Ý kiến người dân Nghệ An xung quanh việc tăng mức phạt khi lái xe có nồng độ cồn
(Baonghean.vn) - Nhiều người dân bày tỏ đồng tình với việc cấm uống rượu, bia khi lái xe, tăng mức xử phạt đối với những người lái xe có nồng độ cồn. Song bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, luật vẫn còn một số điểm cần điều chỉnh.
Anh Hoàng Quốc Kỳ (TP. Vinh): Cần điều chỉnh để đảm bảo công bằng
Anh Hoàng Quốc Kỳ cho rằng, cần làm rõ và điều chỉnh một số nội dung của luật. Ảnh: HT |
Bày tỏ quan điểm của bản thân về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có hiệu lực từ 1/1/2020, anh Hoàng Quốc Kỳ (trú thành phố Vinh) cho biết: “Bản thân tôi rất đồng tình, ủng hộ quy định đã lái xe là không được uống rượu, bia. Và hy vọng quy định này sẽ góp phần tích cực trong giảm thiểu các tai nạn, rủi ro liên quan đến rượu, bia”.
Tuy nhiên, anh Hoàng Quốc Kỳ cũng cho rằng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 cần phải có những điều chỉnh nhất định để đảm bảo tính công bằng và nâng cao tính khả thi.
Nói rõ hơn về điều này, anh Kỳ cho rằng, Luật quy định dùng máy kiểm tra hơi thở của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nếu có nồng độ cồn thì bị phạt. Song thực tế con người ta không phải chỉ uống rượu, bia mới có nồng độ cồn xuất hiện trong cơ thể, bao gồm cả khí thở. Vì có rất nhiều tác nhân khác có thể tạo ra nồng độ cồn trong cơ thể con người như một số loại trái cây, thực phẩm lên men, một số các loại thuốc, thực phẩm chức năng… Trong khi đó máy đo nồng độ cồn lại chưa thể xác định được “nguồn gốc” gây ra nồng độ cồn là do đâu, do uống rượu, bia hay do uống thuốc, ăn trái cây… Như vậy sẽ xảy ra trường hợp người bị phạt “oan” khi bị yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn tham gia giao thông.
Vì vậy, anh Hoàng Quốc Kỳ mong muốn luật có sự điều chỉnh, cụ thể là nếu quy định có nồng độ cồn là bị phạt thì cần phải có biện pháp xác định nguyên nhân gây ra nồng độ cồn trong cơ thể người tại thời điểm kiểm tra. Còn nếu không thể xác định nguồn gốc chất gây ra nồng độ cồn thì cần có quy định về ngưỡng nồng độ cồn trong khí thở (do rượu, bia gây ra) khi áp dụng hình phạt theo luật định.
Anh Lê Văn Nghiêm (TP. Vinh): Cần có biện pháp kiểm soát người dưới 18 tuổi uống rượu
Anh Lê Văn Nghiêm băn khoăn, đối với hộ kinh doanh thì quy định về hành vi bán rượu như thế nào. Ảnh: HT |
Là một tiểu thương kinh doanh buôn bán hàng tạp hóa, trong các mặt hàng bán tại quầy hàng ngay trong ngôi nhà của gia đình anh Nghiêm có một số loại rượu nhưng những quy định trong Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia anh nắm còn rất mơ hồ, chủ yếu qua mạng xã hội. Anh băn khoăn: "Những quy định cụ thể đối với người kinh doanh rượu, bia như thế nào thì tôi chưa nắm được nên cũng rất thấp thỏm".
Đồng tình với việc tăng mức phạt đối với những người lái xe mà vẫn uống rượu, bia, anh Nghiêm cho rằng, quy định như vậy sẽ có tính răng đe cao, hy vọng sẽ giúp giảm được nhiều tình trạng người say rượu mà vẫn lái xe. Nhưng chính anh cũng không khỏi băn khoăn, bởi trong giao tiếp hàng ngày, việc uống rượu, bia là không thể tránh khỏi, nhất là khi đình đám. Có những người uống rượu hôm nay nhưng mấy ngày sau trong cơ thể vẫn chưa hết nồng độ cồn.
“Để hạn chế việc uống rượu, bia tràn lan như hiện nay, tốt nhất nên có những biện pháp hạn chế hoặc quản lý chặt chẽ việc sản xuất và buôn bán rượu, bia. Ví như tăng giá bán rượu, hoặc đánh thuế cao đối với mặt hàng rượu, bia. Còn cấm người dưới 18 tuổi uống rượu thì cần có biện pháp đảm bảo kiểm soát được đối tượng này” - anh Nghiêm đề xuất.
Anh Hồ Quang Thanh (xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu): Đi taxi hoặc là bỏ rượu
Anh Hồ Quang Thanh (ngoài cùng bên trái) vui mừng vì luật ra đời có lý do để từ chối uống rượu. Ảnh: HT |
Cho ý kiến về việc tăng mức phạt đối với người uống rượu, bia khi tham gia giao thông, anh Hồ Thanh Quang (trú xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu) cho rằng, các quy định mới của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ giúp hạn chế được việc uống rượu, say rượu trong cộng đồng xã hội, nhất là ở các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nhất là cấp xã, thôn bản. Những quy định mới này theo anh Hồ Quang Thanh thì giúp cho nhiều người có “lý do” để từ chối uống rượu, hạn chế uống rượu, nhất là khi tham gia các hội hè, đình đám.
Và những quy định cùng với các mức phạt được áp dụng mới này anh Thanh hy vọng là sẽ dần tạo được cho mỗi người thói quen “nói không với rượu, bia”. Và để không bị vi phạm pháp luật, không bị phạt, không gây tai nạn cho người khác và bản thân mình thì “đã uống rượu, bia thì không lái xe. Nếu uống rượu, bia thì đi taxi, nhờ người khác lái xe giúp hoặc là bỏ rượu, không uống rượu” - anh Thanh bày tỏ.
Chị Lương Thị Tâm (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông): Tuyên truyền đóng vai trò quan trọng
Chị Lương Thị Tâm đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân. Ảnh: HT |
Là một cán bộ thôn bản, chị Lương Thị Tâm (trú xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) cho rằng, trong tháng 1/2020, Ban Quản lý bản Khe Ló cũng như chính quyền các cấp sẽ bắt đầu thực hiện tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vừa có hiệu lực từ 1/1/2020.
Chị Tâm chi biết, ở địa bàn vùng cao như Con Cuông, phong tục uống rượu đã có từ lâu đời, nó trở thành một nét văn hóa của người dân nơi đây, bởi vậy không chỉ đàn ông mà phụ nữ cũng uống rượu, nhất là mỗi dịp hội hè, lễ, Tết. Vì vậy, không thể xóa bỏ được tập tục này, nhưng cần phải có biện pháp để hạn chế tác hại của rượu, bia.
Trên địa bàn xã Môn Sơn nhiều năm nay đã từng xảy ra các vụ tai nạn gây chết người do người say rượu, bia mà vẫn lái xe. “Như năm ngoái (2019), có một cặp vợ chồng đang đi bộ bên đường bị người đi xe máy do say rượu đâm phải làm cả 2 người chết” - chị Tâm kể lại.
Chị Lương Thị Tâm cho rằng, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền để mỗi người dân có ý thức tự giác, hạn chế uống rượu, bia. Người dân miền núi như ở Môn Sơn thì phương tiện đi lại chủ yếu là xe máy và xe đạp, trước mắt cần tuyên truyền người dân không nên lái xe khi đã uống rượu, hoặc nếu uống rượu thì nên đi bộ.