Khách hành hương ở Nghệ An còn lơ là trong phòng dịch Covid-19

Bài: Thanh Nga, Kỹ thuật: Đức Anh 26/02/2020 15:52

(Baonghean.vn) - Dù đang trong thời gian phòng, chống dịch Covid - 19 nhưng tại các cơ sở tâm linh trên địa bàn tỉnh vẫn nhộn nhịp người dân và du khách về chiêm bái. Tuy nhiên, rất ít thấy người thực hành các bước phòng, chống Covid - 19, dù đã được khuyến cáo.

Nhiều cơ sở tâm linh trên địa bàn tỉnh vẫn là điểm đến của du khách dịp đầu năm.
Nhiều cơ sở tâm linh trên địa bàn tỉnh vẫn là điểm đến của du khách dịp đầu năm.

Nhu cầu chiêm bái đền, chùa gia tăng

Dịp đầu năm mới, do được khuyến cáo về dịch hô hấp cấp Covid - 19, lượng người đến tham gia các hoạt động tín ngưỡng ở các cơ sở tâm linh có phần thưa thớt. “Ở đền ông Hoàng Mười, nếu tính cùng kỳ tháng Giêng năm ngoái mỗi ngày chúng tôi đón khoảng 80.000 lượt người đến lễ, chiêm bái, nhưng năm nay con số đó chỉ còn một nửa; có thời điểm chúng tôi còn phải đóng cửa đền không nhận các lễ giải hạn vì nhận được sự khuyến cáo của sở, ngành.”, bà Hoàng Thị Phương Thanh - Phó phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hưng Nguyên cho biết. Tuy vậy, đến cuối tháng Giêng, đền đã đón nhiều hơn lượt du khách đến chiêm bái, tiếp nhận nhiều hơn các hoạt động tâm linh. Điển hình như thời điểm ngày đầu tháng Hai , có rất đông du khách và người dân đến sinh hoạt tâm linh tại Đền.

Tuy nhiên, một thực tế phổ biến là khi vào hành lễ rất hiếm thấy các du khách thực hành các bước đã được khuyến cáo khi đến chỗ đông người trong mùa dịch, như đeo khẩu trang, khi ho thì phải lấy tay hoặc khăn giấy che miệng... Dường như đối với họ, việc đeo khẩu trang hay tránh đến chỗ đông người không thể thực hiện khi đã quyết tâm đến cửa đền hành lễ.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung - du khách ở Hà Nội cho biết: “Nếu đã quy định đeo khẩu trang khi hành lễ thì tất cả đều phải đeo mới có tác dụng phòng bệnh”. Phần đông các tín đồ phật tử, du khách khi đến đền Ông Hoàng Mười đều không thực hiện việc đeo khẩu trang, mà theo lý lẽ của họ là “Nghệ An chưa có dịch nên những bước phòng tránh là không cần thiết”.

Tại đền Cờn (phường Quỳnh Phương, Thị xã Hoàng Mai), do nhà đền nhận được công văn chỉ đạo không tổ chức các hoạt động lễ hội nhưng việc mở cửa để người dân đến tham quan vẫn được phép.

Đại diện Ban quản lý đền Cờn cho biết: “Đầu năm chúng tôi đã ra quy định không tổ chức các hoạt động văn hóa tâm linh với quy mô đông người, và thực tế chắc du khách sợ chốn đông người nên rất ít khách đến chiêm bái tại Đền. Gần đây thì du khách đã đến đông hơn, nhưng các dịch vụ cầu an giải hạn thực tế cũng không có nhiều.”.

Ở đây, với không gian vừa có các dịch vụ thương mại ăn uống, bên cạnh các hoạt động tâm linh thì du khách đến đây hoàn toàn không yên tâm. Anh Nguyễn Văn Tuấn quê ở Bắc Ninh cho biết: “Những năm trước chúng tôi đều trải nghiệm các dịch vụ ở đây, và cũng thấy đó là những trải nghiệm khá thú vị, nhưng năm nay tình hình dịch Covid -19 đang diễn biến khá phức tạp, nên dù rất muốn được lưu lại đây lâu hơn nhưng chúng tôi chỉ thực hiện các nghi lễ tâm linh sau đó ra về”.

Du khách vẫn về chiêm bái tại đền Cờn vào những ngày nắng ấm khá đông.
Quang cảnh Đền Cờn khá im ắng những ngày đầu tháng Giêng, khi có những khuyến cáo về Covid - 19. Ảnh: Nhật Thanh

Tương tự, đền thờ Vua Quang Trung (phường Trung Đô, thành phố Vinh) - những năm trước vào dịp này thu hút rất nhiều khách từ các tỉnh phía Bắc nhưng vào ngày Rằm tháng Giêng năm nay, nhà đền không tổ chức phát ấn như thường lệ vì lo ngại du khách vào đền đông, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch, vi phạm quy định của sở, ngành. Ông Nguyễn Văn Xuân - Phó Ban Quản lý đền thờ Vua Quang Trung cho biết: “Chúng tôi yêu cầu mỗi người phục vụ tại đền đều đeo khẩu trang khi hành lễ để du khách thực hiện theo. Nhờ quy định chặt chẽ nên việc thực hiện các nghi lễ vẫn giữ được giá trị tôn nghiêm mà không bị du khách phản ứng”.

Các nghi lễ thưa hơn vì lo ngại dịch bệnh


Dịp đầu năm mới là thời điểm mà nhiều người muốn được cầu an giải hạn, cầu tài cầu lộc... Với họ đó là nghi lễ không thể thiếu để bắt đầu một năm mới. Thế nhưng vì lo ngại tình hình dịch bệnh nên nhiều nhà Đền, chùa không nhận các khóa cầu an giải hạn.

Đại diện Ban Quản Lý Đền thờ Ông Hoàng Mười cho biết: "Đến thời điểm này rất đông người đăng ký nhưng chúng tôi cũng hạn chế nhận đông người cùng lúc, nếu muốn thực hiện các khóa cầu an giải hạn thì phải đăng ký trước cả tuần".

Trên thực tế khách đến chiêm bái và sinh hoạt tâm linh ở đây đã rất đông so với tháng Giêng, dễ thấy họ không mấy lo lắng về thực hiện các bước phòng, chống dịch. Bà Hoàng Thị Phương Thanh cho biết: “Theo quy định của Sở Du lịch, chúng tôi đã trang bị cồn xịt vào tay khi du khách vào cửa đền, và các bảng tuyên truyền khuyến cáo đều treo ở trước cửa để nhắc nhở du khách, thậm chí nhắc nhở hằng giờ trên loa phát thanh của đền”.

Người dân Diễn Châu đi lễ chùa đầu năm. Ảnh: Huy Thư
Người dân Diễn Châu đi lễ chùa đầu năm. Ảnh: Huy Thư

Dễ thấy những hoạt động tại các đền đầu năm vẫn là những hoạt động cầu an giải hạn, xin quẻ, hầu bóng hầu đồng... Theo khảo sát ở một số đền, chùa, để có được một suất giải hạn đủ lễ nghĩa, bài bản, du khách cần phải mất nhiều thời gian thỉnh lễ. “Một khóa lễ cần phải mất tầm 3 - 4h thì mới thực hiện đủ lễ nghi, còn chỉ làm sơ sơ chỉ cần 30 phút là đã xong. Và đương nhiên một khóa lễ hội tụ rất đông tín chủ ở từ nhiều nơi đến”, một người dân đang làm lễ giải hạn cho biết. Và trong khi hành lễ hầu như các tín chủ không đeo khẩu trang, không ai biết họ có thực hiện các bước phòng chống dịch bệnh như đã khuyến cáo hay không.

Tuy nhiên ở một vài cơ sở tâm linh khác việc thực hành các bước phòng chống Covid - 19 trở thành một quy tắc khi vào Đền. Ông Nguyễn Văn Xuân - Phó Ban quản lý Đền thờ Hoàng đế Quang Trung cho hay: "Chúng tôi phải giảm lượng người trong một khóa lễ và rải ra nhiều thời gian, đặc biệt phải khuyến cáo người dân thực hiện đeo khẩu trang, ngay cả khi làm lễ."

Đồng tình với ý kiến này ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin Thị xã Hoàng Mai nói: "Chúng tôi không có nhiều các khóa lễ tâm linh vì cũng hạn chế tụ tập đông người trong một không gian hẹp. Lúc chưa nhà đền nào thực hiện công tác khử trùng thì chúng tôi đã chủ động làm trước. Bây giờ chúng tôi vẫn tích cực tuyên truyền các bước phòng chống Covid - 19 và thực hiện công tác khử trùng theo đúng niên hạn thời gian".

Bài: Thanh Nga, Kỹ thuật: Đức Anh