Ban Tổ chức Tỉnh ủy hướng dẫn thực hiện quy trình thẩm định tiêu chuẩn chính trị

Đức Dũng 06/03/2020 09:21

(Baonghean.vn) - Mục đích nhằm thu thập thông tin để xem xét, đánh giá, kết luận về tiêu chuẩn chính trị đối với cán bộ, đảng viên được cử đi đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu để bầu vào cấp ủy, làm cán bộ chủ chốt, làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và làm việc ở cơ quan, bộ phận, vị trí trọng yếu, cơ mật.

Thực hiện Quy định số 126-QĐ/TW, ngày 28/02/2018 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 19-HD/BTCTW, ngày 12/9/2019 của Ban Tổ chức Trung ương, thực hiện một số điều trong Quy định số 126-QĐ/TW, ngày 28/02/2018 của Bộ Chính trị về một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An vừa có hướng dẫn thực hiện quy trình thẩm định tiêu chuẩn chính trị.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Mục đích nhằm thu thập thông tin để xem xét, đánh giá, kết luận về tiêu chuẩn chính trị đối với cán bộ, đảng viên được cử đi đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu để bầu vào cấp ủy, làm cán bộ chủ chốt, làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và làm việc ở cơ quan, bộ phận, vị trí trọng yếu, cơ mật.

Yêu cầu phải tiến hành đúng nguyên tắc, thận trọng, khách quan, chính xác; khi kết luận phải căn cứ, đối chiếu với các quy định của Trung ương.

Đối tượng: Cán bộ, đảng viên được cử đi đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu để bầu vào cấp ủy, làm cán bộ chủ chốt, làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và làm việc ở cơ quan, bộ phận, vị trí trọng yếu, cơ mật.

Nội dung thẩm định:

1.Thẩm định nơi công tác: Làm việc với cấp ủy, thủ trưởng cơ quan nơi người được thẩm định đang công tác: Đề nghị cấp ủy, cơ quan cung cấp các tài liệu sau: Hồ sơ lý lịch người xin vào Đảng, lý lịch đảng viên (bản gốc); Lý lịch cán bộ (bản gốc); Các quyết định đề bạt; bổ nhiệm chức vụ và điều động công tác, kỷ luật; Các đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan (nếu có); Các tài liệu có liên quan đến lịch sử chính trị và chính trị hiện nay của bản thân và gia đình (nếu có). Đề nghị cấp ủy, lãnh đạo chuyên môn nhận xét, đánh giá về bản xác minh lý lịch cũng như quá trình công tác của cán bộ (theo mẫu sổ 01).

2.Thẩm định nơi cư trú: Làm việc với Chi ủy (khối, xóm, bản nơi cán bộ, đảng viên thường trú); cấp ủy hoặc chính quyền cơ sở nơi người được thẩm định đang cư trú: Đề nghị nhận xét, đánh giá vào phiếu Thẩm định tiêu chuẩn chính trị (theo mẫu số 02) về các nội dung: Việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú; việc thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa; mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi cư trú; bản thân và gia đình có tham gia sinh hoạt các tổ chức hội, đoàn hay sinh hoạt tôn giáo bất hợp pháp? có ai có tiền án, tiền sự hoặc mắc các tệ nạn xã hội?

3.Thẩm định tại quê quán: Làm việc với cấp ủy (khối, xóm, bản); Đảng ủy hoặc chính quyền địa phương: Đề nghị cung cấp các tài liệu có liên quan đến lịch sử chính trị và chính trị hiện nay của bản thân và gia đình (nếu có). Đề nghị nhận xét, đánh giá vào bản Thẩm định tiêu chuẩn chính trị về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay của gia đình cán bộ (theo mẫu số 01).

Cán bộ có cha, mẹ đẻ, anh, chị, em ruột, con đẻ là đảng viên và trong lý lịch đã khai đầy đủ, rõ ràng, trung thực theo quy định, thì không phải thẩm tra, xác minh; nội dung nào chưa rõ thì thẩm tra, xác minh nội dung đó.

Nếu vợ (chồng) của cán bộ là đảng viên hoặc có cha, mẹ đẻ, anh, chị, em ruột là đảng viên và trong lý lịch của cán bộ đã khai đầy đủ, rõ ràng trung thực theo quy định, thì không phải thẩm tra, xác minh bên vợ (chồng); nội dung nào chưa rõ thì thẩm tra, xác minh nội dung đó.

Quy trình thẩm định:

1.Tiếp nhận, nghiên cứu hồ sơ: Căn cứ vào yêu cầu của từng loại hồ sơ về cử cán bộ đi đào tạo; quy hoạch; đề bạt, bổ nhiệm; tiếp nhận cán bộ do cơ quan chức năng yêu cầu thẩm định gửi đến, cán bộ thẩm định nghiên cứu hồ sơ, lý lịch và các tài liệu có liên quan để phát hiện những vấn đề chưa rõ; những vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn chính trị, xác định nội dung và địa chỉ, người cần gặp để thu thập, bổ sung thông tin, tài liệu cho công tác thẩm định.

2. Thu thập thông tin, tài liệu: Cán bộ thẩm định làm việc trực tiếp với cấp ủy, lãnh đạo cơ quan liên quan đến cán bộ cần thẩm định, đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, đảng viên đó.

Các tài liệu gồm: Lý lịch đảng viên, cán bộ, công chức (bản gốc). Các bản kiểm điểm, nhận xét, xếp loại cán bộ, đảng viên hằng năm; Bản nhận xét, đánh giá hằng năm của cấp ủy, chính quyền nơi cán bộ, đảng viên cư trú. Các quyết định đề bạt, bổ nhiệm chức vụ và điều động; Các đơn thư phản ảnh, tố giác, tố cáo, khiếu nại, thông tin báo chí phản ánh hoặc có liên quan đến cán bộ, đảng viên (nếu có).

Cần chú ý thu thập thêm các thông tin, nguồn tin, dư luận, ý kiến phản ánh của nhân dân, nhưng phải sàng lọc, xem xét kỹ lưỡng, không chủ quan, phiến diện.

3. Phân tích, đánh giá nội dung thẩm tra: Trên cơ sở hồ sơ, tài liệu và các thông tin thu thập được, tiến hành đối chiếu, so sánh, xem xét, nghiên cứu, phân tích, đề xuất kết luận.

Trường hợp có đủ căn cứ xác định cán bộ, đảng viên không đủ tiêu chuẩn chính trị đề bạt, bổ nhiệm thì cán bộ thẩm định báo cáo với lãnh đạo có thẩm quyền và dự thảo văn bản trả lời cơ quan yêu cầu thẩm định, nói rõ lý do không đồng ý đề bạt, bổ nhiệm hoặc bố trí công tác.

Trường hợp có vấn đề chưa rõ, chua đủ căn cứ xác định cán bộ, đảng viên đủ hoặc không đủ tiêu chuẩn chính trí đề bạt, bổ nhiệm, phải báo cáo bằng văn bản với cấp ủy có thẩm quyền quyết định thẩm tra, xác minh; đồng thời thông báo bằng văn bản với cơ quan yêu cầu thẩm định để phối hợp giải quyết.

4. Xem xét kết quả thẩm định và tham mưu kết luận: Trên cơ sở kết quả thẩm định ở quê quán; nơi cư trú; nơi công tác và làm việc với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; các tài liệu, chứng cứ thu thập được; tổng hợp kết quả thẩm định, nói rõ những vấn đề chính trị của cán bộ được thẩm định, khẳng định rõ có vi phạm Quy định số 126-QĐ/TW hay không?

Trường hợp bảo đảm điều kiện tiêu chuẩn chính trị để tiếp nhận hoặc đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch, bầu vào cấp ủy thì tham mưu trình cấp có thẩm quyền kết luận về tiêu chuẩn chính trị.

Trường hợp thẩm định không đủ tiêu chuẩn chính trị theo quy định hiện hành thì văn bản trả lời cũng phải nói rõ "Không đảm bảo tiêu chuẩn chính trị theo quy định để tiếp nhận hoặc đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch, bầu vào cấp ủy.

Trường hợp có nhiều vấn đề phức tạp, qua thẩm định chưa đủ cơ sở kết luận thì báo cáo cấp ủy có thẩm quyền đề nghị chỉ đạo thẩm tra, xác minh, đồng thời có văn bản thông báo cho cơ quan, đơn vị yêu cầu thẩm định biết để phối hợp.

5. Lập hồ sơ thẩm định tiêu chuẩn chính trị theo quy định: Thu thập tài liệu liên quan, lập hồ sơ và chuyển vào bộ phận lưu trữ theo quy định.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Ban Tổ chức Tỉnh ủy (qua Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ) để được hướng dẫn cụ thể.

Đức Dũng