Báo động án mạng từ rượu, bia
(Baonghean) - Tình trạng uống rượu, bia gây án mạng và thương vong nghiêm trọng đã xảy ra ở nhiều nơi. Những mối quan hệ vợ chồng, anh em ruột thịt, hay bạn bè, hàng xóm láng giềng bỗng chốc trở nên ly tán do bia, rượu. Đây là một vấn nạn nhức nhối trong xã hội...
Những vụ việc đau lòng
Ngày hội Đại đoàn kết lẽ ra là một ngày vui, thể hiện sự gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Tuy nhiên, với người dân xóm Xuân Lam, xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn thì ngày 18/11/2019 lại là ngày buồn và trở thành nỗi ám ảnh mãi về sau. Đó là vào chiều 18/11, ông Nguyễn Văn Long (SN 1967) và anh Hoàng Văn Đức (SN 1985), cùng trú xóm Xuân Lam tham dự ăn uống nhân Ngày hội Đại đoàn kết do xóm tổ chức.
Sau khi ăn uống xong, ông Long và anh Đức cùng nhiều người khác đến nhà anh Nguyễn Văn Hải ở cùng xóm hát karaoke. Tại đây, giữa ông Long và anh Đức đã xảy ra mâu thuẫn. Cho rằng ông Long uống nhiều rượu, có nhiều lời nói, hành động không thiện cảm nên anh Đức đã tát vào mặt ông Long rồi đuổi về.
Đến khoảng 22h30 cùng ngày, ông Long cầm một dao nhọn dài 42cm đến nhà anh Nguyễn Văn Hải rồi gọi anh Đức ra nói chuyện. Ông Long dùng con dao mang theo đâm 3 nhát vào người anh Đức, trong đó có một nhát đâm xuyên bụng. Gây án xong, ông Long bỏ trốn khỏi hiện trường, đến 3h ngày 19/11 thì bị bắt, còn anh Đức mặc dù được người dân đưa lên bệnh viện cấp cứu, nhưng do vết thương nặng nên đã tử vong vào lúc 4h sáng 19/11.
Với hành vi Giết người, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Long không lâu sau đó.
Hiện trường cùng tang vật của một số vụ án liên quan đến bia, rượu xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong năm 2019. Ảnh tư liệu |
Trong một vụ án khác, hung thủ cũng đã gây án với người có quan hệ anh em họ hàng với mình sau khi sử dụng bia, rượu, chỉ vì một lời nhắc nhở để gọn xe. Theo đó, tối 25/5/2019, ông Nguyễn Văn Lợi (SN 1962, là Công an viên xóm 8, xã Cát Văn, huyện Thanh Chương) đến giúp đám cưới tại nhà ông Nguyễn Văn Thành cùng xóm. Tại đây, thấy ông Nguyễn Đức Hồng (SN 1969) dựng xe máy cản trở giao thông nên ông Lợi có ra nhắc nhở để xe gọn lại, nhưng ông Hồng không đồng ý.
Hai bên xảy ra cãi vã nhưng được người dân can ngăn nên tự giải tán. Sau khi uống rượu tại đêm vui đám cưới, đến khoảng 20h cùng ngày, ông Hồng vào khu vực nhà bếp của ông Thành lấy một con dao nhọn đi đến chỗ ông Lợi đang đứng ngoài đường và bất ngờ đâm liên tiếp 4 nhát dao vào người ông Lợi.
Mặc dù được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng ông Lợi đã tử vong. Gây án xong, ông Nguyễn Đức Hồng vứt dao gây án bỏ lại hiện trường và trốn chạy trên khu vực đồi núi thuộc địa bàn xã Cát Văn, huyện Thanh Chương. Đến 6 giờ ngày 26/5/2019, biết không thể trốn thoát, ông Nguyễn Đức Hồng đã đến Công an xã Cát Văn đầu thú.
Mới đây, ngày 26/12/2019, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đô Lương đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và phê chuẩn lệnh tạm giam đối với Trương Đình Bình (SN 1978), trú tại xã Đông Sơn, huyện Đô Lương về tội “Cố ý gây thương tích”.
Trước đó, vào khoảng 20h ngày 16/12/2019, Trương Đình Bình sau khi đi nhậu về, tiếp tục mua thêm rượu để về nhà uống. Về tới nhà thấy vợ là chị Thái Thị H (SN 1976) cùng con trai đang chuẩn bị dọn cơm ra ăn, còn Bình thì lấy rượu ra uống. Hai mẹ con chị H ăn cơm xong, để mâm ở bàn rồi chị H đi ngủ.
Chị H bị bỏng nặng ở vùng mặt và cổ do chồng uống rượu say hắt nước sôi vào. Ảnh tư liệu Trương Duyên |
Tại cơ quan điều tra Trương Đình Bình đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đối với vợ, hiện đối tượng đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An, từ đầu năm 2019 đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 29 vụ án giết người, với 31 đối tượng, làm 29 người chết, 6 người bị thương, trong đó nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ, nhưng do các đối tượng đã sử dụng rượu, bia trước đó nên không làm chủ được hành vi của mình.
Giải pháp nào để phòng ngừa?
Trung tá Võ Quốc Huy - Phó Đội trưởng Đội điều tra án trật tự xã hội, phòng CSHS Công an tỉnh cho rằng, lạm dụng rượu, bia không những khiến gia tăng tai nạn giao thông, những bi kịch gia đình, mà còn khiến gia tăng các vụ án hình sự. Bởi thực tế, trong thời gian gần đây, nhiều thủ phạm sau khi sử dụng bia, rượu nổi máu côn đồ, quá khích, mất kiểm soát bản thân nên chỉ vì mâu thuẫn nhỏ dẫn đến án mạng, hậu quả lớn.
Hiện nhiều người coi khả năng uống rượu, bia là chìa khóa, thước đo trong nhiều mối giao thiệp. Ảnh internet |
Cũng theo Trung tá Huy, tội phạm gì còn phòng ngừa được chứ uống rượu say dẫn đến giết người thì quả rất khó. Tuy nhiên, cùng với công tác phòng ngừa xã hội, lực lượng chức năng sẽ phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nếp sống lành mạnh, tiến bộ cho nhân dân. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở cần phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể, kịp thời hòa giải những mâu thuẫn nhỏ trong nhân dân, không để xảy ra xung đột, đâm chém dẫn đến thương tích, chết người.
Khi người uống rượu trong trạng thái say, ở giai đoạn đầu của say rượu là giai đoạn hưng phấn cảm xúc. Rượu tác động lên hệ thần kinh trung ương khiến người ta không làm chủ được suy nghĩ và hành vi của mình. Đặc biệt, tại thời điểm này nếu ai đó chọc tức hoặc ngăn cản, họ rất dễ nổi khùng, sinh ra gây gổ đánh lộn và rất dễ xảy ra án mạng vì hành vi thiếu kiểm soát.
Những hệ lụy của việc lạm dụng rượu, bia đã rõ, tuy nhiên theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố năm 2018, trung bình một người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên tiêu thụ tới 8,4 lít cồn nguyên chất; cao thứ ba châu Á, sau Lào 10,4 lít và Hàn Quốc 10,2 lít. Đặc biệt, có tới 50,2% nam giới uống rượu ở mức nguy hại, và trong số này có tới 55,5% số người trong độ tuổi từ 15-19 tuổi. Với đà tiêu thụ như hiện nay, WHO ước tính, trung bình một người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên sẽ tiêu thụ tới 9,9 lít cồn vào năm 2020 và 11,4 lít vào năm 2025. Vậy, đâu là lý do dẫn đến con số đáng báo động nói trên?
Theo các nhà nghiên cứu về văn hóa, uống rượu vốn là một nét đẹp về ẩm thực trong văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay nét đẹp văn hóa này đang trở nên lệch lạc bởi thói quen uống rượu không kiểm soát. Người ta coi khả năng uống rượu, bia là chìa khóa, thước đo trong nhiều mối giao thiệp. Đi liền với đó là quan niệm đã uống là phải say, chưa say chưa về theo đúng tinh thần “rượu bất khả ép, ép bất khả từ mà từ từ thì sẽ hết”... Hậu quả là khi xảy ra mâu thuẫn, một số người không kiềm chế được hành vi dẫn đến những hành động đáng tiếc, kẻ mất mạng, người vào tù...
Mỗi người đều phải tự chủ để không nên lạm dụng rượu, bia. Ảnh internet |
Thiết nghĩ, để phòng tránh, giảm thiểu những tác hại của rượu bia, đặc biệt không để rượu, bia làm kích động dẫn đến các vụ án mạng, bên cạnh việc xử lý nghiêm của lực lượng chức năng với một chế tài khá mạnh theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, đảm bảo trúng và đúng đối tượng, để thay đổi hành vi ép uống rượu, khích bác uống rượu... Và trên hết, mỗi người đều phải tự chủ để không nên lạm dụng rượu bia, dẫn tới những hậu quả đau lòng.
Ngày 14/06/2019, Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 7 đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia số 44/2019/QH14. Luật này gồm 07 Chương và 36 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020.
(Baonghean.vn) - Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 gồm 7 chương, 36 điều, được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020. Tại Điều 5 của Luật này, có 13 hành vi bị nghiêm cấm.[Infographics] - Các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019