Du học sinh Nghệ An chia sẻ về cuộc sống trong những ngày chống dịch Covid-19
(Baonghean)- Là những học sinh xuất sắc của Nghệ An được nhận học bổng du học nước ngoài, những ngày này, các em đang cùng cộng đồng căng mình chống dịch. Dù ở đâu, các em cũng tự hào vì tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người dân Việt Nam.
Báo Nghệ An đã có cuộc trò chuyện với 2 lưu học sinh xứ Nghệ ở hai hoàn cảnh khác nhau, để hiểu rõ hơn cuộc sống của họ trong những ngày này.
Mỗi người phải có ý thức tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng
P.V: Chào em Ngô Anh Bình! Em đang ở Cộng hòa Liên bang Đức - đất nước đang có số người nhiễm đứng thứ 4 trên thế giới với hơn 100.000 người bị dương tính với nCoV. Vậy, cuộc sống của em và mọi người chắc có nhiều biến động?
Ngô Anh Bình: Hiện tại, Đức đang tiến hành cách ly xã hội, cấm tụ tập quá 2 người và các cửa hàng, dịch vụ giải trí đều đóng cửa, tình hình khá căng thẳng. Thời điểm này, các trường phổ thông và các trường đại học đều tạm ngừng hoạt động và những người đi làm có con nhỏ được phép ở nhà và làm việc tại nhà.
Thành phố Rostock - Cộng hòa Liên bang Đức vắng lặng trong những ngày thực hiện lệnh cách ly. Ảnh: NVCC |
Riêng Viện nghiên cứu nơi em đang học vẫn phải đi làm nhưng mọi người luôn giữ khoảng cách 2m. Dù số người nhiễm ở Đức đã lên tới hơn 100.000 người, nhưng tâm lý chung em thấy mọi người không quá hoảng loạn và người dân vẫn đi thể dục mỗi ngày, vẫn có người không đeo khẩu trang. Siêu thị vẫn đầy ắp thực phẩm nhưng tất cả mọi người đều có ý thức giữ khoảng cách và quầy thu ngân có tấm chắn kính để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người.
Bản thân em 10 ngày trước có bị ho nên xin nghỉ làm việc tại nhà 14 ngày, giờ thì em bình thường và sắp đi làm trở lại. Khi mới bị bệnh em cũng hơi lo nhưng dấu hiệu của em giống cảm cúm thông thường vì em chỉ bị ho nhẹ, không bị sốt và có thể là do đi ngoài lạnh và không giữ ấm. Tuy nhiên, vì an toàn chung nên em và mọi người đều có ý thức tự cách ly.
Ngô Anh Bình - nghiên cứu sinh tại Cộng hòa Liên bang Đức. Ảnh: NVCC |
Ngô Anh Bình là cựu học sinh chuyên Hóa của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, cựu sinh viên của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học xuất sắc, Bình được học bổng toàn phần để làm nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu xúc tác Leibniz - Trường Đại học Rostock, thành phố Rostock, Cộng hòa Liên bang Đức.
P.V: Trên trang cá nhân, em đã từng chia sẻ bài viết “có nên về Việt Nam tránh dịch” và có sự phân tích khá kỹ càng về tình hình diễn biến dịch bệnh trên toàn thế giới. Bản thân em cũng viết rằng “không nên về”. Em hãy chia sẻ thêm về quyết định của mình?
Ngô Anh Bình: Thời gian qua, bố mẹ em cũng rất lo lắng và nhiều người hỏi em vì sao không về nhà. Tuy nhiên, em chưa từng nghĩ về Việt Nam tránh dịch bởi quá trình di chuyển, dùng nhà vệ sinh... sẽ rất dễ bị lây nhiễm và trong tình huống đó em nghĩ thực hiện tốt các biện pháp tại chỗ sẽ an toàn hơn. Bên cạnh đó, công việc của em cũng không cho phép bởi mọi người trong viện đều đi làm, trừ ai có con nhỏ thì làm việc tại nhà. Tất nhiên, số người về Việt Nam vẫn đông vì còn tùy thuộc vào hoàn cảnh mỗi người bởi có nhiều du học sinh tự túc đang học đại học và trường đại học đóng cửa. Hoặc cũng có những bạn lo ngại về điều kiện chữa bệnh và khả năng thích nghi với môi trường...
P.V: Vậy thực tế cuộc sống của em có bị xáo trộn bởi dịch Covid - 19 không?
Ngô Anh Bình: Do ảnh hưởng của dịch nên cuối tuần chúng em không có những cuộc gặp gỡ bạn bè và mọi người chỉ ở trong nhà. Trong thời gian này, một số hội thảo khoa học em dự định tham dự cũng đã bị hủy.
Đường phố, các trung tâm mua sắm không một bóng người. Ảnh: NVCC |
Thực tế trong 14 ngày em tự cách ly trong nhà thì 1 - 2 ngày đầu em thấy tự do thoải mái và đến 3 - 4 ngày sau thì hơi bí bách. Nhưng hiện tại thì mọi việc đã trở lại bình thường và em tranh thủ quãng thời gian này để đọc tài liệu, viết bài bởi bình thường thời gian của một nghiên cứu sinh khá hạn chế. Em cũng thường xuyên theo dõi và cập nhật các thông tin về dịch Covid - 19 ở Việt Nam. Sẽ còn rất nhiều khó khăn nhưng em tin chính tinh thần đoàn kết vì cộng đồng sẽ là sức mạnh để chúng ta vượt qua đại dịch.
Đất nước vì mọi người, mọi người chung tay vì đất nước
P.V: Khánh Huyền là một trong những du học sinh cuối cùng rời nước Nga trước khi có lệnh ngừng các chuyến bay về Việt Nam. Vì sao em lại quyết định về Việt Nam trong thời điểm cấp bách như vậy?
Khánh Huyền: Do dịch bệnh ngày càng phức tạp nên ngay từ đầu em và một du học sinh khác cùng phòng đã quyết định ở lại nước Nga. Nhưng đến ngày 24/3, trên kênh YouTube chính thức của trường em có thông báo cho sinh viên được học tập trực tuyến và sinh viên nước ngoài được phép về đất nước của mình để học từ xa, nên em mới quyết định mua vé để về Việt Nam vì kỳ nghỉ của em sẽ kéo dài đến tháng 9.
Thời điểm mua vé, em cũng không biết đây sẽ là chuyến cuối cùng để có thể về Việt Nam và quả thực từ khi mua vé đến khi bước được lên máy bay chúng em đã rất lo lắng vì lịch bay bị thay đổi thường xuyên và nhiều lần chúng em nghe được tin chuyến bay sẽ bị hủy. May mắn là dù rất khó khăn nhưng những hành khách cuối cùng trên chuyến bay này đã nhận được sự can thiệp kịp thời từ phía Chính phủ Việt Nam, tạo điều kiện cho máy bay hạ cánh ở Nội Bài dù thời điểm đó sân bay đang quá tải”.
Kiểm tra thân nhiệt cho người cách ly tại Khu cách ly Bệnh viện dã chiến Vĩnh Phúc. Ảnh tư liệu |
Trương Thị Khánh Huyền là cựu học sinh chuyên Nga - Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Năm 2019, ở cuộc thi Olympic tiếng Nga diễn ra tại Liên bang Nga, Khánh Huyền đạt giải Nhất về viết luận tiếng Nga. Hiện, Khánh Huyền đang học ngành Kinh tế tại Trường Đại học Xã hội quốc gia Nga theo diện học bổng hiệp định 2 nước Nga và Việt Nam.
P.V: Vậy trước đó, khi có rất nhiều du học sinh Việt Nam về nước, em có lo lắng không? Hiện em đang cùng mọi người cách ly tập trung Bệnh viện dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc và cuộc sống trong những ngày qua diễn ra như thế nào?
Khánh Huyền: Đương nhiên là về Việt Nam thì ai cũng muốn về ngay luôn với gia đình và em cũng mong là 14 ngày trong khu cách ly sẽ qua nhanh, mọi người đều khỏe mạnh để nhanh được về với gia đình.
Những ngày đầu mới đến mọi người cũng có lo lắng vì thời điểm này dịch bệnh đang lan rộng, nhưng hiện tại ở Bệnh viện dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc em thấy mọi người khá có ý thức trong việc tự cách ly để bảo vệ mình và cộng đồng. Bản thân em là một công dân của Việt Nam thì em cũng đang thực hiện nghĩa vụ của mình để bảo vệ bản thân cũng như mọi người trong khu cách ly.
Lúc mới di chuyển đến khu cách ly tất cả chúng em được lấy thông tin và đo nhiệt độ để đảm bảo thông tin về các triệu chứng. Ở đây tất cả mọi người đều được phát đầy đủ những đồ nhu yếu phẩm như khăn mặt, bàn chải, kem đánh răng, bột giặt, dầu gội, xà phòng, giấy vệ sinh lúc mới vào khu cách ly. Mỗi phòng đều có 1 chai nước rửa tay khô diệt khuẩn. Hàng ngày 2 lần có các cô chú quân y đến phòng đo nhiệt độ và phát khẩu trang. Mọi người cũng được khuyên ở trong phòng, hạn chế di chuyển và tụ tập đông người.
P.V: So với nhiều quốc gia khác đất nước mình còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc Chính phủ nỗ lực cố gắng đưa người Việt Nam ở nước ngoài về và tạo mọi điều kiện để người dân được cách ly an toàn đang nhận được sự đồng tình của người dân cả nước. Bản thân em đã đi xa và quay trở về đã cảm nhận được thế nào về tình cảm đất nước?
Khánh Huyền: Khi biết được việc có thể về Việt Nam và sẽ được tổ chức cách ly em thấy vô cùng biết ơn quê hương của mình. Em tin, không riêng gì em mà tất cả những người con đi xa trở về đều cảm thấy rất ấm áp, bởi trong những lúc khó khăn đất nước luôn sẵn sàng giang tay đón mình. Để đáp lại, em cùng các bạn sẽ cố gắng hết sức thực hiện tốt cách ly, chung sức cùng toàn dân chống dịch.
Trước khi về nước em có xem một số bài báo trên mạng thì thấy có một ý kiến than phiền về khu cách ly. Tuy nhiên, đến lúc về cách ly thì em thấy mọi thứ rất tốt. Tất cả mọi người ở đây được cung cấp đầy đủ các đồ dùng cần thiết và 1 ngày được cung cấp 3 bữa ăn rất đầy đủ dinh dưỡng. Hơn nữa các chú bộ đội ở đây rất quan tâm đến mọi người. Các chú luôn nhiệt tình, lúc nào cũng hỏi xem bọn em có thiếu thốn gì không, hỏi bọn em có nhớ nhà nhiều không, đã muốn về nhà chưa và động viên bọn em cố gắng cách ly tốt. Thi thoảng chúng em lại được tài trợ sữa hoặc mỳ tôm.
Ngày đầu mới đến vì chưa chuẩn bị kịp nên mọi người tắm nước lạnh, nhưng mấy hôm sau ở đây thời tiết lạnh hơn thì có chú bộ đội đứng đun nước cho mọi người. Nhận được sự quan tâm này, chúng em không chỉ cảm thấy ấm người mà ấm áp cả tấm lòng.
P.V: Nhiều địa phương ở Việt Nam đang lúng túng trong việc dạy học và thi trực tuyến. Ở trường em việc dạy học trực tuyến đang triển khai như thế nào và em có thể chia sẻ kinh nghiệm học trực tuyến hiệu quả?
Khánh Huyền: Vì từ trước tới nay trường em có một hệ thống để giáo viên ra bài tập và sinh viên nộp bài tập online, vì vậy nên dịch bệnh cũng không ảnh hưởng nhiều lắm đến việc học tập của sinh viên. Điều khác biệt duy nhất trong thời điểm dịch bệnh là thay vì đến trường thì sinh viên sẽ cùng với giáo viên của mình học online qua các ứng dụng. Các bài tập luôn được giáo viên đăng lên hệ thống để sinh viên tự tải xuống hoàn thành.
Khánh Huyền học trực tuyến trong thời gian cách ly. Ảnh NVCC |
Tất nhiên, việc dạy học trực tuyến có chút bất tiện vì sinh viên và giáo viên khó có thể thảo luận trực tiếp nhưng nói chung không có nhiều thay đổi. Nếu sinh viên học bài và làm bài nghiêm túc thì hiệu quả vẫn không khác biệt nhiều.
PV: Cùng với cả nước, người dân Nghệ An đang vào cuộc tích cực để phòng, chống dịch Covid - 19. Ở xa quê, các em thấy việc triển khai ở quê hương mình như thế nào?.
Khánh Huyền: Qua các phương tiện truyền thông, em biết từ sau khi dịch bệnh lan rộng thì Nghệ An đã cho học sinh nghỉ học để cách ly tại nhà và thực hiện chương trình dạy học online. So với nhiều địa phương khác trong cả nước, Nghệ An vào cuộc rất sớm và góp phần ngăn ngừa dịch bệnh. Đặc biệt, sau khi phát hiện nguồn dịch ở Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, Nghệ An đã tổ chức cách ly các xóm có người từng tiếp xúc với những người ở khu vực bùng phát dịch. Cá nhân em thì thấy Nghệ An hiện tại đang thực hiện khá tốt công tác phòng, chống dịch và em thấy yên tâm khi người thân mình và mọi người được bảo vệ an toàn ở quê nhà.
Ngô Anh Bình: Ngày nào em cũng theo dõi dịch bệnh ở Việt Nam và vào các diễn đàn mạng để cập nhật thông tin ở tỉnh nhà. Thực sự em rất xúc động khi nhìn thấy các bà, các mẹ, các dì dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn sẵn sàng ủng hộ nhiều lương thực, thực phẩm cho các khu cách ly và công tác phòng, chống dịch bệnh. Điều này có thể rất khác với nước ngoài bởi họ xem đấy là công việc của chính phủ nhưng em tự hào vì điều đó bởi tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là một nét đẹp văn hóa rất đáng quý của người Việt nói chung và người Nghệ mình nói riêng.
P.V: Xin cảm ơn hai em!