Nỗi khổ của những người mất việc, chạy ăn từng bữa vì Covid-19

Mỹ Hà - Thanh Nga 19/04/2020 19:18

(Baonghean) - Dưới ảnh hưởng của dịch Covid -19, cuộc sống của hàng chục nghìn lao động và hàng nghìn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, hàng chục ngàn người yếu thế, người nghèo và cận nghèo cũng khốn đốn vì không thể mưu sinh giữa đại dịch.

Từ những đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội

Chị Nguyễn Thị Nga, quê ở xã Hồng Long (Nam Đàn) bị suy thận nặng, đã có 12 năm phải chạy thận tại các bệnh viện lớn, nhỏ. Không chồng, không con, cũng không nghề nghiệp, lại luôn phải có người thân hỗ trợ chi phí để đảm bảo cuộc sống, nên chị là đối tượng được nhận bảo trợ xã hội nhiều năm nay. Đã nhiều năm chị gắn bó với xóm trọ chạy thận phía sau Bệnh viện 115, cùng với ki- ốt nhỏ để kiếm thêm tiền chi phí thuốc men. Thế mà, hơn 3 tháng nay ki-ốt của chị ít khách, tiền thuốc men, sinh hoạt cho mỗi ngày chạy thận vì thế chật vật hơn nhiều.

Bệnh nhân chạy thận đa phần thuộc đối tượng bảo trợ hoặc hộ nghèo
Bệnh nhân chạy thận đa phần thuộc đối tượng bảo trợ hoặc hộ nghèo. Ảnh: Mỹ Hà

“Mỗi tháng tôi cần ít nhất 4,5 - 5 triệu tiền thuốc, chưa kể chi phí sinh hoạt, ăn uống, nhưng lại không làm được gì, chỉ trông chờ mỗi ki-ốt nhỏ này. Thế nhưng, những ngày cách ly này người mua ít, và tôi cũng không đi nhập hàng được nhiều nên hầu như không có thu nhập. Tất cả chỉ trông mong tiền trợ cấp hàng tháng và tiền của cô em gái cho”, chị Nga cho hay.

Xóm chạy thận này hiện có hơn 8 người, đã ở giai đoạn cuối, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều có chung cái sự nghèo đói, cô đơn và bệnh tật hành hạ triền miên. Cứ cách mỗi ngày họ phải đến viện chạy thận, xong lại trở về xóm trọ rau cháo qua ngày, rồi lại chờ cữ chạy thận tiếp theo. Chị Lương Thị Tuân, quê ở xã Quang Phong (Quế Phong), dân tộc Thái cho biết: “Mỗi tháng chỉ nhận được 1,1 triệu đồng tiền trợ cấp và chồng con phải gửi thêm xuống mới đủ sinh hoạt, nhưng dịch dã thế này chồng ở trên quê cũng không kiếm ra việc làm thêm nên không có tiền chu cấp nữa”.

Các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội gặp nhiều khốn khó trong những tháng vừa qua. Ảnh: Thành Cường

Gia đình ông Nguyễn Thanh Bình ở xã Hưng Chính (TP. Vinh) là đối tượng đang được hưởng chế độ chất độc màu da cam cũng vô cùng khốn khó trong những tháng vừa qua. “Trước khi có dịch tôi cũng được người ta thuê làm phụ hồ, nhưng nay thực hiện giãn cách xã hội thì mọi công trình đều ngưng nên không có việc. Nhà có tới 6 miệng ăn, cả 3 con đều ảnh hưởng chất độc, nhưng thực tình không biết bấu víu vào đâu khi đồng trợ cấp chỉ 950.000 đồng/tháng, còn không đủ tiền thuốc cho đứa nhỏ bị động kinh”. Ông Tạ Quang Dư - Chủ tịch Hội Chất độc da cam TP. Vinh cho biết: “Những đối tượng bị tật nguyền do ảnh hưởng chất độc da cam phần lớn là hộ nghèo, nếu dịch còn diễn biến phức tạp, kéo dài thì họ sẽ không còn khả năng lo cho bữa ăn hằng ngày”.

Đến những công nhân và lao động tự do

Dãy phòng trọ của hơn 100 công nhân tại Khu Công nghiệp Bắc Vinh trong những ngày này vắng vẻ hơn bình thường. Gần 6h chiều, trước đây vốn là thời điểm giao ca, anh em công nhân nhộn nhịp tan ca, chuẩn bị cho bữa cơm chiều thì nay khung cảnh đìu hiu, số phòng trọ đang có người sinh hoạt chỉ còn lại non nửa.

Lao động tự do là đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Thành Cường

Ngồi trong căn phòng cũ kỹ, anh Trần Xuân Kỷ, trú ở huyện Thanh Chương cho biết, từ khi có dịch Covid-19 đến nay anh và nhiều công nhân khác ở công ty đều phải nghỉ cách nhật do không có việc làm. Thu nhập cũng đã giảm hơn một nửa dù anh làm ở bộ phận kỹ thuật ở một công ty ô tô của Hàn Quốc khá có tiếng.

“Từ hơn 2 tháng nay, mọi hoạt động của công ty chúng tôi đều bị tác động bởi dịch Covid - 19 và người lao động là đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng. Bản thân chúng tôi may mắn vẫn đang được công ty tạo việc làm, nhưng do ít khách hàng nên 1 tuần mỗi người chỉ làm vài ngày và mức lương hiện nay không đủ để chi phí vì chỉ còn lại khoảng 3 triệu đồng/người’,

Anh Trần Xuân Kỷ - huyện Thanh Chương

Kề sát bên phòng của anh Kỷ là căn phòng trọ tuềnh toàng và khá đơn sơ của chị Vương Thị Hương - công nhân của Công ty TNHH Sangwoo Việt Nam, đóng tại Khu Công nghiệp VSIP. Hoàn cảnh của chị khá đặc biệt, khi chưa đến 25 tuổi đã ly hôn và có 1 người con đang gửi ở ông bà nội tại Yên Thành. Từ sau tết đến nay, để có thêm thu nhập, chị từ Yên Thành vào TP. Vinh thuê nhà và xin vào làm ở công ty may. Thế nhưng, đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp đều bị tác động của dịch Covid-19 nên công việc của chị cũng thất thường, bữa có, bữa không. Riêng 2 tuần giãn cách xã hội, hầu như chị đều phải ở nhà vì công ty không hoạt động. Chị Hương cũng cho biết: “Ở quê đợt này doanh nghiệp may cũng khá nhiều nhưng thu nhập ở các công ty đều rất thấp. Chính vì thế, dù phải xa con tôi cũng cố gắng vào TP.Vinh làm việc để hy vọng có thêm đồng lương cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh thế này chúng tôi rất vất vả và không biết tiền lương có đủ để chi trả cho tiền phòng trọ, tiền ăn ở, sinh hoạt hay không nữa...”.

Nhiều công nhân ở khu công nghiệp bị giảm thu nhập do công việc bị gián đoạn vì dịch Covid-19. Ảnh: Mỹ Hà

Việc thu nhập của nhiều công nhân, lao động bị giảm sâu xuất phát từ khó khăn của các doanh nghiệp trước tình hình dịch Covid-19, đặc biệt là với những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, giao thông vận tải... Trong số 150 doanh nghiệp thuộc Hội Doanh nghiệp trẻ Nghệ An, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng lên đến hơn một nửa. Trong đó, có những doanh nghiệp kinh doanh bị giảm đến 70 - 80% (vận tải) hoặc chấp nhận lỗ, không có việc làm như với lĩnh vực du lịch, giáo dục.

“Dịch bệnh đến bất ngờ khiến nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay và uớc tính doanh thu giảm 50 - 100% so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi cũng lo ngại, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài và không có các giải pháp hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn thì có thể nhiều doanh nghiệp có nguy cơ dừng sản xuất, thậm chí phá sản trên diện rộng”.

Ông Trần Vĩnh Quỹ - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ

Còn tại Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An, hiện đã có 8 nhà đầu tư đi vào hoạt động và 7 nhà đầu tư đang xây dựng nhà máy. Hiện hầu hết các doanh nghiệp này đều đang phải đối mặt với nhiều vấn đề gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó chủ yếu là do thiếu hụt nguyên liệu và nguồn lao động địa phương. Tại thời điểm này, trong khu công nghiệp đã có 1 nhà máy phải tạm dừng sản xuất vì thị phần giảm sút nghiêm trọng.

Do thiếu nguyên liệu đầu vào và hạn chế xuất khẩu nên ngành may mặc chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Ảnh: Hà Nga

“Căn cứ Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Công điện số 02/CĐ-LĐTBXH ngày 3/4/2020 của Bộ LĐ-TB&XH về tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống đại dịch Covid-19 trong đợt cao điểm, chúng tôi đã cho rà soát các đối tượng được thụ hưởng trên tinh thần khẩn trương nhưng không bỏ sót và không sai người”.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, ông Đoàn Hồng Vũ

Mỹ Hà - Thanh Nga