Ban Nội chính Trung ương xây dựng đề án về phát hiện, xử lý tham nhũng

Hoài Thu 06/01/2020 12:23

(Baonghean.vn) - Trong năm 2020, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Nội chính là xây dựng 4 đề án lớn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó có đề án về phòng chống tham nhũng, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức ngành Nội chính và Tư pháp.

Ngày 6/1, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Đến dự và chỉ đạo hội nghị, tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng - Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Võ Văn Thưởng - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam; Đại tướng Lương Cường - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Phan Đình Trạc - Trưởng ban Nội chính Trung ương; đại diện các bộ, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị Trung ương.

Chủ trì hội nghị ở điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Lê Đức Cường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Hoài Thu
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Hoài Thu

Xét xử nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh, năm 2019 cán bộ,công chức, nhân viên ngành Nội chính Đảng đã có nhiều nỗ lực cố gắng, thực hiện có hiệu quả phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại hội nghị tổng kết ngành Nội chính năm 2018; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, PCTN, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, vì vậy đề nghị hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề về đánh giá những mặt được, chưa được, những nguyên nhân tồn tại của ngành trong năm 2019, chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm tốt, sáng tạo, hiệu quả của cơ quan đơn vị, địa phương mình, nhất là những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ.

Đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tại hội nghị, cho biết về các kết quả công tác, đối với phòng PCTN, Ban Chỉ đạo Công tác cán bộ năm 2019 đã kết thúc chỉ đạo 26 vụ án, 38 vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi; 11 vụ án, 37 vụ việc thuộc diện Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý dứt điểm. Đồng thời khởi tố mới 10 vụ án, phục hồi điều tra 7 vụ án, kết thúc điều tra 21 vụ án/217 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 18 vụ án/98 bị can; xét xử sơ thẩm 13 vụ án/47 bị cáo, xét xử phúc thẩm 13 vụ án/156 bị cáo thuộc diện Ban Chỉ đạo PCTN theo dõi, chỉ đạo.

Phiên tòa xét xử các bị cáo liên quan vụ việc vi phạm quy định về quản lý và sử dụng đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ tại Công ty Viễn thông Mobifone. Ảnh tư liệu

Đặc biệt, đã đưa ra xét xử 6 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, đó là các vụ án về: “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Vinashin”; Vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại Công ty CP VN Pharma; “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam”; các vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương và tại Ngân hàng TMCP Đông Á; Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ tại Công ty Viễn thông Mobifone”. Theo đó, đã tạm giữ, kê biên tài sản, niêm phong, ngăn chặn giao dịch trên 10.000 tỷ đồng.

Xây dựng 4 đề án lớn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Đánh giá công tác năm 2019, hội nghị cho biết, Ban đã làm khá tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước thông qua việc xây dựng, hoàn thành các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cũng như các công tác khác, như theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, nắm tình hình cơ sở, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế…

Ngoài ra, hội nghị cũng chỉ ra 5 hạn chế, nguyên nhân cơ bản cần khắc phục, trong đó chú ý khắc phục việc có lúc công tác nắm tình hình ở địa bàn còn chưa kịp thời, dẫn đến chưa làm tốt công tác tham mưu, đề xuất. Công tác bồi dưỡng kiến thức, hướng dẫn nghiệp vụ về nội chính, PCTN và cải cách tư pháp cho các địa phương làm khá tốt, nhưng đối với các bộ, ban, ngành và tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn hạn chế…

Ảnh minh họa.

Đề ra các nhiệm vụ trong năm 2020, năm có ý nghĩa quan trọng đối với công tác nhân sự và Đại hội Đảng các cấp, Ban Nội chính Trung ương sẽ tập trung các nhiệm vụ quan trọng như việc xây dựng 4 đề án lớn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư về: Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW về công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; Đề án tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực PCTN; Đề án về mô hình cơ quan đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; Đề án quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ ngành Nội chính và Tư pháp theo tinh thần nghị quyết Trung ương 7 khóa XII.

Hội nghị cũng được nghe 8 tham luận của các ngành, địa phương chia sẻ những cách làm hiệu quả, các góp ý, giải pháp nâng cao chất lượng công tác ngành Nội chính của Đảng trong thời gian tới; được nghe đồng chí Trần Quốc Vượng phát biểu ghi nhận những kết quả đạt được thời gian qua, các chỉ đạo của Ban Bí thư đối với công tác nội chính của Đảng thời gian tới.

Hoài Thu