Thế giới tuần qua: Mạch ngầm tiềm ẩn những cơn sóng dữ

Mỹ Nga 29/12/2019 07:49

(Baonghean.vn) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhất trí kiến tạo một kỷ nguyên mới cho cả 2 nước, trong bối cảnh hai bên đang xúc tiến công tác chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Tokyo vào mùa Xuân năm tới. Tổng thống Donald Trump bày tỏ sẵn sàng đón nhận bất cứ “món quà Giáng sinh” tuyệt vời nào từ Bình Nhưỡng, nhưng hy vọng đó là “một bình cắm hoa đẹp”, trong khi giới chức Mỹ lại lo lắng về một vụ phóng tên lửa. Đây là những vấn đề quốc tế đáng chú ý trong tuần qua.

Kiến tạo kỷ nguyên quan hệ mới

Đến thăm Trung Quốc lần này tại thành phố Thành Đô, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ mong muốn những tín hiệu tích cực, làm ấm quan hệ song phương trong thời gian gần đây sẽ trở nên bền vững, cũng như thúc đẩy hoạt động trao đổi và đối thoại cấp cao liên tục giữa 2 nước. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng nhấn mạnh sẽ không thể đạt được sự cải thiện quan hệ thực sự những bất ổn trên biển Hoa Đông vẫn diễn ra. Về phần mình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhất trí về động lực để duy trì cải thiện mối quan hệ Trung - Nhật, và khẳng định hiện cả hai bên đang quay trở lại “quỹ đạo thông thường”.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gặp nhau tại thành phố Thành Đô. Ảnh: Kyodo
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gặp nhau tại thành phố Thành Đô. Ảnh: Kyodo

Căng thẳng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã thúc đẩy Bắc Kinh điều chỉnh quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực. Trong thời gian gần đây, hàng loạt những động thái từ Bắc Kinh nhằm hâm nóng mối quan hệ như: Dỡ bỏ lệnh cấm đối với thịt bò Nhật Bản, cùng nhau khởi động các dự án cơ sở hạ tầng ở nước đối tác thứ ba và hợp tác trong các lĩnh vực từ trí tuệ nhân tạo đến công nghệ cao. Hơn thế, cải thiện hơn nữa trong mối quan hệ Trung - Nhật cũng sẽ là một thành tựu ngoại giao lớn đối với Thủ tướng Shinzo Abe. Trong khi đó, đối với Trung Quốc, việc thắt chặt mối liên hệ với Nhật Bản - một trong những đồng minh của Mỹ tại châu Á, cũng là một trọng tâm trong chính sách ngoại giao, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại vẫn chưa có hồi kết giữa Bắc Kinh - Washington.

Mặc dù nhiều tín hiệu tích cực đã được phát đi, các chuyến thăm lẫn nhau của các nhà lãnh đạo hai bên được thực hiện liên tiếp trong vòng 2 năm qua, thế nhưng, một tầm nhìn kiến tạo cho kỷ nguyên mới trong mối quan hệ Nhật - Trung vẫn chưa rõ hình hài, và vẫn bị phủ bóng bởi những mâu thuẫn mang tính lịch sử.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Reuters
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Reuters

Quan hệ giữa Nhật - Trung vốn căng thẳng trong nhiều năm do tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo hiện do Nhật Bản kiểm soát và gọi là Senkaku trên Biển Hoa Đông, trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Trong năm 2019, các tàu lực lượng hải quân Trung Quốc đã tăng mức kỷ lục với hơn 1.000 tàu, thường xuyên xuất hiện tại vùng biển tiếp giáp, xung quanh các đảo thuộc quần đảo này. Một số quan điểm trong giới chức Tokyo cho rằng, lực lượng bảo vệ bờ biển của Bắc Kinh được kiểm soát bởi Quân ủy Trung ương Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình. Do đó, Tokyo dường như có lý do để nghi ngờ về ý định thực sự của Bắc Kinh.

Huang Dahui, chuyên gia về Nhật Bản tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh nhận định, cả Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tiếp tục cố gắng để cải thiện quan hệ song phương, bởi các yếu tố ảnh hưởng đến quan hệ song phương khó có thể thay đổi “một sớm một chiều”. Tuy nhiên, chuyên gia này đưa ra cảnh báo về việc không có một lời giải nào dễ dàng để giải quyết các vấn đề lịch sử, tranh chấp các quần đảo. “Do đó, những nỗ lực để đạt được mối quan hệ nồng ấm có thể bị cản trở bởi sự nghi ngờ lẫn nhau, tồn tại giữa các công dân của mỗi quốc gia”.

Theo khảo sát về thái độ toàn cầu mới nhất của Pew Research Center vào tháng 10 vừa qua, 85% - một con số kỷ lục về tỷ lệ người Nhật bày tỏ ý kiến “không cảm mến” đối với Trung Quốc. Đây là kết quả tồi tệ nhất trong số 34 quốc gia được tiến hành khảo sát. Về lâu dài tương lai của mối quan hệ “vẫn còn ảm đạm”, thậm chí có thể phải đối mặt với tình trạng xấu đi.

Chờ đợi “món quà” Giáng sinh

Trong khi các quan chức quân đội Mỹ đang theo dõi sát để tìm dấu hiệu về “món quà Giáng sinh” từ Triều Tiên, có thể một vụ phóng tên lửa hoặc thử hạt nhân, thì Tổng thống Donald Trump lại bày tỏ sẵn sàng đón nhận bất cứ món quà tuyệt vời nào từ Bình Nhưỡng, nhưng hy vọng đó là “một bình cắm hoa đẹp”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un tại biên giới hai miền Triều Tiên hôm 30/6/2019, Ảnh: KCNA
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un tại biên giới hai miền Triều Tiên hôm 30/6/2019, Ảnh: KCNA

Đây là cách tiếp cận lạc quan của ông chủ Nhà Trắng trước “lời hứa” bóng gió của Bình Nhưỡng sẽ tặng Mỹ một món quà Giáng sinh, trừ khi Mỹ tỏ ra mềm dẻo hơn trong các đề xuất nhằm phá vỡ thế bế tắc trên bàn đàm phán hạt nhân vào cuối năm nay. Lời đe dọa này làm tăng suy đoán có thể Triều Tiên sẽ thực hiện một vụ thử tên lửa.

Một vụ phóng tên lửa tầm xa hoặc thử nghiệm hạt nhân lớn của Triều Tiên chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Hơn thế, đây cũng sẽ trở thành đòn giáng mạnh vào một trong những sáng kiến trong chính sách đối ngoại lớn của chính quyền Tổng thống Trump - nỗ lực đưa Triều Tiên quay trở lại đàm phán để loại bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa. Đầu tháng này, Triều Tiên đã tiến hành cuộc thử nghiệm động cơ, mà giới chức nước này miêu tả là “quan trọng”. Tuy nhiên, giới chuyên gia lại dự đoán nó có thể liên quan tới động cơ cho tên lửa tầm xa hoặc vệ tinh phóng vào không gian. Các quan chức Mỹ lo ngại rằng, đây có thể là bước dạo đầu cho một kịch bản phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong những ngày tới hoặc tuần tới. Thậm chí dự đoán Triều Tiên sẽ gây ra sự kiện lớn vào ngày cuối cùng của năm (31/12). Chỉ huy lực lượng không quân Thái Bình Dương cho biết, có khả năng Triều Tiên sẽ phóng tên lửa tầm xa.

Giới phân tích cho rằng, bất kỳ cuộc thử nghiệm nào liên quan đến ICBM đều có tác động nghiêm trọng đến những nỗ lực ngoại giao, bởi đây sẽ được coi là một động thái của Triều Tiên mang mục đích tấn công Mỹ. Anthony Wier, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định: “Triều Tiên đã tiến bộ. Họ đang xây dựng những năng lực mới. Nếu cứ tiếp tục như vậy, họ sẽ sở hữu những tên lửa mới đủ sức đe dọa Mỹ”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong - un có mặt tại một trong những bãi thử tên lửa.  Ảnh: AFP
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có mặt tại một trong những bãi thử tên lửa. Ảnh: AFP

Cuộc đàm phán hạt nhân giữa 2 nước đang rơi vào thế bế tắc kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội. Từ đó đến nay, Bình Nhưỡng liên tục có các động thái cho thấy, nước này muốn có những đổi thay thực tiễn về quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. “Món quà Giáng sinh” của Triều Tiên đã được sớm cảnh báo và nó hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của Washington, và đã làm dấy lên mối lo ngại cho Mỹ. Victor Cha, chuyên gia về Hàn Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ cho biết, quá trình đánh giá và phân tích các bãi phóng của Triều Tiên cho thấy “về cơ bản họ đã sẵn sàng hành động”. Chuyên gia Cha cho biết thêm, vụ phóng dự kiến có thể là cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo trên biển, hay thử tên lửa nhiên liệu rắn.

Giáng sinh đã đi qua và “món quà” mà Triều Tiên “hứa” sẽ gửi đến Nhà Trắng vẫn chưa đến. Song nếu như món quà đến muộn và không phải “là một bình hoa” như Tổng thống Donald Trump mong muốn thì sao?! Theo quân đội Mỹ, năm 2019, Triều Tiên đã phóng hơn 20 tên lửa, bao gồm một số tên lửa mới cùng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Kelly Craft - Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc đưa ra lời cảnh báo rằng, Bình Nhưỡng có thể đang lên kế hoạch phóng các phương tiện không gian sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo tầm xa.

Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo từ một địa điểm bí mật ở Triều Tiên ngày 31/7/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ Nga