Nghệ An: Nông hộ vẫn 'treo' chuồng nhưng hơn 360 trang trại lợn tái đàn mạnh

Xuân Hoàng 23/02/2020 07:39

(Baonghean.vn) - Sau đỉnh điểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, xu thế phát triển tổng đàn lợn của Nghệ An đang nghiêng về phía các trang trại nhờ các lợi thế kiểm soát và ngăn ngừa dịch.

Nông hộ vẫn "treo" chuồng

Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã tác động không nhỏ đến cơ cấu tổng đàn lợn của Nghệ An trong thời gian qua. Chưa bao giờ chăn nuôi lợn lại phải chịu thiệt hại nặng nề như thời gian qua khi gần 95 nghìn con lợn mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy. Đặc biệt là chăn nuôi nông hộ, có trên 21 nghìn gia đình bị dịch “treo” chuồng.

Anh Nguyễn Văn Hòa ở xóm Long Minh, xã Minh Sơn (Đô Lương) vẫn
Anh Nguyễn Văn Hòa ở xóm Long Minh, xã Minh Sơn (Đô Lương) vẫn "treo" chuồng suốt 9 tháng nay. Ảnh: Xuân Hoàng

Đã 9 tháng trôi qua kể khi “dính” DTLCP, chuồng nuôi của gia đình anh Nguyễn Văn Hòa ở xóm Long Minh, xã Minh Sơn (Đô Lương) vẫn để trống, chưa dám tái thả nuôi lợn.

“Tư liệu sản xuất không còn, dịch vẫn “rình rập” tại nhiều địa phương, thì người nông dân chúng tôi có muốn nuôi lại cũng phải căn ke. Trước mắt, chắc chắn vẫn phải tạm đóng chuồng chờ đợi đã” - anh Hòa cho biết.

Không những hộ anh Hòa ở Đô Lương mà hầu hết các nông hộ có lợn bị tiêu hủy do nhiễm DTLCP đều chưa dám tái đàn.

Từ khi có dịch tả lợn châu Phi đến nay, trên địa bàn Nghệ An đã có trên 21 nghìn nông hộ bị xóa đàn lợn. Ảnh: Xuân Hoàng
Từ khi có dịch tả lợn châu Phi đến nay, trên địa bàn Nghệ An đã có trên 21 nghìn nông hộ bị xóa đàn lợn. Ảnh: Xuân Hoàng

Trong khi các nông hộ đang gặp khó thì cơ cấu phát triển đàn lợn nghiêng về về trang trại. Các công ty chăn nuôi lợn đang tăng đàn, đặc biệt là lợn nái, là nguồn cung cấp con giống cho địa phương, đảm bảo ổn định sản xuất sau dịch.

Tái đàn - vẫn chú trọng ở trang trại

Điều tra sau đỉnh điểm DTLCP của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tổng đàn lợn trên toàn tỉnh hiện có khoảng 935.000 con, giảm hơn 10,11% so với trước khi xảy ra DTLCP. Trong đó, chăn nuôi trang trại chiếm 30%, nông hộ chiếm 70% tổng đàn.

Chăn nuôi theo hình thức trang trại sẽ thuận lợn hơn trong công tác phòng dịch. Ảnh: Xuân Hoàng
Chăn nuôi theo hình thức trang trại sẽ thuận lợn hơn trong công tác phòng dịch. Ảnh: Xuân Hoàng

Trong khi trọng tâm của DTLCP trên địa bàn Nghệ An thời gian qua vẫn là chăn nuôi nông hộ, thì nay “cán cân” tỷ trọng này đang xoay chiều tổng đàn tăng nhanh cho trang trại bởi việc chăn nuôi ở trang trại đồng nghĩa công tác kiểm soát dịch bệnh sẽ thuận lợi và an toàn hơn.

Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho rằng, trên địa bàn Nghệ An hiện có 373 trang trại chăn nuôi lợn, trong đó, 23 trang trại lớn, 91 trang trại quy mô vừa và 259 trang trại quy mô nhỏ.

Trong số 373 trại lợn, có 12 trại chăn nuôi lợn quy mô từ 100 - 200 con bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi trong thời gian qua.

Như vậy, hiện trên địa bàn Nghệ An có 361 trang trại lợn chưa nhiễm dịch, đang tăng đàn mạnh.

Toàn tỉnh có 343 xã bị DTLCP đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn ốm, chết, phải tiêu hủy. Số xã có dịch chưa qua 30 ngày đang dần bó hẹp tại 23 xã, điều đó cho thấy, đàn lợn còn lại trên địa bàn tỉnh đã có dấu hiệu ổn định.

Những trang trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đang đà tăng đàn mạnh, song lại chưa khuyến khích người dân tái đàn bằng mọi giá, nếu chuồng trại không đảm bảo yêu cầu về phòng dịch, nhất là những nơi không có nguồn giống tại chỗ.

Để tái đàn lợn sau dịch, chủ cơ sở, nông hộ phải tuân thủ các biện pháp an toàn sinh học theo quy định hoặc đã được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh VietGAPH, GlobalGAP trong chăn nuôi.

Theo đó, tái đàn từng bước, thả nuôi khoảng 10% tổng số lợn, sau 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh DTLCP thì mới thả 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở.


Xuân Hoàng