Việc sửa sai chế độ lương hưu của cụ ông 93 tuổi: Rõ thiệt thòi, nhưng không dễ điều chỉnh
(Baonghean) - Liên quan đến việc giải quyết kiến nghị của cụ Phạm Anh Tuấn (Quỳ Hợp) về chế độ lương hưu, tại buổi đối thoại ngày 12/12, chủ trì là lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH đã kết luận khẳng định cụ Phạm Anh Tuấn có những thiệt thòi. Dù vậy, việc điều chỉnh đang gặp khó khăn...
Rõ thiệt thòi
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, ông Vi Ngọc Quỳnh thông tin, thời gian qua cụ Phạm Anh Tuấn, 93 tuổi, trú tại thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp tiếp tục có đơn kiến nghị lần thứ 5 gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị giải quyết những thiệt thòi về chế độ lương hưu. Sau khi tiếp nhận đơn, Sở LĐ-TB&XH đã đề nghị BHXH tỉnh phối hợp kiểm tra, rà soát các hồ sơ tài liệu và chính sách Nhà nước các thời kỳ để giải quyết dứt điểm.
Ngày 6/11/2019, BHXH tỉnh có Văn bản số 2745/BHXH-CĐBHXH về việc kiểm tra, giải quyết kiến nghị lương hưu của ông Phạm Anh Tuấn gửi Sở LĐ-TB&XH. Bởi vậy, Sở LĐ-TB&XH mời các cơ quan liên quan, thân nhân của cụ Tuấn để đối thoại, cùng tìm hướng giải quyết.
Văn bản số 2745/BHXH-CĐBHXH của BHXH tỉnh được Sở LĐ-TB&XH công khai tại cuộc đối thoại. Tại đây nêu: Ông Phạm Anh Tuấn nguyên là Cửa hàng trưởng Cửa hàng Dược Quỳ Hợp, hưởng chế độ hưu trí từ ngày 1/8/1971 với thời gian công tác thực tế 22 năm 7 tháng, mức lương chính khi về nghỉ là 56 đồng, tỷ lệ % làm căn cứ tính hưởng lương hưu là 75%.
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, ông Vi Ngọc Quỳnh kết luận tại buổi đối thoại. Ảnh: Nhật Lân |
Về diễn biến điều chỉnh chuyển xếp lương: Tháng 9/1985, thực hiện Nghị định 236/HĐBT ngày 19/8/1985 của Hội đồng Bộ trưởng; Điểm a, Khoản 1, Mục C Thông tư số 48-TBXH ngày 30/9/1985 của Bộ TB&XH; Bản lương kèm Công văn số 249/TBXH ngày 3/10/1985 của Bộ TB&XH, Sở TB&XH điều chỉnh mức lương làm cơ sở tính lương hưu tại Phiếu điều chỉnh số 34064 năm 1985 (không ghi ngày tháng) từ 56 đồng lên 281 đồng. Ngày 20/3/1987, do quá trình công tác ghi chức danh là Cán bộ Quốc doanh Dược phẩm Nghệ An, Sở LĐ-TB&XH điều chỉnh chuyển lại lương tại Phiếu điều chỉnh số 5393/BHXH, từ mức lương 281 đồng giảm xuống 272 đồng.
Ngày 5/5/1994, thực hiện Điều 3, Nghị định 27/CP ngày 23/5/1993, Sở LĐ-TB&XH điều chỉnh nâng lương tại Phiếu điều chỉnh không số từ 281 đồng lên 346 đồng. Ngày 14/7/1995, thực hiện Khoản 1, Điều 1, Nghị định số 27/CP ngày 23/5/1993, UBND huyện Quỳ Hợp khi tính điều chỉnh lương theo Nghị định 05 đã tính điều chỉnh lương tăng 120%. Khi thực hiện điều chỉnh lương chức vụ tại Điều 3, Nghị định số 27/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ tại Phiếu điều chỉnh (không số) ngày 5/5/1994 của Sở LĐ-TB&XH ghi điều chỉnh lương từ 281 đồng lên 346 đồng. Tuy nhiên, khi đó mức lương làm cơ sở tính lương hưu đối với ông Tuân đang hưởng là 272 đồng.
Văn bản điều chỉnh lương hưu theo NĐ27 của cụ Phạm Anh Tuấn. |
Về việc chuyển xếp lương theo hạng doanh nghiệp: Mức lương 346 đồng ông Phạm Anh Tuấn đang hưởng là bậc 2, hạng III, bảng lương C6 - Bảng lương cho cán bộ quản lý Liên hiệp các xí nghiệp, Tổng công ty, Công ty và xí nghiệp các ngành thương nghiệp, dịch vụ (bao gồm cả khách sạn, cửa hàng ăn uống, hiệu thuốc, hiệu sách). Theo đơn của ông Phạm Anh Tuấn kiến nghị xem xét điều chỉnh hưởng mức lương 374 đồng, hạng II, bảng lương C6. Theo quy định tại Điểm C, Mục 1, Công văn số 2271/BTXH ngày 6/7/1993 của Bộ LĐ-TB&XH về việc thực hiện Nghị định số 27/CP, để có cơ sở xem xét chuyển xếp lại lương đối với ông Phạm Anh Tuấn cần xác định Xí nghiệp Liên hiệp Dược Nghệ Tĩnh (trước năm 1985 là Quốc doanh Dược phẩm Nghệ An nay là Công ty CP Dược vật tư y tế Nghệ An) từ năm 1985 đến năm 1993 được xếp hạng mấy. Tuy nhiên, đến nay chưa xác định được hạng của đơn vị.
Cũng tại Văn bản số 2745/BHXH-CĐBHXH, BHXH tỉnh thông tin, căn cứ hồ sơ và dữ liệu của người đang hưởng lương hưu toàn tỉnh, qua kiểm tra có 4 hồ sơ chế độ hưu trí có thời điểm hưởng trước năm 1985, chức vụ trước khi nghỉ tương đương chức vụ của ông Tuấn, đơn vị công tác trước khi nghỉ thuộc Xí nghiệp Liên hiệp Dược Nghệ Tĩnh. Trong đó có 2 người nguyên là Chủ nhiệm cửa hàng dược phẩm cấp huyện; 2 người nguyên là Trưởng ban, Trưởng phòng của Xí nghiệp Liên hiệp Dược Nghệ Tĩnh. Trong số này, có 3 người ở thời điểm năm 1985 chuyển xếp lương theo Nghị định 236 với mức 333 đồng; đến năm 1993, chuyển xếp lương theo Nghị định 27/CP với mức 374 đồng, là bậc 2, hạng II, bảng lương C6. Một người hưởng lương hưu trí năm 1984; đến năm 1985 chuyển xếp lương theo Nghị định 236 với mức 322 đồng; đến năm 1993 chuyển xếp lương theo Nghị định 27/CP với mức lương 420 đồng, bậc 2, hạng II, (lương Phó Giám đốc) bảng lương C6.
Trước những thông tin tại Văn bản số 2745/BHXH-CĐBHXH của BHXH tỉnh, đại diện các cơ quan liên quan đều thống nhất xác định ông Phạm Anh Tuấn có bị thiệt thòi về chế độ lương hưu.
Chờ đến bao giờ?
Chủ trì buổi đối thoại, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, ông Vi Ngọc Quỳnh khẳng định cụ Phạm Anh Tuấn bị thiệt thòi chế độ lương hưu. Vấn đề cần bàn là tìm ra được những căn cứ có đủ tính pháp lý để thực hiện điều chỉnh. Vì 4 hồ sơ đối tượng nghỉ hưu mà BHXH tỉnh qua rà soát có được chỉ có tính tham khảo, giúp xác định thiệt thòi của cụ Tuấn. Và vì bởi cơ sở xem xét chuyển xếp lại lương đối với ông Phạm Anh Tuấn cần thực hiện như BHXH tỉnh đã nêu tại Văn bản số 2745/BHXH-CĐBHXH, ông Vi Ngọc Quỳnh kết luận giao phòng chuyên môn của Sở LĐ-TB&XH soạn thảo văn bản đề nghị Sở Y tế và Công ty CP Dược vật tư y tế Nghệ An cung cấp thông tin hạng doanh nghiệp của Xí nghiệp Liên hiệp Dược Nghệ Tĩnh (từ năm 1985 đến năm 1993).
Trường hợp Sở Y tế và Công ty CP Dược vật tư y tế Nghệ An cung cấp được thông tin hạng doanh nghiệp của Xí nghiệp Liên hiệp Dược Nghệ Tĩnh thì căn cứ vào đây để thực hiện điều chỉnh lương hưu cho cụ Phạm Anh Tuấn. Trong trường hợp Sở Y tế và Công ty CP Dược vật tư y tế Nghệ An không xác định được hạng doanh nghiệp, Sở LĐ-TB&XH sẽ có văn bản chi tiết những nội dung liên quan báo cáo UBND tỉnh; trong đó, sẽ kiến nghị UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH đề nghị xem xét, đưa ra hướng giải quyết.
Văn bản số 2745/BHXH-CĐBHXH của BHXH tỉnh Nghệ An. |
Trước kết luận của vị chủ trì, đại diện thân nhân cụ Phạm Anh Tuấn là chị Phạm Thị Tuyết bày tỏ sự băn khoăn. Vì cụ Phạm Anh Tuấn đã 93 tuổi, sức khỏe yếu; trong khi các cơ quan chức năng rất chậm trễ trong việc giải quyết kiến nghị của công dân.
Thực tế cho thấy, điều băn khoăn của chị Phạm Thị Tuyết là có cơ sở. Bởi liên quan đến kiến nghị của cụ Phạm Anh Tuấn, từ tháng 12/2017, Sở LĐ-TB&XH đã có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH xin ý kiến chỉ đạo. Vậy nhưng gần 2 năm sau, đến ngày 18/11/2019, Bộ LĐ-TB&XH mới có Công văn số 4916/LĐTBXH-BHXH hồi đáp. Tại đây, Bộ LĐTB&XH yêu cầu Sở LĐ-TB&XH phối hợp BHXH tỉnh và các cơ quan quản lý ông Phạm Anh Tuấn trước khi nghỉ hưu và các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát và kết luận cụ thể về hạng doanh nghiệp để tính lại lương hưu cụ Phạm Anh Tuấn.
Liên quan sự việc này, thời gian qua Báo Nghệ An đã đăng tải một số bài viết trên các ấn phẩm báo in, báo điện tử. Vì vậy, được Sở LĐ-TB&XH mời dự buổi đối thoại. Khi vị chủ trì lấy ý kiến, P.V Báo Nghệ An xác định, điều đạt được của buổi đối thoại là đã xác định cụ Phạm Anh Tuấn bị thiệt thòi chế độ lương hưu nhiều năm. Về việc điều chỉnh, sẽ cần phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cụ Phạm Anh Tuấn đã nhiều năm liên tục có đơn kiến nghị, hiện nay cụ đã quá cao tuổi, đề nghị lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo phòng chuyên môn thực hiện khẩn trương các nội dung đã kết luận…
Cụ Phạm Anh Tuấn và con gái - bà Phạm Thị Tuyết. Ảnh: Nhật Lân |
Ngày 24/12/2019, theo một cán bộ của Sở LĐ-TB&XH thì Sở Y tế đã có văn bản trả lời là không có hồ sơ, tài liệu về Xí nghiệp Liên hiệp Dược Nghệ Tĩnh nên không thể xác định được hạng doanh nghiệp của đơn vị này. Còn với Công ty CP Dược vật tư y tế Nghệ An thì vẫn chưa có văn bản trả lời. Vị cán bộ này nói rằng: “Lãnh đạo Sở cũng đang hối thúc. Tôi mới điện thoại đến Công ty CP Dược vật tư y tế để nhắc họ khẩn trương kiểm tra, trả lời cụ thể bằng văn bản. Chắc một vài hôm nữa sẽ có hồi đáp…”.