Nghệ An: Không có chuyện đóng cửa chợ dân sinh như người dân lo lắng

Thanh Phúc 30/03/2020 15:30

(Baonghean.vn) - Chợ là được xác định là dịch vụ cung cấp thực phẩm, nhu cầu thiết yếu của người dân, do đó, không nằm trong danh mục những hoạt động kinh doanh bị “tạm dừng”. Hiện các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn họp, kinh doanh buôn bán bình thường.

Sáng 30/3, các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh vẫn họp và kinh doanh bình thường. Hoàn toàn không có chuyện
Sáng 30/3, các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh vẫn họp và kinh doanh bình thường. Hoàn toàn không có chuyện "cấm chợ". Ảnh: Thanh Phúc

Sáng 30/3, các chợ dân sinh trên địa bàn huyện Nam Đàn như: Sa Nam, chợ Sen (thị trấn Nam Đàn), chợ Cầu (Kim Liên), chợ Chùa (Nam Anh), chợ Tro (xã Xuân Hòa)… vẫn họp chợ và kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân.

Ông Trần Văn Phú, chuyên viên phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nam Đàn cho biết: “21/21 chợ trên địa bàn huyện vẫn hoạt động bình thường. Không có chuyện cấm chợ, đóng cửa chợ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp thì lượng người đi chợ giảm mạnh, chợ thưa vắng hơn trước, việc buôn bán có phần ế ẩm. Giá cả các mặt hàng thực phẩm tại chợ vẫn bình ổn, không có chuyện tăng giá”.

Tại huyện Thanh Chương, các chợ cũng họp bình thường, việc buôn bán vẫn diễn ra như thường lệ. Nhiều địa phương, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân cách đi chợ an toàn trong mùa dịch còn thực hiện phát khẩu trang, lập các điểm để nước sát khuẩn khô phục vụ người dân đi chợ.

Nhiều địa phương thực hiện các “biện pháp mạnh” đảm bảo an toàn cho người mua, người bán khi đến chợ như lập các tổ chốt ở cổng chợ, nếu ai không đeo khẩu trang không cho vào chợ. Điển hình như chợ Bảo Đức (xã Thanh Khê), chợ Phuống (xã Thanh Giang)…

“Không có lệnh cấm chợ, chỉ tuyên truyền, vận động bà con hạn chế đi lại, tụ tập nơi đông người, trong đó có hạn chế đi chợ. Thay vì đi mỗi ngày/lần thì đi chợ 2-3 ngày/lần. Hiện ngoài tuyên truyền, vận động bà con đi chợ đeo khẩu trang thì địa phương đã lập các tổ chốt chặn ở các cổng chợ, ai không đeo khẩu trang thì không được vào chợ. Riêng các dịch vụ bán hàng ăn sáng, các loại nước giải khát… phục vụ tại chỗ trong chợ và xung quanh khu vực chợ tạm ngừng kinh doanh”.

Ông Trần Đình Thơ, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Giang (Thanh Chương)

Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền người dân thực hiện khuyến cáo của Bộ Y tế: Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay khi đi chợ. Nhiều nơi ở Thanh Chương còn căng băng rôn:
Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền người dân thực hiện khuyến cáo của Bộ Y tế: Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay khi đi chợ. Nhiều nơi ở Thanh Chương còn căng băng rôn: "Không đeo khẩu trang không được vào chợ" ngay trước cổng chợ. Ảnh: Thanh Phúc

Tại thành phố Vinh, các chợ lớn như: Chợ Vinh, chợ Ga Vinh, chợ Quán Lau, Quang Trung, Bến Thủy, Hưng Dũng… những ngày qua hoạt động diễn ra bình thường. Chỉ có điều khác biệt so với trước đó là người mua- người bán đã chấp hành chủ trương đeo khẩu trang nơi công cộng; số lượng người đi chợ giảm sút so với những ngày cuối tuần. Nhiều người thay vì đi chợ trực tiếp đã chuyển sang mua sắm trực tuyến.

Chị Cao Thị Hoa, một tiểu thương kinh doanh các loại thực phẩm tươi sống ở chợ Quang Trung cho biết: “Giờ các bà nội trợ chủ yếu đặt hàng qua điện thoại, tin nhắn Zalo, Facebook. Ngày 2 lần (9h sáng và 16h chiều) tôi gom đơn, đi giao thực phẩm đến từng nhà, chủ yếu là khách quen”.

Nhiều tiểu thương ở các chợ ở thành phố Vinh chuyển sang kinh doanh trực tuyến, nhận và giao các mặt hàng thực phẩm qua điện thoại. Ảnh: Thanh Phúc
Nhiều tiểu thương ở các chợ ở thành phố Vinh chuyển sang kinh doanh trực tuyến, nhận và giao các mặt hàng thực phẩm qua điện thoại. Ảnh: Thanh Phúc

Không riêng gì các chợ dân sinh, các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, đại lý tạp hóa trên địa bàn tỉnh vẫn kinh doanh, buôn bán bình thường. Hàng hóa dồi dào và giá cả ổn định, không có biến động. Do đó, có thể khẳng định, ở Nghệ An hoàn toàn không có chuyện “đóng cửa” các chợ dân sinh. Người dân không nên hoang mang trước những tin đồn thất thiệt và cần tiếp cận các thông tin của Chính phủ, của tỉnh một cách khách quan, chính xác.

Theo khảo sát, sáng 30/3, các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như: Thịt lợn, giá dao động từ 130.000 – 150.000 đồng/kg; thịt bò từ 170.000 – 250.000 đồng/kg; thịt gà 80.000 -120.000 đồng/kg; trứng gia cầm: 30.000 – 40.000 đồng/chục; các loại rau xanh: bắp cải 10.000 đồng/cái; bí xanh 12.000 đồng/kg; rau cải ngọt 25.000 đồng/kg; cà chua 20.000 đồng/kg…

Thanh Phúc