‘Mọi thứ đều ổn’ - Lời nói dối bệnh nhân Covid-19 tại Italy
(Baonghean.vn) - Cuộc chống chọi với tử thần tạm dừng vào 1 giờ chiều mỗi ngày.
Nhân viên nhà tang lễ và nghĩa trang đeo khẩu trang bảo hộ vận chuyển quan tài một người chết vì Covid-19 vào nghĩa trang tại Bergamo, Italy hôm 16/3. Ảnh: Reuters |
Khi đó, bác sĩ ở đơn vị điều trị tích cực (ICU) của bệnh viện Policlinico San Donato sẽ gọi điện cập nhật tình hình cho thân nhân của 25 bệnh nhân virus Corona đang nguy kịch tại đơn vị này, toàn bộ đều đang mê man và sử dụng ống thở. Giờ ăn trưa trước đây tại bệnh viện ở Milan này cũng là giờ thăm bệnh. Nhưng hiện tại, khi mà đất nước hình chiếc ủng phải vật lộn với sự bùng phát của virus Corona khiến hơn 2.000 người tử vong, không một vị khách nào được phép vào bệnh viện. Và cũng chẳng một ai ở Italy dám rời khỏi nhà.
Khi các bác sĩ gọi điện, họ cố gắng không tạo ra hy vọng viển vông: bởi họ biết rằng, cứ 2 bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt do nhiễm căn bệnh này thì có 1 người sắp sửa lìa đời.
Khi dịch Covid-19 lan rộng, nhu cầu đối với những giường bệnh này gia tăng, nhất là do những vấn đề về hô hấp mà căn bệnh có thể gây ra. Mỗi khi một giường ICU trống, 2 hai bác sĩ gây mê sẽ hội ý với một bác sĩ chuyên khoa hồi sức và một bác sĩ nội khoa để quyết định ai sẽ được sử dụng nó.
Tuổi tác và tiền sử y khoa là những yếu tố quan trọng. Tương tự với đó là việc có một gia đình. “Chúng tôi phải xem xét liệu các bệnh nhân cao tuổi hơn có gia đình có khả năng chăm sóc họ khi họ rời ICU hay không, bởi họ sẽ cần giúp đỡ. Nếu không có khả năng đó, anh phải nhìn vào mặt bệnh nhân và nói "mọi chuyện đều ổn. Và lời nói dối này hủy hoại anh”, Marco Resta, phó trưởng khoa Điều trị tích cực của bệnh viện San Donato nói.
Cuộc khủng hoảng y tế khủng khiếp nhất tại Italy kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai đang buộc bác sĩ, bệnh nhân và thân nhân của họ phải đưa ra những quyết định mà theo Resta, từng là bác sĩ quân y, nói rằng ông chưa từng phải kinh qua kể cả trong thời chiến. Tính đến ngày 16/3, 2.158 người tử vong và 27.980 ca nhiễm virus Corona trên toàn Italy, số ca nhiễm và tử vong cao thứ hai thế giới, sau Trung Quốc.
Resta cho rằng, 50% những người mắc Covid-19 hiện đang được điều trị ở các đơn vị chăm sóc tích cực tại Italy đang hấp hối, so với tỷ lệ tử vong thông thường từ 12-16% ở các đơn vị này trên toàn quốc.
Các bác sĩ đã cảnh báo rằng miền Bắc Italy, nơi hệ thống chăm sóc sức khỏe chung được xếp hạng một trong những hệ thống hiệu quả nhất thế giới, đang là nơi đầu sóng trong cơn khủng hoảng mà căn bệnh này gây ra khắp thế giới. Sự bùng phát dịch, trước hết tấn công các khu vực phía Bắc Lombardy và Veneto, đã làm tê liệt mạng lưới bệnh viện địa phương, đặt các đơn vị điều trị tích cực của họ dưới sức ép khổng lồ.
Theo Giacomo Grasselli, trưởng đơn vị điều trị tích cực tại bệnh viện Policlinico ở Milan, trong 3 tuần lễ, 1.135 người tại Lombardy đã phải cần đến sự chăm sóc đặc biệt, nhưng khu vực này chỉ có 800 giường ICU. Grasselli là người điều phối toàn bộ đơn vị điều trị tích cực do nhà nước điều hành ở Lombardy.
Những tình huống tiến thoái lưỡng nan như vậy không phải điều gì mới mẻ trong ngành y. Khi điều trị bệnh nhân gặp khó khăn về đường thở, các bác sĩ điều trị tích cực luôn đánh giá cơ hội hồi phục của họ trước khi đặt nội khí quản - một thủ thuật xâm lấn đưa ống vào miệng, xuống họng và đường thở.
Nhưng những con số trên đồng nghĩa với việc các bác sĩ phải chọn lựa thường xuyên hơn, nhanh hơn, xem ai có cơ hội sống cao hơn - một sự phân loại bệnh nhân theo thứ tự nguy cấp vốn dĩ không hề dễ chịu gì tại một đất nước Công giáo không cho phép trợ tử, và nơi mà theo cơ quan thống kê Eurostat, có dân số già nhất châu Âu, cứ 4 người thì có 1 người từ 65 tuổi trở lên.
“Chúng tôi không quen với những quyết định quyết liệt đến vậy”, Resta, một bác sĩ gây mê 48 tuổi, bộc bạch.
Nắm bắt cơ hội
Các bác sĩ Italy cho biết có rất nhiều bệnh nhân Covid-19 cao tuổi đang xuất hiện các vấn đề về đường thở, họ không thể thử vận may với những người có hy vọng hồi phục mong manh.
Mara Bertolini, 41 tuổi, chụp cùng người cha Carlo Bertolini. Ông vừa qua đời vì Covid-19 tại một bệnh viện ở Milan, Italy. Ảnh: Reuters |
Alfredo Visioli là một bệnh nhân như vậy. Khi được chẩn đoán nhiễm bệnh, cụ ông 83 tuổi đang có cuộc sống bận rộn, năng động tại nhà cùng chú chó chăn cừu Đức tên là Holaf mà gia đình đã tặng cho ông. Cháu gái Marta Manfredi cho biết, ông tự tay chăm sóc người vợ 79 tuổi, Ileana Scarpanti, bà đã bị đột quỵ 2 năm trước.
Lúc đầu, ông chỉ thi thoảng bị sốt, nhưng 2 tuần sau đó được chẩn đoán mắc Covid-19, ông bị xơ phổi - một căn bệnh do mô phổi bị tổn thương và có sẹo, khiến cho việc hít thở ngày càng khó khăn hơn.
Các bác sĩ tại bệnh viện ở Cremona, thị trấn 73.000 dân ở khu vực Lombardy, đã phải quyết định liệu có nên đặt ống giúp ông thở hay không. “Họ đã nói rằng chẳng ích gì”, Manfredi nói, chia sẻ thêm rằng, cô từng muốn được nắm tay ông mình khi ông chìm vào giấc ngủ nhờ morphine trước khi trút hơi thở cuối cùng.
Giờ Manfredi rất lo cho bà của mình. Ileana cũng nhiễm Covid-19 và đang trong bệnh viện, dù bà đang phản ứng tốt với mặt nạ thở. Vẫn chưa ai nói với Ileana rằng chồng của bà đã qua đời.
Điều phối viên chăm sóc tích cực ở Lombardy là Grasselli cho biết, ông tin rằng đến lúc này, mọi bệnh nhân có cơ hội phục hồi và sống một cuộc sống chất lượng chấp nhận được đều đã được điều trị. Nhưng ông nói thêm rằng, cách tiếp cận này đang chịu sức ép: “Trước đây, với một vài người chúng tôi nói rằng ‘hãy cho họ thêm cơ hội trong vài ngày nữa’. Còn giờ chúng tôi phải nghiêm ngặt hơn”.
Bệnh viện tái tổ chức
Sự phân loại bệnh nhân theo thứ tự nguy cấp cũng đang diễn ra ở bên ngoài khuôn viên các bệnh viện. Hôm 13/3, thị trưởng Fidenza, thành phố ngay ngoại ô vùng Lombardy, đã phải ngừng tiếp cận với bệnh viện địa phương trong 19 giờ đồng hồ. Nơi đó đã có quá đông bệnh nhân Covid-19 và đội ngũ y bác sĩ đã phải làm việc suốt 21 ngày ròng rã không nghỉ. Thị trưởng Andrea Massari phát biểu, dù việc đóng cửa nhằm giúp cho bệnh viện hoạt động, nhưng đồng nghĩa rằng một số người “đã chết tại nhà”.
Biển “cấm vào” tại phòng cấp cứu ở lối ra vào chính của bệnh viện Codogno giữa dịch Covid-19 tại miền Bắc Italy hôm 22/2. Ảnh: Reuters |
Chủng mới virus Corona xuất hiện tại Italy vào tháng 1, nhưng dịch bùng phát vào tháng 2 tại thị trấn nhỏ Codogno, cách Milan khoảng 60 km về phía Đông Nam. Một số chuyên gia y tế tin rằng dịch là do ai đó đem đến Italy từ Đức.
Rome đã nhanh chóng cô lập miền Bắc đất nước, ban đầu phong tỏa 10 thị trấn tại Lombardy và 1 tại Veneto. Nhưng điều đó không ngăn được virus. Chỉ trong 1 tuần, 888 người đã có kết quả dương tính và 21 ca tử vong. Các ca bệnh tăng theo cấp lũy thừa. Các thị trấn nhỏ bị tấn công trước, gây sức ép trực tiếp lên các bệnh viện quy mô nhỏ.
Từ tuần trước, Italy đã bước vào giai đoạn tự cách ly hoàn toàn. Nước này đã đóng cửa tất cả trường học, văn phòng, dịch vụ và lệnh cho mọi người không có lý do thuyết phục và được phép phải ở nhà. Những biện pháp này, sau đó được các quốc gia châu Âu làm theo, nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.
Giới chức Italy đặc biệt lo lắng làm sao để chững lại sự khởi phát dịch ở miền Nam Italy, nơi mà hệ thống y tế được đầu tư ít hơn nhiều so với miền Bắc. Các bệnh viện tư thường chỉ dành cho các bệnh nhân chịu chi trả. Nhưng chính phủ đã lệnh cho họ phải cung cấp sự chăm sóc y tế miễn phí cho những người mắc Covid-19. Policlinico San Donato, thuộc sở hữu tư nhân nhưng được cấp phép để làm việc với các đối tác khu vực công, đã điều các nhóm bác sỹ gây mê và các chuyên gia khác đến những thị trấn bị ảnh hưởng nặng nhất. Sinh viên y khoa năm 4, năm 5 được gọi đến các bệnh viện để hỗ trợ. Bác sĩ tim mạch cũng được lên danh sách để giúp sức trong các phòng cấp cứu và các buồng điều trị Covid-19.
Hiện nay, theo Grasselli, gần như tất cả các phòng phẫu thuật ở vùng Lombardy đều đã được chuyển đổi thành các đơn vị điều trị tích cực. Nhân viên bệnh viện tăng ca. Một số người đang trám chỗ cho các đồng nghiệp bị nhiễm bệnh. Bệnh nhân được chuyển qua các khu vực.
Theo Grasselli, tỷ lệ y tá : bệnh nhân ở các đơn vị điều trị tích cực trong khu vực này thường là 1 : 2. Giờ đây, 1 y tá phải phụ trách 4-5 bệnh nhân. “Chúng tôi đã hoàn toàn tái tổ chức hệ thống bệnh viện của mình”, ông nói.
“Tuổi thọ dài hơn”
Grasselli cho biết, tất cả những người nhiễm bệnh đến bệnh viện với triệu chứng khó thở đều được tiếp oxy. Vấn đề là họ được duy trì tình trạng hô hấp nhân tạo này tới mức nào, và trong bao lâu.
Những người gặp vấn đề nhẹ về đường thở được kết nối với một máy ngoài thông qua mặt nạ, hoặc nếu bệnh nhân không đáp ứng, thì dùng mũ bảo hiểm che mặt. Nếu tình trạng của họ xấu đi, bác sỹ phải quyết định có nên chuyển họ sang điều trị tích cực hay không, nơi mà họ sẽ được đặt ống nội khí quản.
Nhưng có một vấn đề nảy sinh: Nội khí quản có thể khiến cơ thể bị ảnh hưởng, nhất là với các bệnh nhân cao tuổi hơn. Kể cả nếu người cao tuổi sống được, nhiều người có thể mắc các vấn đề khác, như khó đi lại hay khó nhận thức. Dù vậy thì trước đây, các bác sỹ có xu hướng thử đặt nội khí quản với cả những bệnh nhân cao tuổi hơn, thường là vì họ có đủ nguồn lực để làm vậy, Grasselli nói, cho biết thêm rằng bản thân ông sẽ không bao giờ đặt ống nội khí quản cho người cha đã 84 tuổi của mình.
Mario Riccio, người đứng đầu bộ phận gây mê tại bệnh viện Oglio Po gần Cremona chia sẻ, trước khi virus Corona bùng phát, “chúng tôi thường có thoải mái nguồn lực để cố gắng đặt nội khí quản cho những bệnh nhân đã ở ranh giới”.
Giờ đây điều đó đã thay đổi. Hiệp hội gây mê, giảm đau, hồi sức và điều trị tích cực của Italy đã công bố các hướng dẫn mới hôm 7/3. Vì cơ quan này dự đoán sẽ có “sự mất cân bằng lớn” giữa nhu cầu lâm sàng của người dân và các nguồn lực điều trị tích cực trong vài tuần tới, nên họ đã nói với những ai ở tiền tuyến rằng: Hãy trao ưu tiên cho những ai còn “tuổi thọ dài hơn”.
“Hãy cho tôi chết tại nhà”
Việc cách ly đồng loạt dân số của Italy càng tăng thêm những mối căng thẳng về cảm xúc cho những người mắc bệnh. Các thành viên trong gia đình không được phép đi cùng người thân trên xe cấp cứu, và các đơn vị điều trị virus Corona đóng kín với những ai không phải bác sỹ hay bệnh nhân. Một số bệnh nhân chưa tới mức cần chăm sóc tích cực cảm thấy như bị cầm tù trong những buồng bệnh quá tải.
“Hãy đưa anh rời khỏi đây. Hãy để anh chết ở nhà. Anh muốn gặp em thêm lần nữa”, Stefano Bollani, một nhân viên nhà kho 55 tuổi đã nhắn tin cho người vợ ở nhà nội trợ của mình, Tiziana Salvi, từ đơn vị chăm sóc tiền chuyên sâu của Policlinico San Donato, nơi mà ông đang được điều trị viêm phổi sau khi nhiễm virus.
Cặp vợ chồng này chưa được gặp nhau kể từ khi người vợ để ông xuống xe ngoài bệnh viện ở Milan gần 2 tuần trước. Bà nói rằng, tất cả những gì bà được biết, là tình hình của ông có vẻ tiến triển trong vài ngày gần đây. “Đây là những điều mà một người chồng đáng lẽ không nên viết gửi cho một người vợ đang ở bên ngoài, không thể gặp được chồng”, bà nói thêm.
Marta Manfredi chụp ảnh trong lễ tốt nghiệp cùng người bà Ileana Scarpanti và ông Alfredo Visioli. Ông đã qua đời ở tuổi 83 do mắc Covid-19 sau khi bác sỹ quyết định không đặt nội khí quản. Ảnh: Reuters |
Và một số bệnh nhân cao tuổi hơn đã kháng cự việc tới bệnh viện. Carlo Bertolini, một nhà nông học 76 tuổi tại Cremona được nhiều người ở địa phương biết đến tên tuổi với những trang sử chi tiết về những vườn nho và quán rượu trước đây của thị trấn, thoạt đầu rất miễn cưỡng không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ, theo lời con gái ông.
Bertolini, sống một mình, bắt đầu cảm thấy mệt vào đầu tháng 3. Cuối cùng, người bạn thân nhất đã gọi xe cấp cứu đưa ông tới bệnh viện của thị trấn. Khi nói chuyện với con gái qua điện thoại từ bệnh viện, ông miêu tả số lượng bệnh nhân đông khủng khiếp và những âm thanh hỗn tạp của phòng bệnh. Theo con gái Mara Bertolini, ông đã nói rằng, “Cha cảm thấy như mình đang trong một cuộc chiến vậy”.
Carlo sau đó được chuyển sang đơn vị điều trị tích cực của một bệnh viện lớn hơn tại Milan. Mara cùng em gái đã được tới thăm trong trang phục bảo hộ - khẩu trang, găng tay, áo choàng trắng - để được nhìn ông qua cửa kính của phòng ICU. “Họ nói với chúng tôi rằng ông là ca nguy kịch nhất tại ICU”, cô nói.
“Hãy ở nhà”
Cựu bác sỹ quân y Resta nói rằng tình hình tại Lombardy có cảm giác còn tệ hơn cuộc chiến năm 1999 tại Kosovo, nơi mà ông phục vụ trong đội cứu hộ không quân đưa bệnh nhân bay từ Albania sang Italy.
Bệnh viện Policlinico San Donato tại Milan, Italy. Ảnh: Reuters |
Ông cho biết, bất cứ lúc nào một bệnh nhân mắc virus Corona nhập viện tại nơi ông làm việc, nhân viên sẽ viết một thư điện tử cho thân nhân của họ, bảo đảm rằng những người thân yêu của họ sẽ được đối xử “như gia đình”. Ông nói rằng bệnh viện đang cố gắng kích hoạt một hệ thống gọi video, để bệnh nhân có thể nhìn thấy người nhà trong cuộc gọi lúc 1h chiều.
Một bác sỹ, chứ không phải thân nhân, thường bất đắc dĩ là người cuối cùng mà bệnh nhân Covid-19 đang hấp hối sẽ gặp. Những người thân yêu thậm chí còn không thể đến gần quan tài do sợ lây nhiễm virus.
Tin tức cuối cùng mà Mara Bertolini nghe được về người cha Carlo, người viết sử về rượu vang, là khi có ai đó từ nhà xác gọi điện cho một thành viên khác trong gia đình để nói rằng họ đã tiếp nhận thi thể của ông. Cô chia sẻ, bản thân không hề oán giận những bác sỹ đã làm việc chăm chỉ.
Điều ám ảnh cô nhiều nhất về tình trạng của cha mình hồi tuần trước là vẻ mặt của bác sỹ khi cô gặp ông. “Tôi không thể nói rõ liệu đó là nỗi lo lắng hay buồn bã. Tất cả những gì ông ấy nói với chúng tôi là, ‘hãy ở nhà’”, cô nhớ lại./.