Mỹ đã hết kiên nhẫn trước 'trò chơi vương quyền' ở Kabul?
(Baonghean) - Thỏa thuận “lịch sử” giữa Mỹ với lực lượng Taliban đã được 2 bên đặt bút ký từ hồi tháng 2, song cho đến nay, chính quyền Afghanistan được đánh giá là chưa thể hiện được chút tiến triển nào đối với các nội dung trong bản thỏa thuận ấy. Dư luận đang hoài nghi, phải chăng tình thế hiện tại có thể buộc ông chủ Nhà Trắng Donald Trump quyết định đơn phương rút quân khỏi quốc gia bị chiến tranh dày vò nhiều năm này?
Biết vướng nhưng khó gỡ
Theo DW, Washington và Taliban đã ký kết bản thỏa thuận được đánh giá là lịch sử, với tham vọng đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột dai dẳng 19 năm ròng tại Afghanistan vào ngày 29/2. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, quá trình thực thi các điều khoản trong văn kiện này quả thực chẳng đạt được tiến triển bao nhiêu.
Ăn mừng thỏa thuận ký kết giữa Mỹ với Taliban tại Afghanistan hồi tháng 2. Ảnh: Reuters |
Một trong những nội dung đáng chú ý là thỏa thuận yêu cầu các cơ quan chức năng của Afghanistan phải trả tự do cho lên đến 5.000 tù nhân là các phần tử Hồi giáo, để trao đổi lấy khoảng 1.000 tù nhân thân chính phủ nước này.
Phóng thích tù nhân là một điều kiện tiên quyết mà phải có nó mới dẫn lối tới một cuộc đối thoại dài hơi và phức tạp trong nội bộ Afghanistan, vốn ban đầu được ấp ủ tiến hành vào ngày 10/3.
Song chính quyền Afghanistan đến nay đã tỏ thái độ không mấy hào hứng, thậm chí là miễn cưỡng đối với việc phóng thích tù nhân Taliban. Họ đặt ra một điều kiện tiên quyết khác nữa, đó là nhóm các tay súng này phải ngừng ngay mọi cuộc tấn công.
Còn ở bên kia chiến tuyến, Taliban lại cho rằng giảm thiểu bạo lực là đủ để đổi lấy sự tự do cho những tay súng đang bị giam giữ. Suhail Shaheen - Người phát ngôn của văn phòng chính trị Taliban tại Qatar lập luận rằng, chính quyền Afghanistan đơn giản là đang viện cớ để trì hoãn việc phóng thích tù nhân.
Tỏ ra không chịu lép vế, Shaheen nhấn mạnh: “Nhưng cho phép tôi được làm rõ: các cuộc đàm phán trong nội bộ Afghanistan sẽ không bắt đầu cho tới khi Kabul trả tự do cho toàn bộ các tù nhân của chúng tôi”.
Các tay súng Taliban. Ảnh: AFP |
Giữa tuần này, chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani đã thả 100 tù nhân Taliban, dù vậy, động thái này chưa đủ để lực lượng nổi dậy cảm thấy hài lòng. Các nguồn tin truyền thông tiết lộ, phía Taliban hy vọng Kabul trong đợt đầu tiên sẽ phóng thích 15 chỉ huy của lực lượng này đang bị đối phương cầm tù.
Matin Bek, chuyên gia đàm phán đại diện cho chính quyền sở tại cũng đã lên tiếng trước báo giới, rằng họ không muốn trả tự do cho những kẻ đã “sát hại nhân dân”, không muốn những nhân vật này “trở lại chiến trường và chiếm các vùng lãnh thổ”.
Phân tích về tình thế nan giải trước mắt, chuyên gia về Nam Á Michael Kugelman làm việc tại Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson dành cho các học giả, có trụ sở tại Washington cho rằng, vấn đề nằm ngay trong nội tại bản thỏa thuận giữa Mỹ với Taliban.
Ông phân tích, rắc rối ở chỗ thỏa thuận song phương giữa xứ cờ hoa với lực lượng nổi dậy tại Afghanistan đang đòi hỏi những thứ “trên trời”, hay nói cách khác, đang kỳ vọng sớm đạt được quá nhiều điều trong khoảng thời gian quá ngắn ngủi.
Dĩ nhiên, theo Kugelman, “chướng ngại vật quan trọng” không gì khác chính là vấn đề phóng thích tù nhân. “Và vấn đề là không bên nào chịu thỏa hiệp cả”.
Giữa lúc bế tắc, Taliban đã “thêm dầu vào lửa”, cáo buộc Mỹ vi phạm thỏa thuận Doha bằng cách nhắm vào các tay súng của họ. Người phát ngôn Shaheen cho biết: “Thỏa thuận Doha rõ ràng đề cập phía Mỹ chỉ có thể tự vệ trong các trường hợp nhất định…
Quân đội Mỹ sẽ không tấn công các chiến binh Hồi giáo của chúng tôi hay tiến hành các cuộc vây ráp vào ban đêm. Những hành động này có thể gây tổn hại cho thỏa thuận”.
Một cuộc đàm phán giữa Mỹ với lực lượng Taliban tại Doha, Qatar. Ảnh: Al Jazeera |
Chưa hết, ban lãnh đạo Taliban được cho là cũng không hề vui vẻ trước điều mà họ xem là thất bại của Washington trong việc bắt chính phủ Afghanistan thực thi thỏa thuận. Nhóm này muốn các giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận đã ký phải sớm được hoàn tất.
Về khía cạnh này, chuyên gia Kugelman phân tích sự khác biệt: “Đàm phán Mỹ-Taliban thì khác, vì trong trường hợp đó mỗi bên có một mục đích rõ ràng: đó là đàm phán một thỏa thuận dẫn tới kế hoạch rút quân của Mỹ. Còn với đối thoại trong nội bộ Afghanistan, mọi thứ phức tạp hơn nhiều và có nhiều chiều hướng khác nhau”.
Mỹ sẽ hành động đơn phương?
Khách quan đánh giá, việc thực thi thỏa thuận Doha với Washington không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Nhất là khi cuộc khủng hoảng chính trị của Afghanistan đang có tín hiệu xấu đi, từ lúc cả ông Ashraf Ghani lẫn đối thủ Abdullah Abdullah đều tuyên bố là tổng thống sau cuộc bầu cử hồi năm ngoái.
Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng cảnh báo các nhà lãnh đạo tại Kabul rằng Washington có thể cắt giảm viện trợ tài chính cho đất nước đang bị chiến tranh giày xéo nếu 2 nhân vật Ghani và Abdullah không sớm đi đến một thỏa thuận.
Từ góc độ của giới chuyên gia, có vẻ như ông Ghani đang lo sợ rằng, bản thân sẽ không thể tiếp tục nắm giữ quyền lực sau khi khởi động một tiến trình hòa bình chính thức.
Bởi lẽ, có thể đòi hỏi phải có một chính phủ lâm thời để giám sát tiến trình hòa bình, hoặc thậm chí cần phải có sự sắp xếp mới về mặt chính trị, đặt ra nguy cơ Ghani bị “ra rìa”.
“Vì những nguyên do đó, ông Ghani sẽ làm mọi thứ có thể để bảo vệ sự nắm giữ cương vị tổng thống trong thời kỳ bất ổn này - và điều đó đòi hỏi không nhượng bộ chút xíu nào trước Abdullah”
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc gặp với Tổng thống Afghanistan Ghani tại thủ đô Kabul hôm 23/3. Ảnh: DPA |
Như đã đề cập, tình hình hiện nay có thể sẽ buộc Tổng thống Mỹ Trump tự mình xem xét và hành động. Nhà lãnh đạo xứ cờ hoa muốn rút hết quân về nước trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, và giới quan sát cho rằng sự kiên nhẫn của chủ nhân phòng Bầu dục có hạn.
Có thể hình dung một cách đơn giản như sau: nếu tiến trình hòa bình vẫn dẫm chân tại chỗ và các cuộc đàm phán trong nội bộ Afghanistan không bắt đầu, thì không loại trừ khả năng chính quyền Washington sẽ từ bỏ các nỗ lực làm trung gian hòa giải, thu hẹp phạm vi can dự, và thậm chí còn có thể đẩy nhanh việc rút quân đội khỏi Afghanistan.
Với không ít người, có vẻ như sự thành bại của tiến trình hòa bình tại Afghanistan hiện lại đang nằm trong tay Tổng thống Ghani và ê kíp của ông.
Đó cũng là quan điểm của chuyên gia Naseer Weyar, sinh sống tại Kabul: “Nếu ông Ghani xoay sở để đạt được hòa bình với Abdullah và đồng thời giữ Mỹ ở cùng phe, tiến trình hòa bình có thể tiến tới. Nếu không, Washington có thể tìm kiếm một đối tác khác tại Afghanistan”.