Suốt 10 năm, bóng đá Việt Nam đã thực sự vượt qua kình địch Thái Lan?

Trung Kiên 10/02/2020 15:03

(Baonghean.vn) - Trong những năm qua, bóng đá Việt Nam tạo ra những thành tích vang dội ở đấu trường khu vực cũng như châu lục. Tuy nhiên, xét về nhiều mặt, bóng đá Thái Lan vẫn đang đi trước chúng ta một bước. Trong đó, có chất lượng giải VĐQG cũng như số lượng cầu thủ xuất ngoại, giá trị cầu thủ, chất lượng trong tài.

Thứ hạng trên BXH FIFA

Theo bảng xếp hạng FIFA mới nhất, bóng đá Việt Nam đang xếp ở vị trí thứ 94 trên thế giới, ĐT Việt Nam có 1258, đứng thứ 14 châu Á và số 1 tại Đông Nam Á. Đây là thứ hạng cao nhất của chúng ta trên BXH FIFA trong 20 năm qua, trước đó Việt Nam đã từng đứng ở vị trí thứ 84 thế giới vào năm 1998.

Nhìn vào đó, đội tuyển Việt Nam đã có sự thăng tiến mạnh mẽ trên bảng xếp hạng FIFA trong thập kỷ vừa qua (2010 - 2019). Cụ thể, ĐT Việt Nam đã đứng hạng 137 vào năm 2010, nhưng đã vươn lên hạng 94 thế giới vào năm 2019, tăng đến 43 bậc.

Trong khí đó, Thái Lan trong suốt 10 năm chỉ tăng 8 bậc trên BXH, từ đứng thứ 121 lên 113 thế giới. Để có được những kết quả lạc quan như vậy, HLV Park Hang-seo đã liên tục giúp bóng đá Việt Nam tạo nên những kì tích mới.

ĐT Việt Nam vẫn đứng đầu Đông Nam Á trên BXH FIFA. Ảnh: AFC
ĐT Việt Nam vẫn đứng đầu Đông Nam Á trên BXH FIFA. Ảnh: AFC

Thành tích khu vực Đông Nam Á

Ở cấp độ ĐTQG, nhà cầm quân người Hàn Quốc đã giúp ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup 2018, lọt vào Tứ kết Asian Cup 2019, Á quân King's Cup 2019 và xuất sắc giành ngôi đầu bảng G tại Vòng loại World Cup 2022. Mới đây nhất là chức vô địch SEA Games 30 lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá nước nhà.

Tuy nhiên, nếu xét về số lần vô địch AFF Cup, Thái Lan đã có 5 lần vô địch vào các năm 1996, 2000, 2002, 2014, 2016. Ở đấu trường SEA Games, bóng đá xứ chùa vàng có đến 16 lần đăng quang. Trong khi chúng ta mới chỉ có một lần duy nhất sau 60 năm.

Đội tuyển Thái Lan liên tục cầm hòa Việt Nam trong những trận gần đây. Ảnh: Trung Kiên

Điều khiến người hâm mộ lạc quan nhất chính là vị trí của ĐT Việt Nam tại bảng G - Vòng loại World Cup 2022. Thầy trò HLV Park Hang-seo thắng 3, hòa 2 đang xếp đầu bảng với 11 điểm. Còn thầy trò HLV Akira Nishino có 2 thắng, 2 hòa và 1 thua, có được 8 điểm, xếp vị trí thứ 3.

Dẫu vậy, trong hai lần đối đầu với ĐT Thái Lan vừa qua, chúng ta không để thủng lưới, nhưng cũng không ghi nổi 1 bàn thắng. Ở SEA Games 30, Thái Lan cũng cầm hòa Việt Nam trong một trận đấu chúng ta vất vả gỡ hòa 2-2.

Chất lượng Giải VĐQG

Nhận xét về đối thủ Thái Lan, đội trưởng Quế Ngọc Hải cho biết: “Chất lượng cầu thủ Thái Lan cũng như tư duy chiến thuật, lối chơi của họ có nhiều nét tương đồng đối với chúng ta”. Lần gần nhất chúng ta đánh bại Thái Lan là tại King’s Cup 2019 nhờ pha đánh đầu có phần may mắn của Anh Đức.

Mặt khác, nếu xét về chất lượng Giải VĐQG, bóng đá Thái Lan đang đi trước chúng ta một bước. Cựu HLV trưởng ĐTQG, chủ tịch CLB TP Hồ Chí Minh ông Nguyễn Hữu Thắng cho rằng: “Tôi cũng đã đi tham quan các CLB ở Thái Lan và xem Giải VĐQG của họ.

Nếu nói về bóng đá chuyên nghiệp, người Thái đang đi trước chúng ta. Chúng ta phải nhìn nhận rõ ràng như vậy. Tôi chỉ lấy ví dụ là cơ sở vật chất tập luyện. Mỗi CLB của họ có 8 sân tập, thử hỏi ngoài PVF, Viettel, chúng ta có bao nhiêu đội bóng đáp ứng được như vậy”.

Các SVĐ tại Thai League đáp ứng đủ tiêu chuẩn tổ chức các trận đấu cho ĐTQG Thái Lan. Ảnh: Thai League
Các SVĐ tại Thai League đáp ứng đủ tiêu chuẩn tổ chức các trận đấu cho ĐTQG Thái Lan trong khi đó SVĐ Hòa Xuân của Đà Nẵng đang xuống cấp. Ảnh: Thai League

Giải VĐQG Thái Lan có dến 18 đội, 3 đội xuống hạng và tại hạng Nhất có 22 đội. Sự cạnh tranh của những giải đấu này là vô cùng quyết liệt. Với V.League chỉ có 14 đội và hạng Nhất có 12 đội, suất lên hạng là 1,5.

Theo bảng xếp hạng các CLB mạnh nhất Đông Nam Á 2020, CLB Hà Nội chỉ đứng ở vị trí thứ 6, xếp sau các đội bóng của các quốc gia Philippines, Thái Lan, Singapore, Malaysia. Câu lạc bộ đang dẫn đầu khu vực ASEAN là Ceres Negros của Philippines.

Đội xếp thứ hai ở khu vực Đông Nam Á là Buriram United của Thai League với 40,67 điểm. Những đội bóng khác có tiếng của Việt Nam là B. Bình Dương đứng thứ 87 ở Châu Á với 13,39 điểm, Thanh Hóa đứng thứ 94 với 11,38 điểm, TP Hồ Chí Minh chỉ đứng thứ 119 với vỏn vẹn 8,33 điểm.

Giá trị thương mại cầu thủ

Bóng đá Việt Nam cũng phải chấp nhận một bàn thua nữa, đó là số lượng cầu thủ sang nước ngoài thi đấu. Trong quá khứ, Công Vinh là gương mặt khiến bóng đá Việt Nam “mở mày nở mặt”, nhưng bây giờ, từ Nguyễn Công Phượng đến Đoàn Văn Hậu, người thì thất bại trở về V.League, người đang chật vật tìm kiếm từng phút thi đấu trên đất Hà Lan.

Trong khi đó, Thái Lan vừa có thêm một gương mặt sang Nhật Bản thi đấu, đó là thủ môn Kawin Thamsatchanan. Cầu thủ này đến với Consadole Sapporo, nâng tổng số cầu thủ Thái Lan từng chơi bóng tại Nhật Bản lên đến 22 người, chưa kể các nước khác. Đáng kể nhất là những gương mặt như Chanathip, Theerathon, Thitipan, Teerasil Dangda… Họ đều chiếm suất đá chính và trở thành trụ cột của những CLB tại Nhật Bản.

Chanathip trở thành cầu thủ đắt giá tại Nhật Bản. Ảnh: JFA
Chanathip trở thành cầu thủ đắt giá tại Nhật Bản. Ảnh: JFA

Và đương nhiên, nếu xét về góc độ thương mại, giá trị đội hình cầu thủ Việt Nam cộng lại cũng chưa thể bằng Chanathip Songkrasin. Chuyên trang chuyển nhượng Transfermarkt định giá tuyển thủ Thái Lan tăng lên 2,4 triệu euro - tức gần gấp đôi tổng giá trị của đội tuyển Việt Nam trong năm 2019.

Nên nhớ rằng tổng giá trị của đội tuyển Việt Nam được Transfermarkt tính toán chỉ có 1,4 triệu euro. Cầu thủ có giá trị cao nhất là Đặng Văn Lâm cũng chỉ dừng lại ở mức 300.000 euro khi anh chuyển sang thi đấu cho Muangthong United tại Thai League 1. Một vài cầu thủ khác như Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng (200.000 euro), Đoàn Văn Hậu và Nguyễn Quang Hải (150.000 euro).

Chất lượng trọng tài

Từ chất lượng cầu thủ, chất lượng trọng tài Việt Nam cũng đang ở mức khá thấp. Theo danh sách trọng tài cấp FIFA vừa công bố ở môn bóng đá nam, Việt Nam chỉ còn 2 người. Đó là ông Hoàng Ngọc Hà và Ngô Duy Lân. Còn bóng đá Thái Lan có đến 6 trọng tài nam và 2 trọng tài nữ, 8 trợ lý trọng tài nam và 3 trợ lý trọng tài nữ đạt chuẩn quốc tế. So với Việt Nam chỉ có 2 trọng tài nam, 3 nữ trọng tài và 7 trợ lý nam cùng 3 trợ lý nữ đạt chuẩn FIFA.

Trọng tài Ngô Duy Lân là 1 trong 2 trọng tài FIFA của Việt Nam. Ảnh: VPF
Trọng tài Ngô Duy Lân là 1 trong 2 trọng tài FIFA của Việt Nam. Ảnh: VPF

Vì số lượng trọng tài FIFA ngày một hạn chế, tại SEA Games 30 hay VCK U23 châu Á 2020 vừa qua, bóng đá Việt Nam không có trọng tài nào được góp mặt. Trong những năm qua, chất lượng trọng tài Việt Nam luôn là vấn đề gây tranh cãi vì một số sai sót, ảnh hưởng đến chất lượng các giải đấu.

Nhìn nhận một cách tổng thể, bóng đá Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc và đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để thực sự trở thành ông lớn của bóng đá Đông Nam Á, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, từ công tác đào tạo trẻ đến nâng cao chất lượng các giải VĐQG trong nước.

Trung Kiên