Nghệ An: Thịt lợn giảm giá, sức mua kém

Thanh Phúc 14/01/2020 10:58

(Baonghean) - Khoảng gần 1 tháng nay, giá lợn hơi liên tục hạ nhiệt kéo theo đó giá thịt thành phẩm cũng giảm từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, dù áp Tết nhưng sức mua của người dân đối với mặt hàng này chưa có dấu hiệu tăng lên.

Sát Tết, dù giá thịt lợn giảm song sức tiêu thụ mặt hàng này vẫn chậm, giảm sút so với mọi năm. Ảnh: Thanh Phúc
Chỉ còn 10 ngày nữa là đến Tết, dù giá thịt lợn giảm song sức tiêu thụ mặt hàng này vẫn chậm, giảm sút mạnh so với mọi năm. Ảnh: Thanh Phúc

Tiếp đà giảm từ cuối tháng 12/2019, giá lợn hơi những ngày đầu tháng 1/2020 tiếp tục hạ nhiệt, giảm thêm 3.000 - 5.000 đồng/kg. Hiện mỗi kg lợn hơi giảm bình quân 10.000 - 12.000 đồng so với thời điểm tăng kỷ lục, về mức 82.000 - 85.000 đồng/kg. Tại một số địa phương trong tỉnh, giá lợn hơi xuống dưới mức 80.000 đồng/kg như Anh Sơn, Thanh Chương…

Giá lợn hơi giảm nên giá thịt thành phẩm vì thế cũng giảm theo. Qua khảo sát tại chợ Quán Lau, Hưng Dũng, Bến Thủy, Cửa Bắc (TP.Vinh), giá sườn non và thịt ba chỉ, thăn lần lượt có giá 150.000đồng/kg, giảm 10.000 - 15.000 đồng/kg so với cách đây 1 tuần, giảm 20.000 - 25.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng; thịt nạc vai, mông sấn cũng giảm còn 140.000 - 150.000 đồng/kg.

Còn tại một số chợ ở khu vực nông thôn, giá thịt lợn dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/kg (tùy loại), giảm nhiều so với thời điểm giá lợn tăng cao kỷ lục.

Thịt lợn ế ẩm một phần do giá vẫn còn cao, phần nữa do người tiêu dùng chuyển sang lựa chọn các thực phẩm thay thế. Hiện do chênh lệch giá giữa thịt lợn và các loại bò, gà, me không cao nên nhiều người chuyển sang sử dụng các loại thịt khác để chế biến món ăn Tết. Ảnh: Thanh Phúc
Thịt lợn ế ẩm một phần do giá vẫn còn cao, phần nữa do người tiêu dùng chuyển sang lựa chọn các thực phẩm thay thế. Hiện do chênh lệch giá giữa thịt lợn và các loại bò, gà, me không cao nên nhiều người chuyển sang sử dụng các loại thịt khác để chế biến món ăn Tết. Ảnh: Thanh Phúc

Mặc dù giá thịt giảm song theo các tiểu thương, sức mua của người dân chưa cao, sức tiêu thụ giảm sút so với trước đó.

Chị Nguyễn Thị Vân Giang, chủ sạp thịt lợn chợ Quán Lau (TP Vinh) cho biết: “Thời điểm này, lẽ ra là mùa cao điểm tiêu thụ thịt lợn vì nhu cầu làm các món ăn phục vụ Tết như: chân giò rút xương, giò chả, giò thủ, thịt xông khói, tai mui ngâm… rất nhiều. Song năm nay, lượng thịt lợn tiêu thụ giảm 50 - 70% so với cùng thời điểm năm ngoái. Cụ thể, thời điểm này năm ngoái mỗi ngày tôi bán ra khoảng 1,5 tạ thịt lợn/ngày thì nay chỉ bán được khoảng 30 - 35 kg/ngày”. Đại diện các siêu thị cũng cho biết, sức tiêu thụ thịt lợn khá chậm dù đã gần Tết.

Nguyên nhân chính dẫn đến sức mua giảm sút là dẫu giá thịt lợn đã giảm song vẫn cao so với những năm trước, thậm chí gấp đôi. Trong khi đó, giá thịt bò, thịt gà vẫn giữ nguyên nên người tiêu dùng cân nhắc giữa việc lựa chọn thịt lợn và các loại thực phẩm thay thế. Thay vì làm các món ăn Tết từ thịt lợn thì làm giò bò, giò gà, xúc xích bò, khô bò, khô gà…

Các quán nhậu vắng khách khi NĐ 100 có hiệu lực cũng là nguyên nhân khiến lượng tiêu thụ thịt lợn cuối năm sụt giảm. Ảnh tư liệu
Các quán nhậu vắng khách khi Nghị định 100 có hiệu lực cũng là nguyên nhân khiến lượng tiêu thụ thịt lợn cuối năm sụt giảm. Ảnh tư liệu Quang An

Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi kéo dài, thịt lợn tăng giá, người dân đã quen với việc hạn chế các món chế biến từ thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày khiến nhu cầu về thịt lợn giảm khoảng 30%, nên việc lựa chọn thịt lợn không còn là ưu tiên hàng đầu của người dân.

Chị Nguyễn Thúy Bình ở phường Lê Mao (TP.Vinh) cho biết: “Giá thịt lợn vẫn ở mức cao. Do đó, tôi lựa chọn thịt bò để chế biến các món Tết, vì giá thịt bò trước đây gấp đôi, gấp 3 thịt lợn còn giờ chỉ chênh 60.000 đồng/kg”.

Mặt khác, từ khi Nghị định 100 về quy định xử phạt nồng độ cồn, các quán hàng kinh doanh ăn uống vắng vẻ, đìu hiu nên lượng tiêu thụ thịt lợn nói riêng và các thực phẩm khác nói chung giảm mạnh.

Thanh Phúc