Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và trọng trách trước đại dịch Covid-19

Thúy Ngọc 03/04/2020 07:54

(Baonghean) - “Covid-19 là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà thế giới phải đối mặt từ cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2”, có lẽ sẽ không ai phản bác nhận định này của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nếu nhìn vào những gì đang diễn ra ở khắp các quốc gia trên thế giới.

Cuộc khủng hoảng đó chỉ có thể được giải quyết nếu có một chiến lược chung ở cấp độ toàn cầu dựa trên sự đoàn kết của mọi quốc gia. Tập hợp đoàn kết quốc tế - đó cũng là thách thức lớn nhất mà ông Antonio Guterres phải đối mặt kể từ khi đảm nhiệm vị trí người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới.

Khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ Thế chiến II

Khi Vũ Hán, Trung Quốc trở thành tâm dịch trong giai đoạn Covid-19 mới bùng phát, thế giới hồi hộp dõi theo những con số thống kê tăng lên hàng ngày, hàng giờ ở quốc gia này. Con số hàng chục nghìn người nhiễm SARS-CoV-2 ở Trung Quốc khi đó được nhìn nhận như một điều gì đó thực sự “kinh khủng”, là điều tồi tệ nhất mà một dịch bệnh có thể gây ra cho một quốc gia trong nhiều năm trở lại đây.

Hàng loạt quốc gia đã vượt xa Trung Quốc về số người nhiễm bệnh, nghiêm trọng hơn là về số người tử vong. Trong ảnh: Khu Times Square, trung tâm New York City, hoang vắng vì Covid-19 (ngày 30/3/2020). Ảnh: Reuters
Hàng loạt quốc gia đã vượt xa Trung Quốc về số người nhiễm bệnh, nghiêm trọng hơn là về số người tử vong. Trong ảnh: Khu Times Square, trung tâm New York City, hoang vắng vì Covid-19 (ngày 30/3/2020). Ảnh: Reuters

Ít ai ngờ được chỉ 2 tháng sau, những gì từng diễn ra ở Trung Quốc đang lặp lại ở rất nhiều quốc gia khác, thậm chí ở mức độ còn nghiêm trọng hơn. Hàng loạt quốc gia đã vượt xa Trung Quốc về số người nhiễm bệnh, nghiêm trọng hơn là về số người tử vong. Mỹ, Tây Ban Nha, Italy đã vượt qua Trung Quốc về mọi chỉ số, trong khi “ngấp nghé” đuổi kịp Trung Quốc là Pháp, Đức. Trên toàn thế giới, biểu đồ hiển thị số người nhiễm, số người tử vong vì Covid-19 vẫn tiếp tục xu hướng đi lên, và điều đáng nói là không ai có thể khẳng định khi nào đường biểu đồ đó sẽ chạm đỉnh, không một chính phủ nào có thể tự tin đưa ra dự báo về thời điểm quốc gia mình sẽ khống chế được dịch bệnh.

“Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, không giống bất kỳ một cuộc khủng hoảng nào khác trong lịch sử 75 năm tồn tại của Liên hợp quốc”. Không có gì là quá trong nhận định này của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Hãy nhìn vào hoạt động của những nhà lãnh đạo thế giới trong những ngày này để thấy điều đó. Mọi hoạt động đối nội, đối ngoại giờ đây đều chỉ xoay quanh chữ “Covid-19”, và mỗi khi một nhà lãnh đạo nào đó xuất hiện, bài phát biểu chắc chắn là về Covid-19. Không có bom rơi, súng nổ, nhưng cụm từ được nhiều nhà lãnh đạo từ Mỹ, Pháp, Italy… nhắc tới, đó là “cuộc chiến” - một cuộc chiến chưa từng có tiền lệ khiến gần 4 tỷ dân trên toàn thế giới phải ở yên trong nhà để thực hiện lệnh cách ly xã hội, hoạt động giao thương giữa các quốc gia gần như bị “đóng băng”.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres

Theo nhận định của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Covid-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng về sức khỏe toàn cầu mà còn có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng về kinh tế không kém gì cuộc khủng hoảng năm 2008, tạo nên một cuộc “khủng hoảng kép” mà thế giới chưa từng phải trải qua nhiều năm trở lại đây.

Ông Antonio Guterres trích dẫn dự báo của Tổ chức Lao động Thế giới cho biết, trong năm 2020 này, thế giới sẽ mất từ 5 triệu đến 25 triệu việc làm vì Covid-19, kéo theo khoản thu nhập bị mất đi từ 860 triệu đến 3.400 tỷ USD. Dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu dự kiến cũng giảm tới 40% trong năm nay. Đại dịch Covid-19 cùng với tác động kinh tế toàn cầu có thể làm gia tăng bất ổn, xung đột giữa các quốc gia và phá vỡ các kết cấu xã hội.

Tất nhiên, sau thời gian đầu xem nhẹ dịch bệnh Covid-19, các quốc gia hiện nay đều “tăng tốc” trong việc áp dụng các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn sự lây lan của loại virus được gọi là “kẻ thù vô hình”. Nhưng điều khiến Tổng thư ký Antonio Guterres lo ngại, đó là mỗi quốc gia đang đối phó với đại dịch theo cách riêng của mình, thậm chí có những quốc gia không tôn trọng hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Bởi thế, ông Antonio Gutteres cho rằng, với một cuộc khủng hoảng chưa từng có, thế giới cần phải có một cách phản ứng khác, phải “quên đi các trò chơi chính trị”, phải cùng nhau đứng chung một chiến hào để chống lại kẻ thù chung.

Covid-19 đang khiến gần 4 tỷ người trên toàn thế giới phải ở trong nhà. Ảnh: Examiner
Covid-19 đang khiến gần 4 tỷ người trên toàn thế giới phải ở trong nhà. Ảnh: Examiner

Sức mạnh của đoàn kết

Khi công chúng khắp toàn cầu ngày một hoang mang trước viễn cảnh thiếu chắc chắn về tình hình dịch bệnh, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, phản ứng ở cấp độ quốc gia là không đủ để xử lý cuộc khủng hoảng phức tạp như Covid-19. Chỉ có sự đoàn kết, hy vọng và ý chí chính trị mới có thể giúp thế giới vượt qua giai đoạn khó khăn này, và tất nhiên, thế giới sẽ cần một “nhạc trưởng” để tập hợp sự đoàn kết đó.

Ngay từ khi đảm nhiệm vị trí Tổng Thư ký Liên hợp quốc, nhiều người đã cảnh báo rằng thách thức lớn nhất của ông Antonio Guterres là đưa các quốc gia xích lại gần nhau để cùng giải quyết những vấn đề cấp bách của thế giới, trong bối cảnh hố sâu ngăn cách giữa Nga và phương Tây làm dấy lên mối lo ngại về “bóng ma Chiến tranh Lạnh”.

Nhưng trong nửa đầu nhiệm kỳ của mình, ông Antonio Guterres đã thể hiện mình là một nhà ngoại giao trung gian xuất sắc, tạo dựng được niềm tin với lãnh đạo nhiều quốc gia, được gọi là “người xuất hiện nhiều nhất trên chiến tuyến của xung đột vũ trang và khủng hoảng nhân đạo”. Những thỏa thuận quan trọng nhất thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa các quốc gia của ông là xử lý dòng người tị nạn từ các quốc gia có xung đột, đặc biệt là Syria - những thỏa thuận rất có ý nghĩa trong bổi cảnh chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy tại nhiều quốc gia.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi thế giới đoàn kết chống đại dịch Covid-19. Ảnh: Euronews
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi thế giới đoàn kết chống đại dịch Covid-19. Ảnh: Euronews

Gạt bỏ chia rẽ, bất đồng để cùng chung tay giải quyết những vấn đề cấp bách của thế giới, đó cũng là tinh thần mà ông Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia để cùng đối mặt với cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19. Trong cuộc chiến chung đó sẽ không có sự phân biệt phương Đông - phương Tây, không có sự phân biệt nước giàu - nước nghèo, không có sự phân biệt về hệ thống chính trị, chỉ có một mục tiêu chung duy nhất là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân trên toàn thế giới, đảm bảo duy trì cuộc sống cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Ông Guterres đã kêu gọi các nước G20 tiến hành hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp vào tuần tới để cùng chia sẻ trách nhiệm và sự đoàn kết toàn cầu.

Trước mắt, ông Guterres nêu ra một số vấn đề để các quốc gia cùng phối hợp hành động trong cuộc chiến chống Covid-19. Thứ nhất là cải thiện hệ thống y tế yếu kém, trong đó các nước phát triển cần hỗ trợ các nước kém phát triển củng cố hệ thống y tế, tăng cường khả năng đáp ứng của các quốc gia này trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây truyền.

Thứ hai là tập trung vào những đối tượng dễ bị tổn thương nhất bằng cách thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người thu nhập thấp và những người bị mất việc làm vì dịch bệnh, cung cấp bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp khỏi bị phá sản. Ông Antonio Guterres cũng tuyên bố thành lập Quỹ phản ứng và phục hồi sau Covid-19 để hỗ trợ các nước có thu nhập thấp và trung bình, thêm nguồn lực để chính phủ các nước này thực hiện các biện pháp khống chế dịch bệnh.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 về COVID-19 ngày 26/3. Ảnh: LQH
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 về Covid-19 ngày 26/3. Ảnh: LQH

Mặc dù Covid-19 vẫn đang tấn công vào sức khỏe người dân, tấn công vào nền kinh tế của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng nếu đoàn kết và vượt qua được “phép thử chưa từng có” này, một hướng đi mới sẽ được mở ra giúp thế giới đối diện với nhiều cuộc khủng hoảng khác trong tương lai.

Thúy Ngọc