Quỹ Tiền tệ Quốc tế: Kinh tế toàn cầu suy thoái nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19

Thanh Huyền 15/04/2020 11:24

(Baonghean.vn) - Đại dịch Covid-19 đang đẩy nền kinh tế toàn cầu lún sâu vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất, kể từ cuộc Đại suy thoái diễn ra vào những năm 1930, mất nhiều thời gian để phục hồi. Các chính phủ và các quan chức y tế cần phối hợp chặt chẽ nhằm ngăn chặn đại dịch biến thành thảm họa.

Đây là cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong báo cáo mới nhất được công bố hôm thứ Ba, ngày 14/4.

Tăng trưởng kinh tế lao dốc

Trong báo cáo công bố hôm thứ Ba (14/4), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thẳng thắn đưa ra cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài sang năm 2021, nếu các nhà hoạch định chính sách không tìm ra một giải pháp toàn cầu nhằm đối phó với đại dịch.

Tại báo cáo này, IMF dự kiến nền kinh tế thế giới sẽ giảm 3% trong năm 2020, thậm chí còn tồi tệ hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra vào năm 2008, đi ngược hoàn toàn so với dự đoán của Tổ chức này đưa ra hồi tháng 1 về mức tăng 3,3% của nền kinh tế toàn cầu.

Cục Dự trữ Liên bang đang cung cấp hàng nghìn tỷ USD vào các thị trường tài chính để ngăn chặn tình trạng "khô hạn" dòng vốn. Ảnh: Reuters

Tại Mỹ, Thượng viện nước này vừa thông qua gói kích thích trị giá hơn 2 nghìn tỷ đô la và Quỹ Dự trữ Liên bang tung ra hàng nghìn tỷ đô la để ổn định hệ thống tài chính, thì Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng dự đoán nền kinh tế Mỹ chỉ đạt mức tăng trưởng 5,9% trong năm nay, đây là mức sụt giảm thấp nhất kể từ năm 1946.

Trong khi đó tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu và cũng là quốc gia chịu tác động đầu tiên dịch cúm do virus Corona, có tăng trưởng kinh tế lao dốc xuống 1,2%, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1976.

Báo cáo cũng nhận định không mấy lạc quan đối với các nước mà chính phủ, ngân hàng trung ương có những giải pháp mạnh mẽ hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp. Theo nhận định của IMF, nước Đức, nền kinh tế đầu tàu của châu Âu và là mắt xích quan trọng trong chuỗi thương mại toàn cầu sẽ giảm 7% trong năm 2020. Kinh tế Canada và Anh được dự đoán có thể sụt giảm tương ứng là 6,2% và 6,5%.

Kinh tế Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sẽ giảm 5,3% cho dù thời gian qua nước này tránh áp dụng lệnh hạn chế đi lại, lao động và sinh hoạt một cách nghiêm ngặt trên quy mô toàn quốc, nhằm tránh làm cho nền kinh tế bị đóng băng như cách làm của nhiều quốc gia trên thế giới.

Giải pháp nào cho các quốc gia?

Các nước châu Âu cam kết đưa ra một khoản lớn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình vượt qua khủng hoảng thông qua việc nới lỏng hạn mức cho vay. Tây Ban Nha và Italia, hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19, có nền kinh tế được dự đoán sụt giảm tương ứng là 8% và 9,1%. Cả hai nước này cùng nhấn mạnh, nhu cầu khẩn cấp trong việc tìm kiếm nguồn tài chính thúc đẩy phục hồi kinh tế châu lục sau đại dịch.

Biểu tượng Quỹ Tiền tệ Quốc tế.  -Ảnh: Reutes
Biểu tượng Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ảnh: Reuters

Báo cáo của IMF cũng nhận định, thế giới đang trong những giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong gần một thế kỷ qua. Những nỗ lực nhằm ngăn chặn đại dịch sẽ khiến cho khoảng 10 triệu lao động trên toàn cầu mất việc làm và đẩy 10 nghìn doanh nghiệp đi đến phá sản. Cũng theo đánh giá của IMF, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ sẽ tăng 10,4% năm nay và 9,1% năm 2021.

IMF hy vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ khởi sắc trong năm 2021, với tốc độ tăng trưởng đạt 5,8% nếu đại dịch được kiểm soát vào nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, Tổ chức này cũng cảnh báo viễn cảnh này cũng như các số liệu thực tế đều không mấy chắc chắn, do nỗ lực kiểm soát virus Corona thường mất nhiều thời gian hơn dự tính. “Đại dịch có thể còn dai dẳng hơn dự đoán... Hơn nữa, những tác động của khủng hoảng y tế lên hoạt động kinh tế và các thị trường tài chính tỏ ra còn mạnh mẽ và dài hơi hơn, là phép thử năng lực của các ngân hàng trung ương các nước trong việc ổn định hệ thống tài chính và xa hơn là vực dậy gánh nặng sau cú sốc này”, IMF nhận định.

Báo cáo cho biết thêm: “Vấn đề niềm tin của người tiêu dùng là một ví dụ. Các công ty và các hộ gia đình có thể thay đổi hành vi mua sắm, dẫn đến giảm cầu, kéo theo sự đứt gãy các chuỗi cung ứng. Giảm đầu tư và phá sản có thể để lại “những vết sẹo” bao trùm lên toàn bộ nền kinh tế”.

Theo IMF, cách tốt nhất để giảm thiểu sang chấn kinh tế lúc này là các chính phủ và các quan chức y tế các nước phải tăng cường hợp tác. “Các nước cần phối hợp khẩn cấp nhằm giảm thiểu sự lây lan của virus, phát triển vaccine và liệu pháp y tế ngăn chặn đại dịch. Không một quốc gia nào được coi là an toàn trước đại dịch cho đến khi những giải pháp y tế khả thi được đưa ra”, IMF nhấn mạnh.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Kinh tế thế giới đang lao dốc: Ảnh minh họa. AFP

Ngoài ra, IMF còn đưa ra lời khuyên, các chính phủ nên chi nhiều hơn cho việc thử nghiệm vaccine, huy động sự vào cuộc của các chuyên gia y tế đã về hưu, cũng như mua sắm các bộ thông gió và thiết bị bảo hộ cá nhân. Bảo hộ mậu dịch đối với sản phẩm y tế nên được dỡ bỏ.

IMF đánh giá cao các giải pháp tài chính mà các nền kinh tế phát triển như Australia, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Mỹ đưa ra nhằm ứng phó với đại dịch, cũng như tin tưởng vào giải pháp của Trung Quốc, Indonesia và Nam Phi. Tuy nhiên, theo Tổ chức này vẫn còn nhiều việc phải làm. “Cần tăng cường các giải pháp tài chính nếu hoạt động kinh tế vẫn tiếp tục ngưng trệ hoặc việc dỡ bỏ các hạn chế thương mại ở các quốc gia vẫn còn yếu ớt”.

Các chính phủ cũng nên trợ cấp cho người lao động chịu ảnh hưởng của đại dịch. “Các nước nên xem việc trợ cấp cho người lao động khó khăn có thể ở nhà mà không phải lo sợ mất việc làm do đại dịch”, báo cáo của IMF chỉ rõ.

Thanh Huyền