Nhà cách mạng Tôn Quang Phiệt và những tác phẩm nghiên cứu văn chương, lịch sử giá trị
(Baonghean) - Tôn Quang Phiệt (1900 - 1973), quê tại xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, nơi dòng sông Rộ đổ vào Lam Giang.
Từ Võ Liệt nhìn sang bờ Bắc là dải núi Ngọc (tiếng địa phương gọi là Rú Nguộc), tạo nên một đầu mối giao thông thủy bộ Bắc - Nam kín đáo và hiểm trở, nối đại ngàn với biển cả.
Đây là vùng đất nối đời về khoa bảng và nghĩa khí đấu tranh. Riêng trong gia đình họ Tôn này, giai đoạn 1925 -1945 đã xuất hiện 2 chiến sĩ cách mạng trí thức nổi tiếng, cũng là hai anh em ruột: Tôn Quang Phiệt và Tôn Thị Quế. Họ đều là các đảng viên từng tham gia vào hàng ngũ đấu tranh do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo và nhiều phen bị thực dân Pháp bắt bỏ tù.
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, cả hai cùng trúng vào Quốc hội. Tôn Quang Phiệt, từng lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám tại Thừa Thiên - Huế, rồi làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sau Tổng tuyển cử 6/1/1946, ông ra Hà Nội, liên tục giữ chức Tổng Thư ký rồi làm Phó trưởng Ban Thường trực Quốc hội cho đến năm 1973.
Xuất thân trong một gia đình Nho học, thân phụ là một vị Tú tài làm nghề dạy học, cậu bé Phiệt hay chữ từ nhỏ, sớm giỏi về câu đối, thơ và ham khảo cứu. Khi đã đủ sức đi thi Hương thì nền khoa bảng Hán học bị bãi bỏ, cậu chuyển sang học ở trường Pháp - Việt và đỗ Trung học phổ thông khóa đầu tiên tại Collège Vinh (1920 -1924).
Sau đó Tôn Quang Phiệt ra Hà Nội học Trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương. Khi đang học năm đầu ở ngoài đó, Tôn Quang Phiệt đã gia nhập một tổ chức đấu tranh cách mạng của sinh viên. Đến tháng 7 năm 1925 thì xảy ra sự kiện chính trị quan trọng của đất nước là nhà cách mạng Phan Bội Châu bị mật thám Pháp bắt tại Thượng Hải (Trung Quốc), rồi giải về nước, giam tại nhà pha Hỏa Lò (Hà Nội), chờ để kết án.
Mùa hè năm đó Tôn Quang Phiệt về nghỉ tại quê nhà. Ngày 14/7/1925, ông đã tham gia vào việc thành lập Hội Hưng Nam, tại Vinh (Nghệ An), mà những người đầu tiên đứng ra tổ chức là: Trần Phú, Trần Đình Thanh, Ngô Đức Diễn… Họ mời vị Giải nguyên Lê Văn Huân (cựu chính trị phạm từ nhà tù Côn Đảo trở về) làm thủ lĩnh. Hội nhằm lãnh đạo nhân dân đánh đuổi thực dân Pháp, khôi phục lại độc lập dân tộc. Về sau hội chuyển thành Đông Dương Cộng sản liên đoàn, là 1 trong 3 tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam…
Sang năm học mới (1925 -1926), khi Tôn Quang Phiệt đã ra ở Hà Nội để học tiếp thì cũng là lúc thực dân Pháp mở phiên tòa xử “vụ án” cụ Phan Bội Châu. Ông cùng một số sinh viên đã trốn nhà trường đi xem, cốt để góp phần đấu tranh bảo vệ nhà ái quốc họ Phan.
Phó trưởng Ban Thường trực Quốc hội khóa I Tôn Quang Phiệt (thứ 4 từ trái sang). Ảnh tư liệu |
Về mối quan hệ giữa 2 vị này, ta biết, khi Tôn Quang Phiệt lên 10 thì Phan Bội Châu đã là một tên tuổi làm nức lòng đất Hồng Lam về văn chương, khẳng định bởi học vị Giải nguyên “Đệ nhất bảng, đệ nhất danh” ở Trường Nghệ và về chí làm trai của mình.
Những thực tế nơi quê hương như vậy đã góp phần làm giàu thêm vốn hiểu biết và những điều tâm đắc về chí làm trai của Tôn Quang Phiệt cũng như công việc nghiên cứu của ông sau này, trong đó đề tài lịch sử “Phan Bội Châu”.
Ngược thời gian một chút, Phan Bội Châu và trước đó, thân sinh của ngài là cụ Đồ Phổ cũng đã từng lên dạy học tại Võ Liệt. Năm 1925, cụ Phan bị thực dân Pháp giải vào giam lỏng chung thân tại Huế. Buổi đầu, chúng để cụ ở trong nhà Nguyễn Bá Trác (người trước kia theo phong trào Đông Du rồi đầu hàng giặc, được chúng cho làm quan trong triều) thì Tôn Quang Phiệt đang học tại Trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội. Ông đã thay mặt số sinh viên ngoài ấy viết gửi đến cụ một bức thư với lòng thương cảm vô hạn và mong muốn cụ luôn sáng suốt để tấm gương ái quốc của cụ thêm sáng cho phường hậu bối noi theo. Bức thư đã góp phần tác động để cụ Phan quyết định với sự giúp đỡ của đồng bào gần xa thì đã tự làm nhà riêng cho mình cư ngụ trong quãng đời còn lại tại dốc Bến Ngự, Huế. Từ đó cụ được nhân dân tôn gọi là “Ông già Bến Ngự”.
Một số cuốn sách tiêu biểu của Tôn Quang Phiệt. |
Như đã nói, Tôn Quang Phiệt, sau Cách mạng Tháng Tám (1945), tuy luôn bận bịu với trách nhiệm trước quốc dân mà chức vụ chính là làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạnh lâm thời tỉnh Thừa Thiên - Huế rồi liên tiếp làm Phó trưởng Ban Thường trực Quốc hội từ 1/1946 cho đến lúc qua đời. Nhưng tại chiến khu Việt Bắc cũng như lúc đã về lại Thủ đô Hà Nội, ông vẫn dành một lượng thời gian được phép nhất định để làm công tác khảo cứu về văn học, sử học.
Về đề tài “Phan Bội Châu”, ông đã để công sưu tầm, dịch thuật và biên soạn bằng các tiểu luận, tác phẩm: “Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh”; “ Phan Bội Châu niên biểu” (dịch chung với Phạm Trọng Điềm), Nhà xuất bản Văn Sử Địa in năm 1957; “Phan Bội Châu và một giai đoạn lịch sử chống Pháp của nhân dân Việt Nam”...
Về tư tưởng của cụ Phan, Tôn Quang Phiệt đánh giá: Tư tưởng của cụ về Triết học căn bản là duy tâm của luân lý đạo Nho pha lẫn cái phong thái ngang tàng của hiệp khách du thuyết thời Xuân Thu - Chiến quốc mà khuynh hướng là sự nhàn tản của Lão - Trang. Sự đánh giá với tấm lòng cung kính nhân vật lịch sử họ Phan như vậy kể cũng thỏa đáng, bởi vốn bước ra từ cửa Khổng, sân Trình mà Phan đã tự tôi luyện để bản thân mình thành nhà cách mạng tiền Mác-xít của Việt Nam, không đội trời chung với quân cướp nước mình, thống trị dân tộc mình, như vậy, ở cụ đã trải qua một sự “lột xác” vĩ đại.
Tôn Quang Phiệt từ tuổi học trò đã nhận biết nơi mình được sinh ra, lớn lên ấy vốn có liên quan đến thôn Sa Nam (quê ngoại), xuôi về Đan Nhiệm (quê nội) của cụ Phan Bội Châu. Có thể nói Tôn Quang Phiệt là học trò của bậc thư sinh họ Phan về điều ấy, ít nhất là ở các phương diện kiên trung, hài hước. Văn chương bình dân đất Nghệ đã đưa họ nối tiếp nhau hòa quyện cái dân dã nơi sông nước, đồng điền với chất kinh điển trong thi thư bác học của đạo Nho. Nó giúp chúng ta dễ nhận biết cái mặn mà, tâm huyết của họ Tôn trong những trang viết về “đấng Thiên sứ” của Việt Nam thuộc thế kỷ trước.
Kết thúc cuốn “Phan Bội Châu và một giai đoạn lịch sử chống Pháp của nhân dân Việt Nam”, Tôn Quang Phiệt nhận định: “Chúng ta có thể nói rằng, trong lịch sử giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, trước Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu là một nhân vật vĩ đại”.
Một góc làng quê yên bình ở xã Võ Liệt (Thanh Chương). Ảnh tư liệu: Đình Hà |
Buổi sinh thời, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta cũng đã có những đánh giá rất thỏa đáng về tác giả họ Tôn.
“Anh Phiệt là một nhà cách mạng không chỉ hoạt động trong nước mà còn hoạt động cho tình hữu nghị giữa các nước xã hội chủ nghĩa, các dân tộc và cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Chúng ta phải ghi nhớ để noi gương mà phấn đấu”.
“Anh Phiệt là một người cách mạng chân chính, kiên cường, có tình bạn đầy thủy chung và trong sáng”.
Đức tính “thủy chung trong sáng” của Tôn Quang Phiệt thể hiện đầy đủ trong công vụ cũng như cuộc sống đời thường và những nhận xét, suy tôn các bậc tài danh tiền bối. Với phong cách làm việc uyên bác, chỉn chu ấy, các công tình nghiên cứu của Tôn Quang Phiệt về văn chương và lịch sử, nhất là đề tài về Phan Bội Châu đã thể hiện sự nghĩ suy, đánh giá thấu tình, đạt lý, đáng cho chúng ta học tập.