Ukraine trao đổi tù nhân: Hòa bình chạm ngõ?

Khang Duy 31/12/2019 08:27

(Baonghean.vn) - Tiếp sau đợt trao đổi tù nhân hồi tháng 9 giữa Nga và Ukraine, quân chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai đòi độc lập ở miền Đông vừa tiến hành trao đổi số lượng lớn tù nhân trong cuộc chiến kéo dài 5 năm qua ở khu vực này.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Zelensky, cũng là kết quả tích cực từ cuộc họp thượng đỉnh “Bộ tứ Normandy” tổ chức tại Paris, Pháp mới đây. Giới quan sát cho rằng, các động thái hạ nhiệt liên tiếp đang báo hiệu một cánh cửa hòa bình đang đến rất gần khu vực miền Đông Ukraine.

Niềm tin trao gửi

Liên tiếp các đợt trao đổi tù nhân giữa Nga - Ukraine giữa chính quyền trung ương Kiev và phe ly khai tại miền Đông đang khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi, có phải các bên đã thực sự thiện chí và muốn tạo niềm tin lẫn nhau! Theo thông tin từ Văn phòng Tổng thống Ukraine, trong đợt trao đổi tù nhân lần này, chính quyền Kiev trao trả 124 tay súng đòi độc lập, ngược lại, phe ly khai ở miền Đông thả 76 tù nhân là người ủng hộ chính quyền Ukraine.

Những người được chính quyền Ukraine trao trả trong cuộc trao đổi tù nhân với phe ly khai ở miền Đông. Ảnh: Reuters
Những người được chính quyền Ukraine trao trả trong cuộc trao đổi tù nhân với phe ly khai ở miền Đông. Ảnh: Reuters

Trước đó hồi tháng 9 vừa qua, Nga và Ukraine cũng đã trao đổi tổng cộng 70 tù nhân. Nếu như Nga coi đây là động thái bình thường hóa quan hệ với Ukraine thì với bước đi mới nhất, nhiều nước châu Âu đánh giá cao, coi đây là tín hiệu mở màn cho tiến trình chấm dứt xung đột tại khu vực miền Đông Ukraine. Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel ngay lập tức đã ra tuyên bố chung hoan nghênh động thái tích cực này của các bên.

Thực tế theo giới quan sát, đây là kết quả đã nhìn thấy trước sau Hội nghị thượng đỉnh nhóm “Bộ tứ Normandy” gồm Pháp, Đức, Nga và Ukraine hôm 10/12 vừa qua tại Paris, Pháp. Tại đây, các bên đã ra Tuyên bố chung trong đó nhất trí thực thi ngay lập tức các biện pháp nhằm ổn định tình hình cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Theo đó, đáng chú ý nhất là Nga và Ukraine nhất trí thực thi một lệnh ngừng bắn chung toàn diện tại miền Đông Ukraine. Các bên cũng nhất trí tiến hành trả tự do cho tù nhân trước cuối năm nay; cùng đó là hình thành 3 khu vực giảm xung đột mới, cho phép dân thường đi qua đường ranh giới kiểm soát chia tách Donetsk và Lugansk với các khu vực khác của Ukraine.

Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ Normandy gồm các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Nga, Ukraine họp tại Paris, Pháp hôm 9/12/2019 thống nhất nhiều nội dung về cuộc khủng hoảng miền Đông Ukraine.  Ảnh: AP
Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ Normandy gồm các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Nga, Ukraine họp tại Paris, Pháp hôm 9/12/2019 thống nhất nhiều nội dung về cuộc khủng hoảng miền Đông Ukraine. Ảnh: AP

Dù được đánh giá chưa thực sự tạo được đột phá nhưng đây vẫn được coi là một thành công đáng kể, từng bước hiện thực hóa các nỗ lực của các bên nhằm giảm căng thẳng, hướng đến chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 5 năm qua tại miền đông Ukraine. Còn nhớ, lần trao đổi tù binh gần đây nhất là năm 2017, chính quyền Kiev và lực lượng ly khai cũng đã có đợt trao đổi hơn 300 tù nhân. Tuy nhiên, hoạt động này đã bị ngưng trệ cho đến khi ông Zelensky đắc cử Tổng thống Ukraine và ấp ủ kỳ vọng hòa bình cho khu vực miền Đông.

Đường đến hòa bình còn xa!

Không thể phủ nhận mục tiêu chiến lược lớn mà Tổng thống Zelensky đặt ra trong nhiệm kỳ của mình là kịch bản hòa bình, ổn định tại khu vực miền Đông Ukraine. Thế nhưng, với 5 năm xung đột và những lợi ích chồng chéo, chẳng hề dễ dàng cho một vị lãnh đạo trẻ như ông Zelensky. Đó không chỉ là những khúc mắc trong quan hệ với Nga và cả Bộ tứ Normandy mà với cả những sức ép từ trong nước.

Cải thiện quan hệ với Nga và thúc đẩy tiến trình hòa bình ở khu vực miền Đông là mục tiêu lớn nhất của Tổng thống Zelensky trong nhiệm kỳ của mình. Ảnh: Unian

Cần nhắc lại, bên cạnh việc thực thi nghiêm túc thỏa thuận Minsk gồm rút vũ khí và quân đội về khu vực giới tuyến, lãnh đạo bộ tứ Normandy vừa qua ủng hộ việc thực thi một khái niệm gọi là “Công thức Steinmeier”. Theo đó, các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức ở Donetsk và Lugansk cùng quan điểm là trao quy chế tự trị cho mỗi vùng.

Tổng thống Ukraine Zelensky vốn bảo lưu quan điểm các cuộc bầu cử như vậy chỉ có thể được tổ chức theo luật pháp Ukraine, với điều kiện các lực lượng quân sự nước ngoài rút khỏi khu vực miền Đông. Tuy nhiên, Tuyên bố chung đã không nhắc tới các điều kiện của ông Zelensky. Đó là chưa kể, cơ chế này còn vấp phải nhiều ý kiến phản đối trong nội bộ Ukraine xuất phát từ những cách hiểu khác nhau về “công thức Steinmeier”. Một số tổ chức dân tộc chủ nghĩa Ukraine sau đó đã chống lại chính sách của ông Zelensky thông qua việc triển khai các nhóm vũ trang để ngăn chính phủ rút quân khỏi khu vực giới tuyến.

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông muốn Ukraine thay đổi Hiến pháp để có thể trao cho khu vực Donbass một quy chế tự trị đặc biệt, đồng thời mở thêm nhiều điểm qua lại tại các đường chiến tuyến ở miền Đông Ukraine nhằm phục vụ các hoạt động dân sự và nhân đạo. Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky khẳng định rằng, chính quyền của ông cần phải kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Ukraine.

Xe quân sự Ukraine tại Debaltseve, vùng Donetsk. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Xe quân sự Ukraine tại Debaltseve, vùng Donetsk. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Chưa hết, trong cuộc họp báo lớn cuối năm vừa qua, Tổng thống Putin còn nhấn mạnh, việc sửa đổi Hiệp định hòa bình Minsk - một sáng kiến của Tổng thống Ukraine có thể dẫn tới tình trạng bế tắc trong tiến trình tìm kiếm hòa bình cho khu vực miền Đông nước này. Trước đó, những phản ứng khác nhau giữa ông Putin và ông Zelensky về kết quả cuộc gặp song phương lần đầu tiên bên lề Hội nghị Normandy cũng khiến dư luận hoài nghi vào các tín hiệu tích cực giữa các bên. Biểu hiện là trong khi Tổng thống Putin bày tỏ hài lòng về các cuộc thảo luận thì Tổng thống Zelensky lại cho rằng, các kết quả đạt được là quá ít ỏi.

Trong khi khúc mắc với Nga chưa được tháo gỡ, Tổng thống Ukraine còn gặp bất lợi khi trợ lực mạnh mẽ từ Mỹ đã suy giảm đáng kể, do cuộc luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan trực tiếp đến chính quyền Ukraine. Thời gian qua, các cuộc biểu tình trong nước cũng được tiến hành nhằm đe dọa lật đổ ông Zelensky nếu nhà lãnh đạo này “nhượng bộ” hay “đầu hàng” chính quyền Tổng thống Putin.

Quan hệ Ukraine với Nga hạ nhiệt kèm theo thỏa thuận kết thúc cuộc chiến khí đốt giữa 2 bên. Ảnh minh họa: AFP
Quan hệ Ukraine với Nga hạ nhiệt kèm theo thỏa thuận kết thúc cuộc chiến khí đốt giữa 2 bên. Ảnh minh họa: AFP

Tất nhiên, quan hệ với Nga hạ nhiệt cũng đã kéo theo một thỏa thuận kết thúc cuộc chiến khí đốt giữa 2 bên ngày 20/12 vừa qua về việc vận chuyển khí đốt quá cảnh lãnh thổ Ukraine thời hạn 5 năm. Thế nhưng cùng lúc, đây lại là thách thức đặt ra với ông Zelensky khi phải cân bằng giữa mong muốn của khu vực đòi ly khai và cải thiện quan hệ với Nga cũng như làm vừa lòng những người theo chủ nghĩa dân tộc. Và rằng, cuộc trao đổi tù nhân với Nga hồi tháng 9 và với khu vực ly khai ở miền Đông vừa qua mới chỉ là những bước mở đầu trong tiến trình tìm kiếm hòa bình cho khu vực này mà thôi!

Khang Duy