Hiểm họa dịch bệnh giữa cuộc di cư lớn nhất hành tinh
(Baonghean) - Các nước trên thế giới thường xuyên phải vật lộn chống chọi sự lan nhanh của dịch bệnh, từ cúm A H1N1 lây lan toàn cầu hồi năm 2009, đến những nỗ lực chế ngự Ebola đang hoành hành tại Tây Phi. Nhưng chưa có cơ quan y tế nào từng phải ứng phó với thách thức như Trung Quốc hiện nay, khi quốc gia tỷ dân đang gặp phải một chủng vi rút mới thuộc họ coronavirus, giữa lúc hàng trăm nghìn người sắp bước vào “cuộc di cư thường niên” quy mô nhất hành tinh dịp Tết Nguyên đán.
Vi rút lây từ người sang người
Theo CNN, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán, người Trung Quốc sẽ chen chúc trong những chuyến tàu, xe và những chuyến bay trở về quê nhà để đoàn tụ gia đình. Số khác sẽ tận dụng quãng thời gian nghỉ ngơi để du lịch. Theo truyền thông nhà nước, năm ngoái gần 7 triệu du khách Trung Quốc đã ra nước ngoài trong dịp Tết. Năm nay, kỳ nghỉ quan trọng nhất của xứ tỷ dân diễn ra vào thời điểm xấu nhất, bởi giới chức y tế đang chạy đua để kiềm chế bùng phát dịch bệnh khiến cả châu Á thấp thỏm, cảnh giác.
Một chuyến tàu về quê ăn Tết của người dân Trung Quốc, ảnh chụp năm 2018. Ảnh: Getty |
Loại vi rút này lần đầu được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, đã lây nhiễm cho hơn 200 người và ít nhất đã lan sang quốc gia thứ 3. Hôm 20/1, Ủy ban Y tế quốc gia Trung quốc xác nhận, coronavirus phát hiện tại Vũ Hán có thể lây từ người sang người, và nhân viên y tế cũng đã bị nhiễm bệnh. Thông tin này được đưa ra sau khi Hàn Quốc xác nhận ca nhiễm đầu tiên, khiến nước này trở thành quốc gia thứ 3 ngoài Trung Quốc phát hiện vi rút. 3 ca trước đó, gồm 2 trường hợp tại Thái Lan và 1 tại Nhật Bản, đều là những người từng đến Vũ Hán.
“Một trong những hậu quả của một thế giới kết nối chặt chẽ hơn là dịch bệnh có nguy cơ lây lan trên toàn cầu nhanh hơn so với 50 năm trước”.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân đến bệnh viện điều trị dịch do coronavirus gây ra tại Vũ Hán. Ảnh: Gett |
Những ca bệnh khác cũng được phát hiện tại Trung Quốc là bằng chứng cho thấy dịch đã vượt phạm vi Vũ Hán, tạo ra rủi ro, lây lan khó dự báo. Đến sáng 21/1, đã xác nhận 5 trường hợp tại Bắc Kinh, 2 tại Thượng Hải và 14 tại Quảng Đông - tất cả đều cách Vũ Hán hàng trăm cây số. Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khác được thông báo trên khắp Trung Quốc, từ Sơn Đông ở phía Đông đến Tứ Xuyên ở Tây Nam.
Các nhà khoa học nước này hôm 8/1 đã xác định mầm bệnh là một chủng coronavirus mới, cùng họ với loại gây hội chứng SARS. Năm 2002 và 2003, SARS đã lây cho hơn 8.000 người và khiến 774 ca tử vong khắp châu Á, thậm chí lan đến cả Canada.
Triệu chứng ban đầu của người nhiễm loại coronavirus được phát hiện ở Vũ Hán là sốt và ho, cũng là những triệu chứng thường gặp của bệnh cúm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một số người có biểu hiện khó thở và xuất hiện tổn thương xâm lấn ở phổi. WHO cho biết sẽ họp khẩn vào ngày 22/1 để bàn về dịch bệnh tại Trung Quốc.
Các chuyên gia của WHO tới Vũ Hán phối hợp phòng, chống dịch bệnh với các nhân viên y tế Trung Quốc. Ảnh: Đông Phương |
Tâm dịch - trung tâm đi lại!
Sự gia tăng đột biến các ca nhiễm coronavirus mới gần đây dường như cho thấy khu vực lây nhiễm có quy mô rộng hơn nhiều. Theo nghiên cứu của Imperial College London, chỉ riêng số ca nhiễm tại Vũ Hán có lẽ đã bị đánh giá thấp hơn thực tế, tăng nguy cơ những người mắc vi rút có khả năng đã đi đến nhiều địa điểm khác tại Trung Quốc, trước khi các biện pháp kiểm soát được đưa ra. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 20/1 nói rằng, từ khi phát hiện dịch, nước này đã có các biện pháp tích cực để kiểm soát lây lan và lập kế hoạch phòng và kiểm soát bệnh. Hôm 19/1, Ủy ban Y tế quốc gia nước này cũng khẳng định tình hình “vẫn có thể ngăn ngừa và kiểm soát được”.
Theo CNN, con số 200 ca chính thức xác nhận tại Trung Quốc chênh quá nhiều với ước tính của giới nghiên cứu Anh là 1.700 ca tại thời điểm ngày 12/1, dựa trên tính toán số ca bệnh ở Thái và Nhật, cùng ước tính số người rời cảng hàng không quốc tế Vũ Hán. Hơn 60 tuyến bay kết nối Vũ Hán với các nước khác, bao gồm bay thẳng tới New York, San Francisco, Sydney, Paris và London, cùng hơn 100 đường bay nội địa tới nhiều thành phố lớn của Trung Quốc. Thành phố 11 triệu dân ở miền Trung Trung Quốc còn là trung tâm của mạng lưới đường sắt cao tốc nước này.
Kiểm tra thân nhiệt tại các sân bay và nhà ga ở Vũ Hán. Ảnh: Đa Chiểu |
Trước tình hình đó, các chính phủ trên khắp thế giới đã bắt đầu phản ứng trước mối đe dọa đang treo lơ lửng. Hôm 21/1, Australia cho biết đang tăng thêm các biện pháp hải quan đối với các chuyến bay từ Vũ Hán đến Sydney. Tuần trước, Mỹ cũng thông báo các biện pháp rà soát dành cho các hành khách từ Vũ Hán đến các sân bay tại New York, San Francisco và Los Angeles, “theo chân” các biện pháp tương tự của các chính phủ ở châu Á.
Riêng tại Vũ Hán, nhiệt kế hồng ngoại được lắp đặt ở sân bay, ga tàu, bến xe và bến tàu để đo thân nhiệt hành khách rời thành phố từ ngày 14/1. Song những biện pháp này được áp dụng là lúc dịch đã bùng phát được 5 tuần lễ, đồng nghĩa có khả năng vô số hành khách đã rời nơi đây mà không qua bất kỳ sự sàng lọc nào. Một số người cũng đặt dấu hỏi về việc tăng cường rà soát và đề cao cảnh giác trước dịch bệnh ở Vũ Hán, khi có thông tin một phụ nữ bị chẩn đoán mắc coronavirus này tại Hàn Quốc từng đi khám ở Vũ Hán do có triệu chứng sốt và đau nhức, nhưng bác sỹ lại kê thuốc cảm lạnh và cho về nhà.
Các địa điểm xác nhận có ca nhiễm loại coronavirus được phát hiện ở Vũ Hán. Ảnh: CNN |
Dịch bệnh lần này khiến không ít người liên tưởng đến dịch SARS cách đây nhiều năm, khi Trung Quốc bị các nước khác và WHO lên án thiếu minh bạch, chậm công bố thông tin và hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Còn giờ đây, thông tin lây nhiễm từ người sang người càng tăng thêm mối quan ngại về dịch bệnh mới, kết hợp với những luồng người di chuyển ồ ạt trong vài tuần tới, sẽ khiến giới chức y tế cùng dân chúng thấp thỏm theo dõi xem loại vi rút này sẽ lan rộng tới mức nào.
Có lẽ là phần nào nhằm trấn an người dân và dư luận quốc tế, đầu tuần này, trong phát ngôn đầu tiên của lãnh đạo Trung Quốc từ khi xuất hiện dịch bệnh, Chủ tịch nước này Tập Cận Bình đã yêu cầu các cơ quan chức năng có “các nỗ lực kiên quyết” để kiềm chế lây lan bệnh. Ông Tập cũng nhấn mạnh cần phải đặt an toàn và sức khỏe của mọi người là ưu tiên hàng đầu, đồng thời hối thúc các ban, ngành liên quan kịp thời cung cấp thông tin, song song với đó là hợp tác quốc tế chặt chẽ để ứng phó với dịch bệnh.