Nỗi lòng lao động Nghệ An ở Hàn Quốc: Nửa muốn về nửa muốn ở lại
(Baonghean.vn) - Trong gần 1 tháng qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và lây lan nhanh ở Hàn Quốc với hơn 7.800 người có kết quả dương tính và hàng nghìn người khác đang phải cách ly. Trong bối cảnh đó, lao động Việt Nam, trong đó có lao động Nghệ An đang làm việc tại đây cũng chịu nhiều ảnh hưởng.
Sống quanh tâm dịch
Cho đến thời điểm này, anh Hoàng Bình (huyện Đô Lương) đã có hơn 9 năm làm việc ở Hàn Quốc và chỉ còn vài tháng nữa anh hết hợp đồng lao động theo quy định. Trong quãng thời gian ở xứ Hàn, anh cũng chỉ làm duy nhất ở một công ty chuyên sản xuất và cung cấp hạt nhựa tái chế và công việc đều ổn định với thu nhập khá. Tuy nhiên, từ khi có dịch Covid-19, lượng hàng nhập về công ty giảm sút và anh cũng như nhiều lao động khác đều gặp khó khăn khì công việc ngày một ít đi. Nói thêm về điều này, anh chia sẻ: “Lao động đi làm việc tại Hàn Quốc ngoài lương thì muốn tăng thu nhập chủ yếu dựa thêm các khoản tăng ca. Nhưng trong thời điểm này, lượng công việc ở công ty ít nên chúng tôi có việc làm thường xuyên là may mắn lắm rồi”.
Nghệ An đứng đầu cả nước về số người đi xuất khẩu lao động. Ảnh minh họa |
Nơi anh Bình đang sinh sống là tỉnh Chungcheong Nam nằm phía Tây Hàn Quốc, cách vùng tâm dịch Daegu khoảng 200 km. Theo chia sẻ của anh Bình, ở công ty hàng ngày mọi người được phát khẩu trang miễn phí trong giờ làm việc và hàng ngày khử trùng toàn bộ công xưởng. Trong những ngày đầu tình trạng khan hiếm thực phẩm có diễn ra, nhưng nay thì cuộc sống đã gần như trở lại bình thường.
Với những lao động Việt Nam như anh Bình thì thông thường 1 tuần sẽ đi siêu thị 1 lần; giá cả có tăng nhưng không nhiều. Khó nhất là việc mua khẩu trang và hiện tại mỗi người 1 tuần chỉ được mua 2 cái ở hiệu thuốc nhưng phải xuất trình chứng minh nhân dân. Trong thời gian dịch xảy ra, bạn bè của Bình cũng đã có một số người xin về nước nhưng chủ yếu là ở vùng tâm dịch. Còn ở các vùng khác, mọi người vẫn làm việc và sinh hoạt bình thường vì các công ty, nhà máy chưa đóng cửa.
Từ thành phố Ulsan, nơi cách tâm dịch Daegu khoảng 300 cây số, anh Hoàng Huy (phường Hưng Bình, thành phố Vinh) cũng đã cập nhật cho những người ở nhà những thông tin mà các anh nhận được hàng ngày qua điện thoại từ Bộ Y tế Hàn Quốc. Tại công ty anh đang làm việc, lao động qua cổng buộc phải đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn; hàng ngày cũng phải duy trì đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên. Vì dịch bệnh nên việc tập trung đông người cũng phải hạn chế. Ví như trước đây, mỗi một buổi ăn trưa nhà ăn có thể tập trung đến 1.000 công nhân, nhưng nay, thời gian ăn trưa được giãn ra từ 1 tiếng lên 2 tiếng để công nhân chia thành từng tốp nhỏ khác nhau.
Trước đây, công nhân có thể ngồi ăn đối diện nhau thì nay chỉ được ngồi bên cạnh và khoảng cách giữa 2 người cũng phải xa gấp đôi so với trước; trong suốt bữa ăn phải sử dụng găng tay sử dụng một lần để tránh tiếp xúc với đồ dùng ăn uống...
Lao động nước ngoài làm thủ tục tại sân bay. |
“Chúng tôi cũng đã được khuyến cáo là nếu có dấu hiệu bị bệnh thì không nên đến bệnh viện vì ở đây nguồn lây nhiễm bệnh rất cao. Thay vào đó, phải ở nhà tự cách ly và gọi điện thì trạm y tế của địa phương sẽ cử người đến khám và kiểm tra hàng ngày. Nếu bệnh diễn biến xấu thì họ sẽ cho xét nghiệm và sẽ chuyển đến viện khi có kết quả dương tính”, anh Huy chia sẻ.
Thấp thỏm ngày về
Cho đến thời điểm này, qua thống kê Nghệ An hiện có hơn 6.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc và là một trong những địa phương có số lượng lao động đông nhất cả nước. Chính vì lẽ đó, khi nghe thông tin dịch Covid - 19 đang bùng phát tại Hàn Quốc, nhiều gia đình có con em đang đi làm việc tại ở đây hết sức lo lắng.
Chị Nguyễn Long Kim (xã Nghi Liên, thành phố Vinh) vừa tiễn chồng trở lại Hàn Quốc sau Tết Nguyên đán.Thế nhưng, chồng chưa sang được bao lâu thì thông tin dịch lan ra khiến chị và gia đình hết sức lo lắng. “Chồng tôi làm việc ở một huyện miền núi phía Bắc Hàn Quốc và theo như anh kể thì ở đây khá xa trung tâm, số người bị nhiễm bệnh không nhiều. Hiện tại anh bảo không phải lo lắng vì bản thân đã biết tự ý thức bảo vệ, nhưng riêng tôi vẫn sợ dịch lan rộng. Bởi lẽ, nếu chẳng may bị dịch phải cách ly thì không biết lấy ai chăm sóc. Hơn nữa, tôi cũng nghe nói y tế ở Hàn Quốc khá đắt đỏ và nếu phải vào bệnh viện sẽ tốn rất nhiều tiền, chị Kim tâm sự.
Cơ sở vật chất sẵn sàng cho các lao động về nước từ vùng dịch ở Cửa Lò. |
Tại phường Nghi Hải (TX. Cửa Lò), chị Nguyễn Thị Thúy hiện cũng đang thấp thỏm không yên vì nếu theo như dự kiến ban đầu tháng 3 này chồng của chị sẽ về Việt Nam sau hơn 8 năm làm việc tại Hàn Quốc. Nay thì kế hoạch chưa biết lùi đến bao giờ, vì tạm thời việc đi lại giữa Hàn Quốc và Việt Nam gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch. Hơn nữa, vé máy bay cũng mua rất khó vì nhu cầu người trở về rất đông. “Nơi chồng tôi đang sống có khá nhiều người Việt và không ít người dự định về nước lần này, nhất là với những lao động quá thời hạn. Một số người đã nghỉ việc, đã trả nhà nên hết sức khó khăn và tạm thời phải đi sống nhờ nhà của bạn bè mà chưa biết đến khi nào mới được về”, chị Thúy chia sẻ.
Trước đó, theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Cục Quản lý xuất, nhập cảnh - Bộ Tư pháp Hàn Quốc cũng đã có thông báo chính thức "những công dân nước ngoài đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nếu có các biểu hiện liên quan đến dịch viêm đường hô hấp do virus Corona (SARS-CoV-2) khi đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế công cộng sẽ không bị truy cứu về tình trạng cư trú bất hợp pháp và không bị trục xuất".
Tuy vậy, với nhiều lao động đang làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, trong đó có số lượng lao động không nhỏ là người Nghệ An thì việc phải vào viện là điều bất khả kháng và không ai mong muốn. Trong bối cảnh đó, việc những gia đình đang có con đi làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc lo lắng khi dịch Covid-19 lan nhanh là điều dễ hiểu. Gia đình chị Nguyễn Thị Vân ở phường Nghi Hải (TX. Cửa Lò) có em chồng và em dâu đang sinh sống ngay tại vùng dịch cho biết: “Gia đình em chồng tôi cư trú và làm việc tại tâm dịch Daegu có thông báo về là đang tự cách ly tại nhà, nhưng chúng tôi cũng khá lo lắng và thường xuyên liên lạc để cập nhật tình hình”.
Khu vực cách ly đối với những lao động về từ vùng dịch. |
Ông Nguyễn Phi Hùng - Trưởng phòng An toàn - Xuất khẩu lao động - Việc làm (Sở LĐ,TB & XH) cho biết: “Sở LĐ,TB &XH đã ban hành Quyết định số 94/QĐ- SLĐTB&XH ngày 3/2, thành lập Bộ phận thường trực phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có phân công cán bộ đầu mối phụ trách công tác phòng, chống dịch bệnh và cung cấp số điện thoại thường trực của ngành để đôn đốc, hỗ trợ và cập nhật tình hình lao động từ nước ngoài trở về các địa phương trên địa bàn tỉnh”.