Tìm về những giá trị đích thực của Tết

Thành Chung - Đức Anh 19/01/2020 14:06

(Baonghean.vn) - Tết xưa, không khí làng quê rộn ràng nhờ tiếng pháo râm ran ngõ xóm. Bên giếng làng, ao làng các bà, chị rộn rịp rửa lá dong chuẩn bị gói bánh chưng. Đám trẻ háo hức với chiếc áo mới. Tết nay, vật chất đã đủ đầy hơn. Song ít nhiều các tập tục, ít nhiều giá trị truyền thống phai nhạt...

Báo Nghệ An có cuộc trao đổi cùng nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lê Tài Hòe, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An.

PV: Bây giờ, thời điểm Xuân cũng đã về và Tết Nguyên đán đã cận kề. Mọi người vẫn mong chờ đến thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, được vui như Tết. Ai cũng nói về Tết nhưng nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu Tết là gì? Tết có vai trò như thế nào trong đời sống người Việt? – Ông có thể cho mọi người hiểu thêm về Tết ?
Ông Lê Tài Hòe: Hết chu kỳ 1 năm, nhân dân khắp nơi trong nước lại đón Tết, ăn Tết. Theo quan niệm của người Việt – những cư dân của nền văn minh lúa nước xưa thì Tết được xem như mốc của tiết khí trong bốn mùa. Mỗi năm được chia làm 24 tiết theo nông vụ. Như vậy, khi gặp lại tiết khí trong năm, dân gian xưa vẫn ăn nhiều Tết to, cỗ bàn phong phú sản vật như Tết Thượng Nguyên, Tết Trung Nguyên, Tết Trung Thu, Tết Hạ Nguyên và Tết Nguyên Đán.
Tết Nguyên Đán khác biệt so với các Tết khác khi các hoạt động không chỉ diễn ra trong 1 ngày mà kéo dài nhiều ngày. Tết Nguyên Đán diễn ra trong thời điểm một mùa vụ kết thúc và một mùa vụ khác bắt đầu. Chính vì vậy, Tết Nguyên Đán chính là một loại hội mùa, là một lễ lạt, sinh hoạt văn hóa theo mùa. Và sở dĩ, Tết Nguyên Đán được coi trọng hơn tất cả các Tết khác bởi theo Âm lịch – tính theo chu kỳ hoạt động của mặt trăng thì đây chính là thời điểm bắt đầu của năm mới, chưa đựng nhiều kỳ vọng, mong mỏi lớn lao.


Thành Chung - Đức Anh