Đa dạng thị trường nông sản, đón đầu thị trường Trung Quốc khi hết dịch

Phú Hương 12/03/2020 18:05

(Baonghean.vn) - Đó là yêu cầu và cũng là mục tiêu của ngành mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa ra tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid 19 diễn ra chiều nay (12/3).

Chiều 12/3, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid- 19.

Tham dự phía đầu cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: Sản xuất nông nghiệp phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu. Nguồn ảnh: sggp.org.vn
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: Sản xuất nông nghiệp phải đảm bảo đáp ứng cả nhu cầu nội địa và xuất khẩu. Nguồn ảnh: sggp.org.vn

Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và PTNT cho thấy: Hai tháng đầu năm 2020, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn duy trì và tiếp tục tăng trưởng. Cả nước gieo cấy trên 3 triệu ha lúa, nhiều loại cây trồng đang cho thu hoạch, chăn nuôi và sản xuất thủy sản đều đạt những kết quả khả quan. Tuy nhiên, do chịu tác động khá mạnh bởi dịch Covid-19 nên kim ngạch xuất khẩu của ngành chỉ đạt 5,34 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ước khoảng 4,3 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Bên cạnh việc dịch Covid 19 gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ nông sản, ngành nông nghiệp còn phải đối mặt với tác động biến đổi khí hậu làm hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện ngay từ đầu năm; nguy cơ các loại bệnh dịch trên đàn vật nuôi; thẻ vàng xuất khẩu thủy sản khai thác biển chưa được gỡ bỏ…

Chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Trong khó khăn, càng cần phải bình tĩnh, có các giải pháp phù hợp, sản xuất đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, không để bị gián đoạn làm mất thị trường; đáp ứng nhu cầu “bùng nổ” về nhu cầu lương thực và thực phẩm sau khi dịch kết thúc.

Nghệ An tham gia Hội nghj trực tuyến dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Đệ- giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT. Ảnh: Phú Hương
Nghệ An tham gia Hội nghị trực tuyến dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Đệ- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT. Ảnh: Phú Hương

“Các ngành, địa phương phải tăng cường thúc đẩy sản xuất để có đủ lương thực thực phẩm, đảm bảo cung ứng trong mọi hoàn cảnh, tập trung các biện pháp khống chế dịch bệnh, không để phát sinh, không để thực phẩm leo giá cao nhằm chống trục lợi, duy trì sản xuất để khi dịch bệnh kết thúc sẽ tiếp tục có đà để phát triển sản xuất, đảm bảo mục tiêu xuất khẩu.

Đặc biệt, tiếp tục phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc, ngay sau khi phía Trung Quốc kiểm soát được dịch và công bố mở cửa lại bình thường. Tổ chức các diễn đàn và xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ trong nước” - Bộ trưởng chỉ đạo.

Mục tiêu năm 2020 Việt Nam sản xuất đạt 43,4 triệu tấn lúa; 4,7 triệu tấn ngô; 18,2 triệu tấn rau màu và 13,3 triệu tấn trái cây. Ngoài ra, dự kiến đạt 5,8 triệu tấn thịt các loại; 8,5 triệu tấn thủy sản. Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 42 tỷ USD.

Sản xuất lương thực phải đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Phú Hương
Năm 2020, Việt Nam đề ra mục tiêu xuất khẩu 6,7 triệu tấn gạo, giá trị trên 3 tỷ USD. Ảnh: Phú Hương

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: Để đạt mục tiêu đề ra, điều đầu tiên là phải nhận diện sớm và rõ các nguy cơ thách thức để đề ra giải pháp phù hợp; tập trung chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ với sự vào cuộc của cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân; phát hiện lợi thế, biến nguy thành cơ, khai thác tất cả mọi cơ hội; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các chỉ tiêu.

Tại Nghệ An, đến nay tỉnh đã gieo trồng trên 124.903 ha cây trồng các loại. Toàn tỉnh hiện có gần 730.000 con trâu bò, tổng đàn lợn trên 864.000 con, trên 26 triệu con gia cầm… Trước những khó khăn do dịch Covid 19 gây ra, Nghệ An chủ trương chủ động và quyết liệt tổ chức sản xuất nông nghiệp, nhất là các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt cá, rau xanh… đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng. Chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ. Đồng thời tăng cường phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, không để dịch chồng lên dịch.

Phú Hương