Án mạng đau lòng từ những phút ngông của đám trai bản

Như Bình 09/03/2020 15:40

(Baonghean.vn) - Lương Văn Triều và Lê Văn Hồng cùng đám làng ngông nghênh mang bia ra giữa đường ngồi uống. Khi bị hỏi thì Triều và Hồng dùng dao truy sát người đến chết.

Thách thức pháp luật, đám trai làng chơi ngông

Nếu như Lục Dạ được xem là xã nghèo gần nhất, nhì huyện Con Cuông, thì bản Mọi là bản nghèo nhất xã. Người dân Đan Lai ở bản Mọi sống bằng nghề nông nghiệp, khai thác lâm sản phụ. Họ là những người thuần tính, chăm chỉ làm ăn, lo vun vén cho gia đình. Bởi vậy, thông tin Lương Văn Triều (SN 2000) và Lê Văn Hồng (SN 2002) gây án làm một thanh niên ở xã Khai Sơn (Anh Sơn) tử vong khiến dân bản hết sức ngỡ ngàng.

Ông Nguyễn Cảnh Đào - Trưởng Công an xã Lục Dạ cho biết: “Triều học hết lớp 5, còn Hồng học hết lớp 9 là nghỉ, ngoài phụ cha mẹ việc nương rẫy thì đi bóc vỏ keo thuê. Hai thanh niên này cơ bản là ngoan, chưa vi phạm gì nhưng rượu chè thì không tránh khỏi. Công an xã cũng chưa bao giờ phải nhắc nhở Triều và Hồng lỗi gì cả”.

Hai bị cáo Lương Văn Triều (áo trắng) và Lê Văn Hồng tại phiên tòa. Ảnh: Như Bình

Như thường lệ, ngày 12/9/2019, Triều và Hồng đi bóc keo thuê cho một người quen ở xã Lạng Sơn (Anh Sơn). Công việc cũng mệt nên chủ vườn keo có mời mấy người làm công đi uống rượu. Bữa rượu mời dường như chưa đủ đô với đám thanh niên mới lớn nên tàn cuộc nhậu, cả nhóm đi mua thêm bia uống. Bãi đáp tiếp theo là cầu Tri Lễ, nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh, nối 2 xã Khai Sơn, Lạng Sơn của huyện Anh Sơn. Tầm 21h, con đường này cũng khá vắng xe cộ qua lại nên đám trai làng mang bia ra giữa cầu ngồi uống.


Một lát sau, Chu Văn Trường (SN 1990, trú xã Lạng Sơn) chở theo bạn đi qua cầu Tri Lễ. Gặp nhóm của Triều, Trường dừng xe lại hỏi “bay ngồi đây làm chi?”. Hồng trả lời “bọn tôi ngồi uống bia”. “Sao lại ngồi uống bia giữa đường?", Trường hỏi tiếp. Hồng đứng lên bảo “thích chi” rồi lôi con dao bấm ra thủ thế. Dự cảm không lành, Trường hỏi Hồng cầm gì trên tay thì Triều ném lon bia về phía Trường, đồng thời giật con dao từ Hồng đâm một nhát vào ngực trái nạn nhân.

Bị đâm, Trường để xe lại và bỏ chạy, Triều và Hồng vẫn chưa buông tha. Cả hai đuổi theo, Triều ném con dao bấm về phía Trường nhưng không trúng. Hồng chạy tới, nhặt con dao lên vào lao đến đâm một nhát vào lưng Trường. Chỉ khi Trường chạy đến địa phận xã Khai Sơn, hai thanh niên này mới chịu dừng lại, quay về.

Cú đâm của Lương Văn Triều và Lê Văn Hồng khiến nạn nhân thủng phổi, gây suy hô hấp, suy tuần hoàn cấp và tử vong trên đường đưa đến bệnh viện cấp cứu. Biết nạn nhân chết, Lương Văn Triều và Lê Văn Hồng đến công an đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội.

Nước mắt hối hận muộn màng của gã trai bản gây án khi chưa kịp lớn

Trong thời gian chờ HĐXX nghị án, Triều và Hồng ngồi gục mặt xuống nền nhà, tránh cái nhìn trách móc, đau đớn của cha mẹ và người thân bị hại. Ảnh: Như Bình

Tại thời điểm phạm tội Lê Văn Hồng chưa đủ 18 tuổi. Suốt buổi xét xử, Hồng hầu như chỉ cúi gằm mặt xuống đất, tránh cái nhìn đau đáu của người mẹ. Mẹ Hồng thỉnh thoảng lấy cái khăn cũ kỹ ra chấm nước mắt. Hồng là đứa con đầu của bà, phía sau còn 2 em nữa… Sau khi sự việc xảy ra, bà cùng gia đình Lương Văn Triều vay mượn, bồi thường cho phía bị hại 140 triệu đồng ngõ hầu bố mẹ Trường mở cho con mình một khe cửa hẹp để sớm trở về.

Hành vi phạm tội của Lương Văn Triều, Lê Văn Hồng được “tái hiện” lại qua cáo trạng của Viện KSND tỉnh và lời khai của các bị cáo, nhân chứng. Dù có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo nhưng từng lời khai như nhát dao đâm vào tim ông Chu Văn Thiện. Người cha ôm ghì tấm di ảnh của đứa con bạc mệnh, nén nỗi đau không bật thành tiếng khóc. Ông xin giảm nhẹ cho các bị cáo bởi tấm lòng bao dung của một người cha mong thức tỉnh lương tri của những kẻ mới lớn lầm đường lạc lối vì hơn ai hết ông biết người làm cha, làm mẹ trông mong ở con điều gì.

Chủ tọa hỏi các bị cáo có biết tụ tập nhau giữa đường để uống rượu là gây cản trở giao thông, vi phạm pháp luật không?. Cả hai bị cáo cúi đầu im lặng. Nhận thức được hành vi của mình đã tước đoạt sinh mạng của người khác nhưng cả Lương Văn Triều và Lê Văn Hồng đều đổ lỗi đã uống nhiều rượu bia nên không làm chủ được hành vi của mình. “Dù gia đình khó khăn, không thể cho ăn học đến nơi đến chốn nhưng đáng lẽ ở độ tuổi này các bị cáo phải biết phân biệt đúng, sai. Các bị cáo còn trẻ nhưng lại tụ tập nhau rượu chè, đã thế còn ra ngồi giữa đường, gây cản trở giao thông. Chỉ vì anh Trường hỏi mấy câu, hai bị cáo không những không nhận ra cái sai của mình mà còn lấy dao đâm. Nạn nhân đã bỏ chạy rồi, hai bị cáo còn truy sát người ta đến chết. Các bị cáo có thấy hối hận về hành động của mình không?”, vị hội thẩm là giáo viên nghỉ hưu hỏi.

“Bị cáo rất hối hận vì hành động của mình đã tước đoạt mạng sống của anh Trường”, Lương Văn Triều và Lê Văn Hồng lí nhí nói. Hai bị cáo gửi lời xin lỗi tới bố mẹ nạn nhân Trường, mong nhận được sự tha thứ để có thêm động lực cải tạo, sớm trở về để làm lại cuộc đời. Những ngày ngồi trong 4 bức tường trại giam, khi những phút giây nông nổi qua đi, Triều và Hồng thấm thía hơn cái giá mà mình phải trả khi chặng đường đời dường như mới chỉ bắt đầu.

Suốt buổi xét xử, mẹ bị cáo Lê Văn Hồng nhiều lần lấy khăn lau nước mắt. Ảnh 1: Như Bình

Hội đồng xét xử nhận định hành vi của Lương Văn Triều, Lê Văn Hồng mang tính chất côn đồ, nguy hiểm cho xã hội, tước đoạt quyền được sống của người khác được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên sau khi sự việc xảy ra, các bị cáo đã tác động người nhà bồi thường thỏa đáng cho phía bị hại. Trong quá trình điều tra, xét xử, Lương Văn Triều và Lê Văn Hồng thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải.

Đại diện hợp pháp của người bị hại có đơn xin giảm nhẹ cho các bị cáo. Đây là các tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật. Xét vai trò của từng bị cáo trong vụ án cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX tuyên phạt Lương Văn Triều 20 năm tù, Lê Văn Hồng 12 năm tù về tội giết người.

Nghe vị chủ tọa đọc lời tuyên án với hình phạt 12 năm tù, bị cáo Lê Văn Hồng òa khóc khi người mẹ cố rướn người theo khi con được dẫn giải ra xe về trại. Bà ôm ghì con trai vào lòng để nói lời động viên trong nước mắt. Chưa kịp lớn, đứa con trai của bà đã phải rời xa gia đình, xa vòng tay bao bọc của cha mẹ để đi trả giá cho những lỗi lầm của mình.

Trong khi đó, ông Lương Văn Phúc và vợ, bà Cầm Thị Phúc ngồi như bất động. 20 năm tù, bằng đúng quãng thời gian ông bà nuôi nấng, có phần nuông chiều đứa con trai út. Khi phòng xét xử dần thưa thớt người, hai ông bà mới lặng lẽ đứng dậy ra về. Mặc những giọt nước mưa quất vào mặt, họ lầm lũi bước cạnh nhau. 20 năm, liệu ông bà còn đủ sức để đợi con trở về…

Như Bình