Thủ tướng Chính phủ: Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư để tạo giá trị mới cho nông sản

Nguyên Sơn 21/02/2020 10:51

(Baonghean.vn) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế chính sách, chúng ta cần phát huy mối liên kết, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ nâng giá trị nông sản theo chuỗi. Quá trình đó, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp trong đầu tư vào nông nghiệp.

Chế biến nông sản đang cần tăng tốc đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới. Ảnh tư liệu PV
Chế biến nông sản đang cần tăng tốc đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới. Ảnh tư liệu PV

Ngày 21/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành, một số doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Công nghiệp chế biến nông sản có những bước tiến

Theo Bộ NN&PTNT, trong 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt khoảng 5-7%/năm. Hiện nay, tại nhiều địa phương đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm, có trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu.

Tăng trưởng công nghiệp chế biến nông sản góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu của ngành nông nghiệp và đóng góp quan trọng nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông sản. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân tăng khoảng 8 - 10%/năm. Sản phẩm chế biến nông sản Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 186 nước và vùng lãnh thổ, kể cả thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản,..

Thủ tướng chủ trì hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Công nghiệp chế biến nông sản góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Các nhà máy chế biến NLTS phần lớn được xây dựng ở khu vực nông thôn, đã đóng góp tích cực trong cải thiện bức tranh kinh tế - xã hội nông thôn, giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1,6 triệu lao động mà phần lớn là con em nông dân, với mức thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/tháng; góp phần quan trọng cho xóa đói giảm nghèo ở nông thôn.

Tuy nhiên, lĩnh vực này, nhiều doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu đảm bảo về số lượng, chất lượng (ngoại trừ một số ngành hàng đã tổ chức tốt khâu chế biến gắn với sản xuất nguyên liệu như mía đường, cá tra, tôm). Cùng đó, khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là vào cao điểm mùa vụ như rau quả, gây tổn thất sau thu hoạch.

Một số sản phẩm nông sản chế biến từ cam của Nghệ An do JICA hỗ trợ. Ảnh tư liệu Thu Huyền

Trình độ công nghệ chế biến nhìn chung ở mức độ trung bình của thế giới; nhiều cơ sở chế biến của một số ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm với thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp (chè, cao su, sắn)…

Cơ chế chính sách của Nhà nước chưa đủ hấp dẫn để doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản. Một số chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ… chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh.

Cơ giới hóa nông nghiệp được ứng dụng rộng rãi

Việc cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi: Tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất cây nông nghiệp đạt 94%; khâu gieo, trồng đạt 42%; các khâu chăm sóc đạt 77%; khâu thu hoạch lúa đạt 65%. Nhờ đó, đã nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.

Đối với công nghiệp chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp, đến nay, ngành cơ khí trong nước đã sản xuất được động cơ, máy kéo công suất đến 30 mã lực (HP), chiếm trên 30% thị phần trong nước; máy liên hợp gặt lúa chiếm 15%. Cả nước hiện có 7.803 doanh nghiệp cơ khí (có 95 doanh nghiệp có vốn trên 500 tỷ đồng) và gần 100 cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp.

Toàn cảnh điểm cầu trực tuyến tại Nghệ An. Ảnh: Nguyên Sơn

Tuy nhiên, nhiều loại máy móc nông nghiệp trên cả nước còn lạc hậu, thua kém nhiều nước trong khu vực và thế giới, mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp một số khâu còn thấp và có trên 70% máy nông nghiệp vẫn đang phải nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc).

Ở Nghệ An, những năm qua, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, chế biến nông sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này chỉ có 389 DN chiếm 4,2% DN toàn tỉnh. Một số DN đã đầu tư chế biến thủy sản, lâm sản, sữa, hoa quả, chè, cao su, dược liệu… nhưng giá trị và tính lan tỏa chưa cao. Cả tỉnh ước tính có trên 14.750 máy cày đa chức năng, 8.672 máy gặt rải hàng, máy gặt cầm tay, 850 máy gặt đập liên hợp, 11.000 máy tuốt lúa có động cơ, 9.586 máy chế biến lương thực, 2.816 máy chế biến thức ăn gia súc, 3.732 máy phun thuốc trừ sâu có động cơ…

Đại diện các sở, ngành và một số DN tham gia hội nghị ở điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Nguyên Sơn
Đại diện các sở, ngành và một số DN tham gia hội nghị ở điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Nguyên Sơn

Cần những giải pháp căn cơ

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu nhấn mạnh: Bên cạnh việc hoàn thiện thể cơ chế chính sách, chúng ta cần phát huy mối liên kết, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ nâng giá trị nông sản theo chuỗi. Nâng cao năng lực chế biến, ứng dụng máy móc vào các lĩnh vực sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản… Khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp trong đầu tư vào nông nghiệp để tạo ra giá trị mới cho nông sản.

Thủ tướng cho rằng, xuất khẩu nông sản rất quan trọng nhưng thị trường trong nước gần 100 triệu dân càng quan trọng, nếu không lo thị trường trong nước thì sẽ là thiếu trách nhiệm với người dân. Vậy cần có chính sách, biện pháp tháo gỡ cho chế biến, nhất là chế biến sâu, cho cơ khí hóa.

Đặc biệt, nghị viện châu Âu vừa thông qua Hiệp định EVFTA và EVIPA, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường EU, Thủ tướng cho rằng cần nghiêu cứu, tiếp cận tốt thị trường khu vực này đối với nông sản.

Nhiều nông sản ở Nghệ An chưa tạo được chuỗi giá trị cao từ sản xuất, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ. Ảnh tư liệu
Nhiều nông sản ở Nghệ An chưa tạo được chuỗi giá trị cao từ sản xuất, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ. Ảnh tư liệu

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp ngành phân tích rõ thực tế từng địa phương, nhận rõ những vướng mắc để tháo giỡ trong lĩnh vực chế biến nông sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp. Trên cơ sở đó, nhà nước tích cực đồng hành với nông dân, doanh nghiệp tăng giá trị nông sản. Quá trình phát triển, nhà nước vào cuộc cùng doanh nghiệp, nông dân, nhưng cần sự chủ động của các doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương và tổ chức tín dụng tích cực hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, kết nối tốt giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ với tinh thần quyết liệt hành động.

Mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản Việt Nam “đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới”. Phấn đấu là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu và có đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp với tốc độ tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến sâu đạt 7-8%/năm; tỷ trọng sản lượng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao của các ngành đạt từ 30% trở lên; trên 50% số cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến.

Nguyên Sơn