Bộ Nội vụ yêu cầu các tỉnh tự chấm điểm Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 khách quan, toàn diện

Thanh Lê 06/01/2020 11:56

(Baonghean.vn) - Bộ Nội vụ yêu cầu các địa phương triển khai tự chấm điểm Chỉ số cải cách hành chính của địa phương mình một cách khách quan, toàn diện; đưa chỉ số này gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương mình.

Sáng 6/1, tại thành phố Vinh, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị triển khai tổng kết chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2020 và kế hoạch xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2019.

a

Dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Minh Hùng - Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ; Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Sở Nội vụ 31 tỉnh, thành phía Bắc. Ảnh: Thanh Lê

Đánh giá toàn diện, khách quan

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phạm Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ nhấn mạnh: Hội nghị lần này nhằm lấy ý kiến góp ý của các địa phương để đánh giá toàn diện tình hình triển khai và kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.

Trên cơ sở đó đề xuất những định hướng, giải pháp, nhiệm vụ cải cách hành chính phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước trong tình hình mới, theo hướng xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp phù hợp với khu vực và thế giới.

Đồng thời, Bộ Nội vụ triển khai những điểm mới của Đề án "Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” để hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố về việc tự đánh giá, chấm điểm xác định Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh năm 2019.

Bộ Nội vụ yêu cầu các địa phương tự chấm điểm để xác định Chỉ số cải cách hành chính của địa phương mình một cách khách quan, toàn diện; đưa chỉ số này gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương mình.

"Từ kết quả điều tra xã hội học, kết quả tự chấm điểm của các địa phương Bộ Nội vụ sẽ phân loại, xếp hạng kết quả Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương năm 2019 vào khoảng tháng 2/2020" - đồng chí Phạm Mạnh Hùng cho biết.

Đồng chí Phạm Mạnh Hùng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Thanh Lê
Đồng chí Phạm Mạnh Hùng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Thanh Lê

Thảo luận tại hội nghị, ý kiến trao đổi của các tỉnh đề xuất việc tổng kết, đánh giá cần phải đảm bảo tính toàn diện, khoa học, khách quan, thiết thực, hiệu quả; đánh giá đa chiều, đảm bảo chính xác kết quả đạt được trên các nội dung của công tác cải cách hành chính.

Ý kiến các đại biểu tập trung làm rõ những kết quả, mục tiêu đạt được, nguyên nhân những mục tiêu không đạt được, tổng hợp phân tích số liệu làm rõ kết quả trong thực hiện chương trình cải cách hành chính theo từng giai đoạn; đề xuất sửa đổi các tiêu chí, tiêu chí thành phần, cách chấm điểm trong Bộ Chỉ số cải cách hành chính phù hợp hơn với thực tiễn các địa phương.

Đồng thời đề xuất những định hướng, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm cải cách hành chính giai đoạn 2020 - 2030...

Xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa khẳng định: Tỉnh Nghệ An cũng đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Theo đó, công tác ban hành văn bản có sự đổi mới; các cơ chế, chính sách phục vụ cho công tác quản lý nhà nước đã được xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện kịp thời.

Thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước được cải cách theo hướng đơn giản, giảm thời gian thực hiện. Một số lĩnh vực đã được rà soát, cắt giảm trên 30% thời gian thực hiện. Chất lượng cán bộ, công chức, viên chức từng bước được nâng lên đáp ứng yêu cầu của công tác tham mưu, quản lý nhà nước. Tài chính công được cải cách tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Lê
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Lê

Nghệ An đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh; bộ phận một cửa, một cửa liên thông ở các cấp được củng cố, kiện toàn tạo thuận lợi hơn cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong giao dịch. Tỷ lệ hài lòng về dịch vụ hành chính công và dịch vụ sự nghiệp công do các cơ quan nhà nước của tỉnh cung cấp tăng hàng năm.

Tổ chức bộ máy ở các cấp được sắp xếp theo hướng tinh gọn, đã giảm được 92 đầu mối bên trong và 35 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 20 đơn vị hành chính cấp xã (từ 480 đơn vị xuống 460 đơn vị), giảm 1.991 xóm, thôn, khối, bản.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước được chú trọng với việc triển khai các phần mềm dùng chung liên thông ở các cấp, phần mềm chuyên ngành, hệ thống thư điện tử, hệ thống giao ban trực tuyến... đã hỗ trợ tốt hơn cho công tác cải cách hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và xử lý công việc của đội ngũ cán bộ, công chức.

Đại diện Sở Nội vụ Hải Dương góp ý cách thức chấm điểm xác định Chỉ số Cải cách hành chính. Ảnh: Thanh Lê
Đại diện Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương góp ý cách thức chấm điểm xác định Chỉ số cải cách hành chính. Ảnh: Thanh Lê

Đến nay 100% đơn vị sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã của Nghệ An thực hiện việc gửi nhận văn bản qua hệ thống liên thông; đã bãi bỏ được văn bản giấy (trừ các văn bản mật).

Tỉnh đã đưa vào ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (mức 3, mức 4) đã tạo điều kiện thuận lợi hơn trong giao dịch của người dân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước. Song song với đó kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị được tăng cường; mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhân dân, doanh nghiệp được cải thiện.

Trên cơ sở kết quả đạt được trong thời gian tới, tỉnh tập trung các giải pháp hướng tới nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Kiểm tra công tác cải cách hành chính tại xã Hưng Lộc (TP. Vinh). Ảnh: Thanh Lê

Kết luận tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ Phạm Mạnh Hùng ghi nhận, đánh giá cao ý kiến góp ý của các địa phương.

Bộ Nội vụ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, đề xuất của các tỉnh để xây dựng báo cáo tổng kết chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2020 đảm bảo chất lượng, toàn diện, khoa học. Trên cơ sở đó xây dựng Chương trình Cải cách hành chính giai đoạn tiếp theo khả thi, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của đất nước.

Thanh Lê