Dọa hủy hiệp ước quân sự với Mỹ, Philippines muốn gì?

Phương Hoa 10/02/2020 06:25

(Baonghean) - Cuối tuần qua, quan hệ Mỹ - Philippines lại nổi cơn sóng gió, khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chỉ đạo thư ký Văn phòng Tổng thống Salvador Medialdea, yêu cầu Bộ Ngoại giao nước này gửi thông báo chính thức hủy Hiệp định Các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ. Lời đe dọa này thực tế đã được đưa ra hôm 23/1 và được ông Duterte gia hạn 1 tháng để Mỹ khôi phục thị thực cho một Thượng nghị sĩ Philippines. Thế nhưng, dù chưa hết thời hạn chót, chính quyền Philippines đã lại “mạnh miệng” dọa hủy bỏ thỏa thuận này. Phải chăng, Philippines đang sốt ruột điều gì với đồng minh Mỹ?

ĐỒNG MINH THẤT THƯỜNG

Đây không phải lần đầu tiên, chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đưa ra những lời cảnh báo hay đe dọa sẽ hủy các thỏa thuận hay hiệp định quân sự, thậm chí “quay lưng” với đồng minh Mỹ. Nhìn lại một vài năm trở lại đây, quan hệ Philippines - Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Duterte đã chứng kiến không ít trắc trở.

Như hồi tháng 1 năm ngoái, Philippines cũng bất ngờ kêu gọi đánh giá lại Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) ký năm 1951, bất chấp đây là nền tảng cho mối quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ - Philippines. Mới hơn vào tháng 12/2019, Tổng thống Duterte còn cấm hai Thượng nghị sĩ Mỹ là Richard Durbin và Patrick Leahy đến thăm Philippines, do những bất đồng liên quan tới cựu Bộ trưởng Tư pháp Philippines Leila De Lima.

Bởi thế, giới quan sát dường như cũng không quá bất ngờ khi ông Duterte mới đây tiếp tục đưa ra lời đe dọa sẽ chấm dứt Hiệp định Các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ.

Các binh sĩ Philippines và Mỹ tổ chức tập trận chung đổ bộ Balikatan (Vai kề vai) ở Zambales, Philippines ngày 11/4/2019. Ảnh: Rapler
Các binh sĩ Philippines và Mỹ tổ chức tập trận chung đổ bộ Balikatan (Vai kề vai) ở Zambales, Philippines ngày 11/4/2019. Ảnh: Rapler

Cần nhắc lại, Hiệp định VFA được ký vào năm 1998 và chính thức có hiệu lực từ năm 1999, cho phép hàng ngàn binh sĩ Mỹ đóng trú luân phiên ở Philippines để tham gia các cuộc tập trận quân sự cũng như các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo. Hôm 6/2 vừa qua, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã thông báo với Thượng viện nước này rằng, Tổng thống Duterte đã yêu cầu ông gửi thông báo chấm dứt Hiệp định VFA cho phía Mỹ. Ông Duterte cũng đã lên kế hoạch trao đổi sớm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump qua điện đàm về vấn đề này.

Đây được coi là biện pháp đáp trả của Tổng thống Duterte sau khi Mỹ hủy visa, từ chối cho thượng nghị sĩ Philippines Ronaldo dela Rosa nhập cảnh. Đại sứ quán Mỹ tại Philippines không giải thích lý do, nhưng dường như quyết định bắt nguồn từ những cáo buộc tàn sát đẫm máu trong chiến dịch chống ma túy trong hơn hai năm ông Rosa giữ chức tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Philippines.

Nhìn lại, cuộc chiến chống ma túy tại Philippines vốn đã cướp đi tính mạng của hơn 5.000 người. Thế nhưng có một thực tế cần lưu ý, theo điều 9 của Hiệp định VFA, thỏa thuận giữa hai bên vẫn sẽ có hiệu lực cho đến hết thời hạn 180 ngày, kể từ thời điểm một bên thông báo với bên kia bằng văn bản về việc muốn hủy thỏa thuận. Cũng có nghĩa, dù có tuyên bố thì Tổng thống Duterte cũng cần phải có văn bản chính thức. Và kể cả khi có văn bản thì hai bên vẫn có khoảng thời gian nửa năm để cân nhắc và thương lượng về quyết định hủy hay không!

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Presidential
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Presidential

ĐI TRÊN DÂY

Thực tế theo giới quan sát, động thái mới nhất của Tổng thống Philippines Duterte không đơn giản chỉ là đáp trả lại phía Mỹ, liên quan đến vấn đề visa của một thượng nghị sỹ. Đây có lẽ đang tiếp tục là một quân bài mặc cả mới mà ông Duterte muốn gửi đến đồng minh nhiều duyên nợ là Mỹ, bất chấp sự can ngăn của nhiều quan chức chính quyền Philippines. Mỹ vốn là đồng minh quốc phòng lớn nhất của Philippines, thế nhưng, Tổng thống Duterte thời gian qua không ngại che giấu sự khó chịu với Washington và có xu hướng gần gũi hơn với Bắc Kinh.

Dễ hiểu, bởi Tổng thống Duterte biết rằng, Mỹ rất cần các đồng minh như Philippines để duy trì sự hiện diện và ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, Manila lại đang cần các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác kinh tế lớn mà Trung Quốc đã hứa hẹn với nước này.

Tất nhiên hơn ai hết, Tổng thống Duterte hiểu rõ rằng, một khi Hiệp định VFA bị hủy bỏ, Philippines lại là bên chịu thiệt hại nhiều hơn. Chính Ngoại trưởng nước này Teodoro Locsin mới đây cũng đã cảnh báo, động thái này có thể chấm dứt khoản viện trợ an ninh trị giá 550 triệu USD cùng các hoạt động hỗ trợ huấn luyện và tình báo của Mỹ với Philippines. Đó là chưa kể, quan hệ kinh tế giữa hai bên cũng có nguy cơ trở nên lạnh nhạt.

Đồng thời, phía Mỹ cũng có thể tìm cách hủy nhiều thỏa thuận quân sự song phương, bao gồm Hiệp ước Phòng thủ Chung hay Thỏa thuận Hợp tác Cải thiện Quốc phòng; đồng thời ngừng hơn 300 chiến dịch huấn luyện chung với Philippines. Rộng hơn, các quan chức Philippines cũng cảnh báo, việc từ bỏ một thỏa thuận an ninh quan trọng hàng đầu với Mỹ sẽ làm suy yếu an ninh của đất nước, cũng như khó ngăn ngặn các hành động gây hấn ở Biển Đông - vùng biển vốn đang có tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang “đi trên dây” trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: CNN, Presidential
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang “đi trên dây” trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: CNN, Presidential

Bởi thế trong một tuyên bố hồi cuối năm ngoái, Ngoại trưởng Philippines Locsin từng tuyên bố, Philippines một mặt vẫn sẽ duy trì quan hệ với Mỹ là đồng minh quân sự duy nhất, nhưng mặt khác lại không cho rằng, Manila cần phải kiềm chế Bắc Kinh. Cũng có nghĩa, Philippines sẽ không lựa chọn đứng về bất cứ phe nào, nhất là trong bối cảnh các cường quốc hàng đầu như Mỹ và Trung Quốc vẫn đang trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng ở khu vực.

Và rằng, Manila muốn duy trì mối quan hệ có lợi với cả 2 nhà sản xuất và thị trường lớn hàng đầu thế giới. Thế nhưng, Manila có lẽ hiểu rằng, chắc chắn cả Trung Quốc và Mỹ đều sẽ “chẳng vừa lòng” để Philippines yên tâm làm “ngư ông đắc lợi”. Sẽ còn những điều khoản mặc cả rất khó khăn mà Tổng thống Duterte phải cân nhắc kỹ lưỡng. Đó có thể là các cam kết đảm bảo an ninh từ phía Mỹ, hay liệu những thỏa thuận hợp tác kinh tế mà Trung Quốc từng cam kết có phải là “bánh vẽ” hay không?

Phương Hoa