Thế giới tuần qua: 'Tức nước vỡ bờ'
(Baonghean) - Chỉ một ngày sau khi Hàn Quốc triệu tập cuộc họp an ninh bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Bình Nhưỡng, cô Kim Yo-jong - em gái của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngay lập tức chỉ trích gay gắt. Hàng nghìn người dân tị nạn Syria đang bị mắc kẹt tại biên giới giữa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp với mong ước vào châu Âu để chạy thoát khỏi vùng chiến sự; dấy lên nỗi lo sợ cuộc khủng hoảng di cư. Đây là những vấn đề quốc tế đáng quan tâm trong tuần qua.
Thái độ cứng rắn mới của Triều Tiên
Kim Yo-jong, Phó Chủ nhiệm thứ nhất của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, em gái của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, vốn là người có hình ảnh ôn hòa, nhưng mới đây nhất, việc cô đưa ra chỉ trích mạnh mẽ, gọi Hàn Quốc là “con chó sủa trong sợ hãi”. Động thái này đánh dấu lần đầu tiên cô ra một tuyên bố chính trị, đồng thời cho thấy Triều Tiên đang gia tăng áp lực với Hàn Quốc.
Một vụ thử tên lửa tầm ngắn dẫn đường chiến lược kiểu mới tại địa điểm không xác định ở Triều Tiên ngày 25/7/2019. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuyên bố của Kim Yo-jong được đưa ra sau khi Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) triệu tập một cuộc họp các bộ trưởng liên quan đến vấn đề an ninh, bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ thử 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Bình Nhưỡng và kêu gọi chấm dứt các hoạt động gây căng thẳng. Kim Yo-jong cho rằng, Hàn Quốc không có tư cách chỉ trích Triều Tiên, khi chính họ đã thực hiện các cuộc tập trận quân sự với Mỹ. Do đó, việc Seoul lên án Bình Nhưỡng là hành động “thực sự vô nghĩa”. Cô khẳng định, hành động không mạch lạc như vậy chỉ có thể phóng đại thêm sự ngờ vực, thù hận và khinh miệt giữa hai miền liên Triều.
Kim Yo-jong được biết đến là một trong những cố vấn thân cận nhất của anh trai cô - Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Giọng điệu sắc sảo trong phản ứng của cô là sự tương phản mạnh mẽ với vai trò đặc phái viên của ông Kim Jong-un tới tham dự Thế vận hội mùa đông Pyeongchang hồi năm 2018, mở ra một thời kỳ mới trong mối quan hệ ngoại giao liên Triều, vốn bị “đóng băng” một thời gian dài.
Hơn thế, các nhà phân tích nhận định, việc công bố một tuyên bố chính trị của Kim Yo-jong đã làm nổi bật vai trò trung tâm của cô trong hệ thống chính quyền Bình Nhưỡng. Go Myong-hyun, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu chính sách Asan cho rằng: “Hồi tháng 1 vừa qua, cô được bổ nhiệm là Phó Chủ nhiệm thứ nhất của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, với những tuyên bố đầu tiên đó là dấu hiệu cho thấy cô còn tiến xa hơn trong hệ thống chính trị”.
Kim Yo-jong được biết đến là cố vấn thân cận nhất của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: AFP |
Trước đó, truyền thông Triều Tiên đã công bố những bức ảnh về việc Nhà lãnh đạo Kim Jong-un giám sát cuộc diễn tập khai hỏa pháo phản lực siêu lớn. Cuộc diễn tập diễn ra chỉ vài ngày sau dấu mốc kỷ niệm 1 năm của hội nghị thượng đỉnh giữa Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump tại Hà Nội, và sau khi thời hạn mà Bình Nhưỡng đưa ra cho Washington kết thúc. Hong Min, nhà nghiên cứu tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc nhận định: “Điều đáng nói là cách truyền thông Triều Tiên đưa tin về hoạt động này. Trước đây, mọi động thái đều mang thông điệp nhằm vào Hàn Quốc và Mỹ, tuy nhiên những thông tin lần này đều tương đối đơn giản, chỉ miêu tả là cuộc thị sát của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un”. Do đó, phía Bình Nhưỡng cho rằng, phản ứng của Seoul hoàn toàn vô lý.
Mối quan hệ liên Triều bế tắc kể từ sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 năm 2019 tại Hà Nội không đạt được bước tiến mới. Bình Nhưỡng kêu gọi Seoul từ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế và củng cố quan hệ kinh tế liên Triều, song Hàn Quốc từ chối. Điều này khiến Triều Tiên có phần tức giận, các hoạt động trao đổi theo đó cũng bị đình trệ. Mới đây Bình Nhưỡng không đáp ứng lời đề nghị của Seoul về việc nới lỏng kiểm soát đi lại đến Triều Tiên hay phối hợp chống đại dịch Covid-19.
Mối quan hệ liên Triều bế tắc kể từ sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 năm 2019 tại Hà Nội không đạt được bước tiến mới. Trong ảnh: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in giơ cao tay sau khi ký Tuyên bố chung Panmunjom ngày 27/4/2018. Ảnh: AP |
Lim Eul-chul, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông ở Đại học Kyungnam cho rằng: “Tuyên bố đầu tiên của Kim Yo-jong nên được hiểu là chỉ dấu cho sự bất mãn mạnh mẽ nhất của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đối với chính phủ Hàn Quốc”. Bởi sau những lời cam kết, những cái bắt tay thân thiện, thì thực sự không có thỏa thuận hay đề xuất nào được thực thi.
Mắc kẹt ở biên giới
Hàng nghìn người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ tràn vào Hy Lạp, kể từ khi Tổng thống Tayyip Erdogan tuyên bố “mở cửa” cho dòng người từ Syria tràn vào châu Âu, nhằm gây sức ép với Liên minh châu Âu (EU) trong vấn đề chiến sự tại tỉnh Idlib, Syria. Trước dòng người ồ ạt đó, Hy Lạp đã tuyên bố tình trạng báo động tối đa nhằm bảo vệ biên giới và ngừng xem xét đơn xin tị nạn của những người nhập cảnh. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại triển khai 1.000 cảnh sát đặc nhiệm đến biên giới nhằm ngăn Athens đẩy dòng người tị nạn trở về lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này khiến người tị nạn với hy vọng tới được châu Âu, cuối cùng lại mắc kẹt giữa biên giới hai nước, dấy lên lo ngại về khủng hoảng nhân đạo.
Hàng nghìn người tị nạn mắc kẹt tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Ảnh: NYT |
Điều kiện sống tồi tàn và tình trạng quá tải người ở các trại tị nạn Hy Lạp đã dẫn tới nhiều cuộc biểu tình giữa người di cư và lực lượng an ninh suốt nhiều ngày qua. Xung đột bùng phát thành bạo lực khi nhiều người biểu tình ném gạch đá về phía cảnh sát và yêu cầu được trả tự do, trong khi lực lượng an ninh bắn đạn hơi cay vào đám đông. Cuộc khủng hoảng nhân đạo leo thang ở đây đã khiến hàng người Syria mắc kẹt giữa binh lính Hy Lạp có vũ trang và các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc lợi dụng sự tuyệt vọng của người di cư như “con chip” thương lượng chính trị. Phía Hy Lạp cho biết, chỉ sau vài ngày họ đã ngăn 35.000 người cố gắng tràn vào biên giới.
Quyết định mở cửa biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra sau khi Tổng thống Tayyip Erdogan trong mấy tháng gần đây đã đưa ra cảnh báo mở các cánh cổng di cư sang châu Âu, nếu EU không ủng hộ kế hoạch của Ankara ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, họ không thể tiếp nhận thêm bất kỳ người tị nạn Syria nào, ngoài 3,7 triệu người đã được bố trí trong thời gian vừa qua, đồng thời đổ lỗi cho EU vì đã không chia sẻ gánh nặng với họ. Trong khi đó, EU đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ duy trì thỏa thuận đạt được vào năm 2016, khi liên minh đã hỗ trợ cho Ankara 6,6 tỷ USD vào việc ngăn chặn dòng người di cư.
Những người tị nạn tìm cách tràn qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp. Ảnh: AFP |
Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại có thể đối mặt với một làn sóng di cư khác khi các lực lượng quân đội chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn tiếp tục giao tranh tại tỉnh Idlib, vốn đã đẩy hàng trăm nghìn dân thường Syria di cư lánh nạn về phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ kể từ đầu tháng 12/2019. Ngày 5/3 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Putin và nhất trí một lệnh ngừng bắn cũng như một số biện pháp khác nhằm dàn xếp tình hình ở tỉnh Idlib, Syria. Song, đối với chính sách di cư, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không tiết lộ thời hạn hiệu lực trong bao lâu.
Biên giới của Hy Lạp cũng là biên giới của châu Âu. EU không muốn lặp lại sự hỗn loạn của năm 2015-2016 khi hơn 1 triệu người di cư và tị nạn, chủ yếu đến từ Trung Á, đặc biệt từ các quốc gia có nội chiến như Afghanistan và Syria, đã tràn vào Hy Lạp để cố gắng vào châu Âu. Những “hòn đảo tị nạn” của Thổ Nhĩ Kỳ đã quá tải trong thời gian vừa qua, hay hình ảnh một cậu bé người Syria 7 tuổi chết trên bờ biển khi tàu vượt biên bị lật, luôn là nỗi ám ảnh của châu Âu.