Chủ tịch UBND tỉnh: Triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn kịp thời, minh bạch

Thành Duy 15/04/2020 19:08

(Baonghean.vn) - Để Nghệ An có thể triển khai ngay sau khi Trung ương có hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 42 của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành liên quan. Trong đó, công tác rà soát đối tượng được thụ hưởng cần phải thực hiện kịp thời, chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng và đủ.

Chiều 15/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc làm việc để triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và bàn các giải pháp tạo việc làm đối với số lao động đi làm việc ở nước ngoài về Nghệ An do ảnh hưởng dịch Covid -19.

Các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Bùi Đình Long - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì. Ảnh: Thành Duy

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Cao Thị Hiền - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

KHÔNG ĐỂ THỦ TỤC RƯỜM RÀ, KÉO DÀI

Hiện nay, ở Nghệ An tổng số đối tượng người có công và nhân thân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng là 70.579 người, dự kiến tổng số tiền hỗ trợ là hơn 105,868 tỷ đồng; tổng đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là 133.637 người, tổng số tiền hỗ trợ dự kiến hơn 200,455 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2019, toàn tỉnh có 485.298 khẩu thuộc hộ nghèo, cận nghèo; trong đó số khẩu hộ nghèo, hộ cận nghèo hưởng chính sách ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội hàng tháng là 8.767 khẩu (sẽ hưởng hỗ trợ theo nhóm đối tượng người có công, bảo trợ xã hội). Như vậy, tổng kinh phí hỗ trợ cho nhóm này dự kiến hơn 359,398 tỷ đồng.

Đồng chí Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH trình bày báo cáo tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

7 nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số42/NQ-CP

1. Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1/4/2020 và không quá 3 tháng.

2. Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế, nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.

3. Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng.

4. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.

5. Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.

6. Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.

7. Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 được hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.

Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo một số ngành liên quan đã thảo luận quá trình triển khai, nhất là việc bố trí nguồn kinh phí của tỉnh để thực hiện. Vì theo Nghị quyết số 42, Nghệ An thuộc nhóm các địa phương ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ 50% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết; còn lại 50% tỉnh cân đối từ nguồn dự phòng ngân sách địa phương, quỹ dự trữ tài chính địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư.

Đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến thảo luận đều nhận định, trong 7 nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42, có 3 đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội và nghèo, cận nghèo cơ bản đã xác định được cụ thể. Nhưng 4 đối tượng còn lại thì quy trình, hồ sơ, tổ chức thực hiện phải triển khai cụ thể, đảm bảo sát, đúng, thể hiện được mục tiêu của chính sách.

Đây là vấn đề được Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền đề nghị các ngành có liên quan có giải pháp sát, cụ thể. Liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long đề nghị Sở LĐ-TB&XH soạn thảo dự thảo hướng dẫn triển khai để lấy ý kiến các ngành.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh cho rằng, quá trình triển khai cần lưu ý là không để thủ tục rườm rà, kéo dài và cần chống trục lợi chính sách. Do đó, theo Thiếu tướng khi Trung ương có hướng dẫn triển khai Nghị quyết số 42 thì tỉnh nên ấn định thời gian triển khai và thời gian kết thúc.

THỰC HIỆN KỊP THỜI, CHẶT CHẼ, MINH BẠCH

Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, cần phải xác định việc triển khai Nghị quyết số 42 của Chỉnh phủ có ý nghĩa rất lớn nhằm đảm bảo an sinh xã hội, góp phần giữ ổn định xã hội.

Nguyên tắc triển khai thực hiện là cần khẩn trương, kịp thời, đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là người dân đang gặp khó khăn. Nhưng đồng thời cần phải thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng và đủ đối tượng được thụ hưởng chính sách; không để xảy ra lợi dụng trục lợi chính sách, trong trường hợp xảy ra vi phạm phải xử lý nghiêm minh.

Công tác rà soát, lập danh sách đối tượng được thụ hưởng; việc tổ chức thực hiện chi hỗ trợ cho các đối tượng này cần được thực hiện chặt chẽ, thận trọng, có giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp với sự tham gia của HĐND cùng cấp và các tổ chức chính trị - xã hội.

Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, kể cả người đứng đầu các doanh nghiệp thuộc nhóm đối tượng được thụ hưởng trong quá trình thực hiện.

Để đảm bảo sau khi có hướng dẫn của Trung ương, tỉnh có thể triển khai ngay, tại cuộc họp đồng chí Nguyễn Đức Trung đã giao các nhiệm vụ cụ thể cho các ngành liên quan.

Trong đó, Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp hoàn thiện kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh, theo hướng tập trung phân công phối hợp thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng ngành.

“Rà soát đảm bảo nguyên tắc đây thực sự là những người xứng đáng được hỗ trợ”, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ. “Trước hết, chúng ta ưu tiên tập trung cho 3 nhóm đối tượng cơ bản đã xác định được là người có công, bảo trợ xã hội và các hộ nghèo, cận nghèo” vì đây là những đối tượng thực sự khó khăn.

Sở LĐ-TB&XH chủ trì cùng Sở Tài chính bám sát kiến nghị của tỉnh với Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung nguồn lực để thực hiện chính sách.

Trên cơ sở đối tượng được thụ hưởng, yêu cầu về nguồn lực, Sở Tài chính cần xác định rõ khả năng nguồn lực của tỉnh có thể bố trí thực hiện; qua đó tính toán đề xuất với Trung ương giải pháp bổ sung thêm nguồn lực cho tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông, người đứng đầu UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu, chỉ đạo công tác tổ chức tuyên truyền, đặc biệt qua truyền thông phải làm rõ, nổi bật lên được đây là chính sách hỗ trợ đối với những người dân thực sự gặp khó khăn.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh hướng dẫn thành lập các ban giám sát để giám sát thực hiện Nghị quyết số 42 ở các cấp.

Liên quan đến giải pháp tạo việc làm đối với số lao động đi làm việc ở nước ngoài về Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung đề nghị Sở LĐ-TB&XH tiếp tục hoàn thiện thêm các nội dung để đưa ra thảo luận, bàn bạc kỹ hơn thời gian tới nhằm có thể giải quyết được các vấn đề liên quan đến hỗ trợ tìm và giải quyết việc làm cho đối tượng này.

Thành Duy