Giới khoa học cảnh báo Vũ Hán nếu nới lỏng phong tỏa quá sớm

Diệp Khanh 27/03/2020 17:38

(Baonghean.vn) - Nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại ở Vũ Hán trong tháng 3 có thể dẫn tới một đỉnh dịch mới vào tháng 8. Đây là cảnh báo của các nhà khoa học thuộc Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London, Anh.

Thành phố Vũ Hán thông báo sẽ gỡ bỏ phong tỏa vào ngày 8/4. Ảnh: Business Insider

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, việc nới lỏng các biện pháp “dãn cách xã hội” và đóng cửa trường học ở Vũ Hán quá sớm có thể làm bùng phát đợt dịch Covid-19 mới, với số người nhiễm đạt đỉnh lần thứ hai vào khoảng thời gian cuối năm nay.

Nếu nới lỏng các biện pháp trong tháng 3, đỉnh dịch lần thứ 2 sẽ đạt vào tháng 8, nếu lùi việc nới lỏng các biện pháp sang tháng 4, đỉnh dịch lần 2 sẽ đạt vào tháng 10. Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London, Anh cũng là lời cảnh báo cho các quốc gia khác rằng, với bất kỳ chiến lược ứng phó Covid-19 nào, khó có thể nhanh chóng gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa đã được áp đặt.

Nghiên cứu này sử dụng các mô hình toán học để phân tích dữ liệu về sự lây lan của Covid-19 tại Vũ Hán và những địa phương khác tại Trung Quốc, trong đó tập trung dự đoán các kịch bản khác nhau khi Vũ Hán chuẩn bị nới lỏng lệnh phong tỏa vốn được áp dụng từ giữa tháng 1.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, biện pháp phong tỏa “chưa từng có tiền lệ” mà Vũ Hán áp dụng là yếu tố quan trọng giúp thành phố này kiểm soát tốt dịch bệnh trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo Vũ Hán phải hết sức cẩn trọng khi tiến hành gỡ bỏ phong tỏa, và cách tốt nhất là nới lỏng các hạn chế một cách dần dần.

Giáo sư Yang Liu - thành viên tham gia nhóm nghiên cứu nêu rõ: “Kết luận chung của nghiên cứu này có thể áp dụng ở bất cứ quốc gia nào. Giãn cách xã hội là một biện pháp rất có tác dụng và cần phải xem xét kỹ lưỡng trước khi dỡ bỏ, tránh để xảy ra làn sóng mới về số người nhiễm bệnh khi công nhân đi làm trở lại, học sinh lại tới trường. Làn sóng thứ hai đến quá sớm có thể khiến hệ thống y tế bị quá tải do đã phải dồn lực trong làn sóng thứ nhất”.

Kết quả nghiên cứu này phù hợp với các tài liệu do nhóm cố vấn khoa học của Chính phủ Anh công bố trước đó. Nhóm cố vấn nêu rõ các biện pháp “dãn cách xã hội” cần được thực hiện ít nhất trong nửa năm mới có thể đạt hiệu quả và cần được thắt chặt theo định kỳ để kiểm soát các đợt bùng phát tiếp theo.

Diệp Khanh