Khát vọng trên đỉnh Chông Tà Già
(Baonghean) - Tìm lại nguồn nước cho ao tiên trên đỉnh núi bằng cách phủ xanh dãy đồi hoang, vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa bảo vệ môi trường sinh thái là khát vọng của “lão nông” Vừ Vả Chống.
Gặp Vừ Vả Chống khi ông đang lùa đàn bò lên trang trại. Ngỏ ý muốn được theo chân ông, Vừ Vả Chống (SN 1967) vui vẻ nhận lời: “Các anh cứ lên xem thoải mái, nhưng chỉ có chè và pơ mu, sa mu thôi!”... Khác hẳn với bên ngoài với con đường, cây cối phủ đầy bụi đất, khuôn viên trang trại tĩnh lặng đến lạ thường, có thể lắng nghe được tiếng chim chuyền cành và gió ngàn xao động lướt qua tít tắp màu xanh của chè Shan tuyết xen giữa những hàng cây pơ mu và sa mu hứa hẹn cho giá trị kinh tế cao.
Ao Tiên tít tắp màu xanh của chè Shan tuyết xen giữa những hàng cây pơ mu và sa mu. |
Dẫn khách đi giữa mênh mông xanh núi rừng, Vừ Vả Chống kể: “Dãy núi này xưa pơ mu và sa mu bạt ngàn, trên đỉnh có cái ao trong vắt, nước không bao giờ cạn, cung cấp đủ cho dân bản trong mùa khô, được gọi là ao Tiên, tiếng Mông là Chông Tà Già. Về sau, cây rừng bị đốn ngã ồ ạt để làm rẫy, thưa dần, ao Tiên cũng biến mất. Chứng kiến việc ấy, mình buồn vô kể, từ hồi mới lớn đã ấp ủ ước muốn trồng lại rừng và tìm lại nước ao Tiên”.
Lớn lên, Vả Chống ra Mường Xén học cấp 3, rồi đăng ký vào quân ngũ. Xuất ngũ về quê lập gia đình, ông quyết tâm làm trang trại. Sau bao mùa rẫy, dãy ao Tiên - Chông Tà Già đã cỗi cằn, hoang vu cỏ tranh và cây dại, năm 2000, Vừ Vả Chống làm đơn xin đấu thầu 10 ha và được xã đồng ý. Ban đầu, ông nuôi hơn 10 con bò, thả vào núi để chúng giẫm bớt cỏ tranh trong lúc tìm thức ăn, đỡ công sẻ phát.
Năm 2000, Vừ Vả Chống làm đơn xin đấu thầu 10 ha để nuôi hơn con bò và dê. |
Qua 3 năm cỏ tranh lùi dần, vợ chồng mang cơm nắm lên phát cây, đào hố trồng chè. Cây chè bén rễ, Vả Chống đi khắp nơi tìm mua giống cây pơ mu và sa mu về trồng xen theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, chỗ nào cây chè chưa kịp phủ thì tạm thời trồng bo bo. Hợp với thổ nhưỡng và khí hậu, các loài cây đều sinh trưởng nhanh, toàn bộ diện tích gia đình nhận thầu dần được phủ xanh…
Đã gần 20 năm kể từ ngày nhận đất rừng, 17 năm tính từ lúc trồng cây chè đầu tiên, nay Vừ Vả Chống đã có cơ ngơi đáng nể. Theo tính toán của ông, trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu nhập 50 triệu đồng từ cây chè, 40 triệu đồng từ cây bo bo, 50 triệu đồng từ chăn nuôi trâu, bò. Còn khoảng 7.000 cây gỗ pơ mu và sa mu đã có nhiều người đến xem và trả giá 3 triệu đồng/cây nhưng không bán, vì xác định là “của để dành”, phải giữ lại để sinh kế cho con cháu mai sau. Tính toán thông thường, hiện rừng cây của Vừ Vả Chống có giá trị khoảng 21 tỷ đồng...
Rừng cây của Vừ Vả Chống có giá trị khoảng 21 tỷ đồng... |
Trang trại được Vả Chống chia thành 3 khu vực, phần lớn diện tích để trồng chè và cây gỗ; tiếp đến là phần khoanh nuôi chăn thả trâu, bò. Còn một phần trên đỉnh núi khá bằng phẳng vẫn còn để trống, mà Vả Chống giải thích là gia đình dự định vài năm tới xây khu nghỉ dưỡng, vui chơi với hệ thống phòng nghỉ, bãi đậu xe, chòi, sân bóng đá, bóng chuyền và làm lại ao Tiên để khách đến ngắm cảnh. Tức là sẽ biến nơi đây thành khu du lịch sinh thái. “Cái lý” của Vừ Vả Chống đưa ra là khí hậu Huồi Tụ khá ôn hòa, đặc biệt mùa hè khá mát mẻ, gia đình có khu trang trại với phong cảnh đẹp, nếu được đầu tư xây dựng hệ thống phòng nghỉ, khu vui chơi và dịch vụ ẩm thực chắc chắn sẽ thu hút được du khách. Để ý tưởng này trở thành hiện thực, cần một nguồn vốn rất lớn, gia đình sẽ dồn tất cả nguồn lực sẵn có và vay mượn thêm để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái...
Nói về Vừ Vả Chống, ông Vi Hải Thành - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Kỳ Sơn cho biết: “Vừ Vả Chống là hội viên tiêu biểu về phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế trang trại, có sức lan tỏa lớn, vừa được tham dự Đại hội Thi đua cựu chiến binh gương mẫu toàn tỉnh. Hiện tại trong bản Trung Tâm đã có hơn 10 hộ, toàn xã Huồi Tụ có hơn 30 hộ học tập mô hình của Vả Chống và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế”.