WHO: Nên đợi thêm ít nhất 2 tuần để nới lỏng biện pháp hạn chế
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 15/4 cho biết, các quốc gia đang nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) nên đợi thêm ít nhất 2 tuần để đánh giá tác động của những thay đổi này trước khi tiếp tục bước đi tiếp theo.
WHO cho rằng các biện pháp nới lỏng hạn chế cần phải thực hiện từ từ. Ảnh: AFP |
Trong Bản cập nhật Chiến lược mới nhất, WHO cho rằng, thế giới đang đứng trước “bước ngoặt then chốt" trong đại dịch COVID-19, nhấn mạnh “tốc độ, quy mô và tính công bằng phải là những nguyên tắc chỉ đạo" khi quyết định biện pháp nào là cần thiết.
Theo WHO, mỗi quốc gia nên thực hiện các biện pháp y tế công khai toàn diện để duy trì ổn định số ca nhiễm ở mức thấp hoặc không có sự lây nhiễm nào, cũng như chuẩn bị khả năng sẵn sàng ứng phó nhanh chóng để kiểm soát dịch bệnh lây lan.
Một số quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 đang cân nhắc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa và bắt đầu hướng tới khôi phục cuộc sống bình thường. Bản cập nhật của WHO cho rằng, bất cứ bước đi nào cũng cần được tiến hành từ từ, và có thời gian để đánh giá tác động của chúng trước khi tiến hành các bước đi tiếp theo.
“Để giảm nguy cơ các đợt dịch bệnh bùng phát trở lại, các giải pháp hạn chế nên được dỡ bỏ theo từng giai đoạn, dựa trên việc đánh giá các rủi ro dịch tễ và lợi ích kinh tế xã hội của việc dỡ bỏ này đối với các cơ sở làm việc khác nhau, các tổ chức giáo dục và các hoạt động xã hội”, WHO cho hay.
“Lý tưởng nhất sẽ là 2 tuần (tương ứng thời kỳ ủ bệnh COVID-19) giữa mỗi giai đoạn của quá trình chuyển đổi, qua đó cho phép có đủ thời gian để nắm được nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới và để ứng phó phù hợp”, WHO cho biết và cảnh báo “nguy cơ tái phát và bùng phát dịch bệnh COVID-19 sẽ vẫn tiếp tục”.
WHO đưa ra khuyến cáo trên trong bối cảnh một số quốc gia đang bắt đầu lên kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Trung Quốc đã bắt đầu dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế nghiêm ngặt được áp đặt tại tỉnh Hồ Bắc, nơi dịch COVID-19 khởi phát hồi cuối năm ngoái. Tại Mỹ, nơi hiện có số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới, Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ ủy quyền cho các thống đốc bang triển khai kế hoạch mở cửa trở lại các doanh nghiệp Mỹ vào thời điểm thích hợp.
Trước đó, WHO đã cảnh báo các nước nên thận trọng về việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng, chống sự lây lan đại dịch COVID-19. Phát biểu trong một cuộc họp báo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhấn mạnh việc dỡ bỏ những biện pháp hạn chế có thể dẫn đến sự hồi sinh “chết người” của dịch bệnh và cho biết, các biện pháp hạn chế phải được dỡ bỏ một cách từ từ và dưới sự kiểm soát, chứ không thể diễn ra đồng loạt.
Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến 7h30 ngày 16/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới ghi nhận là 2.077.839 người. Đại dịch do virus SARS-CoV-2 gây ra đã có mặt tại 210 quốc gia trên toàn cầu, lấy đi sinh mạng của 134.375 người. Thế giới cũng ghi nhận đã có 509.853 ca phục hồi. Hiện Mỹ và các quốc gia châu Âu vẫn tiếp tục dẫn đầu thế giới về số ca lây nhiễm và tử vong.
Tính đến nay, Mỹ ghi nhận đã có 643.508 ca lây nhiễm, trong đó 28.506 ca tử vong. Trong vòng 24 giờ qua, nước này cũng ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 là 2.459 người
Tại châu Âu, Tây Ban Nha hiện dẫn đầu về số ca lây nhiễm khi đã có 177.644 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 18.708 ca tử vong. Italy ghi nhận số ca tử vong nhiều nhất châu lục khi con số này đã vượt mốc 21.000 ca, trong đó có 165.155 ca nhiễm bệnh. Pháp ghi nhận đã có 165.155 ca lây nhiễm và 17.167 ca tử vong. Đức có 134.753 ca lây nhiễm và 3.892 ca tử vong. Anh có 98.476 ca nhiễm và 12.868 ca tử vong.
Nhiều nước châu Âu bắt đầu nới lỏng biện pháp hạn chế
Áo là quốc gia đầu tiên tại châu Âu nới lỏng các biện pháp hạn chế. Ảnh: cyprus-mail.com |
Áo trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Âu cho phép nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Sau khi ghi nhận các ca nhiễm mới giảm và dần về mức ổn định, chính phủ nước này đã cho phép hàng nghìn cửa hàng trên khắp cả nước được phép mở cửa trở lại kể từ ngày 14/4 trong nỗ lực hướng tới việc duy trì “cuộc sống bình thường” cho người dân.
Theo lộ trình nới lỏng hạn chế được đưa ra, Áo sẽ mở cửa lại các trường học, nhà hàng và khách sạn từ giữa tháng 5 tới. Tuy nhiên, Chính phủ Áo vẫn khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang khi đi mua sắm và vẫn tuân thủ các quy định về giữ khoảng cách xã hội phù hợp để ngăn chặn khả năng dịch tiếp tục bùng phát trở lại.
Từ ngày 13/4, Tây Ban Nha bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa, cho phép các doanh nghiệp, trong đó có cơ sở sản xuất và ngành xây dựng được hoạt động trở lại trong bối cảnh chính phủ nước này đang tìm cách tái sản xuất.
Thủ tướng Pedro Sanchez cho phép một số công nhân trở lại làm việc, trong khi cảnh sát và Hội Chữ thập đỏ phát khẩu trang tại các ga tàu cho những người đi làm. Tuy nhiên, các cửa hàng bán lẻ và dịch vụ vẫn được yêu cầu đóng cửa và nhân viên công sở vẫn phải làm việc tại nhà. Các cửa hàng, quán bar và các nơi công cộng dự kiến sẽ đóng cửa ít nhất đến hết 26/4.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết, chính phủ đưa ra quyết định mở cửa trở lại một số lĩnh vực sau khi tham vấn một ủy ban chuyên gia. Ông nhấn mạnh, việc tiếp tục nối lại các hoạt động còn phụ thuộc vào kết quả của cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại nước này.
Cũng tương tự như các quốc gia khác, chính phủ Italy cũng bắt đầu cho phép cửa hiệu sách, văn phòng phẩm và shop quần áo trẻ em được mở cửa trở lại từ ngày 14/4 mặc dù lệnh phong tỏa toàn quốc được áp dụng đến hết 4/5. Tuy nhiên, các vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bênh COVID-19 như Lombardy và Piemonte vẫn tiếp tục yêu cầu các cửa hàng kinh doanh đóng cửa hoạt động. Mặc dù quyết định nới lỏng các hạn chế, Italy vẫn khuyến cáo người dân phải thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân và giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.
Ngày 15/4, Đan Mạch cũng đã bắt đầu mở cửa trở lại các trường học sau hơn 1 tháng đóng cửa để ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch COVID-19. Đây là quốc gia đầu tiên tại châu Âu quyết định mở cửa lại trường học. Các trường mẫu giáo và tiểu học đã mở cửa trở lại sau khi phải đóng cửa từ ngày 12/3. Tuy nhiên, các học sinh vẫn được yêu cầu thực hiện quy định giãn cách xã hội để bảo đảm an toàn.
Việc mở lại cửa trường học hiện mới chi áp dụng tại khoảng 50% số khu vực hành chính của Đan Mạch. Riêng tại Thủ đô Copenhagen, số trường mở lại chiếm khoảng 35%. Dự kiến, tất cả các trường mẫu giáo và tiểu học tại Đan Mạch sẽ mở cửa trở lại vào ngày 20/4. Trong khi đó, các học sinh trung học cơ sở và phổ thông trung học sẽ tiếp tục học trực tuyến và dự kiến quay lại trường vào ngày 10/5 tới.
Tại Phần Lan, Thủ tướng Sanna Marin tuyên bố dỡ bỏ hạn chế đi và đến khu vực Thủ đô Uusimaa, vốn được áp dụng từ ngày 28/3 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
EU kêu gọi hợp tác chống COVID-19
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại cuộc họp báo chung ngày 15/4. Ảnh: AP |
Tại cuộc họp báo chung của Ủy ban châu Âu (EC) diễn ra tại trụ sở Brussels ngày 15/4 về cách thức phản ứng của Liên minh châu Âu (EU) đối với cuộc khủng hoảng COVID-19, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen kêu gọi các quốc gia EU tiếp tục phối hợp và đưa ra lộ trình để dỡ bỏ các hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên toàn khối giữa bối cảnh dịch bệnh đã khiến khoảng 80.000 người dân tại châu Âu tử vong. Con số này chiếm 2/3 số ca tử vong toàn cầu.
Bà tiết lộ bản kế hoạch dài 14 trang về lộ trình dỡ bỏ các biện pháp hạn chế trên toàn khối liên minh, cho biết: “Mặc dù, con đường trở lại cuộc sống bình thường sẽ mất nhiều thời gian, nhưng rõ ràng chúng ta không thể duy trì những biện pháp hạn chế này vô thời hạn”.
Bà Ursula von der Leyen cho biết, việc áp dụng các biện pháp hạn chế tại các quốc gia trên khắp châu lục đã cho thấy tính hiệu quả, tuy nhiên cũng gây ra một cú sốc kinh tế to lớn và đang đặt một gánh nặng lớn lên cuộc sống cộng đồng. Các quan chức EU đánh giá, nền kinh tế của khối liên minh này có thể giảm tới 10% trong năm nay, sự suy giảm chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu những năm 1920s.
Vì vậy, bà Ursula von der Leyen kêu gọi 27 quốc gia thành viên EU cùng nhau phối hợp để dỡ bỏ các biện pháp hạn chế cũng như cùng nhau hợp tác để ứng phó với đại dịch trong thời gian sắp tới. Bà cảnh báo: “sự phối hợp không đầy đủ trong việc dỡ bở các hạn chế sẽ gây ra rủi ro cho tất cả các quốc gia thành viên và có thể sẽ tạo ra căng thẳng giữa các nước". Bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh, không có giải pháp nào là phù hợp cho tất cả các quốc gia, vì vậy các quốc gia thành viên nên cố gắng phối hợp, thông tin cho nhau về các bước thực hiện.
Khi bắt đầu bùng phát dịch bệnh, nhiều quốc gia thành viên EU đã đóng cửa biên giới hoặc áp đặt lệnh hạn chế đi lại mà không đưa ra thông báo trước. Bà Ursula von der Leyen hy vọng khi mở cửa lại biên giới các nước trong thời gian tới sẽ được thực hiện một cách có hệ thống hơn.
Bản kế hoạch được bà Ursula von der Leyen đưa ra nêu 3 điều kiện cần phải được đáp ứng trước khi bắt đầu cho phép nới lỏng các biện pháp hạn chế: (1) hệ thống y tế quốc gia không còn áp lực căng thẳng; (2) tỷ lệ lây nhiễm mới giảm; (3) nhóm quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương có thể được bảo vệ hơn.
Theo bà, các biện pháp dần nới lỏng hạn chế chắc chắn sẽ dẫn đến việc có nhiều ca lây nhiễm mới. Vì vậy, các bước đi phải được theo dõi chặt chẽ, và thậm chí các biện pháp hà khắc hơn có thể phải được áp đặt . Bà Ursula von der Leyen cho rằng: “Chúng ta sẽ phải sống chung với virus cho tới khi vắc-xin được phát triển”.
Gần đây, giới chức EU đã thảo luận về gói ngân sách dài hạn trong thời gian tới của liên minh cần được sử dụng để hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Phát biểu tại họp báo chung với bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, tại hội nghị trực tuyến vào ngày 23/4 tới, lãnh đạo 27 nước thành viên trong EU sẽ thảo luận về các kế hoạch cho ngân sách chung trong giai đoạn 2021-2027.
Ông Michel nêu rõ tại hội nghị này, EU sẽ đưa ra các điều chỉnh chiến lược đối với ngân sách chung của liên minh nhằm hỗ trợ kinh tế phục hồi. Mục tiêu là đưa thị trường chung EU hoạt động trở lại sau các biện pháp phong tỏa và hỗ trợ thêm cho các công dân EU. Ngoài ra, ông cũng kêu gọi các lãnh đạo EU đoàn kết trong tương lai, đồng thời rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay./.