Bầu Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy trực tiếp tại đại hội Đảng thực hiện như thế nào?

Nguyên Nguyên (Tổng hợp) 19/03/2020 07:18

(Baonghean.vn) - Việc bầu cử trong đại hội đảng bộ các cấp là một trong những nội dung, yêu cầu về công tác nhân sự. Trong đó, việc ứng cử, đề cử trong đại hội sẽ được thực hiện theo quy chế bầu cử trong Đảng và các văn bản hiện hành liên quan.

Theo Hướng dẫn 26 - HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về “Một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, nếu danh sách bầu cử bí thư, phó bí thư không đúng với đề án đã được cấp trên thông qua thì thực hiện theo các bước sau:

- Kịp thời báo cáo để xin chỉ đạo của cấp ủy cấp trên trực tiếp có thẩm quyền;

- Sau khi có ý kiến chỉ đạo mới thì tiếp tục tiến hành bầu cử hoặc dừng việc bầu cử này lại tại đại hội để tiếp tục chuẩn bị.

Riêng với đồng chí được dự kiến giới thiệu vào chức chủ nhiệm ủy ban kiểm tra mà không trúng cử vào cấp ủy thì cấp ủy khóa mới phải báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy cấp trên để tiếp tục chuẩn bị. Khi đó, có thể sẽ tiếp tục giới thiệu nhân sự mới hoặc tạm dừng việc bầu chức danh này.

Lưu ý: Những nơi thí điểm đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy (gồm cả cấp cơ sở) thực hiện theo tinh thần Hướng dẫn số 34-HD/BTCTW, ngày 8/10/2009 của Ban Tổ chức Trung ương. Ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình, đặc điểm cụ thể xác định tỷ lệ phù hợp để lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, có hiệu quả chủ trương này đối với đảng bộ cấp huyện, cấp xã trực thuộc.

Việc bầu Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy trực tiếp tại đại hội về cơ bản được tiến hành theo Hướng dẫn 34-HD/BTCTW, ngày 8/10/2009 của Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh Nguyên Sơn

Mục 3.2 (Hướng dẫn số 34-HD/BTCTW ngày 8/10/2009 của Ban Tổ chức Trung ương) về “Quy trình đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy” như sau:

(1) Sau khi đại hội bầu và công bố kết quả bầu cử ban chấp hành đảng bộ khóa mới, đoàn chủ tịch đại hội tổ chức lấy ý kiến (bằng phiếu) của đại biểu dự đại hội giới thiệu nhân sự bí thư cấp ủy trong số các đồng chí vừa trúng cử vào ban chấp hành đảng bộ khóa mới.

(2) Ban kiểm phiếu của đại hội thu phiếu, kiểm phiếu, báo cáo kết quả phiếu giới thiệu của đại biểu đại hội với đoàn chủ tịch đại hội và cấp ủy khóa mới.

(3) Cấp ủy khóa mới họp (triệu tập viên của phiên họp này, thực hiện theo Khoản 1, Điều 22, Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định số 220-QĐ/TW ngày 17/4/2009 của Bộ Chính trị khóa X), tiếp thu ý kiến của cấp ủy cấp trên trực tiếp (ý kiến của ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh đối với đảng bộ cấp huyện; ý kiến của Bộ Chính trị đối với đảng bộ cấp tỉnh) về phương án nhân sự bí thư cấp ủy; nghiên cứu danh sách cán bộ được quy hoạch vào chức danh bí thư và phương án nhân sự bí thư khóa mới của cấp ủy cấp triệu tập đại hội; kết quả giới thiệu nhân sự bí thư của đại biểu đại hội; trên cơ sở đó mà thảo luận, tiến hành giới thiệu bí thư cấp ủy (bằng phiếu kín). Sau đó, các cấp ủy viên khóa mới trở về các đoàn đại biểu để thực hiện việc ứng cử, đề cử chức danh bí thư cấp ủy tại đoàn.

(4) Ứng cử, đề cử chức danh bí thư cấp ủy tại các đoàn đại biểu theo trình tự:

- Đại diện cấp ủy khóa mới thông báo với đoàn đại biểu một số nội dung để các đại biểu tham khảo trước khi tiến hành ứng cử, đề cử chức danh bí thư cấp ủy bao gồm: ý kiến của cấp ủy cấp trên trực tiếp về phương án nhân sự bí thư cấp ủy; kết quả giới thiệu nhân sự ứng cử chức danh bí thư của các đại biểu dự đại hội; phương án nhân sự bí thư cấp ủy do cấp ủy khóa mới giới thiệu.

- Các đại biểu trong đoàn trao đổi ý kiến, sau đó ứng cử, đề cử chức danh bí thư cấp ủy theo mẫu phiếu do đoàn chủ tịch đại hội phát hành.

(5) Đoàn chủ tịch đại hội tập hợp danh sách ứng cử, đề cử từ các đoàn đại biểu; thông báo kết quả với cấp ủy khóa mới.

(6) Đại hội tiến hành bầu bí thư cấp ủy. Tùy từng trường hợp mà xử lý như sau:

- Trường hợp danh sách ứng cử, đề cử chức danh bí thư cấp ủy của đại hội đúng với phương án nhân sự đã được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý; hoặc trường hợp đa số đại biểu dự đại hội (trên 50% tổng số đại biểu được triệu tập) đề cử nhân sự khác với phương án nhân sự đã được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý nhưng nhân sự này có trong quy hoạch chức danh bí thư cấp ủy khóa mới, thì đại hội tiến hành bầu bí thư cấp ủy, không phải báo cáo, xin lại ý kiến của cấp ủy cấp trên trực tiếp.

- Trường hợp đa số đại biểu dự đại hội (trên 50% tổng số đại biểu được triệu tập) đề cử nhân sự khác với phương án nhân sự đã được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý, nhưng nhân sự này không có trong quy hoạch chức danh bí thư cấp ủy khóa mới, thì cấp ủy khóa mới họp thảo luận, cân nhắc kỹ và biểu quyết (bằng phiếu kín) về nhân sự được đa số đại biểu đại hội giới thiệu:

+ Nếu đa số cấp ủy viên khóa mới (trên 50% tổng số cấp ủy viên khóa mới) nhất trí với phương án nhân sự được đa số đại biểu đại hội giới thiệu, thì đại hội tiến hành bầu cử, không phải xin lại ý kiến của cấp ủy cấp trên trực tiếp.

+ Nếu đa số cấp ủy viên khóa mới không nhất trí với phương án nhân sự được đa số đại biểu đại hội giới thiệu, thì cấp ủy khóa mới phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy cấp trên trực tiếp.

- Nếu đại hội bầu chức danh bí thư cấp ủy lần thứ nhất không có đồng chí nào trúng cử thì cần thảo luận kỹ trước khi bầu lần thứ hai. Nếu bầu lần thứ hai vẫn không có ai trúng cử thì việc đại hội có bầu tiếp hay giao lại cho ban chấp hành đảng bộ khóa mới bầu bí thư cấp ủy (theo quy định của Điều lệ Đảng và Quy chế bầu cử trong Đảng) là do đại hội quyết định.

- Danh sách bầu bí thư cấp ủy có thể có số dư hoặc không có số dư.

Nguyên Nguyên (Tổng hợp)