự đúng nghĩa là Choi Gin-cheul. Nếu thua là bị loại nên chúng tôi làm những điều mạo hiểm cùng cực như vậy. Phút 88, chúng tôi ghi bàn gỡ hòa và với một bàn thắng nữa ở hiệp phụ, coi như chúng tôi đã thành công trong canh bạc này một cách tuyệt vời.
ĐT U23 Việt Nam thắng kịch tính Iraq tại VCK U23 châu Á. Ảnh: VNE |
Tất nhiên, trong suốt thời gian đó, máu trong người chúng tôi như cạn khô. Thực tế, chúng tôi đã dự báo trước tình huống như vậy và đã tập luyện trước. Nếu chúng ta chuẩn bị một cách kỹ càng thì về mặt tâm lý và cơ thể, chúng ta sẽ không bị lung lay. Với Việt Nam, tại VCK U23 châu Á, vòng tứ kết với U23 Iraq và vòng bán kết đấu với Qatar, chúng tôi đã đạt được hiệu quả rất chính xác từ cách huấn luyện này”.
Trong trận đấu gặp Qatar, phút 87, U23 Việt Nam bị nhận bàn thua, nhưng cuối cùng thầy trò HLV Park Hang-seo gỡ hòa nhờ bàn thắng của Quang Hải và mọi chuyện giống như kỳ tích để tiến tới hiệp phụ.
HLV Park kể lại: “Sau này, khi tôi hỏi các cầu thủ thì họ nói, việc giả định ra tình huống cực kỳ gay cấn để tập luyện đã mang tới hiệu quả rất lớn. Từ lúc bắt đầu trận đấu cho tới tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, họ biết rõ vai trò của mình là gì và phải làm như thế nào nên họ không hề bị tác động. Chỉ cần làm đúng như khi tập luyện là được. Và cảm nhận được đúng tình huống này khi đá thật và sử dụng đúng như khi đã tập luyện”.
Chiến thắng trước Qatar tại VCK U23 châu Á 2018 là rất ấn tượng. Ảnh: AFC |
HLV trưởng ĐT Việt Nam phân tích thêm: “Trong bóng đá, có rất nhiều tình huống xảy ra nên cần phải dự phòng trước. Khi trận đấu tốt hoặc không tốt như tính toán, rồi vào thời điểm toàn bộ đội bóng bị suy giảm thể lực, khi đối phương thay đổi chiến thuật, chúng tôi phải xem xét tất cả những tình huống đó để đưa ra kế hoạch.
Đội mạnh là đội đã chuẩn bị được nhiều kế hoạch dự phòng trước khi đấu với đối phương. Nếu quan sát thấy đối phương thay đổi chiến thuật trong trận đấu thì chúng tôi cũng đổi chiến thuật. Tất nhiên, khi đối phương đổi chiến thuật mà lối chơi của chúng tôi vẫn thắng được thì chúng tôi vẫn sẽ đi đúng như vậy”.
Khi trận đấu không suôn sẻ hoặc khả năng tổ chức của cầu thủ lỏng lẻo, đội trợ lý sẽ dự báo chiến thuật lần này bị mắc ở nhiều phía. Khi đó, vấn đề chắc chắn sẽ phát sinh ngay trong mấy phút đầu của trận đấu. Khi theo dõi trận đấu này mà nhận thấy điều ấy, HLV Park và các trợ lý sẽ ra tín hiệu. HLV Park và các trợ lý trao đổi cảm nhận về sự thay đổi của trận đấu.
Pha đánh đầu của Thành Chung gỡ hòa 1-1 cho U22 Việt Nam trận gặp Indonesia. Ảnh: Hải Hoàng |
HLV Park chia sẻ: “Đôi lúc trong trận đấu, khi nào nên đẩy mạnh tấn công, khi nào cần tập trung vào phòng ngự, chúng tôi sẽ có hội ý chiến lược trong giây lát. Nếu đội trợ lý cùng đồng ý với tội, chúng tôi sẽ quyết định xem nên sử dụng cách ứng phó nào đã chuẩn bị và áp dụng luôn. Trong trường hợp cần thay đổi vị trí cầu thủ, chúng tôi sẽ yêu cầu thay đổi vị trí cho cầu thủ đặc thù”.
HLV Park Hang-seo cũng tiết lộ, ông đã chuẩn bị chiến thuật, kế hoạch B cụ thể cho AFF Cup 2018: “Đó là chiến thuật tấn công 4. Nếu bố trí 4 cầu thủ ở vị trí phòng ngự thì cầu thủ chúng tôi ở gần khung thành sẽ nhiều lên, nên tỷ lệ cầm bóng sẽ cao lên. Số lượng còn lại đều nằm ở vị trí tấn công.
Với các trung vệ, thay vì giảm vai trò phòng ngự của họ và yêu cầu tấn công nhiều hơn thì tôi tăng thêm một hậu vệ nữa. Đây không phải là chiến lược ứng phó với tình huống khẩn cấp mà là tình huống phân li, chính là chiến lược thực hiện trong trường hợp chúng tôi đang thua mà trận đấu chỉ còn khoảng 30 phút”.
Tiến Linh ăn mừng bàn thắng rút ngắn tỷ số xuống còn 1-2 trận Thái Lan. Ảnh: Hải Hoàng |
Cuối cùng HLV Park Hang-seo đã không thể sử dụng chiến lược này tại AFF Cup 2018, lý do là bởi ĐT Việt Nam không cần dùng đến. Vì trong vòng bán kết AFF Cup, thầy trò HLV Park không bị dẫn trước lần nào.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, chiến lược này đã được áp dụng một cách hết sức hoàn hảo tại SEA Games 30 vừa qua. Cụ thể là những chiến thắng nghẹt thở và kịch tính đến phút chót trước U22 Singapore, Indonesia, gỡ hòa 2-2 trước Thái Lan để giành vé vào chơi trận bán kết và chung kết.
Phương án mà HLV Park Hang-seo chuẩn bị không chỉ là về nhân sự, con người mà cách tận dụng những tình huống cố định, phạt góc và đánh đầu cũng như dứt điểm từ xa đã được các cầu thủ như Văn Hậu, Thành Chung, Đức Chinh, Hoàng Đức thực hiện như đã được tập luyện từ trước.
Còn tiếp...
Kỳ sau: Sức mạnh tinh thần và phong cách quản trị của HLV Park Hang-seo (kỳ 4)
(Baonghean.vn) - Sau khi giải quyết những vấn đề về xung đột văn hóa, thói quen ăn uống không hợp lý của cầu thủ Việt Nam, HLV Park Hang-seo bắt đầu chọn chiến thuật 3-4-3 để áp dụng cho ĐT U23 Việt Nam và ĐTQG. Đó là những nội dung chính tiếp theo trong cuốn sách viết về HLV Park Hang-seo.HLV Park Hang-seo và bí quyết làm nên thành công cho bóng đá Việt Nam (kỳ 2)