Cái kết có hậu với 4 phóng viên Đài TT-TH Quỳ Hợp từng bị chấm dứt hợp đồng
(Baonghean) - Trung tuần tháng 12/2019, tôi nhận được điện thoại của Phan Thị Giang – Cộng tác viên Đài TT-TH Quỳ Hợp. Đầy xúc cảm, Giang nghẹn ngào: Vậy là có cơ hội để bọn em thực sự được trở lại với nghề báo rồi…
“Bọn em” như Giang nói, ngoài cô còn gồm Nguyễn Thị Hợp, Hồ Thị Nguyệt, Cao Thị Trâm Anh. Họ là 4 nữ phóng viên Đài TT-TH Quỳ Hợp, bị chấm dứt hợp đồng lao động cuối tháng 12/2017.
2 NĂM TRƯỚC
Tháng 3/2018, là thời điểm Báo Nghệ An nhận được đơn kiến nghị của 4 phóng viên Đài TT-TH Quỳ Hợp. Qua xác minh, 4 phóng viên này được Đài PT-TH tỉnh Nghệ An ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với chức danh phóng viên làm việc tại Đài TT-TH Quỳ Hợp từ tháng 3/2011.
Đến tháng 11/2011, Đài PT-TH tỉnh chuyển giao các Đài TT-TH cấp huyện cho UBND các huyện, thành, thị quản lý theo Quyết định số 2456/QĐ-UBND-VX của UBND tỉnh, với tinh thần “Tỉnh bàn giao nguyên trạng, huyện tiếp nhận nguyên trạng từ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị làm việc cũng như nhân sự con người”.
Từ trái sang phải, 4 phóng viên Phan Thị Giang, Nguyễn Thị Hợp, Hồ Thị Nguyệt, Cao Thị Trâm Anh thời điểm viết đơn kiến nghị năm 2018. Ảnh: Nhật Lân |
Dù làm việc chăm chỉ, tích cực, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ nhưng từ năm 2011 đến tháng 12/2017, 4 phóng viên hợp đồng này chưa một lần được nâng lương; chỉ được hưởng mức lương với hệ số khởi điểm (từ 2,5 - 2,8 triệu đồng/tháng). Đằng đẵng nhiều năm làm phóng viên Đài TT-TH huyện, dù chế độ đãi ngộ thấp là vậy, nhưng yêu nghề, họ luôn nỗ lực hy vọng sẽ được ghi nhận, qua đó, có sự thay đổi tốt đẹp hơn. Vậy nhưng hy vọng tan biến, thay vào đó là bản thông báo chấm dứt hợp đồng - một cái kết không còn gì có thể chát đắng hơn.
Đài TT-TH Quỳ Hợp chỉ có 5 phóng viên nên khi chấm dứt hợp đồng 4 phóng viên, đơn vị này gần như không còn người làm chuyên môn.
Cũng từ xác minh, thấy rõ những bất hợp lý trong việc 4 phóng viên bị chấm dứt hợp đồng. Đó là theo Đề án vị trí việc làm của Đài TT-TH Quỳ Hợp (năm 2013), nhu cầu lao động tối thiểu để đáp ứng công tác chuyên môn là 12 người. Với số lao động hiện tại của Đài thời điểm năm 2017, gồm cả 4 phóng viên thì vừa đủ nhân lực theo đề án. Đài TT-TH Quỳ Hợp chỉ có 5 phóng viên (kiêm biên tập viên, phát thanh viên), khi chấm dứt hợp đồng 4 phóng viên, đơn vị này gần như không còn người làm chuyên môn.
Về hợp đồng lao động của Đài PT-TH tỉnh Nghệ An với 4 phóng viên, thì vẫn còn nguyên giá trị. Nên việc đột ngột đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Đài TT-TH Quỳ Hợp chưa đúng quy định. Đó là chưa nói đến 4 phóng viên đều là lao động nữ; quá trình công tác có cống hiến, từng đạt nhiều thành tích góp phần tạo nên uy tín cho Đài TT-TH Quỳ Hợp; họ đều đang nuôi con nhỏ, thậm chí có phóng viên còn có chồng là quân nhân đang công tác ở vùng biên giới, hải đảo…
Tại sao lại như vậy? Như ông Võ Sỹ Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp từng trao đổi: “Huyện Quỳ Hợp chỉ đạo thực hiện chấm dứt hợp đồng với 4 phóng viên là tuân thủ Chỉ thị số 293/CT-UBND của UBND tỉnh về công tác tổ chức bộ máy, biên chế, công chức, viên chức, và người lao động trong các cơ quan đơn vị…”. Là nói vậy nhưng bản thân ông Võ Sỹ Sơn cùng không ít cán bộ có trách nhiệm ở Quỳ Hợp rất băn khoăn. Vì như ông Sơn trao đổi, việc chấm dứt hợp đồng với 4 phóng viên sẽ khiến hoạt động chuyên môn của Đài TT-TH bị ảnh hưởng.
Ông Võ Sỹ Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp. |
Trưởng đài TT-TH Quỳ Hợp Hà Huy Nhâm cũng nói rằng khi ký thông báo, anh như “cắt tay của bản thân mình”. Vì: “Trên dưới 10 năm trời gắn bó với nhau, ngoài tình cảm đồng nghiệp, 4 phóng viên đã như là những người thân trong gia đình. Việc chấm dứt hợp đồng với họ khiến Đài TT-TH Quỳ Hợp thiếu trầm trọng nhân lực hoạt động chuyên môn…”.
Năm 2018, Báo Nghệ An đã đăng tải một số bài viết, trong đó nêu rõ quan điểm là cần xem xét lại một cách thấu đáo việc tinh giản lao động cho đúng quy định của pháp luật, đảm bảo các chính sách về lao động, không để giảm sút chất lượng hoạt động chuyên môn của Đài PTTH Quỳ Hợp. Sự việc này sau đó được nhiều cấp ngành quan tâm. Ngày 9/4/2018, Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam cũng có Công văn số 39/HNB-BKT đề nghị UBND huyện Quỳ Hợp cho ý kiến về sự việc 4 phóng viên Đài TT-TH Quỳ Hợp bị chấm dứt hợp đồng, vì: “Vụ việc này đang tạo nên dư luận nhiều chiều, thu hút sự quan tâm theo dõi của những người làm báo và nhân dân cả nước”.
Chuyện bi hài sau đó lại xảy đến. Đó là việc vừa làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, 4 phóng viên lại tiếp tục “giúp” làm chuyên môn cho Đài TT-TH Quỳ Hợp với “chiếc áo mới” là: cộng tác viên!
Các phóng viên (trái sang, trên xuống): Phan Thị Giang, Hồ Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Hợp, Cao Thị Trâm Anh đang tác nghiệp với danh nghĩa cộng tác viên của Trung tâm Văn hóa – thể thao và Truyền thông huyện Quỳ Hợp. |
DỆT LẠI ƯỚC MƠ
Cuộc điện thoại nhận được từ Phan Thị Giang, với tôi, thực sự không bất ngờ. Vì khoảng thời gian 2 năm qua, vẫn thường xuyên dõi theo những biến chuyển, biết được lãnh đạo huyện Quỳ Hợp có buồn lòng trước những điều tiếng thị phi trên báo chí, trên mạng xã hội. Vì cái tâm của người lãnh đạo, thời điểm đó cũng đang đau đáu tìm lời giải, nhưng chưa được thấu hiểu. Và họ bình thản đón nhận, rồi âm thầm có những hành động nhằm giúp cho 4 phóng viên được trở lại làm nghề một cách chính danh.
Bí thư Huyện ủy Hồ Lê Ngọc có nói với đại ý rằng làm công tác cán bộ phải nhân văn, huyện sẽ cố gắng để 4 phóng viên được ưu tiên vào biên chế.
Những hành động ấy chưa bao giờ được hé mở cho đến ngày 19/6/2019, khi huyện Quỳ Hợp tổ chức buổi tọa đàm kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm 2019. Theo lời kể của Trưởng Đài TT-TH Hà Huy Nhâm ngay sau buổi lễ, sau khi chúc mừng những người làm công tác báo chí của huyện, Bí thư Huyện ủy, anh Hồ Lê Ngọc có dành một khoảng thời gian ngắn để trao đổi về việc của 4 phóng viên. Trong đó Bí thư Huyện ủy có nói với đại ý rằng làm công tác cán bộ phải nhân văn, huyện sẽ cố gắng để 4 phóng viên được ưu tiên vào biên chế...
Rồi cơ hội cho 4 phóng viên Hợp - Giang - Nguyệt - Trâm Anh thực sự mở ra khi huyện Quỳ Hợp thực hiện đề án sáp nhập 3 đơn vị gồm: Trung tâm Văn hóa thể thao, Nhà văn hóa thiếu nhi và Đài TT-TH thành Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông. Trung tâm mới này gồm 4 bộ phận Hành chính-Kỹ thuật, Văn hóa- Thể thao, Truyền thanh - Truyền hình, Giáo dục đoàn đội, thiếu nhi ngoài nhà trường.
Thị trấn Quỳ Hợp nhìn từ trên cao. Ảnh: Sách Nguyễn |
Sau khi sáp nhập (ngày 31/10/2019), Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Quỳ Hợp còn thiếu 7 vị trí. Quá trình xây dựng Đề án vị trí việc làm, Trung tâm xác định cần tuyển dụng 1 vị trí phát thanh viên và 3 vị trí phóng viên để đảm bảo cho hoạt động Truyền thanh - Truyền hình. Đề án vị trí việc làm của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông được UBND huyện Quỳ Hợp phê duyệt ngày 13/12/2019, tại Quyết định số 2500/QĐ-UBND.
Về “cơ hội” mà Phan Thi Giang nghẹn ngào thông tin, xuất phát từ Hội nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp, do Thường trực Huyện ủy Quỳ Hợp tổ chức ngày 12/12/2019. Hội nghị gồm nhiều nội dung, trong đó, có xem xét Tờ trình số 278/TTr-UBND ngày 12/12/2019 của UBND huyện “Về việc xin chủ trương tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp cấp huyện năm 2020”. Trên cơ sở đồng thuận, nhất trí của tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy, đồng chí Hồ Lê Ngọc - Bí thư Huyện ủy đã có kết luận theo hướng mở ra cơ hội cho 4 phóng viên.
Ngày 13/12/2019, Huyện ủy Quỳ Hợp ban hành Thông báo số 1049/TB-HU, thông báo Kết quả Hội nghị Ban Thường vụ Huyện ủy tháng 12/2019. Tại đây, nêu rõ quan điểm về việc xin chủ trương tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp cấp huyện năm 2020 của UBND huyện tại Tờ trình số 278/TTr-UBND. Đó là: “Đồng ý chủ trương theo đề nghị của UBND huyện tại Tờ trình số 278/TTr-UBND ngày 12/12/2019 “về việc xin chủ trương tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp cấp huyện năm 2020”, trong đó ưu tiên trình cấp thẩm quyền tuyển dụng 4 đồng chí đang làm cộng tác viên tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện (trước đây là hợp đồng lao động của Đài PTTH tỉnh Nghệ An làm việc tại Đài TT-TH huyện)”.
Thông báo của Huyện ủy Quỳ Hợp về kết quả Hội nghị Ban Thường vụ Huyện ủy định kỳ tháng 12/2019. |
Tôi đã hỏi anh Hà Huy Nhâm tới đây UBND huyện Quỳ Hợp sẽ thực hiện thông báo của Huyện ủy như thế nào? Anh Nhâm (nay là Giám đốc Trung tâm Văn hóa – thể thao và Truyền thông) cho biết sau khi Huyện ủy có thông báo, UBND huyện sẽ có văn bản trình UBND tỉnh và Sở Nội vụ xem xét, cho phép huyện Quỳ Hợp được tuyển dụng 4 bạn Hợp - Giang - Nguyệt - Trâm Anh vào các vị trí phóng viên, phát thanh viên mà Trung tâm đang thiếu.
“Huyện ủy, UBND huyện và Trung tâm ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của 4 phóng viên với công tác TT-TH của huyện trong hơn 10 năm qua. Nhưng việc tuyển dụng vẫn thực hiện đảm bảo đúng quy định. Tôi cũng đã nhắc các bạn ấy về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm; về các tiêu chí, tiêu chuẩn để họ đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu tuyển dụng…”.
Nghe Giám đốc Trung tâm Văn hóa – thể thao và Truyền thông huyện Quỳ Hợp trao đổi, nghĩ việc tuyển dụng cần phải được cấp thẩm quyền xem xét, cho phép thực hiện. Nhưng với những nỗ lực vượt khó, thể hiện sự khát khao cống hiến của Phan Thị Giang, Hồ Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Hợp, Cao Thị Trâm Anh trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong 2 năm khoác áo “cộng tác viên” đã giúp cho Đài TT-TH hoàn thành tốt nhiệm vụ thì những hành động giúp cho họ của huyện Quỳ Hợp là cần làm, nên làm. Và Đề án vị trí việc làm của Trung tâm Văn hóa – thể thao và Truyền thông; thông tin tại Thông báo 1049/TB-HU của Huyện ủy Quỳ Hợp…, thực sự là tin mừng. Tin tưởng sẽ có một cái kết có hậu, giúp 4 phóng viên được dệt lại ước mơ nghề báo.
Tin tưởng sẽ có một cái kết có hậu, giúp 4 phóng viên được dệt lại ước mơ nghề báo. Trong ảnh: Nhiều phóng viên của Đài TT-TH Quỳ Hợp đạt giải cao tại Liên hoan PT- TH Nghệ An hàng năm. Ảnh tư liệu: P.V |