Cùng đồng hành với các lực lượng, PV Báo Nghệ An đã ghi nhận nhiều những câu chuyện, hình ảnh đầy nỗ lực của các cán bộ, chiến sỹ đang thực hiện nhiệm vụ tại huyện biên giới này, với quyết tâm góp phần giữ an toàn cho xã hội trước đại dịch Covid-19.
|
Từ 7h ngày 25/3/2020, Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn đã phải làm các thủ tục nhập cảnh cho 33 công dân (trong đó có 2 trẻ em) trở về nước. Những người này, từ nhiều địa phương khác nhau trên cả nước; trong đó có 10 người thuộc tỉnh Hưng Yên sang làm ăn trên nước bạn Lào. Ảnh: Thành Cường |
|
33 người dân được các lực lượng Biên phòng, Hải Quan, Kiểm dịch y tế truyền tải các thông tin về việc thực hiện cách ly tập trung để phòng chống dịch Covid-19. Trong ảnh: Các lực lượng phối hợp hướng dẫn tỉ mỉ người dân làm thủ tục khai báo y tế. Ảnh: Thành Cường |
|
Kiểm tra thân nhiệt cho từng người dân trước khi làm thủ tục nhập cảnh. Ảnh: Thành Cường |
|
Người dân sau khi làm các thủ tục nhập cảnh, được hướng dẫn qua cổng an ninh để về khu cách ly tạm thời tại Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn. ẢNh: Thành Cường |
|
Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân ra khu cách ly, xử lý y tế để chờ xe đưa về khu cách ly tập trung huyện Kỳ Sơn. ẢNh: Thành Cường |
|
Kiểm tra y tế, đo thân nhiệt trước khi lên xe. Ảnh: Thành Cường |
|
Các lực lượng làm nhiệm vụ ở Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn quyết tâm không để xảy ra tình trạng ùn ứ, gây tâm lý hoang mang lo lắng cho người dân. Vì vậy, chỉ sau ít phút dừng nghỉ tại khu cách ly tạm thời, người dân đã được Đồn Biên phòng Nậm Cắn bố trí phương tiện ô tô đưa về nơi cách ly tập trung. Ảnh: Thành Cường |
|
Ở tuyến biên giới của tỉnh thuộc huyện Kỳ Sơn, ngoài Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn có rất nhiều đường tiểu ngạch, lối đi tắt, lối mòn. Ngoài đảm bảo nghiêm việc đi lại qua Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn thì việc canh gác tại những vị trí này 24/24h là hết sức quan trọng. Nhiệm vụ này, đè nặng trên vai các cán bộ, chiến sỹ biên phòng và các lực lượng phối hợp ở địa phương cơ sở. Trong ảnh: Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nậm Cắn trên đường lên chốt. Ảnh: Thành Cường |
|
Những vị trí chốt chặn đường tiểu ngạch, lối tắt, lối mòn thường rất hiểm trở. Bởi vậy, việc đi trong đêm lên chốt là rất khó khăn. Ảnh: Thành Cường |
|
Tại địa bàn xã Nậm Cắn, thời gian qua, Đồn Biên phòng Nậm Cắn thiết lập 5 chốt chặn, bố trí cán bộ, chiến sỹ túc trực, canh gác 24/24h. Trong ảnh: Cán bộ, chiến sỹ canh gác tại chốt số 4 trong đêm 24/3/2020. Ảnh: Thành Cường |
|
Xác định đây là một công tác khó khăn, lâu dài, tại điểm chốt, Đồn Biên phòng Nậm Cắn cho dựng lán khá vững chãi và trang bị đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết để giữ gìn sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ. Ảnh: Thành Cường |
|
Đây là chốt số 3, được đặt tại vị trí có những lối tắt, lối mòn đan xen. Tại đây, ngoài 3 cán bộ, chiến sỹ biên phòng thì còn được tăng cường thêm 1 công an viên, 1 dân quân của xã Nậm Cắn. Ảnh: Thành Cường |
|
Theo anh Già Bá Cô, dân quân thường trực xã Nậm Cắn, vị trí chốt này được lập từ khoảng tháng 9/2019, để ngăn chặn tình trạng đưa vật nuôi như trâu, bò qua biên giới. Công an và dân quân xã Nậm Cắn đã cùng với lực lượng biên phòng tổ chức chốt chặn từ thời gian đó. Thời gian vừa qua, nhiệm vụ là không để xảy ra tình trạng người dân qua lại biên giới như thời gian trước đây; đồng thời, ngăn chặn không để tình trạng nhập cảnh trái phép. Ảnh: Thành Cường |
|
Công tác canh gác các tuyến đường tiểu ngạch, lối tắt, lối mòn… là rất khó khăn, vất vả, nhưng các lực lượng tại các điểm chốt đều ý thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ được giao. Các anh nói rằng, phải nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, vì bình yên biên giới sẽ góp phần cho xã hội được bình yên trước đại dịch. Ảnh: Phóng viên Báo Nghệ An chia tay các cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Cắn đang canh gác tại chốt số 3. Ảnh: Thành Cường |
Nội dung: Nhật Lân; Ảnh: Thành Cường