Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác nhân sự ủy ban kiểm tra tại đại hội đảng bộ các cấp
(Baonghean.vn) - Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa ban hành Văn bản số 08-HD/UBKTTW về hướng dẫn công tác nhân sự ủy ban kiểm tra tại đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo hướng dẫn này, cơ cấu và số lượng ủy viên ủy ban kiểm tra được quy định cụ thể như sau:
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương: Số lượng từ 9 đến 11 ủy viên, trong đó có 2 ủy viên kiêm chức; riêng Thành ủy Hà Nội, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh số lượng từ 13 đến 15 ủy viên; Tỉnh ủy Thanh Hóa, Tỉnh ủy Nghệ An số lượng từ 11 đến 13 ủy viên (do tỉnh ủy, thành ủy quyết định).
Các ủy viên chuyên trách gồm: Chủ nhiệm, từ 02 đến 03 phó chủ nhiệm và một số ủy viên (riêng Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh không quá 5 phó chủ nhiệm; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nghệ An không quá 4 phó chủ nhiệm). Trong đó, 1 ủy viên ban thường vụ cấp ủy làm chủ nhiệm và 1 cấp ủy viên cùng cấp làm phó chủ nhiệm thường trực.
Các ủy viên kiêm chức gồm: Trưởng ban hoặc phó trưởng ban tổ chức của cấp ủy là cấp ủy viên cùng cấp và chánh thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương: Số lượng từ 9 đến 11 ủy viên (do Đảng ủy Khối quyết định). Các ủy viên chuyên trách gồm: Chủ nhiệm, từ 2 đến 3 phó chủ nhiệm và từ 3 đến 5 ủy viên; trong đó, 1 Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối làm chủ nhiệm và 1 cấp ủy viên cùng cấp làm Phó Chủ nhiệm Thường trực. Ủy viên kiêm chức là cấp ủy viên phụ trách công tác tổ chức, cấp ủy viên phụ trách công tác khác, bí thư hoặc phó bí thư, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy trực thuộc Đảng ủy Khối.
Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương: Số lượng từ 11 đến 13 ủy viên (do Đảng ủy Khối quyết định). Các ủy viên chuyên trách gồm: Chủ nhiệm, từ 2 đến 3 phó chủ nhiệm và từ 4 đến 6 ủy viên; trong đó, 1 Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối làm chủ nhiệm và 1 cấp ủy viên cùng cấp làm phó chủ nhiệm thường trực. Các ủy viên kiêm chức là cấp ủy viên phụ trách công tác tổ chức, bí thư hoặc phó bí thư, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy trực thuộc Đảng ủy Khối.
Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương: Số lượng từ 11 đến 13 ủy viên (do Quân ủy Trung ương quyết định), trong đó có 2 cấp ủy viên cùng cấp trở lên. Các ủy viên chuyên trách gồm: 1 phó chủ nhiệm thường trực, 3 phó chủ nhiệm và 4 ủy viên. Ủy viên kiêm chức từ 3 đến 5 đồng chí gồm: Chủ nhiệm là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Cục trưởng Cục Tổ chức; Cục trưởng Cục Cán bộ; Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng.
Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương: Số lượng từ 11 đến 13 ủy viên (do Đảng ủy Công an Trung ương quyết định), trong đó có 2 cấp ủy viên cùng cấp trở lên. Các ủy viên chuyên trách gồm: 1 phó chủ nhiệm thường trực là đảng ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, 3 phó chủ nhiệm và 4 đến 6 ủy viên. Các ủy viên kiêm chức gồm: Chủ nhiệm là Phó Bí thư hoặc Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; Cục trưởng Cục Tổ chức - Cán bộ và Chánh Thanh tra Bộ Công an.
Ủy ban kiểm tra của cấp ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy: Số lượng từ 7 đến 9 ủy viên (do cấp ủy quyết định). Các ủy viên chuyên trách gồm: Chủ nhiệm là ủy viên ban thường vụ cấp ủy, từ 1 đến 2 phó chủ nhiệm (phó chủ nhiệm thường trực là cấp ủy viên) và một số ủy viên chuyên trách. Ủy viên kiêm chức gồm trưởng ban hoặc phó trưởng ban tổ chức là cấp ủy viên và chánh thanh tra cùng cấp (nơi không có chánh thanh tra cùng cấp là đồng chí phó bí thư của cấp ủy trực thuộc).
Ủy ban kiểm tra đảng ủy cấp trên cơ sở: Số lượng từ 5 đến 7 ủy viên (do cấp ủy cấp trên cơ sở quyết định), trong đó chủ nhiệm là ủy viên ban thường vụ cấp ủy, có từ 1 đến 2 phó chủ nhiệm (phó chủ nhiệm thường trực là chuyên trách) và một số ủy viên chuyên trách. Ủy viên kiêm chức gồm: Trưởng ban hoặc phó trưởng ban tổ chức là cấp ủy viên và chánh thanh tra cùng cấp; phó bí thư hoặc chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy trực thuộc đối với những nơi không có chánh thanh tra cùng cấp.
Ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở: Số lượng từ 3 đến 5 ủy viên (do đảng ủy cơ sở quyết định), trong đó chủ nhiệm là phó bí thư hoặc ủy viên ban thường vụ, thường trực cấp ủy; phó chủ nhiệm là cấp ủy viên hoặc đảng viên. Các ủy viên khác là cấp ủy viên hoặc đảng viên phụ trách công tác đoàn thể, bí thư chi bộ, thanh tra nhân dân. Ủy ban kiểm tra của đảng ủy cơ sở xã, phường, thị trấn; những tổ chức Đảng trong cơ quan và doanh nghiệp có từ 300 đảng viên trở lên thì bố trí ủy viên chuyên trách làm phó chủ nhiệm.
Đảng ủy bộ phận và chi bộ: Đảng ủy bộ phận và chi bộ không lập ủy ban kiểm tra; tập thể cấp ủy, chi bộ thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và phân công 1 cấp ủy viên phụ trách. Ngoài ra, có thể lựa chọn phân công một số đảng viên giúp cấp ủy viên phụ trách làm công tác kiểm tra, giám sát. Đối với ủy ban kiểm tra đảng ủy cấp trên cơ sở và đảng ủy cơ sở thuộc Đảng bộ Quân đội, Đảng bộ Công an Trung ương, Đảng bộ Khối Các cơ quan Trung ương có hướng dẫn riêng.
Đối với những nơi thực hiện thí điểm nhất thể hóa chức danh hoặc hợp nhất cơ quan ủy ban kiểm tra và thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện: Những nơi thực hiện thí điểm nhất thể hóa chức danh chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, đồng thời là chánh thanh tra thì số lượng của ủy ban kiểm tra giữ nguyên như quy định nêu trên; cơ cấu ủy viên kiêm chức của ủy ban kiểm tra gồm trưởng ban hoặc phó trưởng ban tổ chức là cấp ủy viên và phó chánh thanh tra cùng cấp. Những nơi thực hiện thí điểm hợp nhất 2 cơ quan ủy ban kiểm tra và thanh tra thì số lượng của ủy ban kiểm tra giữ nguyên như quy định nêu trên; bố trí chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, đồng thời là chánh thanh tra và cơ cấu ủy viên kiêm chức của ủy ban kiểm tra là trưởng ban hoặc phó trưởng ban tổ chức của cấp ủy cùng cấp là cấp ủy viên.
Tiêu chuẩn ủy viên ủy ban kiểm tra các cấp
Tiêu chuẩn đối với ủy viên ủy ban kiểm tra các cấp vận dụng theo tiêu chuẩn cấp ủy viên cùng cấp được quy định tại Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời cần chú ý một số tiêu chuẩn sau:
Có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, có nghiệp vụ, chuyên môn và hiểu biết về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Không đưa vào ủy ban kiểm tra những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế, quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên không được làm; quan liêu, cửa quyền, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân; bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng tới uy tín cơ quan, đơn vị, bản thân cán bộ; kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao.
Về độ tuổi
Thực hiện như tuổi tham gia cấp ủy cùng cấp; bảo đảm tính kế thừa, có cán bộ nữ, cán bộ trẻ, người dân tộc thiểu số, căn cứ vào tình hình cụ thể các cấp ủy vận dụng bố trí cho phù hợp. Cụ thể như sau:
(i) Các đồng chí lần đầu tham gia ủy ban kiểm tra: Thực hiện độ tuổi như lần đầu tham gia cấp ủy cùng cấp.
(ii) Những đồng chí được giới thiệu tái cử: Đối với các trường hợp dự kiến giới thiệu tái cử để làm chủ nhiệm, phó chủ nhiệm thường trực là cấp ủy khóa mới thì thực hiện như cấp ủy được quy định tại Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW, ngày 18/10/2019 của Ban Tổ chức Trung ương. Đối với các phó chủ nhiệm (trong đó có cả phó chủ nhiệm là cấp ủy viên, không còn đủ tuổi tham gia cấp ủy khóa mới) và các ủy viên ủy ban kiểm tra nếu còn đủ tuổi công tác từ 24 tháng trở lên (tính tại thời điểm tổ chức đại hội của mỗi cấp đến tháng nghỉ hưu). Thời điểm tính tuổi tham gia ủy ban kiểm tra các cấp là: Cấp cơ sở tháng 4/2020; cấp huyện và tương đương tháng 6/2020; cấp trực thuộc Trung ương tháng 9/2020.
Dừng việc bổ sung ủy viên ủy ban kiểm tra của cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 trước 6 tháng tính đến thời điểm đại hội đảng bộ ở mỗi cấp. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
(iii) Về độ tuổi tái cử ủy ban kiểm tra đối với một số trường hợp đặc thù: Phó chủ nhiệm, ủy viên chuyên trách ủy ban kiểm tra của cấp ủy trong đảng bộ cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, hành chính, đơn vị sự nghiệp; ủy ban kiểm tra của cấp ủy trong đảng bộ quân đội, công an (tỉnh, huyện) và đảng bộ bộ đội biên phòng tỉnh; ủy ban kiểm tra của cấp ủy trong đảng bộ các tập đoàn, tổng công ty, tổ chức tài chính và ngân hàng thương mại Nhà nước (hoặc Nhà nước có cổ phần chi phối) còn tuổi công tác từ 1 năm (12 tháng) trở lên, nếu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên và được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm đồng ý, thì có thể xem xét tiếp tục tham gia ủy ban kiểm tra nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến khi đủ tuổi nghỉ hưu.
(iv) Đối với những thành viên ủy ban kiểm tra không đủ tuổi tái cử nhiệm kỳ mới thì được thực hiện chế độ, chính sách như đối với cấp ủy viên không tái cử cấp ủy khóa mới theo Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW, ngày 18/10/2019 của Ban Tổ chức Trung ương.