Mỹ có thể phải giãn cách xã hội đến năm 2022
(Baonghean.vn) - Theo CNN, đây có thể sẽ là trạng thái bình thường mới trong một khoảng thời gian khá dài.
Người dân Brooklyn, New York, Mỹ thực hiện nghiêm giãn cách xã hội khi đi mua sắm tại siêu thị. Ảnh: AFP |
Ngày 14/4, các nhà nghiên cứu đưa ra dự báo, nước Mỹ có thể phải chấp nhận các biện pháp giãn cách xã hội, chẳng hạn như các quy định ở trong nhà và đóng cửa trường học, cho tới năm 2022. Đây là kịch bản mà giới khoa học Mỹ cho là sẽ xảy ra trừ khi sớm tìm ra vắc xin phòng Covid-19.
Thông tin này được các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng T.H. Chan của Đại học Harvard công bố trên tạp chí Science hôm 14/4. Các phát hiện này hoàn toàn trái với nghiên cứu Nhà Trắng đưa ra, vốn cho rằng đại dịch có thể kết thúc vào mùa Hè năm nay.
Ê kíp tại Trường Y tế Công cộng của Harvard sử dụng những thông tin đã được biết đến về Covid-19 và các chủng virus Corona khác để vạch ra các kịch bản khả thi của đại dịch hiện nay.
“Giãn cách theo từng đợt có thể sẽ được yêu cầu tới năm 2022 trừ khi năng lực chăm sóc đặc biệt được gia tăng đáng kể hay tìm ra một phương án điều trị hoặc vắc xin”, họ viết trong bản báo cáo. “Kể cả trong trường hợp đã dập dịch rõ ràng, vẫn cần duy trì giám sát SARS-CoV-2 vì lây nhiễm có thể tái xuất hiện vào cuối năm 2024”.
Các dự báo của ê kíp tại Harvard cũng chỉ ra, virus có thể quay trở lại khá nhanh một khi dỡ bỏ các quy định hạn chế.
“Nếu đường hướng giãn cách theo từng đợt được lựa chọn, có thể cần phải thực hiện nó trong vài năm, đây rõ ràng là một khoảng thời gian rất dài”, Tiến sỹ Marc Lipsitch, một tác giả của nghiên cứu trên đồng thời là giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng của Harvard phát biểu.
Một yếu tố quan trọng khác là: Liệu con người có trở nên miễn dịch với chủng mới virus Corona sau khi đã nhiễm bệnh hay không. Đó là điều chưa được biết rõ.
Các thách thức tiềm ẩn bao gồm tìm ra một xét nghiệm đáng tin cậy để xác định ai có kháng thể đối với virus Corona, thiết lập miễn dịch nhờ trước đó từng nhiễm bệnh và kéo dài trong bao lâu, cũng như khả năng các hệ thống y tế quá tải có thể tiến hành các xét nghiệm kháng thể đáng tin cậy, rộng rãi trong cộng đồng.
Còn có các câu hỏi mang tính xã hội khó giải đáp xoay quanh việc chứng nhận miễn dịch, vốn hiện đang nổi lên như phương án khả thi tại Anh. Liệu chúng có tạo ra một xã hội 2 tầng, nơi mà những ai sở hữu chứng chỉ miễn dịch có thể quay trở lại cuộc sống bình thường hơn, trong khi những người khác vẫn bị phong tỏa?
Các nhà nghiên cứu nói trên khẳng định họ ý thức được rằng việc giãn cách kéo dài như vậy, kể cả thực hiện gián đoạn theo từng đợt, cũng có khả năng gây ra “những hậu quả tiêu cực sâu sắc về kinh tế, xã hội và giáo dục”.
Họ hy vọng nghiên cứu của mình sẽ giúp xác định các đường hướng có thể xảy ra của đại dịch hiện nay theo các cách tiếp cận khác nhau, xác định các phương án bổ sung để chống dịch, và khuấy động tư duy sâu hơn về các cách thức nhằm kiểm soát đại dịch.
Tại Mỹ, các ca mắc Covid-19 vẫn đang gia tăng, song giãn cách xã hội đang tỏ ra có hiệu quả. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật nước này Robert Redfield khẳng định, giãn cách xã hội là “một trong những vũ khí mạnh nhất” chống Covid-19./.