'Ma trận' dịch vụ cứu hộ giao thông

P.V 10/03/2020 14:44

(Baonghean) - Cứu hộ giao thông là hoạt động hỗ trợ phương tiện, tài sản trên phương tiện vận tải đường bộ khi gặp sự cố, tai nạn. Đây là loại hình dịch vụ rất cần thiết, tuy nhiên vì là loại hình kinh doanh ít bị ràng buộc pháp lý, bởi vậy nhiều công ty, cá nhân hoạt động tự phát, kéo theo đó là nhiều bất cập về phương thức hoạt động, giá cả...

Loạn giá

Dù sự việc đã lâu nhưng mỗi khi nhắc đến, anh N.Đ.Đ. ở TP Vinh vẫn không dấu nổi sự ấm ức. Theo lời anh Đ, vào thời điểm tháng 4/2019, anh lái chiếc xe Tucson 7 chỗ từ Nghi Lộc vào TP Vinh, thời điểm đó tầm hơn 12h đêm. Đến khoảng gần đường vào Bệnh viện Lao - Phổi, vì tránh một chiếc xe ô tô vượt cùng chiều nên xe của anh lao xuống ruộng. Hậu quả là chiếc xe dù chỉ cách mép đường có vài mét nhưng cũng không thể kéo lên được.

Anh Đ. kể lại “Sau khi gặp nạn, tôi ra khỏi xe nhưng điện thoại thì không tìm thấy vì trời tối. Bởi vậy phải mượn điện thoại người đi đường để gọi cho một người bạn nhờ tìm số cứu hộ trên mạng internet và tôi cũng chỉ kịp thông báo địa điểm gặp nạn. Vì quá nóng lòng để đưa xe lên, lúc xe cứu hộ đến tôi quên không hỏi giá, vì nghĩ cùng lắm là trên 1 triệu đồng cho quãng đường khoảng 5km vào TP Vinh, nơi có xe cứu hộ, cũng là garage sửa chữa.

Ảnh: Đ.C
Cứu hộ giao thông có mặt tại hiện trường vụ tai nạn vào trưa 15/10/2019 tại km 1+800 thuộc đường tránh thành phố Vinh thuộc xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc. Ảnh tư liệu Đ.C

Sau khi lên taxi bám theo chiếc xe cứu hộ về đến garage, bàn giao xe xong, vì quá mệt nên tôi về nhà ngủ, sáng sớm hôm sau mới quay lại để trả tiền cứu hộ và cũng để sửa chữa những chỗ hư hỏng. Tuy nhiên, nhìn hóa đơn chi phí dịch vụ cứu hộ gần gấp ba so với dự kiến, tôi thắc mắc thì được người của gara nói vì cứu hộ buổi đêm, lại phải cẩu từ ruộng lên...

Cũng theo anh Đ, vì quá “choáng” với giá cứu hộ, đồng thời nghe qua ước tính chi phí khắc phục lên đến gần chục triệu đồng cho việc khắc phục móp ở đầu xe và hư hại cản trước, cùng một vài chỗ xây xước, anh đã liên hệ tìm một gara khác cách đó không xa với giá thành chưa đến một nửa, đồng thời biết được phí dịch vụ cứu hộ như trường hợp của anh nếu ở đây cũng chỉ 1,5 triệu đồng. Bức xúc khi kể lại, anh Đ. cho rằng, đơn vị cứu hộ đã tranh thủ “chém đẹp” người bị nạn.

Tương tự, với nhiều người dân TP Vinh trong đợt ngập lụt lịch sử vào cuối tháng 10/2019 thì xem như lạc vào ma trận về giá cả khi gọi xe cứu hộ. Theo chị N.T.H, thời điểm đó để gọi được xe đã khó, nhưng để có mức giá sàn lại càng khó. Bởi lúc này, ngoài những đơn vị có uy tín, những xe vận chuyển, xe kéo của các garag nhỏ lẻ, không chuyên dụng cũng ùa ra đường, và chuyện làm giá là có thật.

Xe cứu hộ chạy hết công suất. Nhiều số điện thoại của xe cứu hộ cháy máy, nhiều hãng cứu hộ tạm dừng phục vụ vì xe cứu hộ cũng không thể di chuyển trên đường. Ảnh Lâm Tùng.
Xe cứu hộ chạy hết công suất trong đợt ngập lụt lịch sử vào cuối tháng 10/2019. Ảnh tư liệu Lâm Tùng

“Thời điểm đó, xe ô tô của tôi bị ngập nước ở ngay đường Hồ Tùng Mậu, đoạn ngang Khách sạn Giao Tế. Lúc đầu tôi có gọi cho một gara ở ngoài đường 32 để mong được kéo xe về nhà cách đó chưa đến 2 km, với giá 900 nghìn nhưng sau đó được báo lại là phải chờ. Tôi tiếp tục gọi cho một garage khác ở khu vực Quán Bàu thì được báo giá 700, nhưng cũng được báo phải chờ nhưng gần 20 phút vẫn không thấy đến. Vì quá nóng lòng, lúc đó thấy một chiếc xe kéo chạy qua, họ ra giá 1,4 triệu đồng, không còn cách nào khác tôi vẫn phải đồng ý. Quả là trong hoạn nạn, bức bách thì vô giá, nhưng quả là “loạn giá”, và mức tôi phải trả là “hơi chát”.

Cần sớm có phương thức quản lý

Thực tế mỗi năm trên địa bàn Nghệ An xảy hàng trăm vụ tai nạn giao thông, trong đó không ít vụ liên quan đến ô tô, gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Trong khi hiện nay lực lượng chức năng số phương tiện cứu hộ còn ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay và phần lớn phục vụ trong xử lý vi phạm giao thông, những vụ việc lớn, thực sự cần kíp.

Bởi vậy, mỗi khi xảy ra tai nạn giao thông, cần xe cứu hộ để cẩu kéo, vận chuyển về garage sửa chữa, chủ các phương tiện đều phải gọi xe từ các chủ xưởng sửa chữa xe ô tô tư nhân, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có các loại xe chuyên dụng...

Tuy nhiên, tìm hiểu những quy định về hoạt động, quản lý, mức giá của cứu hộ giao thông trên địa bàn thì gần như “bỏ ngỏ”. Theo tổng hợp của Đội Quản lý phương tiện, thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh, trong danh mục đăng ký ô tô có: Ô tô cứu hộ; cứu hộ; ô tô kéo xe hỏng; ô tô cứu hộ, cứu nạn và ô tô kéo, chở xe. Nếu tổng hợp cả 5 loại này thì đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh có 53 xe.

Còn thực tế có bao nhiêu đơn vị, cá nhân đăng ký lĩnh vực cứu hộ thì không thống kê được. Bởi như số liệu của Phòng Quản lý vận tải, thuộc Sở GTVT, hiện trên địa bàn tỉnh có 320 đơn vị kinh doanh vận tải. Có 13.500 phương tiện được cấp phù hiệu và gần 10.000 là phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa. Theo đó, xe cứu hộ cũng nằm trong danh mục xe kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường.

Ảnh: Đ.C
Có những vụ tai nạn phải huy động cùng lúc nhiều xe cứu hộ. Ảnh: Đ.C

Về vấn đề giá vận tải, ông Nguyễn Viết Hùng - Trưởng phòng Quản lý vận tải, thuộc Sở GTVT cho biết: Theo Thông tư 152/2015/TTLT- BGTVT-BTC, khi đăng ký kinh doanh vận tải theo tuyến cố định, xe buýt, taxi thì đơn vị phải kê khai giá. Còn theo hình thức hợp đồng, xe du lịch, xe kinh doanh vận tải thì hiện vẫn theo hình thức thỏa thuận trên cơ sở lấy thu bù chi theo mặt bằng thị trường.

Tìm hiểu thêm về điều kiện để hoạt động vận tải cứu hộ giao thông, qua một chủ gara có phương tiện phục vụ cứu hộ, chúng tôi được biết: Trước hết đó là phương tiện phải được đăng ký kinh doanh vận tải và người điều khiển xe có bằng lái đủ điều kiện để lái chiếc xe tương ứng. Cũng theo người này, hiện nay rất khó để xác định có bao nhiêu doanh nghiệp đăng kí hoạt động cứu hộ, cụ thể bao nhiêu xe. Bởi thực tế, đó chỉ là xe kinh doanh vận tải, nhưng khi cần lại trở thành xe cứu hộ.

Và cũng chính bởi sự “linh hoạt” đó, mà ngay cả những người không có kinh nghiệm trong cứu hộ, vẫn tham gia cứu hộ, do đó khó tránh khỏi những vấn đề ngoài mong muốn, như các tình huống trong cẩu xe, có thể làm trợt trạt, hư hỏng thêm... Còn vấn đề giá cả, bởi theo hình thức thỏa thuận nên một đơn vị chuyên về cứu hộ có thể có mức giá vừa phải, nhưng với những cá nhân, đơn vị làm ăn kiểu chụp giật thì khó tránh khỏi việc nâng giá, “đục nước béo cò”, làm ảnh hưởng đến những đơn vị cứu hộ khác.

Ảnh: Đ.C
Nhiều chủ xe cứu hộ cũng là chủ các garage sửa chữa. Ảnh tư liệu Quang An

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Nghệ An cho rằng: Lĩnh vực cứu hộ nên xem là loại hình kinh doanh đặc thù và cần thiết phải công khai giá, vừa tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị cung cấp xe cứu hộ, vừa thuận lợi cho người dân mỗi khi cần. Bởi thực tế, khi người dân gọi cứu hộ thường là lúc cấp bách, bởi vậy họ không thể đủ thời gian và sự bình tĩnh để khảo giá, biết được nơi nào rẻ hơn, tốt hơn để có sự chọn lựa.

Để phòng khi sự cốxảy ra, mỗi chủ xe ô tô cần tìm hiểu qua bạn bè, các thông tin phản hồi trên mạng về dịch vụ cứu hộ của một cơ sở nào đó trên địa bàn để bắt mối, liên hệ khi cần. Đặc biệt, trước mỗi chuyến đi xa, các lái xe cần cập nhật sẵn các đầu mối gọi cứu hộ tại các địa phương đi qua để phòng tình huống xe gặp rủi ro, tai nạn. Tránh tình trạng bị chặt chém về giá cả, cũng như vấn đề chất lượng trong công tác cứu hộ.

Từ thực tế trên, thiết nghĩ để hoạt động này sớm đi vào quy củ, nhằm hỗ trợ người dân khi cần, cũng như giảm ách tắc giao thông. Các doanh nghiệp có phương tiện cứu hộ ngoài cần tổ chức nhóm họp để trao đổi kinh nghiệm trong công tác cứu hộ, cập nhật các mẫu xe mới nhằm đáp ứng nhu cầu cứu hộ ngày càng phức tạp...

Các cơ quan quản lý, nên chăng cần nghiên cứu, đưa ra một khung giá cơ bản nhằm thống nhất giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Có như vậy, sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, giúp những doanh nghiệp cứu hộ làm ăn chân chính có thể phát triển, mở rộng đầu tư về trang thiết bị, con người để đủ khả năng xử lý mọi tình huống, còn người dân thì yên tâm hơn.

P.V