Cuộc chiến với thông tin xấu, độc: Trách nhiệm không của riêng ai!

K.L 31/12/2019 06:28

(Baonghean) -Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội là "mảnh đất màu mỡ" cho việc phát tán thông tin xấu, độc. Những thông tin sai sự thật, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bôi nhọ tổ chức, cá nhân… không chỉ gây hoang mang dư luận mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Nhiều đối tượng bị xử lý nghiêm

Trên địa bàn Nghệ An, qua theo dõi và đấu tranh, lực lượng chức năng đã khởi tố và xét xử nhiều đối tượng chống đối, có hành vi tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước thông qua mạng xã hội bằng những bản án nghiêm minh trước pháp luật.

Điển hình như ngày 15/11/2019, TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt bị cáo Nguyễn Năng Tĩnh (quê quán xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Lưu) 11 năm tù; phạt quản chế 5 năm về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Nguyễn Năng Tĩnh (sinh ngày 04/10/1976, quê quán xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An; cư trú tại xóm 6, xvề tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Khoản 1, Điều 117, Bộ luật Hình sự.
Nguyễn Năng Tĩnh (quê quán xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu; cư trú tại xóm 6, xã Nghi Phú, TP Vinh - Nghệ An) bị tuyên phạt 11 năm tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Khoản 1, Điều 117, Bộ luật Hình sự. Ảnh: tư liệu

Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra (Công an Nghệ An) đã phát hiện, thu thập được 22 bài viết, video, hình ảnh được đăng tải, chia sẻ trên trang Facebook Nguyễn Năng Tĩnh. Qua đó cho thấy: Tĩnh thông qua trang Facebook cá nhân đã móc nối với một số đối tượng cực đoan, phản động trong và ngoài nước để viết, quay - tán phát, đăng tải, chia sẻ, bình luận các nội dung xuyên tạc bản chất của Nhà nước CHXHCN Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, xâm phạm chính quyền nhân dân và chế độ chủ nghĩa xã hội; bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kích động người dân biểu tình, chống chính quyền; đăng tải các tài liệu có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân...

Nguyễn Viết Dũng, còn gọi là
Nguyễn Viết Dũng, còn gọi là " Dũng phi hổ" (bên phải) tại phiên tòa xét xử tội “Tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” ngày 12/4/2018. Ảnh tư liệu

Trước đó ngày 12/4/2018, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Viết Dũng còn gọi là “Dũng phi hổ”, thường trú ở xã Hậu Thành, huyện Yên Thành 7 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Quá trình xét xử làm rõ: Trong thời gian từ 30/4 - 19/5/2017 Nguyễn Viết Dũng có hành vi đăng tải trên Facebook cá nhân “Dũng phi hổ” nhiều bài viết tự soạn thảo, sao chép và chỉnh sửa ý kiến cá nhân có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Lê Đình Lượng
Lê Đình Lượng trú tại xã Hợp Thành huyện Yên Thành bị tuyên phạt 20 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Ảnh: tư liệu

Cũng trong năm 2018, vào ngày 16/8, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Lê Đình Lượng trú tại xã Hợp Thành, huyện Yên Thành 20 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Quá trình xét xử làm rõ: Lê Đình Lượng là đối tượng tích cực tuyên truyền, lôi kéo các đối tượng có tư tưởng chống đối trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh tham gia vào tổ chức khủng bố Việt Tân. Đặc biệt, thông qua Facebook cá nhân “Lỗ Ngọc”, Lê Đình Lượng đã có nhiều bài viết với nội dung tuyên truyền, kích động, xuyên tạc, phỉ báng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ; gây phức tạp về an ninh, trật tự tại địa phương...

Bên cạnh phát hiện bóc gỡ nhiều trang Web, Fanpage, Facebook, kênh Youtube có nội dung xuyên tạc chủ trương của Đảng, Nhà nước, thổi phồng những sự việc phát sinh ở cơ sở, kích động tuần hành, biểu tình, gây phức tạp an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội... và xử lý nghiêm các phần tử xấu đã lợi dụng triệt để truyền thông xã hội để thực hiện ý đồ chống phá Nhà nước, chống phá cách mạng nước ta. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có những biện pháp mạnh để răn đe các đối tượng dùng mạng xã hội đăng tải thông tin bịa đặt, chưa kiểm chứng nhằm mục đích câu like, câu view.

Công an Thị xã Cửa Lò triệu tập người
Công an Thị xã Cửa Lò triệu tập người tung tin sai sự thật lên mạng xã hội về việc đào trộm lợn tiêu hủy do bị dịch tả lợn Châu Phi lên làm việc. Ảnh: Tư liệu

Điển hình vào tháng 10/2019, Công an TX. Cửa Lò đã triệu tập Hoàng Thị P., trú tại phường Nghi Thu, chủ nhân của Facebook Phan Beo để làm rõ việc đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội về việc đào trộm lợn tiêu hủy do bị dịch tả lợn châu Phi tại phường Nghi Hương (TX Cửa Lò), gây ảnh hưởng đến tâm lý người chăn nuôi và người tiêu dùng. Qua đấu tranh, chủ tài khoản thừa nhận thông tin đào trộm lợn là không có thật, mà chỉ nghe các tiểu thương bàn tán ở chợ rồi vội vàng đưa lên Facebook...

Trước đó vào tháng 7 năm 2018, Công an huyện Kỳ Sơn đã xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng, yêu cầu xóa bình luận và đăng tin xin lỗi trên trang cá nhân đối với một kỹ sư thuộc tổ sửa chữa Nhà máy Thủy điện Nậm Mô ở bản Cánh, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn vì tung tin sai sự thật liên quan đến đê vỡ trên Facebook, làm người dân hoang mang.

Thông tin không đúng sự thật về đê sắp vỡ gây hoang mang dư luận. Ảnh: Tư liệu
Thông tin không đúng sự thật về đê sắp vỡ gây hoang mang dư luận. Ảnh: Tư liệu

Những trường hợp như trên không phải là hiếm, và thông tin thường được lan truyền rất nhanh trên các trang Facebook cá nhân, gây mất ổn định xã hội.

Trách nhiệm không của riêng ai

Thực tế cho thấy những thông tin sai sự thật, xấu, độc trên mạng xã hội thường để lại những hậu quả khôn lường nhưng lại rất ít người quan tâm. Bởi lẽ, nhiều người vẫn cho rằng công tác phản biện xã hội, đấu tranh với thông tin xấu trên mạng xã hội là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, không phải của mình. Một bộ phận không nhỏ người dân (trong đó có cả cán bộ, đảng viên) có thói quen like, share, bình luận mà không đọc kỹ hoặc thẩm định thông tin. Đó là “kẽ hở” để các phần tử xấu, đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị lợi dụng để phát tán, lan truyền thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Cán bộ Đảng ủy xã Quỳnh Lập ( Thị xã Hoàng Mai) thường xuyên cập nhật những thông tin mới lên trang web để người dân tiện theo dõi. Ảnh: tư liệu
Cán bộ Đảng ủy xã Quỳnh Lập ( Thị xã Hoàng Mai) thường xuyên cập nhật những thông tin mới lên trang web để người dân tiện theo dõi. Ảnh: K.L

Xác định đấu tranh với thông tin xấu, độc trên mạng xã hội là cuộc chiến lâu dài, thời gian qua, bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng và các cơ quan truyền thông, nhiều địa phương, tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã có sự quan tâm, nắm bắt dư luận xã hội, đề ra những giải pháp phòng chống. Điển hình như Đảng bộ xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai) đã ban hành Đề án 06 ĐA/ĐU ngày 26/01/2018 về “đổi mới nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đi đôi với công tác dân vận”.

Trong đó, nêu rõ việc “Khuyến khích mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm tham gia công tác tư tưởng trên mạng xã hội, góp phần cổ vũ, thúc đẩy những điều tốt đẹp, đấu tranh phê bình những hành vi tiêu cực và phản bác những thông tin bôi nhọ Đảng, Nhà nước, những thông tin bạo lực, dung tục đi ngược truyền thống văn hóa, đạo đức của người Việt Nam”, đồng thời “xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên sử dụng mạng cá nhân đi ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng, lợi ích của nhân dân”.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội là "mảnh đất màu mỡ" cho việc phát tán thông tin xấu, độc. Ảnh minh họa

Nắm rõ đặc thù người lao động ở các khu công nghiệp là công nhân trẻ, việc sử dụng Facebook cá nhân rất phổ biến, Liên đoàn Lao động tỉnh đã mở trang “Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An” trên Facebook. Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cập nhật chính sách mới, giải đáp, tư vấn pháp luật, đây cũng là phương tiện cung cấp các thông tin phản biện chính thống để đấu tranh với các thông tin xấu, độc, định hướng thông tin về những vấn đề nổi cộm xảy ra trong tỉnh, trong nước liên quan trực tiếp đến người lao động. Dù mới chỉ hoạt động thí điểm nhưng trang Facebook của Liên đoàn Lao động tỉnh hiện có khoảng hàng nghìn người thích và theo dõi.

Tọa đàm
Tọa đàm "Đoàn thanh niên với việc sử dụng mạng xã hội". Ảnh: Tư liệu

Còn đối với Tỉnh đoàn Nghệ An, nhằm tăng cường giáo dục, định hướng, nâng cao kỹ năng sử dụng MXH an toàn cho ĐVTN, thời gian qua, BTV Tỉnh đoàn đã tổ chức các hội nghị chuyên đề về Luật An ninh mạng; cách xử lý một số tình huống chính trị; cách thức lọc và xử lý thông tin dư luận trên mạng xã hội cho thanh niên. Bên cạnh đó, chỉ đạo các tổ chức đoàn cơ sở tổ chức tọa đàm “ĐVTN với việc sử dụng mạng xã hội”. Qua đó trang bị kỹ năng và nhận thức để giới trẻ biến trang MXH của mình thành kênh tuyên truyền lan tỏa các điển hình tốt, mô hình mới, cách làm hay của các cơ quan đơn vị, địa phương trong phong trào thi đua yêu nước và đấu tranh với những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, gây hoang mang dư luận.

Buổi sinh hoạt CLB thời sự của Hội LHPN huyện Nghi Lộc. Ảnh: tư liệu
Buổi sinh hoạt CLB thời sự của Hội LHPN huyện Nghi Lộc. Ảnh: tư liệu

Khi có vấn đề phát sinh xảy ra trên địa bàn, nhiều địa phương đã chủ động sử dụng đồng bộ các kênh thông tin từ gián tiếp đến trực tiếp như thông qua các CLB thời sự, CLB pháp luật, bản tin nội bộ, báo chí, hệ thống truyền thanh... để cung cấp kịp thời các thông tin chính thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, tránh bị nhiễu loạn trước “biển thông tin” chưa rõ thực hư trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp, khó lường của những luồng thông tin trái chiều trên không gian mạng hiện nay. Nhất là thời điểm diễn ra Đại hội Đảng các cấp, các đối tượng cơ hội chính trị, các thế lực thù địch thường lợi dụng tung các thông tin chưa được kiểm chứng liên quan đến những vấn đề bức xúc, nổi cộm được dư luận quan tâm để thổi phồng yếu kém, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền; hạ thấp uy tín của cán bộ các cấp nhằm làm giảm sút niềm tin trong đảng viên và nhân dân, gây mất ổn định xã hội.

Mỗi người phải có trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội. Ảnh: K.L
Mỗi người phải có trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội. Ảnh: K.L

Bên cạnh thực hiện nghiêm những quy định của Luật An ninh mạng, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần, trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội.

Và mỗi người dân cũng cần tỉnh táo “nhận diện” bản chất thông tin, đồng thời có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm công dân của mình khi tham gia mạng xã hội. Qua đó, tạo sức mạnh tổng hợp ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin xấu độc đi ngược lại lợi ích quốc gia, lợi ích của cộng đồng.

K.L