Công ty cổ phần Mía đường Sông Con kết thúc vụ ép sớm, chăm sóc tốt mía lưu gốc

Bài: Xuân Hoàng - KT: Lâm Tùng 24/04/2020 09:17

(Baonghean) - Đầu tháng 4/2020, Công ty cổ phần Mía đường Sông Con đã kết thúc vụ ép 2019 - 2020. Thu hoạch xong mía nguyên liệu, người trồng mía ở huyện Tân Kỳ đã bắt tay ngay vào chăm sóc mía lưu gốc; tiến hành làm đất để trồng lại, trồng mới diện tích mía nhằm ổn định vùng mía nguyên liệu.

Khẳng định ưu điểm của máy thu hoạch mía

Lần đầu tiên áp dụng thu hoạch mía bằng máy liên hoàn trên vùng nguyên liệu, Công ty cổ phần Mía đường Sông Con đã kết thúc vụ ép sớm hơn các năm trước.

Thu hoạch bằng máy đã thực sự giải quyết khâu thiếu nhân lực, vừa giảm chi phí và đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cho người trồng mía. Vì thế, những hộ dân có nhiều diện tích mía không còn cảnh lo lắng, vất vả như trước, thay vào đó là ung dung chờ máy đến thu hoạch một cách nhanh gọn, đảm bảo không bị thất thoát mía.

Các địa phương trên địa bàn huyện Tân Kỳ dồn điền đổi thửa để áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất mía nguyên liệu. Ảnh Xuân Hòa
Các địa phương trên địa bàn huyện Tân Kỳ dồn điền, đổi thửa để áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất mía nguyên liệu. Ảnh Xuân Hòa

Gia đình bà Đặng Thị Tịnh ở xóm Xuân Sơn, xã Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ) có 3 ha mía đều được thu hoạch bằng máy. Bà cho biết, máy thu hoạch đến đâu vận chuyển về nhà máy đến đó, không để chất đống lâu ngày như trước; cây mía được chặt sát gốc, không bị lãng phí; đặc biệt không còn lo phải thuê mượn nhân công và chi phí thu hoạch giảm hơn trước. Tuy nhiên, có nhược điểm, nếu trời mưa là máy không thu hoạch được. “Với người trồng mía, khó khăn, vất vả nhất là khâu thu hoạch, vì vậy, khi đã có máy vào thu hoạch thì người trồng mía ít phải bỏ nhiều công sức như trước. Do vậy, vụ sau gia đình tiếp tục thuê máy thu hoạch” - bà Tịnh chia sẻ.

Ông Nguyễn Bá Quý - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sông Con cho biết: Đến ngày 7/4, đơn vị đã kết thúc thu mua mía nguyên liệu cho bà con, sớm hơn dự kiến khoảng 10 ngày. Niên vụ mía năm nay năng suất mía không cao, sản lượng mía vụ này của đơn vị đạt khoảng 320.000 tấn, thấp hơn các năm trước, tuy nhiên, cây ít sâu bệnh, chất lượng mía tốt, hàm lượng đường cao, sản lượng đường vụ ép này đạt 32.000 tấn.

Việc kết thúc vụ ép sớm sẽ tạo điều kiện cho bà con có nhiều thời gian chăm sóc mía hơn. Vì vậy, ngay sau khi kết thúc vụ ép, Công ty vận động bà con chăm sóc mía kịp thời vụ đối với gần 1.000 ha mía trồng mới và hơn 4.000 ha mía lưu gốc. Năm đầu thử nghiệm đưa máy thu hoạch mía vào hoạt động, cho thấy hiệu quả rõ rệt, nhất là đối với những thửa mía khô đất. Suốt cả vụ thu hoạch, hầu như máy hoạt động hết công suất, vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của người trồng mía. Ước tính, cả vụ ép có tới 10.000 tấn mía nguyên liệu được thu hoạch bằng máy. Dự kiến vào vụ ép tới, Công ty sẽ hợp đồng thêm máy về phục vụ bà con.

Nông dân Tân Kỳ chăm sóc mía sau thu hoạch. Ảnh Xuân Hoàng
Nông dân Tân Kỳ chăm sóc mía sau thu hoạch. Ảnh Xuân Hoàng

Chăm sóc mía kịp thời vụ

Thu hoạch mía nguyên liệu đến đâu, bà con triển khai ngay việc trồng mía và chăm sóc mía lưu gốc ngay sau đó.

Ông Nguyễn Bá Quý - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sông Con cho biết thêm: Để bà con trồng và chăm sóc mía đúng quy trình kỹ thuật, đội ngũ cán bộ nông vụ của công ty đang tích cực bám địa bàn để hướng dẫn kịp thời, nhằm tạo vùng mía nguyên liệu cho nhà máy vụ sau đạt cả 2 tiêu chí diện tích và sản lượng, phấn đấu có vụ ép thắng lợi trong niên vụ 2020 - 2021.

Cán bộ nông vụ của Công ty CP Mía đường Sông Con trao đổi thời gian thu hoạch mía với bà con. Ảnh: Thanh Phúc

Ngay khi thu hoạch xong, cán bộ nông nghiệp huyện Tân Kỳ và các xã cùng với Công ty cổ phần Mía đường Sông Con tăng cường cán bộ xuống cơ sở phối hợp chặt chẽ với cán bộ nông vụ hướng dẫn bà con tranh thủ thời tiết thuận lợi, có mưa tập trung dặm lại khoảnh mía chết, chăm sóc sớm đối với diện tích mía lưu gốc; trồng mới, trồng lại diện tích mía đã già cỗi, năng suất thấp. Việc tập trung chăm sóc sớm, đúng quy trình kỹ thuật đối với mía lưu gốc sẽ giúp mía sinh trưởng tốt, người nông dân tiết kiệm được chi phí.


Gắn bó với cây mía nhiều năm, ông Nguyễn Văn Tuất ở xóm Mai Tân, xã Nghĩa Hoàn đã có nhiều kinh nghiệm chăm sóc mía lưu gốc. Ngay khi thu hoạch hết diện tích mía, ông đốt sạch lá, cỏ tạp và thực hiện cày móc hai bên luống mía. Theo ông Tuất, cày móc sẽ làm đất tơi xốp, đồng thời làm đứt bớt rễ cũ, kích thích gốc mía phát triển rễ mới, nảy mầm nhanh. Ông còn đào bỏ những khóm mía bị sâu, bệnh hại để dặm lại bằng mía mới, bảo đảm mật độ gốc mía ở luống.

Giống mới SJC 2 được Công ty đưa vào trồng trong vụ thu đông 2019 - 2020. Ảnh: TP - XH

Anh Lê Văn Quý - cán bộ nông vụ được giao phụ trách địa bàn xã Đồng Văn (Tân Kỳ) cho biết, năm nay đầu vụ có nhiều mưa, thuận lợi cho việc chăm sóc cây mía. Anh đã trực tiếp hướng dẫn bà con cách chăm sóc mía kịp thời, đúng cách, đặc biệt đối với mía lưu gốc, bà con cần cày xả gốc càng sớm càng tốt, sau đó bón phân hợp lý để cày úp. Đồng thời, kiểm tra nếu gốc nào mọc nhiều mầm thì chọn những mầm to để lại, cắt bỏ những mầm nhỏ yếu, đảm bảo mật độ mía vừa phải.
Khuyến cáo người trồng mía, ông Nguyễn Bá Quý cho rằng, thời điểm này thời tiết có mưa, độ ẩm không khí cao là điều kiện cho bọ trĩ, bọ hung đen, sâu đục thân… phát sinh gây hại. Bà con cần thăm đồng, theo dõi thường xuyên.

Hiện nay, vùng mía nguyên liệu của Công ty cổ phần Mía đường Sông Con trồng chủ yếu 2 giống mía mới là LK 9211 và KK2. Ưu điểm của 2 giống mía này là khả năng mọc mầm khỏe, nhanh và tập trung, sức đẻ nhánh mạnh, tốc độ vươn lóng nhanh. Sức tái sinh tốt, chống chịu tốt với sâu đục ngọn, sâu đục thân… chống chịu gió bão khá tốt, hàm lượng đường cao.

Bài: Xuân Hoàng - KT: Lâm Tùng