Mỹ, Nhật trả giá đắt trong 'cuộc chiến mới'

Mỹ Nga 11/04/2020 16:08

(Baonghean) - Chủ quan, thiếu sự chuẩn bị chu đáo để đối phó với dịch Covid-19, đã đẩy các bang nước Mỹ vào tình trạng thiếu hụt thiết bị y tế nghiêm trọng, dẫn đến phải cạnh tranh nhau để tranh giành vật dụng thiết yếu. Khác với sự tự tin kiểm soát được dịch bệnh thời gian đầu, nay Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ “vỡ trận”.

"Cuộc chiến" thiết bị y tế ở Mỹ

Nước Mỹ đã lãng phí khoảng 2 tháng - “thời gian vàng” để chuẩn bị ứng phó với dịch Covid-19. Cách ứng phó của Mỹ thì đặc biệt tệ hại. Trong nhiều tuần, Tổng thống Trump đã xem thường tính chất nghiêm trọng của dịch bệnh.

Đến khi số ca lây nhiễm và nhập viện bắt đầu tăng nhanh, nước này mới tự nhận thấy sự thiếu thốn nghiêm trọng các dụng cụ như bộ xét nghiệm, khẩu trang, máy thở và các nguồn cung y tế khác.

Các bác sĩ và nhân viên y tế phản đối việc thiếu hụt khẩu trang tại Oakland, California. Ảnh: Getty
Các bác sĩ và nhân viên y tế phản đối việc thiếu hụt khẩu trang tại Oakland, California. Ảnh: Getty

Mỹ đã không thể kịp thời sản xuất những bộ xét nghiệm đáng tin cậy, và Tổng thống Trump đã từ chối sử dụng thẩm quyền của ông để trưng thu các nguồn cung y tế từ các nhà sản xuất tư nhân.

Tất cả những điều này đã đẩy nội bộ nước Mỹ vào cuộc chiến về thiết bị y tế, tranh giành và cạnh tranh nhau để đảm bảo nguồn cung, thậm chí, không khác gì đấu giá để mua được thứ mình cần.

“California trả giá, Florida trả giá, New York trả giá, rồi California lại trả giá lại - Đó là những gì mà 50 bang nước Mỹ đang cạnh tranh nhau để mua một mặt hàng.

Ông Andrew Cuomo - Thống đốc bang New York đã ví von cuộc cạnh tranh này “như thể đấu giá để mua máy thở trên Ebay vậy” và giá cứ bị dần lên.

Đầu tháng 3, kho dự trữ chiến lược của Mỹ thông báo có hơn 16.000 máy thở, trong đó có những chiếc được mua từ cách đây 20 năm, số khác đang được bảo trì. Máy thở - thiết bị y tế thiết yếu trong điều trị cho bệnh nhân Covid-19, giờ có giá dao động từ 25.000 - 45.000 đô la Mỹ.

Khẩu trang cũng trở nên khan hiếm, khiến trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của Mỹ phải khuyến cáo các nhân viên y tế dùng khẩu trang tự làm hoặc khăn trong trường hợp thiếu đồ bảo hộ. Các bệnh viện cũng khẩn cấp tìm kiếm tình nguyện viên có khả năng may vá để phục vụ cho việc này.

Giới truyền thông Mỹ nhận định, vì thiếu sự chuẩn bị cho nên đã đẩy Mỹ vào tình trạng thiếu hụt trang thiết bị y tế, khiến các bang phải trải qua cuộc chiến đấu giá.

Tình nguyện viên may khẩu trang vải cho nhân viên y tế ở Dorchester, Massachusetts, Mỹ ngày 22/3. Ảnh: AFP
Tình nguyện viên may khẩu trang vải cho nhân viên y tế ở Dorchester, Massachusetts, Mỹ ngày 22/3. Ảnh: AFP

Hiện, Mỹ đang gấp rút đặt hàng từ các nhà sản xuất trang thiết bị y tế. Các công ty tư nhân đã bắt tay ngay vào phần việc này. Ngay cả với các nhà sản xuất ô tô như Ford cam kết sẽ sản xuất nhanh mặt nạ in 3D cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, việc tăng quy mô sản xuất sẽ mất thời gian - có thể vài tuần hoặc vài tháng, trong thời gian đó, dịch bệnh tiếp tục lây lan.

Một số người khác có cái nhìn tích cực hơn như Steve Grundman, thành viên cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương thì cho rằng, đây là một loại khủng hoảng hoàn toàn khác.

"Mất bò mới lo làm chuồng”

Khi Thủ tướng Shinzo Abe ngày 7/4 tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 30 ngày tại Tokyo và 6 khu vực khác trong bối cảnh số ca nhiễm tăng mạnh, các chuyên gia y tế nhận định đây là sự thừa nhận ngầm rằng cách làm trước đây của Nhật Bản không hiệu quả, và giờ đây họ đang lo ngại “vỡ trận” trước đại dịch, và bắt đầu “làm chuồng” sau khi “mất bò”.

Một ngày sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, Nhật Bản đã báo cáo hơn 500 trường hợp nhiễm mới - đây là lần nhiễm mới đầu tiên với số lượng lớn kể từ khi Thế vận hội mùa hè Olympic Tokyo 2020 bị hoãn lại vào năm sau.

Trước khi đưa ra quyết định hoãn này, Nhật Bản dường như đã kiểm soát tốt sự bùng phát của sự lây lan dịch bệnh. Bất chấp đại dịch toàn cầu, các nhà tổ chức vẫn khẳng định buổi lễ khai mạc sẽ diễn vào ngày 24/7.

Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020 đã bị hoãn do tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng tại Nhật Bản. Ảnh: AFP
Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020 đã bị hoãn do tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng tại Nhật Bản. Ảnh: AFP

Khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở những đô thị lớn trong nước, Thủ tướng Abe vẫn tìm cách vẽ ra bức tranh lạc quan khi cho rằng tình trạng lây lan của dịch bệnh có thể giảm trong 2 tuần.

Nhưng các chuyên gia nhận định, đánh giá này quá “màu hồng”. Kenji Shibuya -Giám đốc Viện Sức khỏe dân số tại King’s College London nói: “Nhật Bản đã xử lý tệ. Các ca nhiễm được xác nhận ở nước này chỉ là phần nổi của tảng băng”.

Sự gia tăng nhanh chóng của các ca nhiễm làm dấy lên đồn đoán và chỉ trích rằng, Nhật Bản đã che dấu nguy cơ bùng phát, nhằm tạo cơ hội để Thế vận hội mùa hè vẫn diễn ra. Dường như Chính phủ Nhật Bản đã quan tâm đến chính sách “Abenomics” hơn là các biện pháp đối phó với sự lây lan nghiêm trọng của dịch.

“Chính phủ của Thủ tướng Abe đã tiếp cận cuộc khủng hoảng này, đầu tiên và quan trọng nhất, như là một cuộc khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng quan hệ công chúng, chứ không phải là cuộc khủng hoảng dịch tễ”, Koichi Nakano - Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sophia ở Tokyo nhận định.

Hơn thế, tình trạng khẩn cấp do Thủ tướng Nhật Bản ban bố vẫn có nhiều hạn chế. Đây không phải là lệnh phong tỏa như các nước châu Âu áp dụng, và giao thông công cộng sẽ tiếp tục hoạt động.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đeo khẩu trang khi tham dự cuộc họp báo tại Tokyo ngày 7/4. Ảnh: AFP

Thống đốc địa phương chỉ có thể yêu cầu mọi người làm việc tại nhà và giãn cách xã hội, còn không có quyền phạt tiền hay áp dụng các hình phạt khác. Giáo sư Koichi Nakano cho rằng: “Điều này có nghĩa là phụ thuộc phần lớn vào tinh thần tuân thủ tự nguyện của người dân, mà không có sự khuyến khích hay hỗ trợ nào cho họ, và quan trọng là không có chế tài xử phạt nếu không chấp hành theo lệnh của Chính phủ”.

Giáo sư Nakano đánh giá cách tiếp cận “độc nhất” của Nhật Bản trong việc đối phó với đại dịch là kết quả của sự kết hợp rời rạc hai yếu tố: sự yếu kém trong điều hành, lãnh đạo, và sự quan liêu, “trải nghiệm” rủi ro.

Tại Tokyo, số ca nhiễm tăng gấp đôi trong 5 ngày qua, lên hơn 1.000. Các chuyên gia lo ngại rằng, Tokyo đang bước vào giai đoạn ca nhiễm tăng theo cấp số nhân, và đòi hỏi chính phủ cần phải áp đặt hạn chế mạnh mẽ hơn để ngăn chặn người dân ra ngoài so với việc khuyến cáo mọi người tự nguyện chấp hành.

Nhật Bản tuyên bố sẽ tăng khả năng xét nghiệm lên 20.000 người/ngày. Nước này hiện có khả năng xét nghiệm 7.500 ca/ngày nhưng thực tế, họ thực hiện chưa đến một nửa số đó.

Một số chuyên gia còn bày tỏ lo lắng Chính phủ Nhật Bản chỉ tập trung cảnh báo về những nơi virus có thể lây lan. Trong khi đó, nhiều ca nhiễm mới nhất không thể truy dấu nguồn lây, nghĩa là giới chức không biết người lây nhiễm từ đâu.

Giáo sư Nakano cho rằng, nếu đặt ra giả thuyết, sự bùng phát lây nhiễm có thể được ngăn chặn bằng cách tập trung vào các cụm nhiễm, mà không cần xét nghiệm rộng, đồng thời người dân tự nguyện thực hiện giãn cách xã hội, thì nhà nước sẽ có đủ nguồn lực y tế để điều trị cho những bệnh nhân nặng.

“Vấn đề hiện nay là lý thuyết trên đã thất bại và Chính phủ Nhật Bản cần có động thái tăng cường năng lực để đối phó với “vụ nổ” cuối cùng. Chính phủ đã không chặt chẽ, và kết quả là cho đến nay, không có dữ liệu chắc chắn để đánh giá phạm vi và tốc độ lây nhiễm”, ông nói.

Mỹ Nga