Thơm lừng mùa che mía nấu mật Tết ở Nghệ An

Huy Thư 08/01/2020 12:37

(Baonghean.vn) - Những ngày này, người dân trồng mía trong tỉnh đang hối hả bước vào mùa che mía nấu mật Tết. Không khí lao động và mùi mật thơm lừng của mật mía dường như càng làm cho Tết đến gần hơn.

Năm nào cũng thế, cứ trung tuần tháng Chạp là thời điểm hối hả nhất của mùa che mía nấu mật Tết của người dân các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Đô Lương, Thanh Chương, Yên Thành... Dịp này về những vùng trồng mía, đi đâu cũng thấy bà con hối hả ép mía nấu mật. Trong ảnh: Một gia đình ở xóm Nam Tân, xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương đang ép mía.
Năm nào cũng thế, cứ trung tuần tháng Chạp là thời điểm hối hả nhất của mùa che mía nấu mật Tết của người dân các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Đô Lương, Thanh Chương, Yên Thành... Dịp này về những vùng trồng mía, đi đâu cũng thấy bà con hối hả ép mía nấu mật. Trong ảnh: Một gia đình ở xóm Nam Tân, xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương đang ép mía.

Ngày trước, diện tích trồng mía nhiều, công cụ ép mía thô sơ, việc che mía nấu mật bắt đầu từ tháng 11 âm lịch và kéo dài đến tận Tết Nguyên đán. Nay nhờ có máy móc nên việc che mía trở nên đơn giản hơn. Tuy nhiên chỉ có một số hộ trồng mía mua sắm máy ép, họ vừa làm cho nhà mình, vừa đi ép thuê cho các gia đình (30 nghìn đồng/chảo nước mía). Một số hộ dân dùng xe công nông, xe trâu chở mía đến các nhà có máy, ép xong rồi chở nước mía về.
.

Cây mía sau khi ép được bà con phơi khô để đun lò nấu mật, một số được bán cho những cơ sở làm hương trầm. Mỗi khi trời mưa, chạy bã mía cũng không khác gì chạy rơm mùa lúa. Trong ảnh: Niềm vui lao động của người nông dân trồng mía mùa nấu mật.

Thường thì các gia đình trồng mía nấu mật ở các huyện đều xây dựng trong nhà một hệ thống lò nấu mật kiên cố từ 2 - 3 chảo, thậm chí 4 -5 chảo có 1 cửa đốt với nhiều ưu điểm phù hợp cho việc nấu mật. Kinh nghiệm của bà con là không ép mía 1 lần quá nhiều, chỉ ép nấu trong ngày vì để qua ngày khác nước mía sẽ lên men làm giảm chất lượng của mật. Từ nước mía để nấu thành mật phải qua nhiều công đoạn: vớt bọt bẩn, sang chảo, lọc...
Khi nấu mật, công việc quan trọng là phải vớt cho sạch bọt bẩn. Người dân thường dùng 1 cái vợt cạn làm bằng vải hoặc màn tuyn để vớt bọt bẩn trên chảo mật. Mía càng bẩn thì bọt càng nhiều. Công việc vớt bọt được tiến hành thường xuyên, nếu vớt kỹ thì mật thành phẩm sẽ sáng, đẹp.

Khi chảo mật được vớt sạch bọt bẩn cũng là lúc mật sôi trào, người dân thường dùng 1 cái vanh làm bằng tre để đóng khung mật ở trên chảo. Sau khi đun khoảng 3 - 4 tiếng đồng hồ, nước mía sẽ cạn dần, đổi sang màu cánh dán và tỏa ra mùi thơm ngào ngạt lúc này công việc nấu mật đã hoàn thành. Tùy vào người nấu muốn có mật đặc hay mật loãng mà bớt hay thêm lửa.
Là vùng quê có truyền thống trồng mía nấu mật ở Đô Lương, xã Giang Sơn Đông hiện có nhiều xóm còn duy trì nghề này, trong đó xóm Nam Tân có trên dưới 100 hộ. Ông Nguyễn Văn Trọng (60 tuổi) một người dân trong xóm cho biết, nhà ông làm 6 sào mía, mỗi năm nấu được hơn 2 tấn mật thu được vài chục triệu đồng. Mùa che mía nấu mật đang đem lại niềm vui cho người dân trồng mía và mang hương vị Xuân - Tết ngọt ngào đến với mọi nhà.
Nấu mật Tết ở xã Giang Sơn Đông (Đô Lương)

Huy Thư