Chọn sách giáo khoa mới ở Nghệ An: Vẫn phải chờ tiêu chí chung!

Bài: Mỹ Hà, Kỹ thuật: Đức Anh 22/02/2020 08:11

(Baonghean) - Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố các bộ sách giáo khoa lớp 1 của chương trình phổ thông mới, các trường học trong cả nước đã bắt đầu nghiên cứu, thảo luận đề xuất các phương án lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, chọn bộ sách nào với những tiêu chí cụ thể ra sao và do “cấp” nào chủ trì thì vẫn còn phải chờ...

Một buổi trao đổi về sách giáo khoa của Trường Tiểu học Đông Vĩnh. Ảnh: Mỹ Hà
Một buổi trao đổi về sách giáo khoa của Trường Tiểu học Đông Vĩnh. Ảnh: Mỹ Hà


Nhiều cơ hội lựa chọn

Tranh thủ những ngày học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid - 19, Trường Tiểu học thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc) tổ chức cho toàn bộ giáo viên trong trường tiến hành thẩm định 3 bộ sách giáo khoa mới là “Cùng học để phát triển năng lực”, “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Cánh diều”. Việc tìm hiểu và nhận xét cũng đã được nhà trường thực hiện khá bài bản theo từng tổ nhóm và từng bộ môn khác nhau. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, nhà trường sẽ tổng hợp gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo đề xuất phương án lựa chọn.

Qua quá trình tìm hiểu, cô giáo Trần Thị Thu - Giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm dạy lớp 1 khá cân nhắc khi nhận xét về bộ sách mới. Tuy nhiên, cô giáo Thu cho biết: “Tạm hài lòng bởi về tổng thể các bộ sách trong chương trình mới trình bày đẹp, bắt mắt với nhiều hình ảnh sinh động. Bên cạnh đó, mỗi bài có trình tự sắp xếp liền mạch và khá rõ ràng, đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng và điều này sẽ thuận lợi cho cả với giáo viên và học sinh trong quá trình tiếp cận bài học. Bên cạnh đó, nội dung của 3 bộ sách khá tương đồng nhau”.

Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Quán Hành thảo luận và nhận xét về sách giáo khoa lớp 1 mới. Ảnh: Mỹ Hà
Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Quán Hành thảo luận và nhận xét về sách giáo khoa lớp 1 mới. Ảnh: Mỹ Hà

Ở Trường Tiểu học Đông Vĩnh (thành phố Vinh) hiện nhà trường cũng đã hoàn thành công tác, thẩm định đánh giá.

Nhận định về những bộ sách mới, cô giáo Nguyễn Vân Anh - Giáo viên lớp 1 cho biết: “Các bộ sách đã có sự kết nối, xây dựng cấu trúc bài học và chủ đề theo từng tiết học để giáo viên linh hoạt trong giảng dạy. Các bài giảng được thiết kế gắn với khám phá, hoạt động, trò chơi và vận dụng trong thực tiễn. Trong môn Toán có lồng ghép tích hợp nội dung liên môn như đưa các câu chuyện về “Rùa và thỏ”, “Dế mèn phiêu lưu ký” vào bài học. Các bộ sách cũng có tính kế thừa, bài tập gồm nhiều câu hỏi và được sắp xếp từ dễ đến khó, hướng đến việc khám phá, phát hiện, thực hành, vận dụng giải quyết vấn đề. Ngoài ra, trong chương trình mới cũng đã tăng cường các hoạt động thực hành, trải nghiệm, bồi dưỡng năng lực tự chủ, tự học”.

Những bộ sách giáo khoa mới được đánh giá khá bắt mắt về hình thức. Ảnh: Mỹ Hà
Những bộ sách giáo khoa mới được đánh giá khá bắt mắt về hình thức. Ảnh: Mỹ Hà

Việc các giáo viên đánh giá khá lạc quan về bộ sách mới cũng là một tín hiệu tích cực cho đến thời điểm này. Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã khẳng định, những bộ sách được lựa chọn đều được xây dựng khá công phu trên cơ sở tuân thủ định hướng đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông. Trong đó, trọng tâm chính là chuyển mục tiêu giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực.

Ngoài ra, các sách được lựa chọn phải bảo đảm tính “mở”, linh hoạt, tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo theo định hướng và quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây cũng là sự khác biệt cơ bản và lớn nhất của sách giáo khoa mới so với sách hiện hành.

Cần tiêu chí cụ thể

Xung quanh việc triển khai sách giáo khoa theo chương trình mới, một trong những vấn đề đang cần phải cân nhắc hiện nay, đó là chọn bộ sách nào và đơn nào vị đứng ra quyết định. Hiện, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành vào đầu tháng 2 thì hiệu trưởng trường phổ thông sẽ được chọn sách giáo khoa.

Cũng theo thông tư này, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông (hiệu trưởng) thành lập hội đồng chọn sách giáo khoa. Hội đồng có nhiệm vụ lựa chọn sách giáo khoa theo quy định tại Thông tư này và quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quy trình lựa chọn sách giáo khoa phải được bỏ phiếu kín và sách giáo khoa được lựa chọn phải được trên 1/2 số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn.

Một buổi trao đổi về sách giáo khoa của Trường Tiểu học Đông Vĩnh (2). Ảnh: Mỹ Hà
Một buổi trao đổi về sách giáo khoa của Trường Tiểu học Đông Vĩnh (2). Ảnh: Mỹ Hà


Tại Nghệ An, sau gần 2 tuần các phòng giáo dục và đào tạo chuyển sách giáo khoa về cho các nhà trường, hầu hết các trường học đã lựa chọn được bộ sách cho mình. Tuy nhiên, đây chỉ mới là vòng tham khảo đầu tiên, còn việc lựa chọn như thế nào thì đang phải “chờ” UBND tỉnh ban hành tiêu chí cụ thể để làm căn cứ. Hơn thế, một số trường vẫn còn băn khoăn khi quyền “chọn” sách được trao cho hội đồng của các nhà trường.

Nói về điều này, ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Quán Hành cho rằng: “Tại thời điểm này, tôi cho rằng, việc tiếp cận sách của các nhà trường vẫn còn chậm, trong khi đó đến tháng 8 các giáo viên đã bắt đầu dạy chính thức rồi. Bên cạnh đó, việc chọn sách gì còn khá khó khăn bởi lẽ dù đã được tập huấn và đã được tiếp cận nhưng số giáo viên hiểu cặn kẽ về chương trình giáo dục phổ thông mới không nhiều, và điều đó có thể dẫn đến việc nhận định về sách không đầy đủ. Chúng tôi cũng cho rằng, nếu một trường học chọn một bộ sách giáo khoa thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, điều hành vì còn liên quan đến việc chỉ đạo chuyên môn. Vì thế, nên chăng, sau khi các trường đã có nhận xét, đánh giá thì Phòng Giáo dục sẽ tập hợp toàn bộ các ý kiến và thành lập hội đồng để chọn một bộ sách chung cho cả địa phương”.

Các em hoc sinh trường tiểu học Huồi Tụ 2. Ảnh: Đức Anh
Các em học sinh Trường tiểu học Huồi Tụ 2. Ảnh: Đức Anh

Tại Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 (thành phố Vinh), trước khi thành lập hội đồng thẩm định sách, nhà trường đã tổ chức 3 lần chuyên đề cho giáo viên với các nội dung như tìm hiểu về chương trình giáo dục phổ thông mới, tìm hiểu về khung dạy, số tiết dạy cụ thể của từng môn học và xây dựng thời khóa biểu giả định cho lớp 1... Vì thế, cô giáo Hoàng Thị Thủy - Hiệu trưởng nhà trường và cũng là một trong những giáo viên cốt cán của thành phố Vinh về thẩm định sách giáo khoa mới bày tỏ sự lạc quan nếu chương trình mới được triển khai tại nhà trường.

Bản thân cô cũng cho rằng: “Việc các trường được giao quyền tự chủ để chọn sách là một trách nhiệm không nhỏ. Tuy nhiên, tôi tin rằng, nếu bộ sách giáo khoa đã được Hội đồng nhà nước thẩm định thì không phải quá lo ngại về nội dung và nếu người sử dụng được tập huấn đến nơi đến chốn thì việc triển khai không quá khó khăn. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu một đơn vị chọn một bộ sách khác nhau thì ngành cũng phải cân nhắc để chỉ đạo việc ra đề, kiểm tra, đánh giá học sinh”.

Theo kế hoạch, từ khi có sách giáo khoa đến khi công bố bộ sách cuối cùng, các nhà trường sẽ có 2 tháng nghiên cứu và đến ngày 31/3 các nhà trường sẽ “chốt” kết quả. Đến cuối tháng 4, tỉnh cũng sẽ thống kê số lượng sách giáo khoa cần sử dụng cho năm học tới để gửi các nhà xuất bản.

Ông Nguyễn Hồng Hoa - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học - Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Hiện ngành đang tham mưu cho tỉnh để xây dựng các tiêu chí chung về sách giáo khoa cho các nhà trường. Trong đó, dù chọn bộ sách nào thì cũng phải căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương, phải phù hợp với điều kiện thực tế của các nhà trường và phù hợp với đối tượng giáo viên và học sinh”.

Bài: Mỹ Hà, Kỹ thuật: Đức Anh