Dịch vụ thẩm mỹ ở Nghệ An: 'Treo đầu dê, bán thịt chó'
(Baonghean) - Nhiều cơ sở làm đẹp ở Nghệ An hiện nay mặc dù không được cấp phép thực hiện các thủ thuật xâm lấn, gây ra máu nhưng vẫn ngang nhiên quảng cáo trên các biển hiệu hàng loạt dịch vụ này.
Lập lờ tên gọi
Đứng ở trung tâm TP. Vinh, vào ứng dụng Google Maps tìm kiếm cụm từ “thẩm mỹ viện”, ngay lập tức hàng loạt chấm đỏ hiện lên thông báo địa điểm các thẩm mỹ viện xung quanh. Chỉ trong một khu vực nhỏ, phóng viên đã ghi nhận hàng loạt cơ sở có tên gọi “Thẩm mỹ viện” hay “Viện thẩm mỹ” xung quanh trung tâm thành phố.
TP Vinh hiện có hơn 40 cơ sở thẩm mỹ treo biển Thẩm mỹ viện hoặc Viện thẩm mỹ. |
Tuy nhiên, theo ông Trần Nguyên Truyền - Chánh Thanh tra Sở Y tế Nghệ An, những tên gọi của các cơ sở làm đẹp này đều sai. Bởi theo Nghị định 109 và Nghị định 155 của Chính phủ thì tên gọi của những cơ sở này phải gọi là “Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ”. Đối với những cơ sở được Sở Y tế cấp phép thì được gọi là “Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ”. Chính vì thế, tên trên biển hiệu cũng phải đúng với tên trong giấy phép.
Theo Chánh thanh tra Sở Y tế, việc treo biển "thẩm mỹ viện" như thế này là sai quy định. Ảnh: Tiến Hùng |
“Trên địa bàn Nghệ An hiện nay, tất cả cơ sở để tên là “Thẩm mỹ viện” hay “Viện thẩm mỹ” đều sai và có thể bị xử phạt. Với lỗi là tên trên biển hiệu, quảng cáo sai so với trong giấy phép đủ điều kiện hành nghề”, ông Truyền nói và cho rằng, trách nhiệm để sai trong vấn đề này là của TP. Vinh. Bởi khi đưa vào hoạt động, các cơ sở sẽ gửi văn bản về thành phố, khi nhận thấy tên gọi của cơ sở sai thì nên có biện pháp từ đầu.
Còn theo khảo sát của Đại úy Ngô Ánh Sáng (Công an tỉnh Nghệ An), trên địa bàn TP. Vinh hiện có 75 cơ sở thẩm mỹ và trong số này có hơn 40 cơ sở có tên trên biển hiệu là “Thẩm mỹ viện” hoặc “Viện thẩm mỹ”. “Điều này khiến người dân ngộ nhận rằng, trên địa bàn TP. Vinh thẩm mỹ viện hoạt động nhiều. Nhưng không mấy người biết rằng, hiện nay mới chỉ có 1 bệnh viện và 3 phòng khám được cấp phép. Tôi cho rằng, thời gian tới cơ quan chức năng cần đề nghị các cơ sở thay đổi biển, hoặc là xử phạt theo quy định và cưỡng chế tháo dỡ”, Đại úy Sáng nói.
"Thẩm mỹ viện" này vừa bị đoàn kiểm tra phát hiện nhiều vi phạm. Ảnh: Tiến Hùng |
Ngoài ra, mặc dù chỉ là cơ sở dịch vụ thẩm mỹ nhưng hàng loạt cơ sở lại ngang nhiên quảng cáo trên các biển hiệu nhiều dịch vụ không được phép làm. Bởi theo quy định, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chỉ được thực hiện các hoạt động như xăm, phun, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.
Còn các dịch vụ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được phép thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Nếu chiếu theo quy định thì trên địa bàn TP. Vinh hiện nay mới chỉ có 3 phòng khám và 1 bệnh viện được phép làm những thủ thuật này.
Trên địa bàn TP Vinh hiện nay có ít nhất 75 cơ sở thẩm mỹ, nhưng chỉ có 3 phòng khám và một bệnh viện được cấp phép. Ảnh: Tiến Hùng |
Quản lý lỏng lẻo
Bà Hồ Thị Hoa - Phó trưởng Phòng Y tế thành phố Vinh cho rằng, các cơ sở phun, xăm môi, mi mắt hoạt động "chui" nhưng việc xử lý rất khó khăn, bởi phải bắt quả tang trực tiếp mới xử phạt được. Từ trước đến nay, phòng chưa xử lý được trường hợp nào, bởi các cơ sở này tầng 1 là tiếp nhận bệnh nhân, tư vấn; tầng trên mới làm các thủ thuật. Khi lực lượng chức năng xuất hiện, qua camera các cơ sở này lập tức ngừng thực hiện thủ thuật, mặt khác do lực lượng quản lý mỏng nên không kiểm soát nổi và khó khăn khi tiếp xúc kiểm tra, xử lý.
Bà Hoa cũng thừa nhận, lực lượng quản lý đã không thường xuyên kiểm tra, trong những lần hiếm hoi đi kiểm tra cũng không có khách làm thủ thuật nên không xử lý được. Trong khi đó, các cơ sở cũng thường che giấu, phủ nhận các hành vi vi phạm của mình. Lấy lý do chủ cơ sở đi vắng để trì hoãn thời gian tiếp đón nhằm tranh thủ xóa hết các hoạt động thực hiện trái quy định mỗi khi có đoàn kiểm tra.
Trước tình trạng các cơ sở thẩm mỹ hoạt động bát nháo trên địa bàn, mới đây, lãnh đạo Sở Y tế, đại điện Công an tỉnh đã có buổi làm việc với TP. Vinh về vấn đề này. Tại buổi làm việc, ông Đậu Vĩnh Thịnh - Phó Chủ tịch UBND TP. Vinh đã nhận khuyết điểm để xảy ra những hạn chế mà đoàn công tác nêu.
Tuy nhiên, ông cũng kiểm điểm lãnh đạo Phòng Y tế cũng như Trung tâm Y tế TP. Vinh. Thậm chí, tại buổi làm việc của thành phố với đoàn công tác của tỉnh mới đây về hoạt động y tế trên địa bàn, lãnh đạo Trung tâm Y tế TP. Vinh lại không một ai có mặt. Chỉ điều đó thôi cũng cho thấy sự thờ ơ trong công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn TP. Vinh.
Tại buổi làm việc với TP. Vinh, lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An đề nghị thành phố nên quyết liệt trong lĩnh vực dịch vụ thẩm mỹ. Ảnh: Tiến Hùng |
Ông Đậu Huy Hoàn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, để làm tốt công tác quản lý các cơ sở thẩm mỹ, các cấp, ngành phải vào cuộc một cách quyết liệt; tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm; chặt chẽ hơn trong việc cấp giấy phép kinh doanh cho các cơ sở spa, thẩm mỹ. Về lĩnh vực này, từ năm 2017, Sở Y tế Nghệ An đã ủy chuyển cho thành phố, huyện, thị xã quản lý các cơ sở thẩm mỹ. Vì thế, trách nhiệm kiểm tra, giám sát là của Phòng Y tế thành phố Vinh.
Tại buổi làm việc với TP. Vinh, lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An đề nghị thành phố nên quyết liệt trong vấn đề này. “Trước tiên là xử lý dứt điểm việc tên biển hiệu, quảng cáo của các cơ sở thẩm mỹ, phải đưa nó về đúng tên gọi của mình. Nhiều người nghĩ việc biển hiệu chỉ là chuyện nhỏ, nhưng thực ra rất lớn, vì khách hàng chủ yếu dựa vào biển hiệu, dựa vào quảng cáo để vào làm đẹp. Vấn đề này TP. Vinh nên làm mạnh tay”, ông Hoàn nói.
Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Y tế và Công an tỉnh đã phát hiện rất nhiều vấn đề sai phạm từ Viện Thẩm mỹ Dvincy Lam Hồng, Thẩm mỹ viện Hàn Quốc, Thẩm mỹ viện Quỳnh Hương. |
Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Y tế và Công an tỉnh đã phát hiện rất nhiều vấn đề sai phạm từ Viện Thẩm mỹ Dvincy Lam Hồng, Thẩm mỹ viện Hàn Quốc, Thẩm mỹ viện Quỳnh Hương. Tại đây, một số cơ sở chưa xuất trình được một số giấy tờ pháp lý, hóa đơn, chứng từ, tài liệu chứng minh các hoạt động của cơ sở là hợp pháp. Đoàn phát hiện các cơ sở này có rất nhiều vỏ thuốc cầm máu, vỏ lọ thuốc giảm đau dạng tiêm, bơm kim tiêm đã qua sử dụng, nhiều bông băng và găng tay dính máu, nhiều phiếu hẹn tái khám sau phẫu thuật như: cắt mí dưới, cắt mí trên, nâng mũi sửa cấu trúc, thu âm đạo môi bé, triệt lông bằng laser; đặc biệt phát hiện 3 bơm kim tiêm đã lấy sẵn thuốc, nhưng không biết thuốc gì. Ngoài ra trên tờ rơi quảng cáo của cơ sở này còn còn thực hiện được các kỹ thuật mà chỉ có các cơ sở chuyên khoa được cấp phép mới thực hiện được như: Triệt lông, điều trị nám bằng laser, nâng cơ, xóa nhăn, điều trị giãn mao mạch…