Cuộc đua tìm vắc xin phòng virus Corona: Chạy đi, đừng tản bộ!

Hoàng Bách 09/02/2020 17:25

(Baonghean.vn) - Các nhà khoa học đang hối hả chạy đua để sản xuất ra một loại vắc xin điều trị chủng mới nhất của virus Corona. Kể cả trường hợp họ quá chậm trễ trong lần bùng phát dịch này, thì công sức của họ cũng sẽ không hề lãng phí.

Tranh minh họa: Economist
Tranh minh họa: Economist

Nỗ lực tìm ra vắc xin

Trong vài tuần trở lại đây, các tìm kiếm “phim bệnh truyền nhiễm” trên Google tăng nhanh. Trong bộ phim được sản xuất năm 2011, một loại virus lan đã lây lan nhanh chóng khắp thế giới, cướp đi sinh mạng của 26 triệu người. Cốt truyện theo sau đó là những nỗ lực tưởng như điên cuồng của giới khoa học hòng chế ra một loại vắc xin. 133 ngày sau ca nhiễm đầu tiên, họ thành công.

Trong thế giới thực, hầu hết các vắc xin gần đây đều mất tới vài năm mới được phát triển. Một số loại còn mất hơn 1 thập kỷ. Nhiều loại khác, chẳng hạn vắc xin ngừa HIV, virus gây bệnh AIDS, vẫn đang làm đau đầu các nhà khoa học. Nhưng những đổi mới về công nghệ cùng một quá trình phát triển hợp lý hơn có thể giảm đáng kể thời gian cần thiết để sản xuất ra vắc xin chống lại một mầm bệnh mới đang có nguy cơ gây ra dịch bệnh.

Chủng mới virus Corona xuất hiện tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc hồi tháng 12/2019 đặt ra cho các nhà chế tạo vắc xin một phép thử cấp bách. Đến nay, virus này đã khiến hơn 800 người chết và lây nhiễm cho hơn 37.000 người. Các nhà khoa học tại Trung Quốc đã công bố trình tự gen của virus Vũ Hán hôm 12/1, chưa đầy 1 tuần lễ sau khi họ phân lập nó từ một bệnh nhân nhiễm một căn bệnh hô hấp bí ẩn. Đến cuối tháng 1, một số nhóm trên thế giới đã bắt đầu nghiên cứu vắc xin sử dụng dữ liệu gen này. Để đảm bảo an toàn, các cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên con người có thể bắt đầu sớm nhất là vào tháng 4. Nếu may mắn, một loại vắc xin có thể sẵn sàng trong vòng 1 năm. Tuần tới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ triệu tập cuộc họp toàn cầu để đề ra chương trình nghị sự nghiên cứu. Cơ quan này sẽ thống nhất các quy tắc, hay giao thức đối với các cuộc thử nghiệm và kết quả, dành ưu tiên cho các tiến bộ y học.

Trước đây, con người đã từng chạy đua để chế tạo vắc xin mới. Dịch Ebola ở Tây Phi giai đoạn 2013 - 2016 đã thử thách thế giới theo nhiều cách, nhưng nhất là sự cần thiết phải tăng tốc tìm ra các phương pháp điều trị mới. Các tổ chức và thể chế vốn thường làm việc chậm chạp, và xa cách nhau, đã hợp sức lại để hoàn tất nhiệm vụ này nhanh hơn. Các cơ quan quản lý thuốc từ Mỹ và châu Âu, các công ty dược, các tổ chức tình nguyện, giới chuyên gia và WHO cùng hợp tác chặt chẽ để đẩy nhanh các cuộc thử nghiệm và các công nghệ cần thiết. Họ đã thành công. Sự bùng phát Ebola năm 2018 tại Cộng hòa Dân chủ Congo, nay đang dần suy yếu, đã được kiềm chế phần lớn nhờ sự sẵn có vắc xin trên diện rộng. Quá trình tăng tốc khoa học này một lần nữa đang diễn ra, lần này “còn hối hả hơn”, như Seth Berkley - ông chủ GAVI - một hãng vắc xin phát biểu.

Chủng mới virus Corona dưới kính hiển vi. Ảnh: Viện Doherty, Đại học Melbourne
Chủng mới virus Corona dưới kính hiển vi. Ảnh: Viện Doherty, Đại học Melbourne

Ngay cả nếu vắc xin sẵn có trong vòng 1 năm, vẫn sẽ là quá muộn để có thể ngăn được dịch bệnh hiện nay ở Trung Quốc. Nhưng nó có thể giúp các quốc gia khác. Nỗi lo sợ đang tăng lên rằng virus Vũ Hán sẽ lây lan rộng hơn và trở thành căn bệnh theo mùa trên khắp thế giới, giống như bệnh cúm. Những nỗ lực phi thường của Trung Quốc hòng kiềm chế virus, bao gồm cách ly hơn 50 triệu dân, có thể ngăn dịch bệnh tại các nước khác cho đến mùa đông kế tiếp. Còn quá sớm để nhận định mức độ chết chóc của virus Vũ Hán. Nhưng nếu chí ít nó cũng hại như cúm mùa, thì vắc xin dành cho những ai có nguy cơ mắc cao nhất sẽ mang tính sống còn. Trong giai đoạn 2017-2018, hơn 800.000 người đã phải nhập viện và khoảng 60.000 người chết chỉ riêng tại nước Mỹ do cúm.

Nỗ lực phát triển vắc xin phòng virus Vũ Hán được dẫn dắt bởi Liên minh Sáng kiến Phòng chống Dịch bệnh (CEPI), tổ chức thành lập năm 2017 sau khi bùng phát Ebola ở Tây Phi. Mục đích của CEPI là chuẩn bị trước để thế giới chống lại các dịch bệnh bùng phát trong tương lai, không cần biết đó là bệnh gì. Mục tiêu của tổ chức này là có được vắc xin phòng một mầm bệnh trước nay chưa được biết đến sẵn sàng để thử nghiệm trên người trong vòng 16 tuần kể từ khi nhận diện bệnh. Để đạt được điều đó, một số trung tâm nghiên cứu của trường đại học và các công ty công nghệ sinh học mà tổ chức này tài trợ đã và đang nghiên cứu công nghệ chế tạo và sản xuất vắc xin “dùng ngay” cho nhiều mầm bệnh. Điều này cho phép trình tự gen của một mầm bệnh cụ thể được chèn vào một nền tảng phân tử sẵn có, tạo thành phần cơ bản của vắc xin.

Trước đây, nghiên cứu thí nghiệm vắc xin đòi hỏi phải trữ virus thực tế. Nó sẽ được xử lý để bớt gây hại nhưng vẫn có khả năng kích thích hệ miễn dịch sản sinh kháng thể - các protein chống lại virus trong môi trường trong trường hợp bị nhiễm. Rõ ràng là nghiên cứu với một virus có khả năng gây chết người là rất khó, đòi hỏi các cơ sở vật chất đặc biệt để lưu trữ và các thủ tục đầy đủ để ngăn virus thoát ra hoặc lây nhiễm cho các nhà khoa học.

Trình tự gen đã giúp quá trình này nhanh, an toàn và dễ hơn. Các nhà nghiên cứu có thể tạo ra các phiên bản tổng hợp các bộ phận của virus để nghiên cứu vắc xin mà không cần đến các mẫu mầm bệnh hoàn thiện.

Giới khoa học đã chế ra các vắc xin phòng các virus khác, bao gồm Zika, Ebola và 2 chủng virus Corona - SARS và MERS - bằng công nghệ như vậy. Việc nghiên cứu vắc xin dựa trên 2 “người họ hàng” của virus Vũ Hán đã rất hữu ích trong những tuần gần đây.

Nhân viên y tế phun thuốc tẩy uế cho bệnh nhân xuất viện trở lại một khu vực cách ly ở Vũ Hán. Ảnh AFP
Nhân viên y tế phun thuốc tẩy uế cho bệnh nhân xuất viện trở lại một khu vực cách ly ở Vũ Hán. Ảnh: AFP

Phổ cập rộng rãi

Khi một loại vắc xin được phát triển trong phòng thí nghiệm, nó sẽ được chuyển tới một nhà máy, mà tại đó sẽ được biến thành hỗn hợp vắc xin vô trùng. Thứ này sau đó sẽ được chia vào các lọ và kiểm tra để bảo đảm không bị nhiễm bẩn trước khi có thể tiến hành thử nghiệm lâm sàng ở người. Nhiều cuộc thử nghiệm như vậy được thực hiện trong các đĩa petri, quá trình có thể mất vài tháng. Trình tự gen có thể khiến việc này nhanh hơn nhiều. Thông qua giải trình tự DNA của mọi thứ trong một lọ vắc xin và kiểm tra kết quả, các nhà khoa học có thể nhận ra dấu vết của các virus đáng lẽ không nên có. Các nhóm nghiên cứu vắc xin tại Anh đang đàm phán với cơ quan quản lý thuốc của nước này về một quá trình phê chuẩn đối với các phương pháp thử nghiệm thay thế như vậy.

Theo Sarah Gilbert - người đứng đầu một nhóm tại Đại học Oxford đang nghiên cứu vắc xin phòng virus Vũ Hán, việc phát triển vắc xin có thể được tăng tốc nếu loại bỏ các nút thắt cổ chai trong quá trình này. Nhóm của bà đã phát triển một mẫu vắc xin có thể thích nghi nhanh chóng với các mầm bệnh mới. Các nhà nguyên cứu có thể tạo ra số lượng nhỏ vắc xin mới đầu tiên chỉ trong 6-8 tuần. Trong quá khứ quá trình này sẽ mất tới 1 năm. Các nhóm khác đang tìm cách tìm ra một loại vắc xi cho virus Vũ Hán cũng đang sử dụng các phương pháp tương tự bao gồm các mẫu đã được chứng minh là hiệu quả.

Phê chuẩn theo quy định nhanh hơn cũng có thể tăng tốc độ vắc xin thông qua các cuộc thử nghiệm lâm sàng. Ngay từ khi khởi động chế tạo vắc xin, nhóm của giáo sư Gilbert đã bắt đầu nộp đơn xin thử nghiệm lâm sàng. Nhóm này lên kế hoạch nộp đơn xin xem xét nhanh về mặt quy định và đạo đức, có thể được cấp trong vài ngày như trường hợp với các thử nghiệm lâm sàng vắc xin Ebola tiến hành tại Anh năm 2014. Thông thường, theo giáo sư Gilbert, quá trình này mất khoảng 3 tháng.

Các ca nhiễm virus Vũ Hán ở các nước trên thế giới. Đồ họa: CNN
Các quốc gia đã xuất hiện ca nhiễm virus Vũ Hán trên thế giới. Đồ họa: CNN

Kể cả nếu một loại vắc xin được phát triển và phê chuẩn, thì sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm virus Vũ Hán ở Trung Quốc cùng sự lây lan sang các nước khác cũng đã tạo ra một sự cấp bách mới: đó là chuẩn bị trước các cách để sản xuất nhanh số lượng lớn vắc xin. Không có nhiều nhà máy có thể sản xuất vắc xin hàng loạt, vì thế các vắc xin mới thường phải “xếp hàng dài”. Nhận thấy vấn đề này, chính phủ Mỹ đã xây dựng các cơ sở sản xuất riêng có thể sản xuất nhanh vắc xin trong các tình huống khẩn cấp. Anh cũng đang làm điều tương tự.

Theo Richard Hatchett, người đứng đầu CEPI, khi tổ chức này lên kế hoạch nghiên cứu, những người liên quan chỉ nghĩ về các dịch bệnh tại một quốc gia, chứ không phải những dịch bệnh toàn cầu. Tuần trước, CEPI đã lên tiếng kêu gọi các ứng viên vắc xin phòng virus Vũ Hán có thể được sản xuất trên quy mô lớn với năng lực hiện có. Ngày 3/2, tổ chức này đã cộng tác với GSK, một công ty dược lớn đồng ý cho mượn một tá chất có hiệu quả cao để thêm vào vắc xin. Tá chất là một nguyên liệu đặc biệt khiến vắc xin thêm hiệu quả thông qua tăng phản ứng miễn dịch, tức là cần ít liều vắc xin hơn hoặc mật độ thành phần chính thấp hơn để phòng ngừa bệnh.

Kể cả khi một vắc xin có thể được sản xuất với số lượng đủ, thì việc đưa nó tới những người cần đến, dù họ ở bất cứ nơi đâu, vẫn có thể là một vấn đề. Theo lý thuyết, vắc xin phòng virus Vũ Hán sẽ đến với những người có nguy cơ cao nhất, chẳng hạn nhân viên y tế, người già và những người có tình trạng có thể khiến virus dễ gây tử vong hơn, chẳng hạn người bệnh với hệ miễn dịch suy giảm. Vấn đề là chính trị thường can thiệp trong bối cảnh dịch bệnh lây lan toàn cầu, và các chính phủ sở tại nơi đặt các cơ sở sản xuất vắc xin có thể trưng dụng một phần để phục vụ mục đích riêng, viện dẫn quốc phòng hoặc an ninh.

Đây là vấn đề ông Hatchett biết quá rõ; ông từng làm việc tại Nhà Trắng phụ trách vấn đề sẵn sàng y tế trong dịch cúm năm 2009. Đợt bùng phát ấy có tỷ lệ tử vong rất thấp, nhưng việc xuất khẩu nhanh bất kỳ lượng vắc xin nào trước khi nó đến với công dân Mỹ trở thành một vấn đề nan giải. Ông Hatchett đang làm việc với WHO để tìm cách bảo đảm rằng vắc xin phòng virus Vũ Hán được sản xuất ở nhiều cơ sở khác nhau trên thế giới, bao gồm các cơ sở tại các nước nhỏ để nhanh chóng đủ khả năng đáp ứng nhu cầu toàn bộ dân số của họ.

Nhân viên y tế tại một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán, Trung Quốc hôm 5/2. Ảnh: Getty
Nhân viên y tế tại một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán, Trung Quốc hôm 5/2. Ảnh: Getty

Mò mẫm trong bóng tối

Những vấn đề xoay quanh bất kỳ loại vắc xin tiềm năng nào khiến những câu hỏi về thuốc điều trị người mắc bệnh nặng trở nên đặc biệt cấp thiết. Hiện vẫn chưa có thuốc nào được cấp phép điều trị virus Corona, nhưng các loại thuốc thử nghiệm đang trong quá trình phát triển, với một số dữ liệu ban đầu về việc sử dụng chúng. Một loại thuốc được cho đầy hứa hẹn là remdesivir, do công ty dược Gilead sản xuất. 2 cuộc thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát sẽ bắt đầu nhận đăng ký bệnh nhân vào giữa tháng 2. Remdesivir được phát triển để điều trị Ebola nhưng trong các cuộc thử nghiệm ở phòng thí nghiệm đã cho thấy có hiệu quả phòng chống nhiều loại virus. Một sự kết hợp 2 thứ thuốc thường dùng điều trị HIV cũng tỏ ra hứa hẹn và hiện đang được thử nghiệm với các bệnh nhân, theo Vasee Moorthy - người hỗ trợ đặt ra ưu tiên nghiên cứu và phát triển tại WHO trong các dịch bệnh.

Các cuộc thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát - trong đó một số người được dùng loại thuốc thử nghiệm và một số được dùng giả dược - là tiêu chuẩn vàng của bằng chứng khoa học. Những điều này có lẽ sẽ diễn ra trong vài tuần tới khi đã rõ những thuốc nào tỏ ra hứa hẹn nhất. Các cuộc thử nghiệm với bệnh nhân nhập viện có thể cũng sẽ bao gồm một phần giả dược. Mọi đối tượng trong cuộc thử nghiệm đều sẽ được chăm sóc đặc biệt nhưng một số người sẽ được uống loại thuốc thử nghiệm. Điều này là bởi không ai biết liệu loại thuốc mới, có thể có tác dụng phụ, hại nhiều hơn lợi hay chăng. Những bệnh nhân ốm nặng nhất có thể được thử các loại thuốc chưa thử nghiệm.

Nhân viên phòng thí nghiệm tại Đức kiểm tra mẫu lấy từ bệnh nhân nghi nhiễm virus Corona từ Trung Quốc. Ảnh: AFP
Nhân viên phòng thí nghiệm tại Đức kiểm tra mẫu lấy từ bệnh nhân nghi nhiễm virus Corona từ Trung Quốc. Ảnh: AFP

Nhiều sự chuẩn bị đến vậy là khả thi trước một căn bệnh mới. Hiệu quả của một loại thuốc hoặc vắc xin chỉ có thể được thử nghiệm trong một đợt bùng phát dịch bệnh. Sự cần thiết phải tìm ra các phương pháp điều trị virus Vũ Hán là có thể hiểu được. Những nỗ lực như thế đã chứng minh hiệu quả trong trường hợp Ebola. Người ta sẵn lòng vội vã đưa vắc xin và thuốc vào sử dụng để điều trị căn bệnh có tỷ lệ tử vong khoảng 70%, như Ebola trước đây. Nhưng tính toán phải khác đối với căn bệnh làm chết 2% (hoặc ít hơn) số ca nhiễm. Nếu những quyết định hấp tấp dẫn tới những sản phẩm không hoàn toàn an toàn, lòng tin của con người vào vắc xin có thể bị tổn hại. Khi đó, mất mát đối với sức khỏe của thế giới có thể là đối thủ đáng sợ với kịch bản xấu nhất virus Vũ Hán có thể đem lại./.

Hoàng Bách